Pages
▼
Thursday, March 1, 2012
BIẾN CHUYỂN TẠI MIẾN ĐIỆN
Sau một năm đã gây nhiều kinh ngạc, mức độ thay đổi tại Miến Điện vẫn còn có thể tạo sửng sốt cho các nhà quan sát. Và một trong những điều đó là chuyến công du của ngoại trưởng Hillary Clinton.
Lần cuối cùng mà một ngoại trưởng Hoa Kỳ đến thăm Miến Điện là vào năm 1955, và vị Ngoại trưởng lúc đó là ông John Foster Dulles, nhân vật huyền thoại ngành ngoại giao Hoa Kỳ, mà cái tên này thường xuyên tiếp đón du khách quốc tế đến thăm thủ đô Washington qua phi trường mang tên ông.
Khi chiếc phi cơ màu xanh trắng đặc biệt của bà ngoại trưởng hạ cánh xuống phi trường của thủ đô Naypyidaw, nằm trong rừng núi mà các ông tướng đã xây dựng vì sợ dân chúng của cố đô Yanggoon, hành trình của bà đã là đỉnh cao của một sự thay đổi và chuyển hướng thật đáng ngạc nhiên của một quốc gia vốn đã bị thế giới ruồng bỏ, kể từ khi các ông tướng dành quyền lực trong cuộc đảo chánh năm 1962, mở đầu cho nhiều thập niên của một chế độ độc tài quân phiệt tàn bạo.
Những thay đổi đã gia tốc mấy tháng nay. Hôm 18 tháng 11 vừa qua, chỉ một năm sau, khi lãnh tụ của họ, bà Aung San Suu Kyi, được trả tự do, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ ( NLD ) tuyên bố sẽ chính thức tham gia chính trị và sẽ cử ứng viên ra tranh chỗ tại cuộc bầu cử Quốc hội bổ túc sắp xảy ra.
Mới năm ngoái, đảng NLD đã tẩy chay cuộc bầu cử của các ông tướng, với lý lẽ cuộc bầu cử này chỉ là một phương thức để các ông tướng hợp thức hoá sự cai trị của họ. Lúc đó, đảng bị cấm hoạt động. Nay đảng nói là đã hài lòng về những thay đổi trong luật lệ bầu cử, và chính quyền thì cũng có vẻ hài lòng, để cho đảng không bị cấm hoặt động nữa. Bà suu Kyi nói là bà sẽ ra ứng cử. Bà được toàn dân ngưỡng mộ và sự tham dự của bà trong cuộc bầu cử sẽ giúp cho quốc hội và chính quyền một chính nghĩa mà cho đến bây giờ.... họ vẫn chưa có, tuy rằng nó vẫn còn bị chế ngự bởi các ông tướng cởi áo hay những người các ông đã chọn sẵn.
Trước đó, hôm cuối tháng 9, tổng thống Thein sein, một ông tướng cởi áo, một cựu thủ tướng vốn đã cầm quyền trong giai đoạn đàn áp cuộc cách mạng Áo vàng, đã gây ngạc nhiên cho toàn thế giới và cho chính nhân dân Miến Điện.... khi ông tuyên bố " vì nguyện vọng của nhân dân " đình chỉ việc xây dựng đập Myitsone sát biên giới với Trung quốc, mà nếu hình thành sẽ giết chết con sông Irrawarddy, con sông huyết mạch của Miến Điện.
Và nhờ những hành động này, ông Thein Sein đã được Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Asean ) để tưởng thưởng, ông đã được hứa... sẽ được làm chủ tịch luân phiên của hiệp hội vào năm 2014, tức là năm đó ông sẽ mời cả thế giới đến Miến Điện trong vai chủ nhà. Đây là một sự khai phá ngoại giao thật ngoạn mục. Trước đây, mỗi lần Miến Điện lên tiếng đòi được vào vai trò chủ tịch luân phiên của hiệp hội là đã bị chống. Asean sợ là thành tích bất hảo của Miến Điện sẽ bị thế giới tẩy chay. trung quốc, Nga có thể đến, nhưng Hoa Kỳ, Úc và các đồng minh chắc chắn sẽ tẩy chay.
Nhưng phải nói sự ủng hộ lớn nhất đến vào ngày 19 tháng 11 khi tổng thống Barack Obama loan báo ở Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, là Bộ trưởng Ngoại giao của ông, bà Hilary Clinton, sẽ viếng thăm Miến Điện vào ngày 1 tháng 12. Chính phủ Miến Điện lâu nay vẫn ao ước một cuộc viếng thăm cao cấp như vậy, mà họ hiểu là một tưởng thưởng cho việc họ đã rời bỏ chính sách độc tài quân phiệt. Nhưng cả Hoa Kỳ và Miến Điện còn bị thúc đẩy bởi cùng một yếu tố : Trung quốc.
Những năm tháng dài bị cô lập về ngoại giao và kinh tế đã khiến Miến Điện bị áp chế bởi ông khổng lồ láng giềng phương bắc vốn không ngần ngại gì trong việc làm ăn với quốc gia láng giềng giàu tài nguyên nhưng yếu ớt này. Một số người Miến Điện nay muốn giảm bớt sự lệ thuộc vào Trung quốc.
Họ hy vọng là sau chuyến công du của bà Clinton, trừng phạt của Tây phương sẽ giảm thiểu và đầu tư từ các đại công ty của Tây Phương vẫn thèm muốn sẽ tràn vào.
Hoa Kỳ ngược lại hy vọng sẽ tách Miến Điện ra khỏi quỹ đạo của Trung quốc và trở thành một phần của chiến lược mới của Hoa Kỳ hướng về Á Châu.
Chuyến công du của bà ngoại trưởng sẽ mở ra một chiến trường mới cho sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và trung quốc. Hiện nay Bắc Kinh vẫn đang theo dõi việc Washington xích lại gần với quốc gia mà họ coi như là chư hầu ở phương nam này... một cách đầy nghi ngờ.
Một chi tiết nhỏ về chuyến đi này cho chúng ta thấy Miến Điện còn " chậm tiến" đến mức nào. Bà Clinton đã phải vội vã rời Nam Hàn để kịp đến thủ đô Miến điện trước khi hoàng hôn xuống. Phi cơ sẽ phải cất cánh bay sang Bangkok, vì các viên chức Hoa Kỳ sợ là không có đủ an ninh tại chỗ để bảo đảm an toàn cho phi cơ.
Chào đón bà Ngoại trưởng ở phi trường là một phái đoàn viên chức nhỏ, trong một cuộc tiếp đón khá đơn giản. Có nhiều bảng hiệu chào đón, nhưng không phải là cho bà Ngoại trưởng mà là cho tổng thống Belarus mà chuyến công du sẽ sắp xảy ra. Phi cảng, mà thực sự chỉ là một phi trường nhỏ xíu của một thành phố chưa xây xong, trông rất thô sơ.
Quang cảnh chào đón bà Ngoại trưởng trên đường từ phi trường về, toàn là đồng ruộng với một số nhà cửa đang còn xây cất dở dang. Con đường đi vào thủ đô cũng còn gập ghềnh đầy ổ gà. Ở mỗi ngả tư đường, các ông cảnh sát nghiêm chỉ chặn đường, có điều xe cộ chẳng có nên cũng chỉ là hành động tượng trưng.
Các viên chức Hoa Kỳ thì nói là bà clinton sẽ đặt ra cho các ông tướng những cái mốc mà nếu các ông thi hành, thì Hoa Kỳ sẽ tiếp tục ủng hộ thêm. Một trong những cái mốc đó là thả thêm các tù nhân chính trị và đạt tiến bộ trong việc chấm dứt cuộc chiến đẩm máu với các sắc tộc thiểu số trước khi washington tính chuyện hủy cấm vận kinh tế đã được áp đặt từ hai thập niên nay.
Một số cử chỉ đầu tiên có tính biểu tượng, về phía Hoa Kỳ có thể là hủy việc cấm các quan chức Miến Điện đi chơi hay chỉ định một đại sứ thực sự thay vì chỉ là một tùy viên xử lý thường vụ. Hoa Kỳ hy vọng những cử chỉ đó sẽ giúp tăng cường cho phe chống Trung quốc, chủ trương canh tân.
Và quan trọng nhất, bà Cliton sẽ nói chuyện nhiều với bà Suu Kyi. Bà sẽ gặp gỡ vị lãnh tụ đối lập của Miến Điện hai lần, một lần dùng cơm vào thứ năm và một cuộc họp chính thức vào thứ sáu.
Nói chung đây sẽ là một chuyến đi đáng ghi nhớ của lịch sử.
Vũ Uyên
No comments:
Post a Comment