Pages

Friday, December 27, 2013

Du lịch những miền đất lạnh, cẩn thận không thừa




Du lịch những miền đất lạnh, cẩn thận không thừa
Hãy sẵn sàng với những vấn đề bất trắc có thể xảy ra và đảm bảo bạn có thể gọi được cứu trợ. Ảnh: piximus.

 
Theo VnExpress 
Chuyến du lịch mùa đông luôn mang đến những trải nghiệm thú vị như chơi đùa trên tuyết, trượt băng hay đơn giản là ngồi co ro để thưởng thức ly cà phê nóng nhưng cũng cần chuẩn bị chu đáo để có những hành trình an toàn.

Hàng không

Đặt vé để đi chơi vào mùa đông đồng nghĩa với bạn phải chuẩn bị tâm lý khi bị hủy, hoãn, đổi địa điểm hạ cánh… Nên thường xuyên kiểm tra dự báo thời tiết và mang theo vài cuốn sách hoặc load vào iPad, iPhone, kindle để dành đọc nếu phải chờ đợi tại sân bay.

Bạn cũng có thể đặt vấn đề về bảo hiểm hàng không nếu trong gói bảo hiểm du lịch mình mua có các điều khoản về trễ, hủy chuyến bay. Chú ý nhiều hãng không trả phí bảo hiểm trong trường hợp máy bay hủy, hoãn chuyến vì lý do thời tiết.

Ôtô


Lái ôtô khi trời có mưa to và đặc biệt là tuyết đòi hỏi sự cẩn trọng cao độ. Thông thường tại các xứ ôn đới và hàn đới, người ta thường thay bánh xe chuyên dụng cho mùa đông với loại lốp có gai giúp chống trơn trượt.

Khi lái xe cần mặc quần áo ấm, đi tất, giày và đeo găng tay, đảm bảo cơ thể luôn được làm nóng nhằm tránh bị đơ cứng chân tay dẫn đến việc mất khả năng điều khiển phương tiện.
Dù lái ôtô hay xe máy, hãy luôn sạc đầy điện thoại trước mỗi hành trình và chuẩn bị bộ sạc đi kèm trong ô tô hay pin/ nguồn dự phòng cho điện thoại nếu đi xe máy. Khi có bất trắc xảy ra, bạn sẽ có thể sử dụng để liên lạc.

Xe máy

Lái xe máy mùa đông không phải là một ý tưởng hoàn hảo cho lắm và nếu không còn lựa chọn nào khác, bạn nên “trang bị đến tận răng” để giữ ấm cơ thể. Chọn nón bảo hiểm loại trùm kín đầu, ngoài các lớp áo mặc bên trong, chọn chiếc áo da có thể tránh gió lùa qua. Giầy chống thấm nước và tất cổ cao sẽ giảm cảm giác lạnh buốt ở chân và đôi găng tay sẽ giúp bạn vững tay lái.

Nếu trời mưa hay tuyết, chọn loại áo mưa áo và quần rời nhau nhằm tránh gió to, nước mưa hay tuyết đọng vốn thường xảy ra khi sử dụng áo cánh dơi. Khi lái xe máy trời tuyết đặc biệt là đường đèo cần giảm tốc độ xuống tối thiểu. Không nên thả dốc và bóp phanh đột ngột dẫn đến trượt bánh.

Ở Việt Nam do ít gặp hiện tượng tuyết nên loại bánh xe có gai dành cho mùa đông không phổ biến, các bạn dù đã có nhiều kinh nghiệm hoặc chưa từng chạy đường trường cũng không nên thử nhất là các cung đường đèo dốc ngoằn ngoèo và tầm nhìn hạn chế (sáng sớm, chiều tối, sương mù…).


Du lịch những miền đất lạnh, cẩn thận không thừa
Ở Việt Nam, các loại bánh xe có gai chưa phổ biến nên cần cẩn trọng với đường trơn khi có tuyết rơi. Ảnh: Hải Âu.

Trang phục

Giữ ấm trong hành trình du lịch mùa đông là điều quan trọng hàng đầu. Mặc một lúc 3 - 4 chiếc áo thun ngắn tay điều mà nhiều du khách xứ nhiệt đới thường hay vặp phải nhưng chúng sẽ chỉ làm bạn cảm thấy bị bó buộc, khó chịu mà không thực sự phát huy tác dụng. Bạn nên mặc lớp áo dài và quần bên trong ôm sát cơ thể sau đó mới đến những lớp bên ngoài. Trước khi lên đường nên đến những cửa hàng chuyên bán đồ mùa đông để tự trang bị cho mình.

Những du khách lái xe máy có thể chọn loại heater suite dành riêng cho những tay chơi moto và găng tay cùng bộ thường có tại những shop chuyên về “đồ chơi” cho các xế. Ngoài ra, mũ có thể che kín tai, tấm che tai bằng len hay bông, khẩu trang, khăn quàng cổ cũng có tác dụng hỗ trợ giữ ấm cơ thể.

Tại những địa điểm có tuyết, mưa, mưa đá, nên dùng loại giầy có cổ và đế gai chống trơn trượt. Ngã trên băng thường khá nguy hiểm bởi có bề mặt cứng, bình tĩnh và từ tốn tìm chỗ dựa để đứng dậy, hạn chế chạy hay bước đi vội vã.

Sinh hoạt

Dù lạnh cơ thể vẫn cần trao đổi chất, bạn nên uống nước đều đặn, ăn các thức ăn có đạm cũng cung cấp thêm nhiều năng lượng. Nghỉ ngơi khi cảm thấy mệt và không nên gắng sức rất dễ gây ra tình trạng đột quỵ vì lạnh. Các món có gia vị như ớt, tỏi, gừng rất thích hợp để dùng trong mùa đông.

Chọn khách sạn có bồn nước nóng, ngâm mình trước và sau khi tắm rửa bằng xà bông. Sấy khô tóc và đi dép hoặc vớ trong nhà, mặc ấm và tránh để gió luồn vào người sau khi vừa tắm. Nếu bạn là người có nhiều triệu chứng như bệnh tim, phong thấp, đau khớp nên cân nhắc trước khi lên đường đến những miền đất lạnh.

Luôn xếp trong hành trang máy điện thoại (như đã kể trên), bản đồ của điểm đến, GPS nếu có và số điện thoại hỗ trợ khẩn cấp. Trên đường đi bộ, chủ động nhét một vài thỏi lương khô, chocolate, kẹo ngọt vào túi áo hay túi quần phòng trường hợp bị lạc, rơi, mất balô giữa vùng không người. Giữ kỷ luật khi đi theo nhóm và suy tính cẩn thận, nghiêm túc trước khi lên đường tùy theo điều kiện thời tiết.

Dành riêng cho phượt thủ đi Sapa

- Cực kỳ chú ý khi lái xe (xe máy, ô tô) lên đèo Ô Quy Hồ

- Lạnh tại Sapa đi kèm với độ ẩm cao dễ làm bạn nhiễm lạnh, mặc ấm nhất có thể và tránh chơi ngoài trời quá lâu.

- Luôn mang theo điện thoại, bộ đàm (nếu đi theo nhóm lớn), GPS (nếu có) sạc đầy pin để liên lạc và tìm đường khi có bất trắc.

- Không nên leo đèo vào chiều tối hay sáng sớm.

- Thông báo với bạn bè, người thân về cung đường đang đi và những điểm dừng chân.

-Nhiều máy ảnh, máy quay đặc biệt là dòng kỹ thuật số không hoạt động khi quá lạnh, giữ ấm đồng thời tránh ẩm trước và sau khi sử dụng.

- Suy nghĩ một cách cẩn thận trước khi có ý định leo núi hay trekking trong rừng, vào bản tại thời điểm này.


Theo VnExpress

No comments:

Post a Comment