Pages

Wednesday, October 1, 2014

Hong Kong về tay Trung Quốc: Chuyện không đơn giản



HÀ TƯỜNG CÁT/Người Việt
Trong 150 năm Hong Kong là thuộc địa  Anh, “Hòn Ngọc ở Viễn Đông” của đế quốc thực dân Anh đã trở nên  một thành phố quốc tế với nền kinh tế phát triển vững mạnh, trung tâm tài chính thương mại của Á Châu và có một cơ cấu xã hội dân sự vững vàng. Trở lại hoàn toàn là một tỉnh của Trung Quốc không phải là điều đơn giản.
 
 Từ 1997 đến nay, khi trở thành một trong hai Đặc Khu Hành Chánh, cùng với Macao, được Trung Quốc chấp nhận sự tồn tại theo quy chế “một quốc gia hai chế độ”, vị trí của Hong Kong vẫn chưa  hoàn toàn ổn định. Các cuộc biểu tình đòi dân chủ tự do đang diễn ra thể hiện một tình trạng phức tạp chưa ai có thể dự đoán cuối cùng kết cuộc sẽ ra sao.

Như vậy là vì Hong Kong không thể tách rời để trở thành một quốc gia độc lập, mà cũng khó hội nhập hoàn toàn để làm một thành phố trực thuộc trung ương như Bắc Kinh, Thượng Hải, Trùng Khánh và Thiên Tân.

Hình ảnh lá cờ Trung Quốc trên các tòa nhà ở Hong Kong và việc Bắc Kinh có vai trò quyết định trong việc chọn lựa vị Đặc Khu Trưởng chứng tỏ lãnh thổ này không phải là độc lập.

Nhưng nhiều mặt khác trong thực tế sinh hoạt cho thấy Hong Kong không phải hoàn toàn là Trung Quốc.

Ngôn ngữ chính thức được nhìn nhận ở Hong Kong là tiếng Quảng Đông và tiếng Anh, chứ không phải tiếng Phổ Thông (Quan Thoại) như toàn quốc.

Dollar Hong Kong là tiền tệ chính thức, chỉ một số cửa hàng ở Hong Kong nhận đồng nhân dân tệ nhưng dollar Hong Kong cũng không được sử dụng ở Trung Quốc.

Dân Hong Kong có hộ chiếu riêng. Du khách ngoại quốc đến Hong Kong hầu hết được miễn thông hành (visa) nhưng vào Trung Quốc phải có.

Trung Quốc và Hong Kong có một hình thức biên giới quốc gia, giữa Thẩm Quyến và bán đảo Cửu Long. Công dân Trung Quốc muốn qua Hong Kong phải xin giấy phép. Trung Quốc duy trì một thứ tòa đại diện tại Hong Kong với một đặc sứ cao cấp thuộc bộ ngoại giao.

Theo thỏa hiệp Anh-Trung Quốc năm 1984, Hong Kong được duy trì hệ thống pháp lý riêng, có một hội đồng lập pháp vai trò như quốc hội, ít nhất trong 50 năm cho đến  2047.

Tuy nhiên Bắc Kinh trách nhiệm về vấn đề quốc phòng và ngoại giao quốc tế. Hong Kong có lực lượng cảnh sát riêng phụ trách duy trì an ninh trật tự xã hội và Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc có một đơn vị khoảng 8,000 binh sĩ đồn trú tại Hong Kong.

Do được hưởng quy chế tự trị cao và với thực tế trong nhiều mặt sinh hoạt không có gì chung với xã hội lục địa nên người dân Hong Kong tự coi họ không phải là dân nội địa, thậm chí không phải dân của một tiểu bang trong liên bang như Hoa Kỳ.  Thăm dò dư luận của viện đại học Hong Kong năm 2012 cho biết hơn 70% những người được hỏi ý kiến nhận họ là “dân Hong Kong chứ không phải dân Trung Quốc”.

Như thế, nếu Trung Quốc muốn đưa Hong Kong trở lại thành một tỉnh hay thành phố trực thuộc trung ương, nhất là dưới chế độ nhà nước Cộng Sản không có dân chủ, là một điều vô cùng khó khăn gần như không thể nào thực hiện được bằng đường lối hòa bình.

Thật ra Trung Quốc không định làm như vậy ngay bây giờ, mà dần dần thi hành kế hoạch ấy trong một thời gian dài, nghĩa là tôn trọng tuyên cáo chung đã thỏa thuận với Anh Quốc về nguyên tắc “một quốc gia hai chế độ”, ít nhất 30 năm nữa. Thêm vào đó, và là điểm quan trọng nhất, Hong Kong là một cửa ngõ của Trung Quốc, về kinh tế và tài chính, trong các giao tiếp với thế giới. Trung Quốc không thể đóng cửa ngõ này nhưng đồng thời không buông ra khỏi quyền hạn của mình.

Ngược lại 7 triệu dân Hong Kong cũng chưa có ý tiến đến sự ly khai thành một quốc gia độc lập. Hình thức tranh đấu hiện nay mới chỉ giới hạn ở mục tiêu phát triển tự do dân chủ đã phát triển và được thúc đẩy từ thời thuộc Anh. Nhưng điểm gai góc cho Bắc Kinh ở chỗ Hong Kong sẽ trở thành mẫu mực cho các vùng khác trên lục địa noi theo nếu hoàn toàn vượt ra ngoài khả năng kiềm chế của Bắc Kinh.

Giữa hai chiều hướng ấy, vấn đề bầu cử Đặc Khu Trưởng và Hội Đồng Lập Pháp là trung tâm cụ thể và trực tiếp của những cuộc tranh đấu. Phe chủ trương dân chủ từ 15 năm qua đã nhiều lần đòi hỏi sự cải tiến hệ thống bầu cử Hội Đồng Lập Pháp và chống lại đường lối của Trung Quốc từng bước thao túng hệ thống chính trị tự do đa đảng tại Hong Kong.

Ba đặc khu trưởng đầu tiên ở Hong Kong là các ông Đổng Kiến Hoa, Tăng Âm Quyền, Lương Chấn Anh, đều là người của Trung Quốc hay ít nhất là người có thể dễ dàng tuân hành hay thỏa hiệp với chính quyền Bắc Kinh. Những hoạt động của phe dân chủ cũng từng bước tìm cách đưa được người của mình vào vị trí này,  vì với tính cách là người đứng đầu lãnh thổ và chính quyền, đặc khu trưởng nắm giữ nhiệm vụ bổ nhiệm các viên chức cũng như ban hành các dự luật do Hội Đồng Lập Pháp thông qua.

Do đó các cuộc biểu tình mang tính cách tranh đấu cho dân chủ bùng nổ mạnh mẽ khi Trung Quốc tìm cách chặn đứng tiến trình đi đến mục tiêu của phe dân chủ bằng sắc lệnh ngày 31 tháng 8 quy định rằng chỉ có 3 ứng cử viên trong cuộc bầu cử đặc khu trưởng năm 2017 và những người được chỉ định bởi một ủy ban do Trung Quốc thành lập chứ không phải bằng một thể lệ nào riêng của Hong Kong.

Những cuộc biểu tình đã tiếp diễn đến tuần lễ thứ nhì và không có dấu hiệu gì sẽ sớm kết thúc nếu như không có sự can thiệp trấn áp bởi một lực lượng ngoài Hong Kong, nghĩa là quân đội chứ không phải cảnh sát. Dấu hiệu của sự đối đầu gay gắt thể hiện qua việc lần đầu tiên cảnh sát đã phải dùng đến hơi cay và súng bắn đạn cao su để tìm cách giải tán biểu tình. Tại Hong Kong từ trước đến nay, những trường hợp biểu tình phản kháng từng xảy ra nhiều lần và rất lớn nhưng chưa bao giờ vượt khỏi giới hạn ôn hòa bất bạo động. Còn lần này sẽ thế nào?

Đây là thách đố khó khăn nhất đối với đảng Cộng Sản và chính quyền Trung Quốc kể từ vụ Thiên An Môn 25 năm trước.  Cách đối phó tại Hong Kong, một thành phố quốc tế, không thể giống như tại thủ đô Bắc Kinh. Từ lâu Hong Kong đã có  nền sinh hoạt báo chí tự do và mọi thông tin ngày nay sẽ nhanh chóng được toàn thế giới nhận biết. Vả lại với đa số những người biểu tình là thanh niên, sinh viên, học sinh, sự trấn áp và hậu quả sẽ rất phức tạp.

Nói cách khác, khó tin rằng Trung Quốc dám mạnh tay đàn áp biểu tình. Nhưng sự lùi bước của Trung Quốc sẽ có tác động rất tai hại với nội bộ quốc gia họ. Vậy thì phương cách thích ứng có lẽ sẽ được thi hành là kéo dài thời gian chịu đựng và tìm những biện pháp giải quyết dần dà, thật sự hay giả tạo. Áp dụng nguyên tắc thực dụng vẫn là đường lối để tồn tại của các chế độ chuyên chế nói chung và Trung Quốc nói riêng kể từ khi phong trào cộng sản thế giới tan rã.

Bắc Kinh chắc chắn nhận ra rằng họ đang trong tình thế phải cân bằng giữa hai nhiệm vụ, vừa nhanh chóng dập tắt làn sóng phản đối, vừa đảm bảo sự ổn định và dân chủ tại đặc khu,  ít nhất là ngay lúc này khi chưa thể tính toán gì cho một tương lai lâu dài hơn. Nếu như vậy, người ta sẽ thấy Trung Quốc phải rút lại một số quy định trong chừng mực không phải là lớn lao quan trọng lắm và đổi lại sẽ đưa ra một số đòi hỏi mang tính cách hình thức.

Đối với các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam, tình hình Hong Kong là chuyện đáng mừng và đồng thời đáng phải quan tâm. Có những khó khăn từ trong nước, âm mưu bành trướng và gây hấn của Trung Quốc buộc phải chậm lại và như vậy  tình hình Biển Đông hy vọng có thể lắng dịu một thời gian chưa biết bao lâu.

Nhưng cũng như đối với nội bộ Trung Quốc, phong trào tranh đấu tự do dân chủ ở Hong Kong sẽ có tác động thúc đẩy sinh hoạt chính trị Việt Nam theo một hướng tùy thuộc vào phương cách và hiệu quả giải quyết của Bắc Kinh trong nan đề Hong Kong. (HC)

No comments:

Post a Comment