Pages

Tuesday, March 31, 2015

Tom Cross, giải Oscar và một nửa dòng máu Việt

                                         Nhà biên tập phim Tom Cross tại lễ trao giải Oscar 2015. (Hình: Getty Images)

Thiên An/Người Việt

LOS ANGELES, California (NV) -
Khi tên Tom Cross được xướng lên cho giải Oscar hạng mục Biên Tập Phim Xuất Sắc Nhất, ngay cả bản thân anh cũng bất ngờ. Đây là lần đầu tiên anh được đề cử Oscar, trong khi các ứng cử viên còn lại là những gương mặt lão luyện trong nghề. Có thể nói, còn rất nhiều điều người ta chưa biết về Tom Cross, nhà biên tập phim mang nửa dòng máu Việt này. 

 
Whiplash và giải Oscar

Với hơn hai mươi năm nghề, Tom Cross từng làm việc với nhiều phim lớn nhỏ khác nhau. Tuy vậy, Whiplash là phim đã hoàn toàn khẳng định tên tuổi anh tại Hollywood. 

Nội dụng Whiplash xoay quanh nhân vật chính, một thanh niên 19 tuổi, với ước mơ trở thành một tay trống hàng đầu, đã tìm đến người thầy nghiêm khắc đến cay nghiệt để tìm mọi cách mà theo học. 

Xem phim, khán giả không chỉ theo dõi câu chuyện của chàng trai trẻ, mà sẽ còn bị cuốn hút đến những phút căng thẳng tâm lý đến nghẹt thở. Âm thanh quyện hình ảnh qua những góc quay tinh tế, càng về sau, phim càng mê hoặc người xem. 

Phim được đánh giá cao với nhiều giải thưởng khắp nơi, trong đó có năm đề cử mang lại ba chiến thắng tại Oscar: giải nam diễn viên phụ xuất sắc nhất, giải hòa âm xuất sắc nhất, và một giải biên tập phim xuất sắc nhất của Tom Cross. 

“Tôi vẫn còn đang vui sướng và hân hạnh được đề cử cùng những tên tuổi lớn trong làng điện ảnh. 

Tôi luôn mơ về các giải thưởng này nhưng tôi không ngờ mình thắng giải,” Tom Cross cười, nhớ lại.
Ít ai biết, trong lịch sử 87 năm của giải thưởng danh tiếng Oscar, đây là lần đầu tiên một người chiến thắng mang trong mình dòng máu Việt. 


Giọng nói trầm ấm và nụ cười dễ chiếm cảm tình người đối diện.
(Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt)


Nửa dòng máu Việt

Tom Cross có mẹ là người gốc Huế, với tên Việt là Võ Hồng Lộc. Tuy không nói trôi chảy tiếng mẹ đẻ vì lớn lên tại nơi hầu như không có người Việt, anh có thể gọi được món phở gà tại một tiệm ăn nào đó bằng tiếng Việt, hay kể cho người đối diện nghe một vài câu chuyện về những thuyền nhân trong gia đình.

Được phóng viên yêu cầu cho biết thêm về xuất thân, Tom Cross kể: “Gia đình mẹ có đông anh chị em. Mẹ sang Mỹ du học ngành quản thủ thư viện khoảng những năm cuối thập niên 50. Khi về lại Việt Nam, mẹ làm việc ở Sài Gòn trong một thư viện của Mỹ. 

Mẹ gặp ba rất tình cờ vào thập niên 60. Ba khi đó về Việt Nam cho một chương trình huấn luyện bơi lội. Ngoài thủ thư, mẹ còn là một họa sĩ. Một lần, khoảng 1965, mẹ có tranh sơn dầu trưng bày ở một buổi triển lãm, ba mua tranh của mẹ, và hai người bắt đầu quen nhau từ đó. Năm 1966 hai người làm đám cưới ở Sài Gòn. Năm 1967, hai người về Mỹ, tại thành phố Milwaukee nơi gia đình ba sinh sống. Tôi ra đời vào năm 1969, là người con duy nhất của ba mẹ.”

Theo lời anh, gia đình chuyển từ Milwaukee đến New York sinh sống khi anh khoảng 5 tuổi, ở một khu vực đa văn hóa hơn nhưng vẫn rất ít người Việt. “Cũng buồn cười. Ba tôi thông thạo tiếng Anh và tiếng Pháp. Mẹ thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, và tiếng Việt. Còn tôi thì nói tiếng Anh còn chưa xong nữa,” anh đùa. 

Nhắc đến gia đình, Tom Cross nói mình may mắn khi được sự ủng hộ tuyệt đối khi quyết định theo đường điện ảnh. 

“Mẹ tôi là nghệ sĩ. Tôi thấy mình may mắn khi mẹ luôn động viên cho tôi tham gia các hoạt động về nghệ thuật. Ba mẹ không bao giờ ép tôi theo ngành gì. Cả ba và mẹ luôn khuyến khích tôi học bất kỳ ngành gì mà tôi thích. Ba mẹ nhanh chóng nhận thấy là tôi thích điện ảnh, và họ ủng hộ tôi làm phim. Ba tôi cũng thích phim ảnh nên ông cũng chia sẻ với tôi các bộ phim hay, ông rất ủng hộ tôi theo ngành điện ảnh. Mẹ thì là nghệ sĩ, nên cũng ủng hộ tôi theo đuổi nghệ thuật.” 

"Bạn sẽ không thất bại theo đuổi công việc mình đam mê.”
Theo lời Tom Cross, từ bé anh đã thường xuyên coi phim cùng ba và sớm có ý định trở thành nhà làm phim. Anh theo học ngành này tại một đại học nhỏ ở New York. Dù đối mặt với nhiều khó khăn, anh không bao giờ có ý định từ bỏ đam mê dành cho điện ảnh. Ngay cả với phim Whiplash, ban đầu anh chỉ nhận một khoản thù lao tượng trưng cho công việc biên tập, trước khi phim có thêm tài trợ và thành công lớn. Tom Cross bày tỏ:


“Tôi được học tất cả các công đoạn làm phim, nhưng tôi thích nhất là biên tập. Người giáo sư dạy về biên tập của tôi là một nữ giáo sư rất giỏi, hiền nhưng nghiêm khắc. Cô thúc sinh viên mình phải làm giỏi hơn mức hiện tại có thể. Cô là người dạy tôi phải hoàn thành công việc mình một cách xuất sắc nhất có thể, không được lười biếng qua loa. Thời gian đi học là khoảng thời gian tôi quyết định trở thành một người biên tập phim.”

“Công việc biên tập cho phép mình được làm việc với toàn bộ đoàn làm phim, là người ghép lại các mảnh phim để làm một tác phẩm hoàn chỉnh, trọn vẹn. Người biên tập có quyền chi phối nhịp phim, không gian, sắc thái, sáng tạo, chi phối cảm xúc cho khán giả bằng âm thanh và hình ảnh. Với tôi, vai trò của tôi là bảo vệ sản phẩm của tất cả mọi người trong các công đoạn, từ giữ gìn ý tưởng của đạo diễn đến những khoảnh khắc, cảm xúc của từng cảnh  phim.”

“Tôi nhìn thấy rõ ràng mục tiêu của mình muốn gì, trở thành người thế nào, và tôi cố gắng để thực hiện được. Những điều này khiến những khó khăn dễ dàng vượt qua hơn. Tôi thường đọc về cuộc đời, công việc, và những tác phẩm của các tên tuổi thành công trong ngành biên tập điện ảnh mà mình hâm mộ, để học hỏi bắt chước họ, nhất là trong lúc gặp khó khăn.”

“Ngành điện ảnh không dễ dàng, cạnh tranh rất dữ dội. Nếu bạn không có mục tiêu để tiến tới, sẽ có một lúc bạn sẽ tự hỏi vì sao mình theo đuổi ngành này. Với tôi, tôi luôn biết mình muốn làm phim.”
“Tôi cho rằng không có công việc nào dễ dàng, giàu nhanh, hay mau nổi tiếng. Nếu bạn chọn nghề nào đó chỉ để kiếm tiền, thì bạn sẽ không hạnh phúc được. 

Một thời gian dài, tôi nhận các công việc phụ tá với thù lao thấp, nhưng tôi yêu thích công việc này và tôi tiếp tục theo đuổi. Tiền bạc, thành công, danh tiếng, là những điều đến sau khi bạn yêu thích công việc mình làm và cố gắng hết sức. Bạn sẽ không thất bại theo đuổi công việc mình đam mê.”
--

--



No comments:

Post a Comment