Nhà báo Cantlie trong video "Hãy lắng nghe tôi" mà IS tung ra hôm qua. Ảnh: Youtube
Thay
đổi đáng kể trong giọng điệu của Nhà nước Hồi giáo tự xưng trong đoạn
băng mới nhất chúng tung ra hôm qua khiến các chuyên gia tin rằng IS
dường như đang bị chia rẽ nội bộ và lo sợ chiến dịch tổng tấn công của
Mỹ
|
Trong khi ba đoạn băng trước đây Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đưa ra,
kết thúc với việc tay súng cực đoan mặc đồ đen, trùm kín toàn bộ cơ
thể, cắt cổ dã man con tin đang quỳ trên cát, video có tiêu đề "Hãy lắng
nghe tôi" IS công bố hôm qua lại có nhiều điểm khác biệt từ cách thức
cho đến nội dung truyền tải.
John Cantlie, phóng viên ảnh người Anh, con tin bị IS bắt năm 2012,
xuất hiện trong đoạn băng với thái độ bình tĩnh. Cantlie ngồi sau chiếc
bàn làm việc, cất tiếng nói với âm lượng vừa phải, dễ nghe. Anh thừa
nhận mình là tù nhân, có thể bị giết bất cứ lúc nào.
Sau khi đề cập đến
các sự kiện diễn ra trong khu vực có liên quan đến IS thời gian gần đây,
anh kêu gọi mọi người theo dõi loạt phim sắp được tung ra, sẽ hé lộ mặt
khác của quân khủng bố IS. Video không xuất hiện bất kỳ cảnh tượng đẫm
máu nào. Đây là chi tiết nói lên nhiều điều đối với giới chuyên gia phân
tích.
"Chúng quá tàn bạo, điều đó khiến phương Tây dễ dàng hơn khi phác họa
chân dung kẻ thù của mình, đó là những kẻ dã man cần bị tiêu diệt", AFP
dẫn lời giáo sư Peter Neumann, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về
Hành vi quá khích và Bạo lực Chính trị tại Đại học Hoàng gia London,
nhận định.
"Nay chúng lại làm điều trái ngược, chúng rõ ràng muốn tuyên
bố rằng: 'Ta là người có lý lẽ, nếu phương Tây đồng ý nói chuyện thì mọi
việc có thể được giải quyết đơn giản hơn nhiều'".
Từ trái qua, nhà báo Mỹ James Foley và Stevens Sotloff cùng nhân viên cứu trợ người Anh David Haines, ba người bị chặt đầu trong các đoạn băng IS tung ra trước đây. Ảnh: AP
|
Mỹ và đồng minh gần đây liên tục thể hiện ý chí mạnh mẽ muốn xóa sổ IS,
đặc biệt sau khi Tổng thống Barack Obama thề tiêu diệt lực lượng này.
Ba đoạn băng hành quyết con tin trước đây cùng hành vi man rợ khiến
nhiều người ghê sợ đã làm lộ rõ bộ mặt của IS. Chúng là những kẻ không
có nhân tính, lấy mạng người làm công cụ phục vụ cho mưu đồ chính trị
xấu xa.
Ông Neumann ngờ rằng sự thay đổi chiến lược của quân khủng bố là nhằm
làm suy yếu quyết tâm của phương Tây. Điều này như một âm mưu có tính
toán nhằm gieo sự nghi ngờ vào tâm trí những người từng phản đối sự can
thiệp của Mỹ tại Trung Đông, bao gồm cả dân chúng phương Tây và người
Hồi giáo.
"Mọi người không phản đối quá kịch liệt chiến dịch không kích ISIS là
bởi chúng ta nhìn vào ISIS và nghĩ rằng chúng quá điên rồ", ông nói, sử
dụng cách viết tắt khác chỉ Nhà nước Hồi giáo.
"Dường như đoạn băng lần này nhắm tới lượng người còn lại vẫn phản đối
chiến tranh", Neumann cho biết thêm. "Họ có khả năng sẽ nói như sau:
'Hãy nhìn đi! Chúng không hoàn toàn điên rồ. Ta có thể đàm phán với
chúng và tìm kiếm cơ hội trước khi dội bom'. Tôi nghĩ đây chắc chắn là
điều IS muốn đạt được".
Hai con tin người Mỹ và một con tin người Anh trước đây không được trả
tự do mà bị giết hại dã man. Người thứ 4, Alan Henning, lái xe taxi
người Anh, bị đe dọa là nạn nhân tiếp theo. London và Washington có
chính sách không trả tiền chuộc cho khủng bố. Đoạn băng có sự xuất hiện
của Cantlie có vẻ nhắm tới việc làm rộng thêm khoảng cách trong vấn đề
này giữa các nước phương Tây.
Henning là lái xe vận chuyển hàng viện trợ tới Syria. Nhiều người Hồi
giáo liên tục kêu gọi những tên bắt cóc trả tự do cho anh, trong đó có
cả người ủng hộ IS. Neumann cho rằng IS lo ngại sự tàn bạo liều lĩnh của
chúng sẽ trả giá bằng việc mất đi đồng thuận từ những kẻ "cơ bản ủng hộ
Al-Qaeda". Nếu đoạn băng của Cantlie là dấu hiệu cho thấy IS đang thay
đổi thái độ để tránh bị chia cắt nội bộ thì mấu chốt nằm ở số phận của
Henning.
"Các cuộc hành quyết đều xảy ra cách nhau từ 10 đến 14 ngày. Nếu Alan
Henning không bị giết trong khoảng một tuần nữa, chúng ta có thể gần như
chắc chắn rằng chúng đang suy nghĩ lại", Neumann nói. "Nếu chúng vẫn
hành quyết anh, chứng tỏ chúng không hề quan tâm. Tất cả vẫn còn là một
câu hỏi lớn".
Rita Katz, giám đốc cơ quan tình báo SITE, chuyên theo dõi các động
thái cực đoan trên mạng, nhận xét đoạn phim mới nhất cho thấy IS đang
run sợ trước sự can thiệp của Mỹ trong khu vực.
Sự thay đổi giọng điệu của IS khiến bà nhớ lại quá trình biến chuyển
hình ảnh của trùm khủng bố Osama bin Laden. Trước năm 2007, bin Laden
thường xuất hiện khi mặc trang phục chiến đấu và đeo súng, đe dọa phương
Tây bằng hành động trả thù đầy bạo lực.
Sau đó, quân đội Mỹ và đồng minh nhắm tới nơi trú ẩn an toàn của Al
Qaeda, bin Laden lại mặc quần áo dân sự, không mang vũ khí và nói chuyện
ôn tồn như một "nguyên thủ quốc gia".
"Tôi chắc chắn rằng IS vô cùng e ngại chiến dịch quân sự mở rộng do Mỹ
dẫn đầu nhắm vào chúng", Katz nói. "Đầu tiên chúng khủng bố tinh thần
người ta với các vụ chặt đầu, giờ đây chúng muốn xây dựng nhận thức
trong cộng đồng quốc tế, gồm cả các nước phương Tây và Hồi giáo, rằng
chúng không phải không có khả năng hành động văn minh".
Katz cũng bác bỏ giả thiết của vài nhà bình luận
cho rằng các đoạn video mà IS tung ra nhằm khiêu khích Washington tấn
công. Trái lại, chúng thực sự đang cố gắng ngăn các cuộc không kích nổ
ra. "Từ những ngày đầu, sau khi chiếm Mosul (thành phố lớn phía bắc
Iraq), trước những đe dọa từ Washington, IS lập tức tung video đáp trả
ông Obama", AFP dẫn lời bà nói. "Khi không còn hiệu quả, chúng
chuyển sang sử dụng đoạn băng hành quyết. Chỉ liên minh do Mỹ dẫn đầu
mới có thể khiến chúng dừng tay. Liên minh này chính là thứ mà IS mong
muốn ngăn cản bằng mọi giá".
Tuy nhiên, Richard Stengel, cựu chủ bút của tạp chí Time, lại
nhận định nước đi mới này của IS thể hiện sự phát triển trong chiến dịch
gia tăng tầm ảnh hưởng của chúng, "IS biết cách thao túng các phương
thức truyền thông hiện đại. Hành tung của chúng rất xảo quyệt".
VnExpress/Vũ Hoàng (theo AFP và CSM)
No comments:
Post a Comment