Cuộc sống hiện đại khiến mọi người bận rộn hơn. Sự căng thẳng trở thành "một phần không thể thiếu" trong cuộc sống, nhất là cho giới thành đạt.
Tuy vậy, từ các bổn phận trong gia đình, nhiệm vụ chăm sóc con cái, đến công việc hằng ngày và những dự án đầu năm cuối tháng tại sở làm, những căng thẳng có thể dồn lên, trở thành gánh nặng tinh thần cho mỗi người khi nào không hay biết.
Kết quả nghiên cứu của Yale cho thấy khoảng 90% người "đã học được cách kiểm soát căng thẳng" có thu nhập trung bình cao hơn và giữ các chức vụ cao hơn những người cho biết không để mình bị căng thẳng hay để căng thẳng quá nhiều.
Vậy muốn thành công trong các lĩnh vực đời sống, muốn gia đình hạnh phúc và công việc luôn thăng tiến, chúng ta nên kiểm soát căng thẳng như thế nào?
(Hình minh họa: Getty Images)
|
Sau đây là 10 cách mà chuyên gia tâm lý Travis Bradberry tổng hợp và đăng trên LinkedIn từ các bài phỏng vấn của ông với các nhân vật thành đạt.
1. Cảm ơn cuộc đời
Hôm nay, bạn cảm kích điều gì? Bạn có biết rằng khi đang đọc những dòng chữ này, là bạn đã may mắn hơn rất nhiều người vì có thời gian để đọc báo thay vì phải lo cơm ăn áo mặc qua ngày, có chút tiền để mua báo hay có mạng internet để sử dụng... Tuy rằng có thể là "nhìn lên mình không bằng ai", nhưng việc "nhìn xuống không ai bằng mình" có thể giúp bạn hạnh phúc hơn với những gì mình có. Nhiều người thành đạt cho biết họ luôn bắt đầu một ngày với những lời cảm ơn dành cho thượng đế, cho cuộc đời. Nếu chưa thực hiện điều này, bạn hãy thử xem, hãy "cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, ta có thêm ngày nữa để yêu thương."
2. Miễn "nếu như đã"
Câu "nếu như đã" thế này, "nếu như đã" thế khác hoàn toàn không có lợi cho cuộc sống của bạn.
Muốn thành công, bạn phải hạn chế việc ngồi tưởng tượng ra một quá khứ đã không xảy ra. Việc lo lắng cho tương lai có thể có ảnh hưởng xấu ít hay nhiều đến tâm trạng và khả năng làm việc. Lo lắng cho quá khứ lại còn tổn hại hơn.
Hãy tiết kiệm thời gian và sức lực để dồn cho giây phút hiện tại.
3. Lạc quan
Giữ cho mình lối suy nghĩ tích cực, lạc quan. Điều này nói thì dễ, nhưng làm lại chẳng dễ. Khi mọi việc đang yên ổn, việc lạc quan chẳng khó. Nhưng khi mọi thứ đang vượt ra khỏi kế hoạch ban đầu, tâm trí ta sẽ tự nhiên lo lắng, khó mà lạc quan được.
Lúc này, bạn nên tập trung vào một khía cạnh nào đó của vấn đề mà bạn có thể thay đổi được. Hoặc tạm quên những vấn đề hiện tại, để nghĩ đến một tương lai khả quan hơn khi mọi khó khăn đã vượt qua. Tuy đây chỉ là ý nghĩ tạm thời, cảm giác lạc quan tự tạo sẽ làm bạn thư thái hơn, và làm việc hiệu quả hơn.
4. Tránh các phương tiện kỹ thuật
Công nghệ kỹ thuật hiện đại giúp mọi người luôn được kết nối với thế giới xung quanh bất kỳ khi nào, và đến cả những nơi xa và rộng hơn. Ngược lại, điều này khiến cho chúng ta cũng khó thư giãn hơn.
Khi rảnh rỗi, người ta nay ít nghỉ ngơi thư thái một cách đơn giản, nhưng lại lên mạng, Facebook, Twitter... để xem tin tức nơi này nơi khác.
Các trang mạng xã hội lại làm chúng ta hay so sánh bản thân với người khác, khiến chúng ta lại bị lôi vào các dòng suy nghĩ thay vì lẽ ra nên phải thư giãn.
Sau những giờ bận rộn, bạn nên kết thúc một ngày bằng những cách thức truyền thống, không dùng đến các phương tiện thông tin hiện đại, như đi dạo, đạp xe, chơi nhạc, tập vẽ...
5. Tránh cà phê
Lạm dụng cà phê để tỉnh táo làm việc quá giờ tạo ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần. Cà phê có tác dụng tăng nồng độ adrenaline trong máu.
Đây là chất tự nhiên giúp chúng ta phản ứng nhanh và mạnh hơn để đáp trả lại các thử thách trong tự nhiên, ví dụ như phải chạy thoát thú dữ. Tuy vậy, khi lạm dụng cà phê, cơ thể bạn sẽ nhanh chóng mệt mỏi vì phải liên tục phản xạ quá mức cần thiết.
(Hình minh họa: Getty Images)
|
6. Ngủ đủ giấc
Việc ngủ đủ giấc, theo ông Bradberry, có liên hệ mật thiết với khả năng kiểm soát stress và "sự thông minh tâm lý". Khi tiết kiệm thời gian để cố làm thêm việc, bạn vô tình làm bản thân trở nên nhạy cảm trước các áp lực về thể chất và tinh thần. Muốn có thể làm tốt các công việc về lâu về dài, từ nhà ra ngõ, bạn nên đảm bảo mình được ngủ đủ giấc mỗi ngày.
7. Dừng các ý nghĩ tiêu cực
Có hai điều cần lưu ý trong lời khuyên "hãy dừng các ý nghĩ tiêu cực." Thứ nhất, đó là dừng dòng suy nghĩ đó. Thay vì để đầu óc tiếp tục lo lắng, căng thẳng, hãy viết xuống các suy nghĩ này.
Khi viết, người ta có xu hướng lập luận có sự phân tích cao hơn. Bằng cách này, nếu có tiếp tục lo thì bạn vẫn không trở nên lo lắng quá đến mức hoang đường.
Bên cạnh đó, khi suy nghĩ đi kèm một sự phân tích, bạn có thể tìm ra cách giải quyết cho các vấn đề mình đang đối mặt. Thứ hai, đó là chuyển các ý nghĩ tiêu cực sang tích cực.
8. Thay đổi suy nghĩ
Theo chuyên gia, người ta thường căng thẳng vì lo lắng về những gì sắp xảy ra, và chúng sẽ xảy ra như thế nào. Thay vì nghĩ "tôi không thể nào hoàn thành công việc đúng hạn", "mọi thứ rối tung hết rồi", "không thể nào giải quyết các vấn đề này được", thì hãy tự hỏi mình ngay lúc này phải làm gì. Mọi thứ đều có thể trở nên tồi tệ hơn hoặc tốt đẹp hơn.
Việc nghĩ về hiện tại sẽ có tác dụng tích cực hơn việc lo lắng quá xa.
9. Hít thở sâu
Đây là cách nhanh chóng để giữ sự thư thái trong tâm hồn. Khi cảm thấy quá căng thẳng muốn buông hết mọi sự, hãy cứ "tạm" buông trong hai phút. Nhắm mắt. Hít vào và thở ra thật sâu. Bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
10. Yêu cầu được giúp đỡ khi cần
Người thành công không thành công một mình, mà thường có những sự trợ giúp đằng sau họ. Các sự trợ giúp này có thể về công việc, nhưng cũng có thể về tinh thần. Ví dụ như chuyện gia đình, hai vợ chồng đã có thể là một "đội" cùng làm việc. "Đội" gia đình cũng có thể nhiều hơn, như con cái, ba mẹ chồng, ba mẹ vợ... những người cùng san sẻ những khó khăn, niềm vui và nỗi buồn. Lời khuyên của chuyên gia là hãy nhìn quanh mình, đâu là "đội" của mình trong từng trường hợp, và hãy yêu cầu sự giúp đỡ của họ khi cần thiết.
(T.A.)/Nguời Việt
No comments:
Post a Comment