HÀ TƯỜNG CÁT/Người Việt (Tổng Hợp)
HOA KỲ - Cuộc đối đầu giữa NATO và Nga đã kéo dài gần 9 tháng, với những biện pháp trừng phạt và trả đũa kéo dài giữa hai phía, mà chưa có dấu hiệu gì cho thấy sẽ đi đến kết thúc.
Nhưng có lẽ các giới lãnh đạo Tây Phương và Tổng Thống Vladimir Putin đều chưa nhận thức được rõ rằng, đằng sau những biểu hiện bề ngoài ít thấy chuyển biến, nguy cơ lớn nhất của nước Nga là nền kinh tế đang tiến nhanh đến gần khủng hoảng.
Tổng Thống Vladimir Putin không thiếu những khó khăn phải đương đầu, do từ tình thế và rất nhiều lý do chính ông gây nên.
Trong khi nước Nga luôn luôn thiếu an ninh vì hoạt động nổi dậy và khủng bố của dân Hồi Giáo tại vùng biên giới, thì chính quyền Nga vẫn tiếp tục yểm trợ cho cuộc chiến đấu đòi ly khai.ở miền Đông Ukraine.
Hành động vụng về không đúng lúc đúng chỗ của Liên Âu và Ukraine đã tạo điều kiện cho Tổng Thống Putin thâu hồi lại bán đảo Crimea, đồng thời kích động phong trào dân tộc Nga bùng phát.
Bằng sự kiện ấy, uy tín của ông Putin lên rất cao, sự chống đối của những phe phái đối lập mất hiệu lực, nhưng để duy trì được thành quả ấy, dù muốn dù không, ông phải hỗ trợ các cộng đồng dân Nga ở Ukraine và không thể bỏ rơi họ.
Việc này cuối cùng trở thành một gánh nặng, đưa đến những phức tạp về ngoại giao và tác động vào hoạt động kinh tế, mà thời gian càng kéo dài ông Putin càng bị khó khăn hơn.
Sau khi Liên Xô tan rã, nền kinh tế Nga trải qua giai đoạn suy sụp trước khi hồi phục và phát triển ở thời kỳ giá dầu lửa lên cao.
Hai nhiệm kỳ đầu của Tổng Thống Putin khi thác được lợi thế ấy nhưng hiện nay dầu lửa mất giá và sức mạnh dựa trên xuất cảng dầu lửa của Nga bị suy giảm nặng. Trên thị trường thế giới, giá dầu thô từ $110 một thùng hồi đầu năm, hiện nay xuống còn dưới $80.
Dầu lửa chiếm 2/3 trị giá xuất cảng của Nga, nước xuất cảng dầu lửa đứng hàng thứ nhì trên thế giới, sau Saudi Arabia.
Trung bình một ngày Nga xuất cảng khoảng gần 5 tỷ thùng dầu thô, như vậy dầu lửa rẻ làm Nga thua thiệt hàng tỷ dollars mỗi tháng. Trong vòng ba tháng, đồng rouble mất giá 23%.
Nga cũng không thể thoát khỏi tác hại do những biện pháp trừng phạt của Tây Phương.
Các ngân hàng quốc tế thi hành những biện pháp hạn chế không chỉ với một số người thân cận của Putin mà còn với vây cánh của họ ở giới kinh doanh.
Qua nhiều năm dưới thời Vladimir Putin, nền dân chủ của nước Nga đi tới tình trạng một “chế độ đạo tặc” (kleptocracy), nghĩa là một chế độ chính trị tham nhũng, sự tồn tại của chính quyền nhắm vào mục đích làm giàu cho một số thành phần ưu đãi, viên chức chính phủ và bè đảng vây cánh của họ.
Kleptocracy phát triển vào cuối thời Cộng Sản Liên Xô và trải qua giai đoạn cầm quyền của Tổng Thống Boris Yeltsin.
Người ta thấy Putin đã từng trấn áp một số “đại gia,” nhưng dung dưỡng những “đại gia” khác, tạo thành một phe cánh quyền lực ủng hộ mình. Vladimir Putin, một Tổng Thống có nhiều năng lực, vẫn bị dư luận quốc tế phê phán chỉ trích mạnh mẽ, không phải chỉ vì nguyên lý nhân quyền hay lý tưởng tự do dân chủ, mà vì thực trạng kinh tế xã hội của nước Nga trong một chế độ như vậy.
Tổng Thống Putin dành một trọng tâm trong chính sách vào kế hoạch tái xây dựng và tân tiến hóa nền quốc phòng.
Tuy nhiên để thi hành được những dự án này, cần tới ngân sách lớn và việc ấy chỉ có thể với kinh tế tài chính ổn định. Các công ty quốc doanh Nga nợ hơn $500 tỷ trong đó $130 tỷ phải hoàn trả trước cuối năm 2015.
Với những biện pháp trừng phạt của Tây Phương, các ngân hàng quốc tế sẽ bị ngăn cản hoặc ngần ngại tham gia vào những doanh vụ với Nga. Khi tình hình kinh tế bất ổn, quan hệ tài chính quốc tế là yếu tố đẩy nhanh tới khủng hoảng.
Lần trước, năm 1998, khủng hoảng kinh tế Nga đưa tới tình trạng chính phủ vỡ nợ. Hiện nay, một loạt những tác động bao gồm các vấn đề của ngân hàng, công ty quốc doanh, biện pháp cấm vận, khủng hoảng có thể xẩy ra rất nhanh.
Những quốc gia có nhiều quan hệ mậu dịch với Nga như Thụy Điển, Áo và Brazil sẽ chịu ảnh hưởng và tác hại chung tới kinh tế toàn cầu.
Các quan sát viên quốc tế nhận định rằng, mặc dầu khủng hoảng có thể không còn xa, nhưng Tổng Thống Putin là con người rất khôn ngoan, có thể đương đầu với hoàn cảnh ít nhất là trong một thời gian.
Tuần trước, ông đã gọi điện thoại cho bà Thủ Tướng Angela Merkel, cảnh báo rằng 300,000 việc làm ở Đức phụ thuộc vào những quan hệ mậu dịch với Nga. Mặc dầu trong Liên Âu, Đức là nước thân cận và có nhiều mối quan hệ với Nga, nhưng bà Merkel giữ vững lập trường và chỉ chấp thuận giải tỏa cấm vận nếu Nga thay đổi chính sách ở Ukraine.
Đây là một vấn đề phức tạp đối với ông Putin như đã nói trên, vì bỏ rơi những phần tử người Nga đòi ly khai ở miền Đông Ukraine sẽ không tránh được tác động đến chính trị nội bộ Nga. Mặt khác, đến bây giờ ông Putin cũng không phải là có đủ khả năng chủ động với nền kinh tế Nga mà nhiều khu vực ở trong tay các giới thân cận và ủng hộ ông.
Tuy nhiên, Nga hãy còn dự trữ ngoại tệ khoảng $370 tỷ theo số liệu của ngân hàng trung ương. Hơn nữa đồng rouble mất giá khiến cho một số hàng xuất cảng Nga có hiệu lực cạnh tranh hơn trên thị trường.
Biện pháp trả đũa của ông Putin là cấm nhập cảng một số sản phẩm Mỹ và Tây Phương cũng giúp Nga tiếp tục duy trì được xuất siêu thương mại.
Nhưng quan trọng và có tác dụng định đoạt hơn hết là giá dầu lửa.
Ông Putin cho là giá dầu.sẽ hồi phục trở lại, niềm tin tưởng này không bảo đảm vì lượng cunng cấp trên thế giới vẫn tăng do OPEC muốn giữ vững thị phần.
Dự đoán của bộ Năng Lượng Mỹ là một thùng dầu thô sẽ chỉ còn $83 năm 2015. Nếu sức tiêu thụ toàn cầu tiếp tục giảm – do kinh tế Trung Quốc không còn tăng trưởng cao và Nhật Bản đi vào suy trầm – thì giá dầu còn xuống nữa và không thể nào ở mức $90 một thùng như Nga cần phải có để tránh khỏi suy thoái và quân bình ngân sách.
Một phần quan trọng trong xuất cảng năng lượng của Nga còn là khí đốt mà gần đây Nga đã ký kết thỏa hiệp bán qua Trung Quốc và Nhật Bản; nhưng Trung Quốc là khách hàng không dễ dãi với mọi tình thế biến chuyển ở thị trường.
Như thế nếu tình thế vẫn kéo dài như nguyên trạng, khủng hoảng kinh tế ở Nga sẽ không còn xa. Chỉ có điều đáng phải quan tâm là nguy cơ này sẽ đưa đến những tác động ảnh hưởng toàn cầu.
No comments:
Post a Comment