Pages

Saturday, November 22, 2014

Europol bắt 26 thành viên của một tổ chức buôn người Việt

 Trồng cần sa thường liên quan tới các băng nhóm người Việt tại Anh. (Hình: BBC)

LA HAYE  (NV) - Cảnh sát châu Âu (Europol) vừa phá vỡ một tổ chức chuyên đưa người Việt nhập cảnh lậu vào châu Âu. Có 26 cá nhân bị cáo buộc giả mạo giấy tờ, buôn người và rửa tiền.


Europol cho biết, tổ chức buôn người này hoạt động từ năm 2010 và đã đưa nhiều người từ Việt Nam sang nhiều quốc gia châu Âu như: Anh, Pháp, Phần Lan, Ba Lan, Cộng hòa Séc. Mỗi người phải nộp từ 10,000 Euro đến 15,000 Euro. Tính ra, tổ chức buôn người này đã thu được hàng triệu Mỹ kim. 

Cơ quan cảnh sát Châu Âu Europol, có trụ sở tại La Haye, đã điều phối chiến dịch nhắm vào tổ chức tội phạm nói trên. Các điểm đến mà mạng lưới đưa người nhập cư lậu thường hướng tới là, Phần Lan, Pháp, Ba Lan và Anh Quốc.

Hồi cuối tháng 9, Europol thực hiện chiến dịch “Archimède” với sự tham gia của khoảng 20,000 cảnh sát thuộc 28 quốc gia thành viên, giải cứu 30 đứa trẻ, bắt giữ khoảng 1,200 nghi can dính líu đến các băng nhóm tội phạm chuyên buôn người, buôn ma túy, nhập cảnh trái phép…

Khi thực hiện việc bắt giữ 26 thành viên của tổ chức chuyên buôn người Việt sang châu Âu, Europol đã tạm giữ 15 người Việt nhập cảnh trái phép, tịch thu 1,750 cây cần sa trị giá khoảng 1.5 triệu Euro.

Đưa người từ Việt Nam sang châu Âu, sử dụng họ như nô lệ để phát triển các hoạt động bất hợp pháp như trồng cần sa, mãi dâm,… đã trở thành một vấn nạn khiến chính quyền nhiều quốc gia châu Âu đau đầu.

Năm ngoái, báo giới Anh có nhiều bài đề cập tới nan đề người Việt mất tích ở Anh. Đáng chú ý nhất là bài “The vanished” của Sam Judah, đăng trên trang Magazine của BBC News Online.

Judah khởi đầu phóng sự điều tra của ông sau khi quan sát những trang tin về trẻ mất tích ở Anh và nhận ra rằng, đa số thiếu niên mất tích đến Anh từ… Việt Nam và có nhiều điểm chung: Được những nhóm tội phạm buôn người đưa vào Anh. Bị bóc lột, bị ép trồng cần sa, bị đánh đập tàn tệ.

Được giải thoát và được một số gia đình nhận nuôi hoặc được đưa vào các trung tâm bảo trợ. Tuy nhiên những thiếu niên đó lại bỏ trốn, tự nguyện tìm về với những kẻ “chăn dắt” mình.

Chloe Setter, làm việc cho một tổ chức thiện nguyện có tên là Ecpat UK, giải thích rằng, các mạng lưới tội phạm kiềm chế cả nạn nhân lẫn gia đình các em.

Những kẻ buôn người nói với các em rằng, nếu tìm cách chạy trốn, chúng sẽ “xử” các em hoặc gia đình các em ở Việt Nam.

Đó là lời đe dọa rất thật, bởi bọn chúng biết rõ gia đình các em.

Tại Việt Nam, những kẻ môi giới mời chào, hứa hẹn với phụ huynh là con em họ sẽ được đi làm, đi học và nhiều phụ huynh bán nhà cửa để cho con em họ sang Anh.

Chi phí mà phụ huynh phải trả cho các tổ chức buôn người để đưa con em họ sang Anh có thể lên tới 15,000 bảng, chưa kể tiền lãi. Khi tới Anh, đa số những đứa trẻ này bị buộc phải trồng cần sa cho các nhóm tội phạm.

Philip Ishola, một thành viên của Trung tâm Chống Buôn người, đã đến Việt Nam. Ông kể, chúng tôi biết ít nhất có hai gia đình bị trả thù vì con họ “phản bội”.

Nhà của họ bị đốt trụi.

Một chuyên viên chống ma túy tên là Harry Shapiro nhận xét, việc trồng cần sa khởi đầu từ các băng nhóm tội phạm ở Canada. Sau đây, những kẻ bất lương ở Anh nhận ra đây là một kiểu làm ăn cho lãi lớn.

Hoạt động này bùng phát tại Anh kể từ năm 2004 và các băng nhóm người Việt kiểm soát phần lớn “ngành công nghiệp trồng cần sa” ở Anh.

Klara Skrivankova, làm việc cho Tổ chức chống nô lệ quốc tế (Anti-Slavery International) bảo rằng:

Có những băng nhóm tội phạm người Anh hay người Hoa tham gia vào những hoạt động như vậy  nhưng chủ yếu vẫn là người Việt, và điều này đúng trên toàn châu Âu! Bà Skirivankova nói thêm:

Các băng nhóm người Việt nhắm vào chính người Việt và điều đó giải thích tại sao có nhiều thiếu niên người Việt được đưa đến Anh.

Năm 2012, có 96 thiếu niên người Việt được chuyển cho cơ quan quản lý tình trạng buôn người của chính phủ Anh, khiến Việt Nam trở thành quốc gia có nhiều nạn nhân ở tuổi vị thành niên nhất tại Anh.

Người ta ước đoán có hơn một nửa số thiếu niên bị bán qua Anh, được cảnh sát đưa vào các trung tâm bảo trợ đã biến mất.

Hồi tháng 12 năm 2012, cảnh sát Pháp cũng khám phá một tổ chức tội phạm do người Việt điều hành, chuyên đưa người từ Việt Nam nhập cảnh trái phép đến vùng Alsace, để trồng cần sa. Hàng chục thanh niên người Việt đã bị buộc phải làm việc tại các trang trại trồng cần sa, để trả món nợ hàng chục nghìn Euro cho tổ chức đã đưa họ vào châu Âu bất hợp pháp.
 (G.Đ) /Người Việt

No comments:

Post a Comment