Pages

Sunday, December 21, 2014

Harvard hạn chế tỉ lệ sinh viên gốc Á?

         Vào được Đại học Harvard là mơ ước của nhiều sinh viên, trong đó có các sinh viên gốc Á Châu. (Hình: Thiên An/Người Việt)

Thiên An/Người Việt
CAMBRIGE, Massachusets (NV) - Một tổ chức vô vụ lợi vừa đưa đơn kiện Đại Học Harvard “có quy định kỳ thị chủng tộc và màu da trong việc tuyển sinh." Kẻ bênh, người chống, dư luận dấy lên các tranh cãi về việc có hay không trường Harvard tìm cách giới hạn sinh viên gốc Á.

 Một chiều đầu Tháng Mười Hai, trường êm ả với những làn tuyết nhẹ. Tại một phòng nghiên cứu của đại học Y Khoa thuộc trường Harvard, Zaw H. vẫn đang tìm cách hoàn thành bước đầu cho luận án của mình. Đây là năm thứ hai anh học tại trường và anh cho biết mọi thứ đều diễn ra tốt đẹp. Tại một tòa nhà khác của trường, Hội Sinh Viên Việt Nam đang có buổi họp mặt cuối năm. Các bạn trao đổi quà Giáng Sinh và cùng ăn thức ăn Việt trước khi trở lại bên sách vở, chuẩn bị cho những bài thi sắp đến. Cách đó không xa, giáo sư Bình Ngô, một giáo sư Việt Nam của trường, cũng bận rộn với công việc của những ngày cuối khóa.

“Tôi chưa bao giờ nghe thấy chuyện Đại học Harvard hạn chế tuyển sinh người Mỹ gốc châu Á, mặc dù tôi nghe loáng thoáng có người nói sinh viên gốc châu Á bây giờ ‘overrepresented’ ('quá đông', tạm dịch) tại Đại học Harvard,” Giáo sư Bình khẳng định với phóng viên Nhật Báo Người Việt rằng chưa bao giờ nghe thấy trường ra thông tin chính thức về vấn đề giới hạn sinh viên gốc Á.

Trái với nhịp độ yên bình vẫn đang diễn ra cho các sinh viên tại trường nói chung và sinh viên gốc Á nói riêng, một số người cho rằng Harvard đang tìm cách ngăn cản bớt số người gốc Á xin theo học.

Một tổ chức vô vụ lợi mới thành lập có tên Students for Fair Admissions- chuyên tranh đấu cho công bằng trong việc tuyển sinh- vừa đưa đơn kiện Đại Học Harvard, và trường University of North Carolina-Chapel Hill, với các số liệu và dẫn chứng rằng trường ngày càng “làm khó” sinh viên gốc Á.

Điểm số từ lâu đã không là yếu tố duy nhất cho việc tuyển sinh của các trường đại học và cao học tại Mỹ. Trong những yếu tố quyết định còn lại, sắc tộc ảnh hưởng lớn đến kết quả tuyển sinh. Riêng với người gốc Á, thành phần tuy vẫn chiếm tỉ lệ nhỏ trong tổng dân số tại Hoa Kỳ nhưng có mặt rất đông đảo tại các đại học lớn, các số liệu cho thấy họ không được hưởng các “ưu tiên cho người thiểu số.”

Riêng trong vụ kiện nêu trên, phía đệ đơn là các sinh viên nói bị từ chối nhập học chỉ vì họ là người gốc Á.

Theo tờ New York Times, để vào được Harvard, số liệu cho thấy trung bình một học sinh gốc Á phải có điểm SAT cao hơn một sinh viên da trắng khoảng 140 điểm. Vào năm 2008, người gốc Á chiếm 50% số đơn xin học có điểm SAT cao nhất, nhưng kết quả chỉ chiếm khoảng 20% trong tổng số sinh viên của trường.

Một điều khác được nhấn mạnh trong đơn kiện chính là việc số dân Á Châu tại Mỹ ngày một tăng, số đơn xin học của người gốc Á cũng tăng nhanh, nhưng tỉ lệ sinh viên Á Châu tại Harvard vẫn không thay đổi trong 20 năm qua, cũng theo New York Times.

Phản ứng trước đơn kiện, Đại học Harvard phủ định việc giới hạn tỉ lệ sinh viên Á Châu. Trường ra thông cáo, cho biết xét tuyển sinh viên mới theo từng trường hợp, từng cá nhân một.

“Trường xem xét từng đơn xin học theo mỗi cá nhân, kiểm tra kỹ lưỡng với mục đích tạo một cộng đồng học giả sống động cho sinh viên được tiếp xúc với môi trường đa dạng: về xuất xứ, tư tưởng, kinh nghiệm, tài năng, và đam mê,” ông Robert Iuliano, đại diện trường Harvard, tuyên bố trong thông cáo.

Vì “xuất xứ, tư tưởng, kinh nghiệm, tài năng, và đam mê” là những vấn đề khó mà đánh giá chuẩn xác, báo giới như New York Times, Wall Street Journal, hay Yahoo News... vẫn chưa nguôi bàn tán về số liệu tuyển sinh của Harvard- Harvard nói riêng và các đại học danh tiếng nói chung.

Theo số liệu trên các tờ báo trên và trên đơn kiện trường Harvard của tổ chức Students for Fair Admissions, khoảng một thế kỷ trước, Harvard từng bị những cáo buộc tương tự trong việc tuyển sinh sinh viên gốc Do Thái.

Từ năm 1900 đến năm 1922, tỉ lệ sinh viên Do Thái tại Harvard tăng từ 7% lên 21.5%. Viện trưởng trường khi đó, ông Lawrence Lowell, lo ngại rằng “sự xâm lấn” của người Do Thái sẽ “hủy hoại” tên tuổi của trường. Ông đề nghị giới hạn sinh viên Do Thái xuống còn 15%, để sinh viên bản xứ không phải sang học tại các trường danh tiếng khác của hệ thống Ivy League.

Thời đó, sinh viên Do Thái không được coi trọng và bị gắn liền với hình ảnh một sinh viên học quá nhiều và không có khả năng giao tiếp hay lãnh đạo bằng các sinh viên bản xứ. Ngày nay, đây trở thành vấn đề của sinh viên góc Á Châu.

Theo Người Việt

1 comment: