Pages

Tuesday, February 18, 2014

Xe tự lái sẽ phổ biến ở Mỹ từ năm 2015

 


Chuyện Cấm Cười - Theo Quang Hiệp/Chí Linh Thời Mới


Xe tự lái, xe rô bô, hay xe không người lái (autonomous, robotic, driverless hoặc self-driving car) là điều mà kỹ nghệ sản xuất xe đang nhắm tới. 

Những lợi ích do loại xe này mang lại - cho phố phường, cho con người và cả môi sinh, như lần trước đã phân tích - khiến chúng ta háo hức tự hỏi: Vậy bao giờ có thể mua được một cái xe như vậy? Có đắt lắm không?

Hiện có nhiều nơi đang chạy đua để chiếm lĩnh thị trường xe tự lái. Nhưng tiểu bang Nevada đã ghi được cột mốc lịch sử khi trở thành tiểu bang đầu tiên của Hoa Kỳ - và toàn thế giới - thông qua đạo luật cho sử dụng loại xe này vào Tháng Sáu, 2011. 

Tiếp đó vào Tháng Năm, 2012, Nha Lộ Vận (DMV) Nevada đã cấp license cho chiếc xe tự lái đầu tiên trên thế giới: Ðó là chiếc Toyota Prius được công ty Google cải tiến để thử nghiệm công nghệ “không người lái.” Tiếp đó, Florida theo gót, và California đã ký luật cho phép lưu hành xe không người lái trong biên giới tiểu bang mình vào ngày 25 Tháng Chín, 2012 vừa qua.

California tuy không là tiểu bang đầu tiên hợp pháp hóa kỹ thuật xe tự lái, nhưng lại có một kế hoạch rõ ràng nhất để phát triển: Chiếu theo luật đã ký, từ nay đến trước năm 2015, Nha Lộ Vận (DMV) California phải đưa ra các qui định cụ thể cho công chúng sử dụng xe tự lái.

Phía nhà sản xuất khá lạc quan: Ông Sergey Brin, đồng sáng lập Google, phát biểu, “Tôi nghĩ xe tự lái xe nâng cao phẩm chất đời sống của mọi người một cách rất đáng kể, và xe tự lái sẽ trở nên phổ biến trên thị trường trong vòng một thập niên sắp tới.”

Xe tự lái vận hành như thế nào?

Mặc dầu không phủ nhận sự ra đời của xe tự lái, nhưng có lẽ chưa ai trong chúng ta có dịp nhìn ra một chiếc xe như thế trên đường phố. Lý do là vì hiện nay, luật pháp đòi hỏi phải có một tài xế ngồi ở sau tay lái để kịp thời phản ứng khi xảy ra trường hợp khẩn cấp (emergency). Thực ra, đây chỉ là một “chức vị” ngồi chơi xơi nước, người tài xế ngồi sau tay lái không phải làm một việc gì khác hơn là rôm rả trò chuyện với người trong xe, chứ không cần động chạm gì tới vô lăng cả.

Vì thế, ngoại trừ cái bảng số màu đỏ, cái xe xuất hiện rất bình thường trước mắt mọi người, chỉ trừ những người ngồi trong xe. Ðúng, chỉ có những người ngồi trong xe mới biết rằng cái xe của mình không có tài xế. Và không ít người trong số đó còn ngại ngùng sợ sệt vì chưa tin vào sự khéo léo và tinh khôn của cái xe. 

Ðó cũng chính là cảm giác của Thống Ðốc Jerry Brown khi ông được “rước” từ dinh thống đốc về tới tổng hành dinh của đại công ty Google để ký ban hành đạo luật hợp pháp hóa và phát triển loại xe này vào ngày 25 Tháng Chín vừa qua. Từ trên chiếc Toyota Prius đã được cải biến thành xe tự lái, ông nhận xét, “Bất cứ ai lần đầu tiên ngồi vào trong xe, thấy nó cứ tự nhiên di chuyển cũng thấy khiếp, nhưng rồi từ từ sẽ bình tâm trở lại.”

Thực ra cơ chế vận hành của xe tự lái không có gì mầu nhiệm, nó chỉ là tổng hợp của những phát mình khoa học mà có thể chính bạn đã tận dụng trước nay, chẳng hạn:

-Radar, Lidar và GPS: Ngồi lên xe, bạn chỉ việc cho biết địa chỉ nơi đến là cái xe sẽ tự biết phải đi đường nào cho đến nơi. Ðây là nhiệm vụ của Radar và máy chỉ đường GPS, vốn là những kỹ thuật chúng ta đã dùng từ lâu.

-Hệ thống máy cảm ứng (sensors) và theo dõi vị trí (location tracking): Nhận ra dòng xe cộ cùng chiều, ngược chiều, xe cộ ở ngã tư để có phản ứng thích hợp. Chuyện này xét ra không có gì khó hiểu, những cái bóng đèn “security” lắp đặt ở sân trước nhà bạn đã có thể làm chuyện này từ lâu: Nó nhận ra bước chân của những người đến gần để tự động bật sáng, và khi người khách lạ đi xa lại tự động tắt đi.

-Thêm vào đó là sự cải thiện và nâng cao các hệ thống như “guided parking” và “cruise control” vốn là những kỹ thuật đã được sử dụng từ lâu.

Tất cả những kỹ thuật căn bản đó dĩ nhiên được nâng cấp và cải thiện khi áp dụng vào cấu trúc xe tự lái, trở thành Vehicular Communications Systems (Truyền Thông Giữa Các Xe Cộ), giúp phát giác ra những tình huống nguy hiểm, tình trạng kẹt xe và bộ não điện tử sẽ chỉ thị những biện pháp thích ứng.

Kiểu dáng xe tự lái

Hiện nay, Google đang dùng những chiếc xe Toyota Prius để cải biến thành xe tự lái. Nhưng trong tương lai, kiểu dáng và thiết kế xe tự lái chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi. Ngoài Google, còn nhiều nhà sản xuất xe hơi khác, như Audi, Ford, Volvo cũng đã khởi sự nghiên cứu kỹ thuật tự lái, và chắc chắn sẽ cho trình làng nhiều kiểu dáng độc đáo của riêng mình.

Ông Lynne Irwin, kỹ sư trưởng trong chương trình Những Con Ðường Ðịa Phương tại Ðại Học Cornell University, nhận xét, sở dĩ Google phải dùng lại kiểu mẫu của một chiếc Toyota Prius là để cho công chúng dễ thích ứng. Ông cắt nghĩa, muốn cho một phát minh khoa học được đón nhận, điều đầu tiên phải xét tới là quần chúng đã hình thành nhiều thói quen mà họ không muốn thay đổi. 

Vì thế các khoa học gia phải mô phỏng theo những gì người ta đã quen thuộc, đã thuận tay. Rồi sẽ từ từ thay đổi. Ông Irwin nói, “Chẳng hạn, người ngồi trên xe thích nhìn ra bên ngoài cửa sổ, vì thế chúng tôi sẽ phải thiết kế cửa sổ dưới một dạng nào đó, nhưng chắc không phải là theo cái kiểu cửa sổ hiện nay. Nếu xe cộ không còn đụng nhau nữa, có thể xe tự lái cũng không cần phải có “cảng trước, cảng sau” (bumpers) nữa.”

Xe cộ không còn đụng nhau nữa? Ông kỹ sư không nói đùa chứ? Ðúng, ông Irwin không nói đùa: Theo một nghiên cứu của Cơ Quan An Toàn Giao Thông Toàn Quốc (National Highway Traffic Safety Administration), với hệ thống Vehicular Communication Systems, xe tự lái khó có thể va chạm vào bất cứ một chướng ngại vật nào trên đường, nhờ đó tai nạn giao thông có thể hạn chế đến 81 phần trăm. 

Bên cạnh đó, đường sá cũng không còn cần đến những phương tiện điều phối giao thông, như đèn xanh đỏ (traffic light), bảng stop nữa. Nhờ đó nhà nước có thể tiết giảm được khá nhiều chi phí liên quan đến việc điều hành các phương tiện này.

Con người hóa ra vô dụng sao?

Nếu cái gì cũng tự động, tự lái được, thì chẳng lẽ con người hóa ra vô dụng hay sao? Không! Theo qui định của các đạo luật hiện hành, một tài xế có bằng lái hợp lệ vẫn phải ngồi sau tay lái để phòng hờ ra tay trong những trường hợp khẩn cấp bất ngờ.

Còn đối với những chiếc xe chở VIP (Very Important Persons), thì vẫn là những con người bằng xương bằng thịt điều khiển tay lái. Bởi vì, lái xe cho yếu nhân không phải chỉ là đưa xe từ điểm A đến điểm B mà thôi. 

Ông Tony Scotti, huấn luyện viên tài xế yếu nhân, cho rằng, ngoài việc điều khiển xe an toàn, tài xế cho VIP phải biết dò xét con đường trước mắt, và xa hơn trước mắt để tìm ra những nguy cơ tiềm ẩn, phải biết cách báo cáo cho thượng cấp hoặc kêu gọi yểm trợ khi có biến, phải biết bệnh viện địa phương nằm ở đâu. 

Ông Scotti phát biểu, “Tài xế VIP chuyên nghiệp phải đọc được những dấu hiệu cho biết tình hình không tốt, hoặc xe có thể đang từ từ đi vào địa ngục. Tôi cho rằng, chiếc xe tự lái, dù được trang bị bằng máy móc tinh nhuệ đến đâu cũng không có thể thay thế được sự ứng biến của con người trong những tình huống đó.”


1 comment:

  1. Thank! bài viết rất bổ ích, bạn có thể tham khảo keyword:
    bang gia xe oto toyota

    ReplyDelete