Pages
▼
Sunday, April 13, 2014
Vật giá leo thang, ngày càng nhiều sinh viên Mỹ bị ... đói
Chuyện Cấm Cười - Theo Người Việt
Paul Vaughn, một sinh viên khoa Kinh Tế, lên đến năm thứ ba tại đại học George Mason University (GMU) ở Fairfax, Virginia, quyết định tiết kiệm tiền bằng cách ra khỏi đại học xá. Anh nghĩ rằng nếu không phải mua chương trình cung cấp các bữa ăn căn bản của trường, trị giá khoảng $1,575 cho 10 bữa ăn mỗi tuần trong mỗi khóa học, và tự mua thực phẩm cho mình, sẽ ít tốn kém hơn.
Bài báo kể, anh gặp khó khăn để có được số tiền $50 dự trù dành ra cho thực phẩm mỗi tuần, và phải đi làm hai nơi để có tiền chi trả ăn uống. “Sự sợ hãi là mình sẽ bị đói cũng tệ hại như cái đói thực sự,” theo lời anh Vaughn, 22 tuổi, người đang ở năm thứ năm tại GMU. “Tôi từng nhiều lần phải suy nghĩ ‘Bây giờ làm sao để có tiền mua thức ăn?’ và tôi bị buộc phải lo lắng tới điều đó trong khi đáng lẽ phải chú trọng vào việc làm bài tập hay học thi.”
Vấn đề mệnh danh “mất an toàn thực phẩm-food insecurity” - nghĩa là không có đủ thức ăn bổ dưỡng - thường không được nhắc tới khi nói về đời sống sinh viên Mỹ. Nhưng đây là điều mà các giới chức điều hành đại học ngày càng thấy nhiều hơn. Họ cho rằng đang gặp ngày càng nhiều sinh viên bị đói hơn bao giờ hết, đặc biệt là ở những trường có nhiều sinh viên đến từ các gia đình nghèo hay là thế hệ đầu tiên trong gia đình vào đại học.
Cùng lúc đó, chi phí cho việc có mảnh bằng đại học, điều được cho là cần thiết để bảo đảm đời sống sau này, gồm cả học phí và chi tiêu sinh sống, đang tăng vọt khiến sinh viên có khuynh hướng cắt giảm chi phí ăn uống của mình.
“Giữa việc trả tiền thuê nơi ở, tiền điện nước và tiền mua thực phẩm, chúng tôi thấy nhiều sinh viên chấp nhận giảm tiền ăn vì đây là điều họ có thể né tránh,” theo lời Monica Gray, giám đốc điều hành tại tổ chức College Success Foundation thuộc vùng D.C., có mục tiêu giúp học sinh nghèo vào đại học.
Vẫn theo bài báo, các đại học cũng nhận thấy điều này và con số các trường có quầy cung cấp thực phẩm miễn phí cũng tăng lên, từ 4 trường năm 2008 lên tới 121 trường hiện nay, theo Michigan State University Student Food Bank, cố vấn các trường khác về cách khởi sự chương trình này.
Trường Trinity Washington University ở D.C. mở ra quầy này hồi Tháng Chín và trường University of Maryland tại College Park cũng đang tính có chương trình tương tự.
Trong khóa mùa Thu, GMU khởi sự một chương trình cung cấp phiếu thực phẩm cho sinh viên, dùng các hiến tặng từ công ty cung cấp dịch vụ thực phẩm cho trường cũng như từ các nguồn khác. Năm nay, tổ chức Feeding America, một hội từ thiện có mục tiêu cung cấp thực phẩm cho người nghèo trên toàn nước Mỹ cũng sẽ lần đầu tiên tính cả các sinh viên vào con số những người họ thăm dò về tình trạng thiếu ăn.
Dù rằng hiện chưa có các thống kê rõ ràng về tình trạng thiếu ăn trong giới sinh viên Mỹ, các chuyên gia cho hay họ thấy có chỉ dấu là tình trạng này đang ngày càng cao và có thể cao hơn cả mức trung bình cho các độ tuổi trên toàn quốc.
Một cuộc thăm dò năm nay của đại học University of Oregon cho thấy có 59% số sinh viên tại đại học Western Oregon University từng trong hoàn cảnh “mất an toàn thực phẩm” này. Một thống kê khác của đại học University of Hawaii ở Monoa vào năm 2009 cho thấy có 21% sinh viên của trường lâm vào tình trạng tương tự. Trung Tâm Kiểm Soát và Ngăn Ngừa Bệnh Tật (CDC) của chính phủ Mỹ ước tính rằng trên toàn quốc có 14.5% gia đình Mỹ trong hoàn cảnh này và thường là giới không được học hành nhiều.
“Các khuôn viên đại học Mỹ trên cả nước ngày càng nhận thấy rằng có một tầng lớp sinh viên của họ gồm những người không biết là bữa ăn tới của họ sẽ đến từ đâu,” theo Nate Smith-Tyge, giám đốc Ngân Hàng Thực Phẩm Sinh Viên tại đại học MSU. “Ðây không chỉ là vấn đề đạo đức mà còn là vấn đề của chương trình sinh hoạt và giáo dục.”
Tại College Park, nơi giá chương trình ăn trong trường rẻ nhất là $2,065 mỗi khóa học, chuyên gia dinh dưỡng Jane Jakubczak cho hay nhìn thấy trong hai năm qua sự tăng vọt trong số sinh viên không thể mua được thực phẩm có chất bổ dưỡng - một điều bà cho rằng vì có thay đổi trong thành phần sinh viên.
“Trước đây, không phải ai cũng muốn vào đại học,” bà nói. “Ngày nay, xã hội chúng ta nhận ra rằng bằng cấp đại học là điều thật sự cần thiết để thăng tiến trong đời sống... Một số sinh viên nói với tôi họ là thế hệ đầu tiên trong gia đình vào đại học, và điều đó, cộng với hoàn cảnh kinh tế hiện nay, là điều tạo ra những gì chúng ta thấy hiện nay.”
Các sinh viên tìm cách tiết kiệm bằng cách sống ngoài trường và tự lo việc ăn uống của mình, và thấy rằng việc duy trì ngân sách ăn uống sẽ là điều khó khăn.
“Nếu bạn chỉ có $10 mỗi ngày, làm sao bạn có thể sống với số tiền đó và cũng có được thực phẩm đầy đủ dinh dưỡng?” theo lời Karen Gerlach, phó giám đốc đặc trách sinh viên vụ tại Trinity, nơi ngày càng có nhiều sinh viên thuộc gia đình nghèo và cũng có những người vừa đi học lại phải vừa lo lắng cho gia đình.
Ðôi khi, bà Gerlach cho hay, “họ phải chọn lựa giữa việc mua cuốn sách học hay mua thực phẩm cho gia đình của họ.”
Các sinh viên toàn thời gian thường không được lãnh trợ cấp thực phẩm của chính phủ Mỹ, trừ khi họ phải nuôi trẻ dưới 12 tuổi, theo Alex Ashbrook, giám đốc tổ chức D.C. Hunger Solutions, có mục đích làm giảm tình trạng thiếu ăn trong dân chúng ở khu vực District of Columbia.
Ðôi khi các sinh viên không biết về các chương trình giúp đỡ trong đại học. Nhưng cũng có nhiều sinh viên ngần ngại không dám hỏi.
“Chúng tôi có nhiều sinh viên gọi và cho biết rằng họ đã không có gì ăn từ hai ngày qua,” bà Monica Gray, giám đốc điều hành tại tổ chức College Success Foundation thuộc vùng D.C. cho hay. “Thường họ cảm thấy xấu hổ vì đây không phải là loại câu hỏi mà họ muốn hỏi. Nếu hỏi để có giúp đỡ về tiền sách hay tiền học phí thì dễ dàng hơn.”
Joe Bradley, 22 tuổi, một sinh viên GMU, không thể hỏi xin giúp đỡ từ gia đình sau khi dọn ra khỏi nhà vì cãi cọ với cha. Anh phải trải qua một khóa học, vừa không nơi ở vừa bị đói, phải sống nhờ vào thức ăn thừa của bạn bè trong lúc phải cố gắng học. Bradley nay nghỉ học và sống với người anh ở Nevada.
Việc thống kê xem có bao nhiêu sinh viên bị đói là điều khó khăn vì đây là vấn đề ít ai muốn nói tới do xấu hổ. Trên trang Facebook có tên GMU Confession, một sinh viên 18 tuổi, ẩn danh, có ba việc làm bán thời gian, hồi tháng qua kể rằng, “mỗi tháng tôi gửi về nhà $50 để cha mẹ tôi có tiền mua thực phẩm, tôi có thẻ ăn chỉ năm bữa một tuần và tôi lúc nào cũng quá đói.”
Người sinh viên này cho hay cô có ý định tự tử khiến các sinh viên khác đề nghị chia sẻ thẻ ăn của họ. Yara Mowafy, một sinh viên năm cuối ở GMU, cho hay vài năm trước cô tính khởi sự một chương trình theo đó sẽ phân phối các thẻ ăn không dùng hết cho các sinh viên không đủ tiền ăn, nhưng nhà trường nói không có ngân sách để điều hành việc này. (L.T.)
No comments:
Post a Comment