Người điên ở trại tâm thần nam hát cho nhau nghe
Chuyện Cấm Cười - Theo Lao Động
Người ta gọi vợ chồng ông Bùi Văn Thu, bà Trần Thị Tươi - chủ nhân cơ sở
bảo trợ tư nhân Trọng Đức ở Lâm Đồng - là hai người “điên”. Lý lẽ rằng,
chỉ có “người điên” mới bao nhiêu năm nay chạy vạy nuôi ăn ở miễn phí
hơn 400 người bị tâm thần trong nhà mình, mà “nguồn lợi” duy nhất vợ
chồng họ thu lại được chỉ là niềm vui, cảm giác hạnh phúc khi chứng kiến
sự hồi sinh kỳ diệu từ những “bệnh nhân” của mình...
Theo tiếng gọi người điên
Trước khi đến cơ sở bảo trợ xã hội tư nhân Trọng Đức ở xã Bình Thạnh,
huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), tôi đã hình dung đó là một trại nuôi nhốt
người tâm thần với toàn những chuyện kinh hãi. Nhưng lạ thay, 400 bệnh
nhân tâm thần nam, nữ ở hai khu riêng biệt đều rất hiền lành, vô hại,
thậm chí bảo gì nghe nấy. Ở đây tôi chỉ thấy người điên đi loanh quanh,
vừa đi vừa hát. Có anh ngồi trong góc lắng nghe bạn hát, ngắm nhìn bạn
đi... 11 giờ trưa, chiếc loa phóng thanh chậm rãi phát hiệu lệnh: “Tất
cả đi rửa tay, xếp hàng trật tự vào nhà ăn”. Vậy là hàng trăm người điên
lục tục ra bể nước rửa tay, rồi vào phòng ăn ngồi trật tự như những đứa
trẻ ngoan. Bà Trần Thị Tươi nói: “Ở nhà bướng bỉnh, hung hăng vậy, chứ
vào đây là hiền như cục đất”.
Trước mặt tôi là bệnh nhân Nguyễn Mạnh Cường, 37 tuổi - nhà chỉ cách
cơ sở bảo trợ xã hội Trọng Đức hơn cây số - đang ngồi ăn từ tốn, vui vẻ
trả lời phần lớn các câu hỏi đơn giản của tôi. Vậy mà lúc ở nhà, gia
đình phải nhốt anh ta với một dây xích to bằng cổ tay. Mỗi lần thả ra,
Cường nhảy chồm chồm, thấy bất cứ ai cũng lao vào bóp cổ, cắn xé...
Ông
Nguyễn Văn Hùng - bố của Cường - kể lại: “Nó bị bệnh nhưng khỏe lắm, mỗi
lần lên cơn điên là không ai giữ nổi. Một lần bứt xích chạy qua nhà
dòng đập phá, tôi huy động 5 thanh niên không làm gì nổi, kêu thêm 5 đứa
nữa mới vật được nó ra xích lại.
Trong nhà này nó đánh tôi nhiều nhất,
vì nó ghét đàn ông, mà tôi là thằng đàn ông duy nhất gần gũi nó.
Ban đêm
nó hú vang như chó sói, cả xóm này không ai ngủ được. Hồi mẹ nó mất, cơ
sở cho về chịu tang, ở nhà được một lúc, nó vác dao đuổi chém người ta,
tôi phải gọi cho cơ sở xuống đưa nó đi gấp.
Lúc đi Bệnh viện Tâm thần
trung ương 2, bác sĩ bảo nó bị đứt một dây thần kinh rồi, suốt đời không
chữa được. Vậy mà gửi cho ông Thu, nó hiền khô, sai bảo gì cũng làm.
Mỗi lần tôi vào thăm, nó còn nói chuyện tử tế lắm”.
|
Đang trò chuyện với PV Lao Động, ông Bùi Văn Thu nghe điện thoại của một gia đình ở Đồng Nai xin gửi bệnh nhân tâm thần. | |
Ở cơ sở bảo trợ xã hội Trọng Đức, tôi còn gặp một anh Cường nữa -
Nguyễn Huy Cường, 24 tuổi, quê xã Đồng Tiến, huyện Triệu Sơn (Thanh
Hóa). Anh này cũng được cơ sở đánh giá là hiền lành, chăm chỉ quét sân,
lau nhà, rửa chén bát, biết gọi dạ bảo vâng. Ông Nguyễn Huy Sân - bố của
Nguyễn Huy Cường - cho biết, lúc ở nhà Cường bị bệnh hoang tưởng, gặp
ai cũng tưởng kẻ thù, chính ông cũng “no” đòn với con trai.
Mỗi năm
Cường đi bệnh viện tâm thần vài tháng, nhưng về một thời gian lại tái
phát, lần sau nặng hơn lần trước. “Nhưng từ khi vào đây nó bỗng hiền
khô, bảo gì cũng vâng lời, chưa bao giờ chửi hoặc đánh ai mới lạ chứ”.
Vợ chồng ông Sân là cán bộ về hưu, 3 con gái đều đỗ đạt và có gia
đình riêng, Cường là con trai độc nhất. Đã 6 năm nay, từ khi Cường mắc
bệnh tâm thần, vợ chồng ông Sân cũng đến cơ sở bảo trợ xã hội Trọng Đức ở
hẳn, không thiết về quê. Ông Sân nhận xét: “Bệnh nhân ở đây ngoan hơn
đến bảy, tám chục phần trăm so với các bệnh viện tâm thần mà tôi biết. Ở
bệnh viện tâm thần chẳng đêm nào tôi ngủ được, vì họ la hét, đập phá,
nhưng vào đây lại ngủ rất ngon. Mà đây toàn bệnh nặng, gia đình chạy
chữa khắp nơi không khỏi mới đưa vào”.
Đến “nhà điên”... hết điên
Điều kỳ diệu là không ít người tâm thần, sau một thời gian được ông
Thu, bà Tươi chăm sóc đã khỏi bệnh, trở về xây lập cuộc sống mới. Cũng
có người không chịu về như ông Trần Hoàng Lương - trú phường 4, thành
phố Đà Lạt (Lâm Đồng). Ông Lương tâm sự: “Tôi bị tâm thần nặng, người
nhà phải xiềng xích chân tay suốt 15 năm, đây còn những vết sẹo sâu đến
tận xương.
Sau bao năm sống u mê tăm tối, chính nơi này đã cho tôi trở
lại làm người. Giờ tuổi đã lớn, không vợ con, tôi xin ở lại trả nghĩa
cho ông bà Thu, cũng là để chăm sóc những người điên khốn khổ như tôi
một thời”.
Số bệnh nhân khác sau một thời gian điều trị bệnh đã thuyên
giảm hẳn, nhiều người ra ngoài lao động tự do, chỉ trưa và tối mới trở
về nhà ông Thu ăn cơm, nghỉ ngơi. Ông Nguyễn Huy Sân nhận định, con trai
ông vẫn chưa khỏi hẳn, nhưng bệnh đã giảm được sáu, bảy mươi phần trăm
so với lúc ở nhà.
Mắt ông sáng dần lên với câu chuyện của mình: “Trước
cứ nhìn thấy tôi là nó lao vào đánh, còn bây giờ hai bố con nằm chung,
tâm sự đủ thứ chuyện rồi mới ngủ. Tôi nhắc chuyện lúc nó còn bé, nó nghe
xong công nhận bố nói đúng.
Nó hỏi ở quê bây giờ ra sao, ai còn, ai
mất, cái chuồng heo bị nứt đã sập hay vẫn còn... Nó được như vậy, tôi
mừng rơi nước mắt. Tôi tin rồi con tôi sẽ khỏi bệnh, như các trường hợp
mà tôi được chứng kiến trong 6 năm ở đây”.
Tôi hỏi có bí quyết gì chữa bệnh tâm thần không, ông Bùi Văn Thu lắc
đầu: “Có bí quyết gì đâu. Tôi chỉ nghĩ nơi này khí hậu mát mẻ, thích hợp
với bệnh nhân tâm thần, có câu nóng quá hóa điên mà. Mặt khác, chắc
phương pháp chữa bệnh mà tôi tự nghĩ ra cũng có phần đúng.
Đó là lao
động hợp lý giúp người bệnh an thần, cải tạo trí nhớ, khôi phục các năng
lực hành vi đã mất.
Tôi còn tập hát cho bệnh nhân nữa, mỗi tuần hai
buổi. Bệnh nhân hát không hay, nhưng họ thích hát lắm. Khi hát họ vui,
nhờ vậy đỡ căng thẳng thần kinh...”. Còn bà Trần Thị Tươi cho biết,
ngoài ăn uống theo chế độ bình thường ngày 3 bữa, tất cả các bệnh nhân
đều được uống một loại thuốc an thần nhẹ vào buổi tối cho dễ ngủ.
Chính
ông Nguyễn Huy Sân là người được ông Thu, bà Tươi giao nhiệm vụ phát
thuốc, vì lúc đi bộ đội ông Sân làm y tá. Ông Sân cho biết, đó là viên
nén Aminazin - một loại dược lý hướng tâm thần, không có vai trò quyết
định đối với bệnh nhân ở đây.
Chủ nhà cũng hết “điên”
Việc ông Thu, bà Tươi nhận người điên về chăm sóc, nuôi dưỡng miễn
phí ban đầu cũng rất tình cờ.
Trong chuyến đi từ thiện ở xã vùng sâu
Liêng S’rôn (huyện Đam Rông) 7 năm về trước, bà Tươi gặp một người đàn
ông tâm thần bị nhốt trong cũi sắt. Bà Tươi rơi nước mắt, rồi xin đưa về
chăm sóc, coi như cứu mạng người.
Đó là ông Chu Ru, người dân tộc K’Ho,
hiện đang sống tại cơ sở Trọng Đức, không phải nhốt nữa. Sau Chu Ru, vợ
chồng bà Thu nhận thêm một số người nữa. Rồi nhà cửa chật chội, vợ
chồng bà Tươi phá vườn cà phê làm nhà cho họ ở riêng.
Tiếng lành đồn xa,
nhiều gia đình khắp trong nam, ngoài bắc lần lượt đưa thân nhân mắc bệnh
tâm thần đến nhờ cậy.
Người tốt bụng gặp người tâm thần lang thang cũng
dẫn về gửi ông bà chăm sóc. Căn nhà ấy cứ rộng dần, cho đến khi UBND
huyện Đức Trọng ra quyết định cho phép thành lập
cơ sở bảo trợ xã hội tư
nhân Trọng Đức vào năm 2006.
Hiện cơ sở Trọng Đức có 14 người làm việc
chuyên trách, 50 người làm việc không thường xuyên, tất cả đều làm từ
thiện. Tôi hỏi tiền đâu nuôi hơn 400 người bệnh, mỗi ngày hết 6 - 7
triệu đồng, ông Thu chìa cuốn sổ ghi chép số tiền, quà của các đoàn từ
thiện đến thăm.
Bà Tươi nói thêm: “Khi thiếu đói được các vựa gạo bán
chịu không lãi, các vựa rau cho không lấy tiền, vật liệu xây dựng cũng
được mua giá rẻ... Nhiều người bảo tôi có nguồn tiền nước ngoài, mà thực
tế tôi có gì đâu”.
Nhớ lại những ngày đầu, ông Thu kể: “Gia đình nào có người tâm thần
cũng muốn đưa vào cơ sở xã hội để tránh bị hành hung, để yên cửa yên
nhà, còn mình lại tìm người điên đưa về nuôi dưỡng.
Bởi vậy, người dân
vùng này nói vợ chồng tôi có vấn đề về thần kinh, rồi chữ “điên” được
người ta gắn luôn vào sau tên chúng tôi”.
“Điên” vậy đấy, nhưng với tình yêu thương vô điều kiện, ông Thu, bà
Tươi đã làm nên những điều kỳ diệu, trở thành ân nhân của hàng trăm gia
đình có bệnh nhân tâm thần nặng.
Tôi không nhịn được cười khi chia tay
tôi, ông Thu ghé tai nói nhỏ: “Nói vậy thôi chứ bữa này không còn ai gọi
vợ chồng tui là người điên nữa rồi. Cuối cùng thì họ cũng hiểu...”.
Hội cơ sở bảo trợ tư nhân Trọng Đức, Q. Lâm đồng, Thành phố Đà Lạt.