Một máy bay ATR-72 của Lao Airlines - Ảnh: V.P.
Một máy bay chở khách của Hãng hàng không Lào (Lao Airlines) đã gặp nạn hôm qua 16-10 khi chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Pakse, phía nam Lào.
AFP cho biết toàn bộ 49 người bao gồm 44 hành khách và 5 thành viên phi hành đoàn đã thiệt mạng.
Chuyến bay mang số hiệu QV301 này xuất phát từ thủ đô Vientiane lúc 14g45 và bị nạn lúc 16g. Chiếc máy bay bị nạn là loại máy bay cánh quạt ATR-72 do Pháp sản xuất. Máy bay được nói gặp nạn trong điều kiện thời tiết xấu lúc chuẩn bị hạ cánh và rơi xuống sông Mekong.
Báo The Nation dẫn một nguồn tin đáng tin cậy nói tháp không lưu ở sân bay Pakse đã khuyên phi công không hạ cánh xuống sân bay vì tầm nhìn bị hạn chế do hậu quả của cơn bão Nari.
Tuy nhiên, bất chấp cảnh báo, phi công vẫn muốn hạ cánh nhưng đã bất thành vì gió quá mạnh. Phi công cố gắng cất cánh trở lại nhưng đã bị va chạm với một hòn đảo ở giữa sông Mekong, cách sân bay Pakse 8km. Máy bay vỡ làm hai mảnh và chìm xuống sông.
Reuters miêu tả cảnh được chiếu trên truyền hình Thái Lan với xác máy bay bị ngập lưng chừng với phần đuôi bị hư hại nặng nề. Nhiều thi thể nạn nhân nằm trên bờ sông. Bangkok Post dẫn lời nhân chứng tại hiện trường nói cảnh tượng vụ tai nạn rất kinh khủng. “Ngôi chùa trước nhà tôi đã trở thành trung tâm khẩn cấp - người này nói - Tôi thấy những thi thể bất động nằm khắp nơi”.
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ tối qua, ông Phạm Tuấn Hùng, lãnh sự Việt Nam tại Pakse, cho biết trên chuyến bay bị nạn có ba Việt kiều ở Pakse. Đó là bà Đào Thị Liễu, bà Vương Thị Ngân và con trai bà Ngân (đã nhập quốc tịch Lào).
Ông Hùng cũng cho biết lãnh sự quán sau khi biết tin đã lập tức ra hiện trường và đã thăm hỏi gia đình nạn nhân.
Bangkok Post cũng cho hay Lao Airlines đã công bố danh sách hành khách bị nạn lúc 21g tối qua. Trong số này bao gồm 5 người Úc, 5 người Thái, 3 người Hàn Quốc, 7 người Pháp, một người Mỹ, một người Trung Quốc, một người đến từ Đài Loan. Riêng bà Đào Thị Liễu được xác định là có quốc tịch Canada. Hai người Việt Nam được xác định là bà Vương Thị Ngân và một người được ghi là “Le Hue”.
Tuổi Trẻ cũng đã cố gắng liên lạc với các số điện thoại của Lao Airlines ở Vientiane và Pakse nhưng không ai nhấc máy. Một nhân viên của Lao Airlines ở sân bay quốc tế Wattay (thủ đô Vientiane) không trả lời bất cứ thông tin gì mà chỉ nói đợi thông tin trong ngày hôm nay (17-10).
AFP dẫn lời người phát ngôn Hãng máy bay ATR nói họ đã xác nhận vụ tai nạn và nói máy bay của Lao Airlines gặp nạn là máy bay của hãng sản xuất.
Lao Airlines bắt đầu hoạt động từ năm 1976. Hãng hiện có 14 máy bay, trong đó có sáu máy bay ATR-72. Ngoài các đường bay nội địa, hãng còn có các đường bay quốc tế đến Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Singapore và Việt Nam.
Theo Tuổi trẻ
No comments:
Post a Comment