Pages

Monday, October 13, 2014

Tìm hiểu bệnh sốt xuất huyết Ebola


Bác Sĩ Nguyễn Ý Ðức/Người Việt
“God save my life!” (Chúa đã cứu tôi) 
Ðó là lời nói đầu tiên của Bác Sĩ Kent Brantly, 33 tuổi, cư dân của thành phố Forth Worth, Texas, khi rời bệnh viện Emory tại Atlanta ngày 21 tháng 8 năm 2014 sau gần 20 ngày điều trị bệnh Ebola.

Ông và chuyên viên vệ sinh Nancy Writebol là hai người Hoa Kỳ nhiễm bệnh này trong khi tình nguyện chăm sóc người mắc bệnh Ebola tại Châu Phi. Cả hai đều làm việc cho tổ chức thiện nguyện Samaritan's Purse được thành lập tại Hoa Kỳ từ thập niên 1800 để giúp đỡ những người nghèo khó, đau ốm, khốn khổ trên thế giới, theo đúng ý của Thiên Chúa

Vì là công dân Mỹ cho nên tin tức về hai bệnh nhân kể trên đã được báo chí, đài phát thanh và truyền hình liên tục loan tin trong gần 2 tháng nhất là sau khi Bác Sĩ Brantly được điều trị hết bệnh với một loại thuốc đặc biệt.

Trong khi đó, vào cuối tháng 7 năm 2014, một công chức cao cấp Mỹ gốc Liberia là Patrick Sawyer làm việc tại Bộ Tài Chánh Liberia bị nhiễm virus Ebola mà không biết. Trên đường trở về Mỹ để tham dự sinh nhật con gái ở Minnesota, ông phải ghé Lagos, Nigeria để tham dự một hội thảo. Khi bước ra khỏi phi cơ, ông té ngã và được đưa vào bệnh viện để điều trị và đã thiệt mạng vì bệnh.

Tới đầu tháng 10, 2014 Thomas Eric Duncan người Mỹ gốc Liberia mắc bệnh Ebola được nhận vào điều trị tại một bệnh viện ở Dallas đã không may mắn qua đời dù đã được điều trị với một loại thuốc chống virus đang trong vòng nghiên cứu. 


Ðã có nhiều câu hỏi được nêu ra về cái chết này nhưng chưa được làm sáng tỏ, như là bệnh nhân không có hảo hiểm, uống thuốc đang trong thời kỳ nghiên cứu quá trễ hoặc không cùng loại ZMap, lịch sử bệnh không rõ ràng, đã không khai báo khi nhập cảnh Hoa Kỳ là có tiếp xúc với người mắc bệnh Ebola trong thời gian sống tại Liberia...

Kể từ tháng 3, 2014 cho tới nay, dịch bệnh Ebola tại Tây Phi Châu đã gây ra 7500 ca bệnh ở người với 3499 tử vong ở Guinea, Sierra Leone và Liberia.

Các tổ chức y tế trên thế giới kể cả Việt Nam đều đặc biệt theo dõi nghiên cứu dịch bệnh và đưa ra những biện pháp phòng ngừa. Riêng CDC Hoa Kỳ đã gửi thêm 50 chuyên viên y tế sang các quốc gia ở Phi Châu bị dịch bệnh để giúp kiểm soát bệnh.

Vậy bệnh Ebola là gì mà quan trọng như vậy?

Xin cùng tìm hiểu.


1- Nguyên nhân

Virus gây bệnh được tìm thấy lần đầu vào năm 1976 tại một ngôi làng ven lưu vực sông Ebola, tại quốc gia trước đây là Zaire nay đổi tên thành Cộng Hòa Dân Chủ Congo. Do đó tên Ebola được dùng để chỉ virus gây dịch sốt xuất huyết này.

Nguồn chứa tự nhiên của virus Ebola dường như là những con dơi ăn quả (fruit bat), khỉ hoặc vượn.

Virus Ebola được xếp vào nhóm A của danh sách các tác nhân khủng bố sinh học (class A bioterrorism agent) vì khả năng gây ra sốt xuất huyết. Sốt này là một trong những bệnh gây tử vong nhiều nhất trên thế giới với tỷ lệ cao tới 90%. 


Danh sách này gồm có các tác nhân gây bệnh với đặc tính như sau:

- Dễ dàng phân tán và truyền bệnh từ người sang người
- Ðưa tới tử vong cao và có thể trở thành vấn đề ý tế công cộng
- Có thể tạo ra hốt hoảng, xáo trộn trong xã hội
- Cần các biện pháp y tế công cộng để đối phó


Các tác nhân khủng bố sinh học gồm có:

- Anthrax (bệnh than với vi khuẩn Bacillus anthracis)
- Botulism (bệnh ngộ độc thực phẩm với vi khuẩn Clostridium botulinum)
- Plague (bệnh dịch hạch với vi khuẩn Yersinia pestis)
- Smallpox (bệnh đậu mùa, variola major)
- Tularemia (với vi khuẩn Francisella tularensis)
- Bệnh sốt xuất huyết (hemorrhagic fevers với virus Ebola)


2- Dấu hiệu bệnh

Virus Ebola gây ra bệnh sốt xuất huyết với các triệu chứng như sốt, nhức đầu trầm trọng, đau cơ bắp, ói mửa, tiêu chảy, đau bụng và chảy máu trong và ngoài cơ thể hoặc bầm da không lý do.

Triệu chứng thường xuất hiện từ 2 tới 21 ngày sau khi tiếp xúc với virus Ebola.

Xét nghiệm máu thường cho biết bạch huyết cầu và tiểu huyết cầu giảm, men gan tăng.

Bệnh nhân bình phục vẫn còn có thể truyền virus trong tinh dịch tới 7 tuần lễ. 


3- Cách truyền bệnh

Virus lây lan do tiếp xúc trực tiếp giữa các vết thương trên da, niêm mạc mũi, mắt, miệng với máu hoặc chất lỏng như nước tiểu, nước miếng, phân, tinh dịch của người bệnh hoặc đụng chạm tới các vật dụng như kim chích có dính virus Ebola.

May mắn là Ebola không lan truyền qua không khí, nước uống hoặc qua thức ăn. Tuy nhiên tại Châu Phi, con người có thể nhiễm bệnh trong khi săn bắn, làm thịt hoặc tiêu thụ thịt súc vật bị bệnh.


4- Ðiều trị

Hiện nay chưa có dược phẩm để điều trị bệnh này. Bệnh nhân thường bị mất nước vì xuất huyết và cần được tận tình điều trị, được tiếp các dung dịch điện giải qua uống hay truyền tĩnh mạch. Nhờ đó nhiều bệnh nhân đã khỏi bệnh sau khi được chăm sóc y tế thích hợp.

Riêng Bác Sĩ Brantly được đặc biệt chữa với một loại kháng thể ZMapp đang được nghiên cứu thử nghiệm của một công ty sản xuất dược phẩm. ZMapp chưa được cơ quan FDA Hoa Kỳ thừa nhận nhưng vì nhu cầu khẩn cấp và Bác Sĩ Brantly tình nguyện dùng thuốc, cho nên FDA đặc biệt cho phép.Và bệnh nhân này đã khỏi. Ông nói, “Thật là một kỳ diệu! Thượng Ðế đã cứu sống tôi!”


5- Những ai có thể nhiễm virus Ebola?

Nhân viên y tế, thân nhân và người tiếp xúc trực tiếp với máu và chất lỏng của bệnh nhân đều dễ dàng lây bệnh. Tuy nhiên, rủi ro nhiễm khi ngồi cạnh bệnh nhân rất hiếm.

Nên nhớ, người mới nhiễm bệnh mà chưa có triệu chứng không truyền bệnh cho người khác. Họ chỉ truyền bệnh khi nào có triệu chứng.


6- Nguy hại của dịch bệnh năm nay

Trong dịch bệnh hiện nay, có mấy điều mà bây giờ mới được biết.

- Thứ nhất là bệnh xuất hiện ở một nơi tại Phi Châu mà trước đây bệnh chưa bao giờ có.

- Thứ hai là bệnh xảy ra quá nhanh tại cả vùng nông thôn lẫn thành thị. Bệnh đã vượt qua biên giới và xâm nhập nhiều địa phương của 4 quốc gia lân cận là Sierra, Liberia, Nigeria và Guinea. Do đó, việc kiểm soát bệnh trở nên khó khăn hơn, vì dân chúng nghèo khó, điều kiện vệ sinh kém.... 


7- Phòng ngừa

Hiện nay chưa có vaccine chích ngừa bệnh sốt xuất huyết Ebola cho nên cách phòng ngừa hữu hiệu nhất là cần phải tránh tiếp xúc với máu và chất lỏng của bệnh nhân hoặc với tử thi người bệnh.

Khi chăm sóc bệnh nhân: 

- Tách riêng người bệnh để khỏi tiếp xúc với người lành.
- Mặc quần áo bảo vệ, mang khẩu trang, mang bao tay cao su, áo choàng và kính che mắt;
- Áp dụng cách khử trùng dụng cụ y khoa cũng như dùng chất diệt tác nhân gây bệnh.


Du lịch tới vùng có dịch bệnh, cần làm các việc như sau:

- Áp dụng vệ sinh tối đa, không tiếp xúc với máu và chất dịch của bệnh nhân.
- Không sờ mó vào các vật dụng có dính máu và chất lỏng của bệnh nhân.
- Tránh tham dự ma chay chôn cất và không sờ mó vào người chết vì bệnh.
- Tránh tiếp xúc với các loại dơi, vượn khỉ hoặc máu, dịch lỏng của chúng.
- Tránh tới các bệnh viện đã điều trị bệnh sốt xuất huyết Ebola.

Sau khi trở về từ vùng có dịch bệnh, cần để ý tới sức khỏe của mình trong vòng 21 ngày và tới bác sĩ ngay nếu có các triệu chứng của bệnh Ebola.

Các biện pháp trên có mục đích tránh sự tiếp xúc với máu và dịch của bệnh nhân.

Nếu bệnh nhân chết, không nên tiếp xúc trực tiếp với tử thi.

Ngày 24 tháng 8 vừa qua, giới chức y tế tại các quốc gia có dịch bệnh đã đưa ra quyết định là tất cả tử thi của bệnh nhân Ebola đều được nhân viên công lực thu lượm và hỏa tang, để tránh lan bệnh khi gia đình chôn cất.


Ngăn ngừa bệnh tại Hoa Kỳ

Tại các phi trường ở Hoa Kỳ, nhân viên đều được huấn luyện kỹ càng để khám phá ra các triệu chứng sớm nhất của bệnh, như là sốt, đau cuống họng và suy nhược cơ bắp, đặc biệt tại các phi trường có nhiều hành khách du lịch từ các quốc gia bị ảnh hưởng của virus Ebola như New York's JFK International Airport, Washington- Dulles, Newark, N.J., Chicago- O'Hare and Hartsfield ở Atlanta, Ga.

Nếu phi hành đoàn thấy một hành khách có dấu hiệu nhiễm Ebola, họ sẽ thông báo cho nhà chức trách ở phi trường hay. Nhân viên kiểm dịch sẽ lên máy bay kiểm tra coi xem người đó có cần phải chở riêng bằng xe cấp cứu tới bệnh viện để theo dõi tình trạng bệnh trong vài ngày hay không.


Kết luận

Hiện nay, sốt xuất huyết do Ebola chưa là rủi ro cấp bách tại Hoa Kỳ.

Bệnh không lây lan qua không khí, nước uống và thức ăn.

Nhưng bệnh chỉ xảy ra khi tiếp xúc trực tiếp với máu, chất lỏng của người bệnh hoặc tử thi người bệnh hoặc các dụng cụ như kim chích dính virus Ebola.

Mà Hoa Kỳ thì quá xa với vùng dịch bệnh. Cho nên, mặc dù dao động bà con chúng ta cũng an tâm phần nào.

Tuy nhiên cũng nên lưu ý đề phòng.

'Cẩn tắc vô ưu".

No comments:

Post a Comment