Pages

Wednesday, June 19, 2013

THẨM THÚY HẰNG "NGƯỜI ĐẸP CỦA MỘT THỜI QUÁ KHỨ"

             Thẩm Thúy Hằng giữa bên trái Túy Hoa, bên phải nghệ sĩ Năm Châu

Đoàn Dự - Theo Trẻ Magazine

Đời tư của các tài tử giai nhân luôn là chuyện hấp dẫn, ly kỳ đối với khán giả. Đã có một thời, "người đẹp Bình Dương" Thẩm Thúy Hằng được độc giả chú ý và cũng là đích nhắm của báo chí, họ theo dõi thì ít nhưng tưởng tượng thì nhiều, rồi đưa ra các tin tức như Thẩm Thúy Hằng thích màu gì?, thích ăn ở tiệm nào, thích đi nghỉ mát ở đâu, cặp bồ với ai, hay thích "sửa sang sắc đẹp" ở mỹ viện nào v..v...


        Thẩm Thúy Hằng trên bìa Phụ Nữ Diễn Đàn

Suốt hơn ba mươi thập kỷ, nổi danh là một nữ tài tử điện ảnh (với vai đầu tiên " người đẹp Bình Dương") và lấn sang cả địa hạt kịch nghệ (đứng đầu ban kịch Thẩm Thúy Hằng), cô trở thành người của công chúng, được công chúng hâm mộ cả về tài năng, lẫn nhan sắc. Thật ra Thẩm Thúy Hằng không phải là người đẹp nhất thời đó, tại các tỉnh miền nam và Sài Gòn, có những cô gái rất đẹp - ví dụ cụ thể là những cô Hoa hậu, hoặc Á hậu I, Á hậu II trong cuộc thi hoa hậu tên là Hoa Phong Lan do bác sĩ Trương Ngọc Hơn tổ chức, hay những cô từng được các nữ giáo sư đặc trách văn nghệ trong hai "thế giới người đẹp" là Nữ trung học Gia Long và Nữ trung học Trưng Vương Sài Gòn chọn lựa đóng vai Trưng Trắc và Trưng Nhị ngồi trên minh voi trong lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng thì không thể nói Thẩm Thúy Hằng là đẹp nhất đối với họ được. Tuy nhiên, sau khi tham dự cuộc thi hoặc cuộc lễ, những ngưới đẹp này tiếp tục cuộc sống dưới mái gia đình, học đường, không xuất hiện ngoài xã hội nữa, nhất là không có năng khiếu nghệ thuật nên ít người biết và nhớ đến họ nữa.

Để giữ ngôi vị độc tôn nói trên Thẩm Thúy Hằng của chúng ta đã quá lạm dụng dao kéo và các hóa chất làm đẹp của thẩm mỹ viện, chỗ nào đã to càng muốn to hơn, chỗ nào đã đẹp càng muốn đẹp hơn, do đó khi lớn tuổi về già, chất silicon đã được bơm vào ngực, vào mông, rồi việc sửa mắt, sửa mũi....mà trước đây bà tưởng là tốt, nay tàn phá nhan sắc của bà đến mức khủng khiếp. Bà bị mặc cảm, suốt ngày chỉ ở trong nhà, không dám đi đâu cả mà cũng không muốn tiếp bạn bè hay những người khách xin đến gặp để phỏng vấn.



      Thẩm Thúy Hằng và chồng Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh

Ngày 5/7/2009, má Bảy Phùng Há, 99 tuổi, từ trần tại Nhà Dưỡng Lão Nghệ sĩ do má sáng lập tại Gò Vấp, linh cữu quàn tại Chùa Nghệ Sĩ. Lúc 10 giờ sáng ngày 8/7, có một  người đến thắp nhang, khóc lạy trước linh cữu của má. Người này che kín mặt  bằng chiếc khẩu trang chỉ chừa đôi mắt. Nhưng nhìn đôi mắt đó, người ta đoán ra đó là "Thẩm Thúy Hằng " Nữ hoàng nhan sắc một thời".



Chúng ta thử theo dõi bước đi của người đẹp ngày xưa với nhiều chi tiết khá lạ ít người biết ....

Tiểu sử của người đẹp

Vào khoảng cuối năm 1957, hãng Mỹ Vân làm bộ phim "Người đẹp Bình Dương", phim lấy gốc từ một truyện cổ tích của Tàu. Với chiến thuật rầm rộ ngay từ lúc khởi quay và sự xuất hiện của một ngôi sao mới được tuyển lựa "người đẹp" Thẩm Thúy Hằng, tên thật là Nguyễn Kim Phụng, sinh năm 1941, người Bắc, nguyên quán tại Hải Phòng, gia đình vào Nam sinh sống tại An Giang, sau đó chuyển lên Sài Gòn. Từ khi còn nhỏ, cô bé Nguyễn Kim Phụng đã mơ ước sau này trở thành nghệ sĩ hoặc một diễn viên điện Ảnh được mọi người ái mộ. Với giấc mơ đó, cô chịu khó học nhạc, học hát, kể cả học diễn xuất nhưng gia đình vẫn bắt phải lấy học chữ làm chính.

Vào những năm 1956 -1957, Hãng phim Việt Thanh đưa ra các bộ phim như Thoại Khanh Châu Tuấn, Lưu Bình Dương Lễ, Lâm Sanh Xuân Nương v..v...Rất ăn khách khiến cô bé Kim Phụng lúc ấy mới 16 tuổi càng thêm mơ ước. Lúc này cô bé đang học lớp 9 (thời đó kêu là lớp Đệ Tứ) Trường Huỳnh Thị Ngà, Tân Định.

Một lần tình cờ, một đứa bạn thân đưa cho Kim Phụng coi một trang quảng cáo cuộc thi tuyển lựa diễn viên điện ảnh cho phim "Người Đẹp Bình Dương" của hãng phim Mỹ Vân. Cuộc thi này treo giải thưởng rất đặc biệt: Người đoạt giải sẽ được hãng đài thọ cho qua Hồng Kông học về diễn xuất. Cô bạn đó rủ Kim Phụng đi chụp ảnh và lén đến hãng phim Mỹ Vân ghi tên dự tuyển. Sau  này, người đẹp Thẩm Thúy Hằng kể:

Trong khi Hằng và đứa bạn đến chụp ảnh ở tiệm Ha Di thì gặp ôn Lý Quốc Mậu là người thường đóng vai "Tiên Ông" trong các bộ phim cổ tích. Ông Mậu nhìn Hằng chăm chăm rồi nói, nếu Hằng đồng ý, Ông sẽ giới thiệu đến hãng Việt Thanh thì sẽ được nhận ngay không cần phải thi gì cả. Nhưng Hằng ham giải thưởng được đi Hồng Kông học về diễn xuất của hãng Mỹ Vân nên chỉ xin địa chỉ của ông để sau này nếu cần thì nhờ vả vậy thôi, không nhờ giới thiệu ngay lúc ấy.


               Thẩm Thúy Hằng và La Thoại Tân cùng đoàn quay phim

Thẩm Thúy Hằng kể tiếp: "Nếu ngày đó Hằng nhờ ông Lý Quốc Mậu giới thiệu thì đã trở thành diễn viên của hãng Việt Thanh, có dịp đóng chung với chị Kim Cương chứ không phải diễn viên của hãng Mỹ Vân". Tới ngày dự thi Kim Phụng giả bộ đi học như mọi ngày để cha mẹ khỏi nghi ngờ. Đến trường gặp nhau xong, hai đứa chở  nhau bằng chiếc xe đạp tới hãng Mỹ Vân để chờ gọi tên dự thi. Giữa hơn 2,000 đóa hoa hương sắc với những gương mặt nổi bật như Kim Vui, Khánh Ngọc, Kiều Chinh, Trang Thiên Kim, Mộng Tuyết, Thu Trang v...v.. Kim Phụng nãn chí, cô và đứa bạn quyết định bỏ cuộc.

Trong lúc hai đứa đang định ra ngoài lấy xe, thì như số mạng đã an bài , hai đứa bất ngờ gặp bà Mỹ Vân - chủ hãng phim - đang từ trên xe hơi bước xuống. Bà và một người khác - đàn ông - hình như là phụ tá, nhìn Kim Phụng chăm chăm rồi hỏi sao chưa thi đã định rút lui, Kim Phụng không biết bà là ai, đến đây có việc gì, nhưng lễ phép trả lời rằng: tại hai đứa thấy nhiều người đẹp ăn diện quá, sợ mình không bằng họ nên không dám thi. Bà Mỹ Vân bị thu hút bởi cặp mắt to, nửa thơ ngây, nửa như lạ lẫm trước cuộc đời, với gương mặt xinh đẹp kỳ lạ đó, bà bảo, đã đến thì cứ thi, mình đẹp và có tài năng thì sợ gì ai, mà chưa thi đã định bỏ cuộc.

Được bà khuyến khích Kim Phụng và đứa bạn lên tinh thần, và bạo dạn trở vào. Đến lúc được gọi tên lên sàn diễn ứng thí. Kim Phụng mới biết người đàn bà đã khuyến khích mình là một trong các giám khảo. Bà nhìn cô nữ thí sinh mới 16 tuổi (Thẩm Thúy Hằng sinh năm 1941, cuộc thi diễn ra năm 1957) với gương mặt đẹp một cách kỳ lạ dường như rất phù hợp với vai chính Tam Nương trong kịch bản "Người Đẹp Bình Dương" của nghệ sĩ Năm Châu. "Bình Dương" trong truyện cổ tích là ở bên Tàu chứ không phải của Việt Nam.

Bà hơi mỉm cười và khẻ gật gật đầu một cách thiện cảm. Không ai có thể ngờ được cô nữ sinh Nguyễn Kim Phụng - người toan bỏ cuộc thi - đã vượt qua hơn 2,000 thí sinh, bước lên bục vinh quang với giải nhất cuộc tuyển lựa diễn viên nữ cho phim "Người đẹp Bình Dương", khởi đầu một sự nghiệp sáng chói của một  minh tinh màn bạc.




Nhiều tờ báo nói nghệ danh Thẩm Thúy Hằng là do ông bà Mỹ Vân đặt. Sau này, Thẩm Thúy Hằng cho biết hãng Mỹ Vân chỉ đề nghị cô chọn một nghệ danh bởi vì cái Kim Phụng của cô rất dễ lầm với một gánh hát cải lương, còn cái tên Thẩm Thúy Hằng là do chính cô đặt. Cô rất kính trọng các bậc thầy như soạn giã Năm châu, má Phùng Há là những người mà cô được học hỏi rất nhiều điều trong nghề nghiệp. Riêng đối với nhạc sĩ Thẩm Oánh, lúc Kim Phụng xin vào học bộ môn Kịch tại trường Ca Vũ Nhạc Phổ thông Sài Gòn thì ông là hiệu trưởng, đích thân ông làm giám khảo nhận cô vào học nên cô nhớ ơn, lấy họ "Thẩm" làm họ trong nghệ danh, còn cái tên "Thúy Hằng" là do cô thích từ nhỏ vậy thôi.

Nói tóm lại, nghệ danh "Thẩm Thúy Hằng" là do cô tự đặt lấy, phát xuất từ tên của nhạc sĩ Thẩm Oánh (1916 - 1996) hiệu trưởng một trường Ca vũ nhạc lúc ấy, còn "Người Đẹp Bình Dương" là kịch bản của soạn giả Nguyẽn Thành Châu tức Năm Châu, viết dựa theo truyện cổ tích của Tàu, không phải tỉnh Bình Dương ở Việt Nam.

Trong phim "Người Đẹp Bình Dương", Thẩm Thúy Hằng đóng chung với nam tài tử Nguyễn Đình Dần, kể lại mối tình lãng mạn của nàng Tam Nương với chàng hoàng tử hào hoa phong nhã. Bộ phim này mau chóng nổi tiếng và đưa Thẩm Thúy Hằng lên bục vinh quang, còn nam diễn viên Nguyễn Đình Dần vẫn còn lẹt đẹt. Suốt mấy thập kỷ từ năm 1958, nhan sắc Thẩm Thúy Hằng trở thành "chuẩn mực" cho sắc đẹp lúc bấy giờ.

"Đẹp như Thẩm Thúy Hằng" "Môi trái tim như Thẩm Thúy Hằng", "Tóc ngắn như Thẩm Thúy Hằng", "Mắt bồ câu như Thẩm Thúy Hằng v...v....Ngoài ra, người ta còn sáng tác thơ, ca, hò, vè lấy ý từ nhan sắc của Thẩm Thúy Hằng:

"Nếu biết rằng em đã lấy chồng
Anh về lấy vợ thế là xong.
Vợ anh không đẹp gì cho lắm.
Mà chỉ xêm xêm Thẩm Thúy Hằng"!

Cuốn phim lấy nhiều nước mắt của khán giả nhất là phim "Ngưu Lang, Chức Nữ", Thẩm Thúy Hằng đóng chung với tài tử đẹp trai La Thoại Tân. Truyện phim dựa theo câu chuyện trong cổ tích Trung Hoa.

Sau đó, những phim mà Thẩm Thúy Hằng tham gia như: Trà Hoa Nữ, Tấm Cám, Sự Tích Trầu Cau, Bạch Viên Tôn Các, Đôi Mắt Huyền, Oan Ơi Ông Địa (đóng chung với các nghệ sĩ Cải Lương), Dang Dở (đóng chung với Trần Quang), Nàng đóng chung với Thành Được, Út Bạch Lan, Túy Hoa, La Thoại Tân...) Ngậm Ngùi, Mười năm giông tố, Sóng Tinh, Xin Đừng Bỏ Em..., tất cả đều rất thành công. Nghệ sĩ Kim Cương đã từng tâm sự: "Thời đó đọc báo, nhìn qua ảnh tôi đã giật mình trước nét đẹp yêu kiều của Thẩm Thúy Hằng. Má tôi (tức bà Bẩy Nam) đã nhận định: "Cô này sẽ đem lại cho điện ảnh một làn gió mới". Quả thật không sai, Hằng được khán giả hâm mộ với cách diễn mộc mạc, chân thành. Sự cạnh tranh của các hãng phim thời đó đã tác động đến tâm lý của những ngôi sao đương thời. Giữa chúng tôi như có một sợi dây vô hình cột lại với nhau".

Năm 1969, Thẩm  Thúy Hằng lập nhóm làm phim Thẩm Thúy Hằng (tiền thân của hãng VIlifilms sau này), qui tụ nhiều tên tuổi như: Thanh Tú, Trần Quang, La Thoại Tân, Phùng Há, Năm Châu, Hùng Cường, Ngọc Nuôi, Việt Hùng, Kim Cúc....Phim đầu tay của bầu sô Thẩm Thúy Hằng là phim trắng đen, có tên Chiều Kỷ Niệm, Thuộc thể loại tình cảm, do Lê Mộng Hoàng đạo diễn, "Hốt Bạc" đến mức khiến các hãng khác phải ghen tị. Tạp chí Màn Ảnh tại Sài Gòn số 304 viết: "Ngay ngày chiếu đầu tiên đồng bào đã chen lấn tới hai rạp Rex và Văn Hoa để mua vé. Điều này là một hiện tượng hiếm có đối với phim Việt Nam".

Thừa thắng xông lên, Thẩm Thúy Hằng thực hiện tiếp phim Như hạt mưa sa, phim trắng đen, chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Ngọc Linh do đạo diễn Bùi Sơn Duân dàn dựng năm 1971, Các tài tử đóng phim là Thẩm Thúy Hằng, Trần Quang, Bạch Tuyết, Đoàn Châu Mậu, Diễm Kiều....Thẩm Thúy Hằng đảm nhận cùng lúc hai vai diễn là chị em song sinh, có hai tính cách hoàn toàn trái ngược nhau, cô chị thì dịu dàng và đầu nữ tính, còn cô em thì trẻ trung, dữ dằn, hiện đại. Điều này cho thấy tài năng vượt bậc của Thẩm Thúy Hằng.

Năm 1972, Thẩm Thúy Hằng đoạt giải Diễn viên xuất sắc Á Châu tại Liên Hoan Phim Đài Bắc. Năm 1974, cô đoạt giải  Ảnh hậu  Á Châu tại Liên Hoan Phim tổ chức tại Hồng Kông.

Trong lịch sử điện ảnh Việt Nam, cái tên Thẩm Thúy Hằng được ví như sự bảo đảm về doanh thu của bất kỳ bộ phim nào. Tiền cát-sê cao  nhất lúc bấy giờ. Chỉ cẩn sự xuất hiện trong một phân đoạn của một bộ phim chiếu Tết, người ta sẵn sàng trả cho cô 1 triệu đồng, là số tiền rất lớn lúc đó. Thẩm Thúy Hằng, Kim Cương, Thanh Nga là những "đệ nhất mỹ nhân" của làng nghệ thuật Sài Gòn trước 1975. Họ cũng là những người bạn thân thiết với nhau như chị em ruột. Nghệ sĩ Kim Cương kể: "Hồi đó, do sự cạnh tranh của các hãng phim nên có những bài báo so sánh tài nghệ giữa tôi và Thẩm Thúy Hằng để gây chia rẻ. Nhưng vẫn không lay chuyển được tình bạn giữa hai chúng tôi".

Sau 30/4/1975, Thẩm Thúy Hằng tiếp tục đóng phim, diễn kịch và hoặt động sân khấu với những bộ phim như: Như thế là tội ác, Ngọn Lửa Krông Zung, Hồ sơ một đám cưới. Cho cả ngày mai, Nơi gặp gỡ của tình yêu v..v..nhưng xem ra, ngọn lửa đam mê của Thẩm Thúy Hằng đã đến lúc suy tàn. Vai diễn cuối cùng của Thẩm Thúy Hằng là vai Phồn Y trong vở Lôi Vũ trên sân khấu của đoàn kịch Kim Cương.

Người chồng quyền thế của Thẩm Thúy Hằng

Phu quân của minh tinh Thẩm Thúy Hằng là Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh, thường được gọi là Tony Oánh, hơn vợ đúng 20 tưổi. Ông sinh năm 1921 tại Bắc Giang, theo học tại Đại Học Harvard, Hoa Kỳ, chuyên ngành Kinh tế. Ông tốt nghiệp Tiến sĩ Kinh tế Đại học Harvard năm 1954, sau đó làm việc tại Ngân hàng Thế giới một thời gian rồi trở về nước. Năm 1963, sau khi Tổng thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ, ông Oánh (42 tuổi) trở về Việt Nam tham gia chính quyền, được đề cử làm thống đốc ngân hàng Quốc gia, rồi Phó thủ tướng Đệ Nhị Cộng Hòa. Thậm chí, đã có lúc ông được làm Quyền Thủ Tướng trong giai đoạn Nguyễn Khánh đảo chánh lật đổ Dương Văn Minh (1964 - 1965). Sau năm 1975, ông là một trong số ít các trí thức cũ như Luật sư Nguyễn văn Huyền, Giáo sư Vũ Văn Mẫu....Không bị đưa đi cải tạo. Đặc biệt, năm 1976, khi làm Chủ tịch UBND thành phố Sài Gòn kiêm Phó bí thư Thành Ủy, ông Võ Văn Kiệt đích thân mời Giáo sư Nguyễn Xuân Oánh làm cố vấn kinh tế. Tháng 2 năm 1987, ông Kiệt ra Hà Nội làm chủ nhiệm Ủy ban Kế Hoạch Nhà nước kiêm Phó thủ tướng Đặc trách Kinh tế, rồi năm 1991 làm Thủ tướng, vẫn tiếp tục mời Giáo sư Oánh làm cố vấn cho ông.

Giáo sư Nguyễn Xuân Oánh là người thẳng thắn, không e dè khi có những nhận xét, chỉ trích chính quyền. Năm 1999, tuy làm cố vấn kinh tế-tài chánh cho ông Kiệt, nhưng ông tuyên bố với hãng Reuter rằng chương trình đổi mới kinh tế Việt Nam gặp nhiều bế tắc, đảng cộng sản đương quyền nên chấp nhận cho những người không phải là đảng viên giữ những chức vụ có thực quyền thì đất nước mới khá lên được. Ông mất ngày 29 tháng 8 năm 2003 tại Sài Gòn, thọ 82 tuổi, sau một cơn đau tim rất nặng.

Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh và Thẩm Thúy Hằng có 4 người con trai: Nguyễn Xuân Dũng, Nguyễn Việt Quốc, Nguyễn Quốc Việt...đều thành đạt, sinh sống và làm việc ở nước ngoài, thỉnh thoảng về thăm cha mẹ.

Nữ hoàng thẩm mỹ viện

Giới thượng lưu và giới nghệ sĩ thường là những người thụ hưởng nhiều về các kỹ thuật tân tiến của nghành giải phẩu thẩm mỹ. Nhờ thẩm mỹ viện mà các ngôi sao trong làng giải trí càng thêm tỏa sáng. Tuy nhiên, trong số các ngôi sao đó, Thẩm Thúy Hằng là người lạm dụng mỹ viện nhiều nhất, tốn kém nhiều nhất. Cái mà hồi còn trẻ cô nghĩ có lợi cho nhan sắc của cô, thì lúc về già nó tàn phá nhan sắc của nàng đến mức khủng khiếp. Năm 2009, ngôi biệt thự cũ của Thẩm Thúy Hằng và Giáo sư Oánh trên đường Cách Mạng Tháng Tám trong một con ngõ gần chợ Hòa Bình đã sang nhượng cho người khác, ông bà lui về khu vực Bình Quới, Thanh Đa (quận Bình Thạnh) mua nhà trong hẻm sống ẩn dật, lặng lẽ với kinh kệ và ăn chay trường, "Bế môn từ khách" khiến ít ai biết diện mạo của "nữ hoàng" bây giờ ra sao.

Bất ngờ, cũng năm 2009, một người nào đó tung lên trên mạng tấm ảnh Thẩm Thúy Hằng chụp chung với ca sĩ Thanh Tuyền và nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, tác giả bài hát Chiều mưa biên giới nổi tiếng, với lời chú thích: "Thẩm Thúy Hắng, Nguyễn văn Đông và Thanh Tuyền 2009".

Thoạt nhìn, nhiều người cho rằng đó chỉ là sản phẩm của sự giả mạo với kỷ thuật Photoshop chứ thời gian dù có tàn phá đến mấy cũng không thể hủy hoại nhan sắc của phụ nữ nhanh đến như vậy. Tuy nhiên, sự thật vẫn là sự thật, ít lâu sau, có nhiều hình ảnh khác tung lên theo khiến người ta biết đó chính là "Người đẹp Bình Dương Thẩm Thúy Hằng" thuở nào thật.

Nhìn những tấm ảnh của Thẩm Thúy Hằng lúc "về già", so với những bức hình do nhiếp ảnh gia (Viễn Kính Studio) chụp ngày xưa, không người là không xót xa, nhưng cũng tiếc cho việc lạm dụng dao kéo và silicon đó là gì?. Là sự tàn phá khủng khiếp khiến mọi người phải rút kinh nghiệm".

                              Con gái của Thẩm Thúy Hằng

                    Thẩm Thúy Hằng và con đầu lòng

1 comment: