Pages

Thursday, June 13, 2013

UNG THƯ TUYẾN MỒ HÔI


 
 
Theo danong.com - Cùng với các phần phụ khác của da như nang lông, các tuyến bài tiết chất bã, tuyến mồ hôi rất ít khi tạo bướu, ung thư (UT) lại càng hiếm gặp. Tuy nhiên, UT tuyến mồ hôi lại là một thách thức trong việc chẩn đoán và khó khăn trong điều trị.

Khó chẩn đoán, di căn nhanh  

UT tuyến mồ hôi là một loại bệnh lý do sự phát triển quá mức và mất kiểm soát của tuyến mồ hôi, có khả năng xâm lấn ra mô xung quanh và di căn. Đến nay, y học thế giới vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân trực tiếp gây UT tuyến mồ hôi. Qua nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy bệnh có liên quan đến tia cực tím (UV - khi tia này tiếp xúc với phần da gây ra hiện tượng suy giảm miễn dịch của da nơi tiếp xúc); hoặc bệnh nhân sử dụng thuốc kháng viêm, thuốc điều trị viêm khớp trong thời gian dài.

Tỷ lệ mắc bệnh UT tuyến mồ hôi chỉ khoảng 5,1/một triệu dân/một năm. Nam giới thường mắc bệnh nhiều hơn nữ (song cũng chưa rõ nguyên nhân), người da trắng mắc bệnh cao hơn người da màu (5,1/một triệu dân so với 2,5/một triệu dân), người cao tuổi (70-80 tuổi) mắc bệnh cao hơn so với trẻ tuổi (20-30 tuổi). Bệnh thường gặp từ độ tuổi trung niên, khoảng 50-60 tuổi.

TS-BS Trần Thanh Phương, Trưởng khoa Ngoại 3, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, cho biết: UT tuyến mồ hôi thường biểu hiện bằng một (hoặc nhiều) khối bướu nhỏ dưới da, sượng cứng, bề mặt da trên bướu sậm màu hoặc có màu hồng, giới hạn bướu không rõ ràng. Bướu có thể đau, lớn nhanh và xâm lấn mô xung quanh, trong bướu có thể chứa dịch do hoại tử một phần bướu. Bướu xuất hiện không có dấu hiệu chuyên biệt nào nên rất khó để chẩn đoán hay chẩn đoán đúng loại UT. Vì vậy, để chẩn đoán chính xác, cần phải khám chuyên khoa và dùng phương pháp chọc hút tế bào từ mô bướu hay hạch, hoặc lấy mẫu sinh thiết để có kết quả mô học chắc chắn (có phải UT hay không, UT loại nào).

Một đặc trưng nữa là loại UT này di căn rất nhanh đến hạch bạch huyết. Thông thường, đây là những triệu chứng chính khiến người bệnh đến khám và điều trị. Những khối hạch thường tròn, cứng, có thể rời rạc hoặc dính chùm với nhau. Các hạch này thường không gây đau đớn. Gan, phổi hay xương là những vị trí thường bị di căn nhất, cần phải dùng đến các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, X-quang phổi để phát hiện.

Đến nay, tại Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM ghi nhận được bốn trường hợp mắc bệnh UT tuyến mồ hôi song các bác sĩ cũng chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh. Cả bốn bệnh nhân đều không có tiền sử bệnh đặc biệt trước đó hay có liên quan gì đến việc tiếp xúc với tia UV quá mức. Vị trí tổn thương khi phát hiện bệnh của bốn người nằm ở phần chi dưới và thân mình.



Dễ tái phát sau phẫu thuật

Theo TS-BS Bùi Chí Viết, Trưởng khoa Ngoại 2, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, với UT tuyến mồ hôi, phương pháp điều trị hiệu quả nhất hiện nay là phẫu thuật, đặc biệt là khi bệnh còn khu trú tại chỗ, tại vùng chưa có di căn. Dẫu vậy, vùng bướu nguyên phát cũng cần được phẫu thuật cắt rộng đồng thời với việc nạo vét sạch các hạch di căn. Những sẹo để lại sau khi sinh thiết cũng cần phải cắt bỏ.

Diễn tiến của bệnh là phá hủy cấu trúc tại chỗ dữ dội và khả năng tái phát cao. Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ tái phát sau khi phẫu thuật cắt rộng tại chỗ lên đến 47-59%. Do vậy, sau phẫu thuật bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ và đều đặn nhằm phát hiện sự tái phát hoặc sự xuất hiện một UT da khác. Khi bướu tái phát, dẫu chưa sờ thấy hạch, bệnh nhân vẫn được chỉ định nạo hạch phòng ngừa vì những trường hợp này thường có nguy cơ di căn rất cao. UT tuyến mồ hôi thường không đáp ứng với xạ trị, hóa trị.

Để tiên lượng diễn tiến bệnh, thông thường bác sĩ sẽ dựa vào các yếu tố liên quan như kích thước bướu, loại mô học, tình trạng di căn hạch hoặc di căn xa, song thực tế điều này cũng rất khó. Nếu chưa có hạch di căn, khoảng 56% bệnh nhân sẽ sống được thêm 10 năm (chưa gây bệnh cho các cơ quan khác). Nếu bệnh đã di căn hạch hoặc di căn xa đến các cơ quan khác trong cơ thể, tỷ lệ này chỉ còn 9%. (Phụ nữ)


No comments:

Post a Comment