Pages

Saturday, November 29, 2014

Cuộc chiến giá dầu lửa OPEC - Hoa Kỳ

 Quang cảnh hội nghi thường  kỳ OPEC lần thứ 166 tại trụ sở trung ương ở Vienna, Áo, ngày 27 tháng 11, 2014, giữa tình hình dầu thô mất giá 30% trong vòng 5 tháng. (Hình: SAMUEL KUBANI/AFP/Getty Images


HÀ TƯỜNG CÁT / Người Việt (tổng hợp)

HOA KỲ - Giá xăng đang tiếp tục xuống trên toàn quốc Hoa Kỳ. Một ngày sau Lễ Tạ Ơn, giá trung bình 1 gallon xăng trên toàn tiểu bang California là $3.072 và tại Nam California $3.061. Tại nhiều nơi, một gallon xăng 87 xuống dưới mức $3.00, chẳng hạn giá rẻ nhất là $2.57 ở nhiều cây xăng tại Turlock vùng Central Valley, $2.59 ở cây xăng Arco đường Story Rd., San Jose.


 
Xăng là một phần của vấn đề của thị trường năng lượng, trong đó 60% tiền xăng là do tiền dầu thô. Từ tháng Sáu đến nay, giá dầu thô trên thị trường thế giới xuống 30% vì nhu cầu tiêu thụ thấp trong khi lượng cung cấp không thay đổi hoặc tăng thêm

Hôm Thứ Năm, tổ chức các quốc gia xuất cảng dầu lửa OPEC, qua hội nghị bộ trưởng họp tại Vienna, Áo, quyết định không thay đổi sản lượng 30 triệu thùng dầu thô mỗi ngày. Ngay sau đó, trên thị trường quốc tế, giá một thùng dầu thô loại Brent Crude xuống $6.50, còn $71.25. 

Đầu năm nay một thùng dầu Brent Crude, dầu thô tiêu chuẩn quốc tế, giá $110. Tổng Giám Đốc Igor Sechin của tập đoàn quốc doanh dầu khí Nga Rosneft, dự đoán dầu sẽ xuống tới dưới $60 một thùng trong nửa đầu năm 2015.

Saudi Arabia, nước đứng đầu OPEC về sản xuất, không chấp thuận việc giảm bớt sản lượng theo đề nghị của các quốc gia thành viên nghèo như Venezuela, Nigeria và Iran. 

Từ nhiều năm trước, OPEC vẫn dùng sự hạn chế sản lượng làm áp lực để nâng giá dầu thô trên thị trường thế giới. 

Tháng 12, 2008, OPEC giảm bớt sản lượng 2.2 triệu thùng mỗi ngày và đó là thời gian mà người lái xe ở Mỹ đã phải chịu phí tổn lớn nhất về tiền xăng.

Nhưng bản  thông cáo do hội nghị lần này đưa ra nói rằng quyết định giữ nguyên mức sản lượng “vì lợi ích tái lập tình trạng quân bình của thị trường.” 

Lời giải thích ấy thể hiện sự tin tưởng hiện nay của OPEC rằng vẫn giữ cho giá tiếp tục thấp là phương cách "chữa trị" hiệu quả nhất trong tình trạng sản xuất dư. 

Bộ trưởng dầu lửa Saudi Arabia, Ali al-Naimi, trước ngày hội nghị đã tuyên bố ông hy vọng thị trường năng lượng “cuối cùng sẽ tự ổn định.”

Tại sao có lập luận thoạt nghe có vẻ mâu thuẫn ấy? Lý do chính là vì sản xuất dầu lửa nội địa của Hoa Kỳ từ ba năm gần đây tăng nhanh bằng việc khai thác dầu đá phiến (shale oil). 

Từ lâu người ta đã biết những trữ lượng dầu rất lớn nằm giữa các tầng đá phiến, nhưng phải nhờ những kỹ thuật mới gọi là “fracking” và khoan ngang mới có thể khai thác được. Tuy vậy phương pháp này vẫn tốn kém hơn các mỏ dầu quy ước rất nhiều và khai thác chỉ có hiệu quả kinh tế khi giá dầu cao.

Dầu đá phiến phát triển trong tình hình giá dầu cao và Saudi Arabia tin rằng khi dầu thô xuống giá, nhiều công ty khai thác dầu đá phiến sẽ phải bỏ hoạt động. 

Các chuyên gia năng lượng Hoa Kỳ ước lượng với giá hơn $70 một thùng, vẫn còn có thể khai thác dầu đá phiến, tuy nhiên phải trên $110 một thùng mới thu hút các công ty phát triển hoạt động.

Bộ trưởng dầu lửa Nigeria, bà  Diezani Alison-Madueke, tuyên bố sau cuộc họp: 

“Chúng tôi tin rằng quyết định sản xuất dư là phương án tốt nhất trong lúc này, với hy vọng ít tháng nữa giá dầu sẽ ổn định lại.” 

Bà giải thích thêm: “Không thể chắc là cắt giảm sản lượng bây giờ sẽ làm dầu tăng giá.”

Các chuyên gia thị trường dầu lửa như Jamie Webster của IHS Energy và Bill Farren-Price của Petroleum Policy Intelligence đồng ý kiến với chiến lược của OPEC. 

Bà Webster nói: “Tôi chưa gọi là trận chiến giá cả, nhưng đây là một trắc nghiệm mạnh mẽ cho dầu đá phiến Mỹ, một ván bài mới mà OPEC muốn thử thách.”

OPEC cũng có nhu cầu phải chấp nhận thách đố để duy trì thị phần trong thị trường năng lượng thế giới, có như vậy mới bảo vệ vị trí và ảnh hưởng của tổ chức này về lâu về dài.
Saudi Arabia là một trong những nước giàu nhất thế giới, có dự trữ ngoại tệ khổng lồ từ lâu năm với việc xuất cảng dầu khí. 

Thiệt thòi vì dầu lửa mất giá không có tác động đối với vương quốc này, ít nhất là trong một thời gian dài, cho nên Saudi Arabia sẵn sàng chấp nhận thách đố. 

Nhưng các quốc gia sản xuất dầu lửa khác sẽ bị nhiều tổn hại, từ Canada với dầu khai thác ở các mỏ cát-dầu (tar sands) tới Brazil với những giếng dầu ngoài khơi vùng nước sâu.

Ba quốc gia bị đe dọa nặng nề nhất vì giá dầu xuống thấp là Nga, Iran và Venezuela vì dầu lửa chiếm tỷ lệ quan trọng trong giá trị xuất cảng. 

Nga cần có giá dầu trên $110/thùng để quân bình ngân sách và hiện nay giá dầu là một trong những đe dọa nặng nề nhất cho chính quyền của Tổng Thống Vladimir Putin đồng thời với nhiều biện pháp cấm vận của Tây Phương. 

Iran còn khó khăn hơn do lạm phát kéo dài và cần có giá dầu $130/thùng mới giải quyết được tình trạng. Chính quyền Nicolas Maduro cần dầu lửa lên tới $160/thùng mới thanh toán được những vấn đề kinh tế xã hội ở Venezuela đã thừa hưởng từ thời của cố Tổng Thống Hugo Chavez. 

Trung bình Nga, nước đứng đầu thế giới về dầu khí, xuất cảng gần 5 triệu thùng dầu mỗi ngày, Iran và Venezuela là hai thành viên OPEC đứng hàng thứ 4 và thứ 11 trên thế giới về sản xuất. 

Trong tình hình dầu lửa mất giá, các nước này mỗi ngày đều thiệt thòi thu nhập hàng trăm triệu dollars. 

Như vây nếu  người lái xe ở Mỹ giảm bớt được chi tiêu mấy dollars mỗi ngày, thì nhiều quốc gia và các công ty dầu lửa đang vất vả trước tình thế phải đương đầu quyết liệt bằng cuộc chiến giá cả.
Theo Người Việt

No comments:

Post a Comment