Pages
▼
Tuesday, March 12, 2013
TÌNH YÊU CẦN SỰ CẢM THÔNG VÀ THA THỨ
Tuần Báo Mới
Khi mới yêu nhau, hai người sẽ nói bao nhiêu lời hứa hẹn yêu thương? Và khi lấy nhau rồi, cuộc sống vợ chồng với biết bao thăng trầm để thực hiện lời nguyện ước sẽ mãi mãi bên nhau.
Các nhà tâm lý học phân tích một số nguyên nhân làm cho vợ chồng thường tranh cãi thì 3/4 nguyên nhân là một bên thường xuyên trách móc hoặc chỉ trích do phát hiện sai lầm của đối phương, có sai lầm do vô tình và cũng có sai lầm đã cố ý...Người bị chỉ trích thấy không phục nên tìm cách giải thích và cuối cùng chỉ trích lại đối phương, làm cho cả hai người càng bực nhau thêm. Rất nhiều cặp vợ chồng rạn nứt tình cảm do cãi nhau, trách móc lẫn nhau.
Thường thì, khi làm sai rõ ràng, không thể đùn đẩy được trách nhiệm cho ai thì đành chịu, nhưng phần lớn mọi người đều có ý biện hộ cho những hành động của mình, khi bị người khác trách mắng và chỉ trích. Họ muốn biện minh để nói rõ tại sao mình đã làm sai. Bất luận ra sao để giảm bớt gánh nặng tâm lý khi bị chỉ trích. Tâm lý này, hình như là bản năng tự bảo vệ của của con người.
Trong nhiều trường hợp nó không đồng nghĩa với việc người bị lên án muốn đùn đẩy trách nhiệm, chỉ có những người kiêu ngạo, mới luôn cố ý đùn đẩy trách nhiệm cho người khác. Vì vậy, khi trách móc người phối ngẫu phạm sai lầm, hãy nên nghe lời giải thích của họ. Chứ đừng luôn miệng trách móc, nên tạo cơ hội cho đối phương giải thích.
Có lẽ, sai lầm của họ chưa đến mức để bạn nói nặng lời, nên nghĩ đó chỉ là một sai lầm nhỏ, ngay cả bạn, nhiều lúc cũng mắc phải những sai lầm như vậy. Nhưng dù cho đối phương có mắc sai lầm lớn thì bạn cũng không nên khẳng định chắc chắn bạn sẽ không bao giờ phạm những sai lầm lớn như thế.
Vì vậy, để giảm bớt những bất hoà giữa hai người do sai lầm gây ra, thì bạn không nên chỉ trích quá đáng. Hãy yên lặng lắng nghe đối phương kể rõ tất cả mọi việc, chăm chú nghe giải thích và an ủi, nhắc nhở đối phương lần sau đừng làm như vậy nữa. Lúc ấy, tuy người phạm lỗi vẫn cảm thấy nặng nề trong lòng, nhưng họ cũng cảm thấy được cảm thông và tạm thanh thản đôi chút, họ sẽ thầm cám ơn bạn. Thực ra, không ai tránh khỏi những lần sai phạm trong cuộc đời, vì chúng ta là con người.
Các cặp vợ chồng sống với nhau dễ chịu sẽ thoải mái, sẽ không chỉ trích lẫn nhau sống sẽ hạnh phúc. Tóm lại trong quan hệ vợ chồng điểm quan trọng cần có là:
* Tấm lòng khoan dung,
* Thông cảm
* Và tha thứ.
Còn nếu hai người đều có tính cách:
* Hẹp hòi
* So đo
* Tính toán
Thì cuộc sống gia đình thật khó yên ổn. Những cặp vợ chồng mới cưới chưa chuẩn bị tư tưởng sẵn sàng cho cuộc sống hôn nhân, luôn lý tưởng hóa cuộc sống, thì họ sẽ chán nản do một người hoặc cả hai người mắc những sai lầm nhỏ bé, đó là chuyện thường xảy ra. Bạn cũng không nên tùy tiện trách móc đối phương. Mặt khác, các cặp vợ chồng mới cưới cần chú ý tránh mắc những sai lầm, lớn nhỏ làm tổn thương đến tính tự tôn của đối phương và làm tổn thương đến tình cảm của hai người. Những sai lầm này không có nghĩa là làm vỡ hoặc mất một món đồ giá trị vài ngàn đồng, mà đã làm tổn thương đến tình cảm của hai người, vì như vậy, quan hệ vợ chồng sẽ thật u ám.
Nếu vợ đã nhiều lần chê chồng ăn mặc lôi thôi mà chồng vẫn không thay đổi, vợ tức giận nói "Anh chẳng ra sao cả, biết vậy thì tôi đã chẳng lấy anh". Câu nói này dễ làm tổn thương đến tự tôn của đàn ông. Và chắc chắn là họ sẽ đáp trả lại "Cô hối hận à. Vậy thì ly hôn đi". Cuối cùng thì cả hai bên đều bị tổn thương, nếu bạn mắc phải những sai lầm như trên, thì cần phải thẳng thắn thừa nhận với đối phương. Thái độ dám làm, dám chịu chân thành của bạn sẽ làm đối phương áy náy, không đành lòng trách móc bạn nữa.
Thẳng thắn thừa nhận sai lầm, sẽ bù đắp những tổn thương do chính bạn gây ra. Hiểu, tha
thứ và chịu đựng sai lầm của nhau sẽ tốt cho cả hai vợ chồng. Hai vợ chồng cần phải có mục tiêu, tư tưởng, phấn đấu chung, với một mối tình cảm hòa hợp cũng phải biết tự kiềm chế mình, biết vận dụng hợp lý để điều chỉnh tâm lý, từ đó, với những sai lầm của đối phương, không cãi nhau để phân biệt cao thấp, thắng bại mà là giúp đối phương nhận ra sai lầm để không tái phạm. Chỉ có cách giải quyết thỏa như vậy mới duy trì quan hệ vợ chồng được yên ấm, bảo đảm tình yêu lâu dài.
Vợ thường mong muốn chồng mình không có những hành vi như sau:
1/ Hút thuốc khi đã cai
2/ Uống rượu quá nhiều
3/ Chơi với những kẻ không đứng đắn
4/ Hay chửi đánh con cái
5/ Chỉ biết ngồi xem tivi, không giúp vợ làm việc nhà
6/ Về muộn
7/ Công việc bị khó khăn, là trút bực tức lên đầu vợ
8/ Tiêu tiền hoang phí, ảnh hưởng đến kế hoạch chi tiêu của gia đình
9/ Luôn độc đoán, không bao giờ bàn bạc với vợ
10/ Thân mật quá mức với đồng nghiệp nữ
11/ Thái độ của mình không ra gì, nhưng luôn trách vợ không dịu dàng
12/ Can thiệp thô bạo vào mối quan hệ xã giao của vợ
Chồng thường không muốn vợ có những hành vi như sau:
1/ Về muộn
2/ Trang điểm quá mức
3/ Thân mật quá mức với đồng nghiệp nam
4/ Khi chồng buồn phiền lại luôn nói nhiều
5/ Không hài lòng thì khóc lóc
6/ Chuyện gì cũng kể với mẹ đẻ
7/ Truy hỏi chuyện tiền bạc của chồng
8/ Đa nghi và hay ghen ghét
9/ Lạnh nhạt và thiếu kiên nhẫn
10/ Hay bới móc và coi thường chồng .
No comments:
Post a Comment