Pages

Friday, June 6, 2014

Một năm trồng cây, trăm năm trồng người

 


Chuyện Cấm Cười - Theo Tiếp Thị Gia Đình

Theo một cuộc khảo sát có sự tham gia của 4,000 chủ khách sạn, du khách Nhật được đánh giá là số một về cách cư xử, sự hào phóng, khả năng hòa nhập và tôn trọng văn hóa khác.

Sau thảm họa thiên nhiên xảy ra ở đất nước hoa anh đào năm 20111, cả thế giới kính phục cách ứng xử của người Nhật. Không hề có chuyện hôi của, cướp giật hay hỗn loạn dù họ mất nhà cửa, người thân, thiếu đồ ăn thức uống.... tính cách đáng tự hào của người Nhật do chính nền giáo dục tiên tiến bồi đắp nên.

Dạy trẻ từ thuở còn thơ

Vợ chồng chị Hoàng Mai, ngụ ở Nagoya, dậy sớm hơn thường lệ dù không đi làm. Chị vào bếp, làm cơm nắm và bento cho bữa trưa. Trong khi đó, anh Horikata chuẩn bị áo quần thể thao cho con gái Maya vì hôm nay là ngày hội thể thao toàn trường của bé.

Hội thể thao tổ chức trên sân vận động lớn, bé nào cũng có gia đình theo cổ vũ. Tùy theo độ tuổi mà các bé thi những môn khác nhau. Chẳng hạn, trường tổ chức cuộc thi bò cho các bé một tuổi. Một vận động viên nhí té ngã, mặt khẽ nhăn lại vì đau, chẳng thấy bố mẹ bé chạy tới nựng nịu, chỉ có cô giáo đứng gần đấy khuyến khích em đứng dậy thi tiếp. Trong cuộc thi, bé về cuối vẫn nhận được tràng vỗ tay khen ngợi của mọi người, tất cả trên tinh thần thể thao không theo thành tích.

Với người Việt Nam, yêu con là chiều chuộng, bao bọc hoặc làm thay con. Bố mẹ người Nhật lại khuyến khích con làm công việc vừa sức, khuyến khích con tự lập và chủ động, phải tự dọn đồ chơi, xếp giày dép và tự ăn uống. Các bé thường xuyên tham gia lau dọn những khu vực công cộng trong trường như sân bóng, nhà vệ sinh..... Phụ huynh rất hợp tác chẳng ai phàn nàn khi nhà trường cho con mình nghịch đất cát hay làm việc công ích cả.

Trẻ đi học chẳng may mắc bệnh hoặc té ngã, bố mẹ cũng không phản ứng mạnh vì họ cho rằng đó là những trải nghiệm giúp con mình "chửng chạc hơn".

Nhật Bản đã xem trọng giáo dục từ thời Tokugawa (1600-1868), trẻ em học đạo khổng tại các trường dành cho giai cấp mình. Tháng 3-1947, Luật Giáo dục Căn bản Nhật cũng xem việc giáo dục đạo đức là phần quan trọng. Năm 1965, Hội đồng Giáo dục Trung tâm Nhật Bản đã đặt ra 4 mục tiêu giúp học sinh trở thành một cá nhân sống có trách nhiệm, một thành viên trong gia đình, một công dân trong xã hội và công dân quốc tế. Giáo dục đạo đức tại hệ thống các trường học được chia thành 4 chủ đề chính: ý thức bản thân, mối quan hệ với xã hội, mối quan hệ với thế giới tự nhiên và vũ trụ.

Từ lớp mẫu giáo, trẻ đã được học các quy tắc ứng xử căn bản và thực hành thường xuyên nhưng câu kính ngữ về chào hỏi khi ra khỏi nhà và khi về nhà, câu động viên người khác.... Trẻ học mẫu giáo phải tự mặc quần áo và vệ sinh cá nhân, đó là những bài học đầu tiên luyện cho bé tính tự lập. Ở trường, bé phụ cô giáo dọn dẹp phòng học hoặc chia thức ăn cho bạn để biết chia sẻ với người khác.

"Con tôi luôn được dạy rằng thức ăn khó nhọc lắm mới làm được và nó có linh hồn nên không được bỏ thừa mứa. Cô giáo cho cả lớp cùng trồng khoai, chăm bón cho vườn khoai. Tới khi thu hoạch, mỗi bé được mẫu nhỏ thôi nhưng con tôi quý lắm. Bé ăn không bỏ mứa, cũng chẳng nghịch thức ăn vung vãi.

Phương pháp dạy và học đạo đức rất thú vị

Mục đích của môn đạo đức tại các trường tiểu học ở Nhật là giảng dạy về hành vi thường ngày, phát triển nhân cách và thái độ sáng tạo. Chương trình cũng bồi đắp sự nhận thức về tầm quan trọng của cách ứng xử văn minh trong việc xây dựng đất nước. Ở cấp hai, các chủ đề được mở rộng cho phù hợp với sự phát triển tâm lý của học sinh, bao gồm cách phản ứng đối với lời phê bình sự hiểu biết và tôn trọng giới tính, thái độ tôn trọng sự thật.....

Học sinh Nhật Bản mỗi tuần có một giờ học đạo đức 45 phút. Tuy đây là môn học bắt buộc nhưng không quy định nội dung quá đóng khung. Giáo viên linh hoạt soạn bài giảng bằng nhiều cách: giới thiệu sách hay, kể câu chuyện xúc động có thực, giải thích các thành ngữ, đưa học sinh đi thăm viếng bảo tàng, hoặc gợi ý cho học sinh viết thư ẩn danh khuyến khích bạn. Thầy cô cũng thường tổ chức các buổi thảo luận xoay quanh những điều gần gũi cho học sinh tự do phát biểu ý kiến, chẳng hạn: "Phải làm gì nếu bạn của em bị bắt nạt?."'


Giáo trình đạo đức sổ ghi chép cho trái tim

Năm 2002. Bộ Giáo dục Nhật Bản cung cấp cho giáo viên chương trình dạy đạo đức mang tên Sổ ghi chép cho trái tim. Tập sách này dựa trên 4 tiêu chuẩn xây dựng nhân cách lý tưởng cho người Nhật, được biên soạn riêng cho từng cấp học, từ lớp 1 đến lớp 9, bao gồm những câu chuyện nhỏ về cách ứng xử thường ngày.

Sách bao gồm nhiều bài tập có chỗ trống để ghi chú, giáo viên khuyến khích học sinh ghi thẳng vào đó những tâm tư và suy nghĩ của mình sau mỗi mỗi giờ học về đạo đức. Dựa theo những ghi chú này thầy cô có thể hiểu trẻ đang nghĩ gì để định hướng cho trẻ "làm lành, lánh dữ".

Việc hổ trợ này giúp các giáo viên tiết kiệm thời gian và giảm được gánh nặng soạn bài, về phần học sinh các em có thể xem lại những suy nghĩ đã ghi chép trước đó của mình cũng như đúc kết được sự thay đổi qua bản thân theo thời gian, phụ huynh cũng có thể theo dõi những ghi chép trong tập sách để biết rõ tâm sự của con.

Không chỉ trong giờ học đạo đức, các hoạt động giáo dục khác đều góp phần giúp cho học sinh bồi đắp nhân cách. Môn văn học và lịch sử dạy học sinh yêu lịch sử và tôn trọng văn hóa đất nước. Môn khoa học cho trẻ cái nhìn rõ hơn về đời sống sinh vật trong môi trường, phát triển thái độ tôn trọng thiên nhiên.

Học sinh tiểu học được khuyến khích chăm sóc sinh vật. Khuôn viên trường hoặc tại lớp học thường có hồ cá, chuồng nuôi thỏ hoặc trồng một chậu cây nhỏ. Các em luân phiên cho thỏ hoặc cá ăn và làm vệ sinh chuồng thỏ, hồ cá hay tưới nước cho cây. Việc tự tay chăm sóc vật nuôi, cây trồng luyện cho các em tính nhẫn nại và biết yêu thương loài vật, cây cỏ. Đồng thời các hoạt động này giúp học sinh hiểu rõ về trách nhiệm bản thân, gia đình và xã hội. Việc học tập ở Nhật rất căng, nhưng học sinh cấp hai, cấp ba luôn có điều kiện tham gia các chương trình trải nghiệm thực tế: thăm bảo tàng viện các di tích lịch sử và làm nông dân.

Họ cũng thường đưa học sinh Nhật Bản đến chung sống và trải nghiệm cuộc sống của người dân đồng bằng sông Cửu Long. Không chỉ đến Việt Nam, nhiều quốc gia đang phát triển khác cũng là điểm đến của họ.  Cách giáo dục của họ rất hay, họ muốn các em lăn vào những môi trường kém phát triển hơn nhiều so với Nhật Bản, phải ra đồng xem cách cày cấy thủ công, cách bắt cá, tát đìa..... những khóa trải nghiệm như thế giúp các em ý thức hơn về cuộc sống".

Một trong những hoạt động phổ biến tại Nhật là việc tổ chức hội thể thao ở trường mỗi năm. Học sinh tham gia với tư cách vận động vien hay cổ động viên, toàn thể gia đình học sinh cũng được khuyến khích tham gia.

Bốn tiêu chuẩn giáo dục ở Nhật

Tiêu chuẩn: Các tính cần rèn luyện

1. Nhân cách: Điều độ, can đảm, siêng năng, kỷ luật, thành thật, tự rèn luyện và yêu sự thật

2. Đối với gia đình, bạn bè: Lịch sự, biết ơn, tôn trọng bố mẹ, họ hàng, khiêm tốn, hòa nhã với bạn.

3. Đối với xã hội: Thể hiện trách nhiệm ở những nơi công cộng, tham gia các nhóm xã hội, đóng góp cho cộng đồng, kính trọng thầy cô, yêu quê hương đất nước, tôn trọng truyền thống và các nền văn hóa khác.

4. Đối với thiên nhiên và vũ trụ: Tôn trọng thiên nhiên, tôn trọng cuộc sống, thẩm mỹ nhạy bén và thanh nhã. 

Người Nhật đánh giá giáo dục thể chất giúp phát triển tinh thần cạnh tranh công bằng, kỷ luật và hợp tác nên tất cả học sinh Nhật Bản từ nhỏ đã gắn bó với một môn thể thao nào đó, vai trò của các câu lạc bộ thể thao, âm nhạc, kịch nghệ, truyện tranh..... tổ chức tại trường có tác dụng hiệu quả trong việc giúp học sinh xác định khả năng và nổ lực của bản thân, phát triển khả năng làm việc nhóm và học cách giải quyết các mâu thuẫn có thể xảy ra.

Vai trò của cha mẹ

Ở Nhật, không chỉ có giáo viên đến thăm nhà học sinh để hiểu hoàn cảnh gia đình mà cha mẹ học sinh cũng đến lớp dự giờ học của con, gặp giáo viên chủ nhiệm và có mặt trong các kỳ lễ hội cùng con mình. Hội phụ huynh còn tổ chức gặp gỡ chung các gia đình ngoài trường học để các bé chơi với nhau và phụ huynh có điều kiện tiếp xúc với bạn của con. Các gia đình Nhật cũng thường đi du lịch trong nước để dạy con ý thức quý trọng thiên nhiên, tôn trọng lịch sử, văn hóa của đất nước.

No comments:

Post a Comment