( STD : Sexually transmitted diseases )
Muốn tránh bị lây bệnh hoặc khám phá ra bệnh sớm, bạn cần thực hiện những biện pháp tự bảo vệ và đồng thời phải đi thử nghiệm tìm bệnh thường xuyên. Thử nghiệm tìm bệnh rất quan trọng, vì đôi khi bệnh không có triệu chứng nào cả, cho đến khi đã quá muộn.
Tuy nhiên, có rất nhiều loại STD, do đó bạn cần phải biết nên được thử nghiệm loại bệnh nào, và khoảng bao lâu phải thử một lần, những điều này tùy thuộc vào nhiều yếu tố :
- Giới tính
- Thói quen về sex....
Nếu bạn là đàn bà, không nên tưởng lầm rằng bạn sẽ được thử nghiệm STD mỗi lần bạn đi khám phụ khoa và làm pap test. Bạn cần phải yêu cầu được làm thử nghiệm bệnh STD, đôi khi cần cho bác sĩ biết bạn muốn thử nghiệm về một bệnh nào đó mà bạn nghĩ rằng bạn có thể bị mắc phải.
Những thử nghiệm STD cần thiết
Sau đây là những hướng dẫn về thử nghiệm cho một số bệnh STD.
Chlamydia và gonorrhea
Chlamydia là bệnh gây ra do vi sinh vật Chlamydia. Gonorrhea hay bệnh lậu là bệnh gây ra do vi trùng Gonorrhea. Bạn cần được thử hai bệnh này MỖI NĂM nếu :
- Bạn là phụ nữ dưới 25 tuổi và thường xuyên có hoặt động tình dục.
- Bạn là phụ nữ hơn 25 tuổi và có nguy cơ mắc bệnh STD cao ( có nghĩa là có bạn tình mới, hay có nhiều bạn tình khác nhau )
- Bạn là đàn ông và có sex với đàn ông.
- Thử nghiệm bệnh Chlamydia và lậu có thể được thực hiện từ nước tiểu hoặc chất dịch lấy từ đường tiểu của người đàn ông hay cổ tử cung của đàn bà. Hai bệnh này có thể không có triệu chứng gì cả, nên việc thử nghiệm rất quan trọng, để chữa trị và tránh lan truyền.
HIV, giang mai, và viêm gan
Cơ quan CDC khuyến khích thử nghiệm nhiễm HIV ít nhất là một lần, như một phần của khám bệnh tổng quát, nếu bạn tuổi từ 13 - 64. Nên thử HIV mỗi năm nếu bạn thuộc thành phần có nguy cơ mắc bệnh cao.
Nên xin thử nghiệm HIV, giang mai, và viêm gan nếu :
- Đã được xác định là mắc bệnh lậu hay chlamydia. Vì điều này chứng tỏ bạn có thể đang mắc những bệnh STD khác.
- Có nhiều bạn tình khác nhau từ khi thử nghiệm lần cuối.
- Chích ma túy
- Đàn ông có sex với đàn ông
Thử nhgiệm giang mai làm từ máu hay chất lấy từ vết lở ở cơ quan sinh dục. Thử nghiệm HIV và viêm gan làm từ máu.
Bệnh lở do siêu vi herpes (Genital Herpes ) bệnh này có thể được lan truyền ngay cả khi người bệnh đang không có triệu chứng lở loét gì cả. Không có một thử nghiệm tìm bệnh herpes nào tốt cả. Nếu bệnh nhân đang có vết lở mới mọc, bác sỉ có thể dùng que quệt vào vết lở để xem xét trong phòng thí nghiệm. Nhưng nếu thử nghiệm âm tính cũng chưa chắc là người này không có bệnh. Thử nghiệm máu có thể được làm nhưng cũng không chính xác, dù có thể phân biệt 2 loại siêu vi herpes. Loại 1 gây lở vùng miệng thường được gọi là cold sore như cũng có thể gây lở vùng sinh dục. Tuy nhiên, kết quả thường cũng không rõ ràng, mà còn tùy theo loại thử nghiệm và mức độ nhiễm trùng. Kết quả sai, âm hay dương tính, đều có thể xảy ra.
HPV ( human Papilloma virus )
Vài loại siêu vi ( HPV ) gây ra bệnh ung thư cổ tử cung, một số khác chỉ gây ra bệnh mụn cóc ở bộ phận sinh dục. Đa số những người có hoặt động tình dục đều đã có lần bị nhiễm siêu vi HPV nhưng không có triệu chứng. Siêu vi này sẽ tự động biến mất trong vòng hai năm.
Không có một thử nghiệm tìm bệnh HPV nào cho phái nam. Bệnh chỉ được nhận ra khi các ông bị những mụn cóc ở bộ phận sinh dục. Ngược lại, ở các bà, có nhiều loại thử nghiệm:
- Pap test : Được dùng để tìm và định bệnh ung thư cổ tử cung cho các bà. Trong khi khám bộ phận sinh dục của phụ nữ, bác sĩ sẽ dùng que quyẹt chất nhờn trong cổ tử cung để phòng thí nghiệm xem xét dưới kính hiển vi. Các bạn gái trong hạn tuổi từ 21 - 30 nên được thử Pap test mỗi hai năm, phụ nữ trên 30 tuổi có thể thử test mỗi 3 năm nếu 3 test trước đều bình thường.
- HPT test : Chất lấy ra từ cổ tử cung, cũng có thể được xét nghiệm tỉm HPV .Thử nghiệm này không dùng cho phụ nữ dưới 30 tuổi vì dưới tuổi này, bệnh HPV thường tự biến mất.
HPV cũng bị nghi ngờ gây ra ung thư âm hộ, âm đạo, dương vật và hậu môn. Hiện nay thuốc ngừa HPV đã có và có thể ngăn bị nhiễm một vài loại HPV nhưng cần phải được chích ngừa trước khi có hoặt động tình dục.
Thử nghiệm STD tại nhà
Hiện nay nhiều người đã theo cách thử nghiệm tìm bệnh STD tại nhà. Thực ra là họ mua một hộp đựng các dụng cụ cần thiết để tự lấy mẫu nước tiểu hay chất nhờn ở bộ phận sinh dục, sau đó gửi về phòng thí nghiệm, để được xét nghiệm và kết quả sẽ được gửi về vài ngày sau. Cách này thật tiện lợi vì tránh được cho bệnh nhân khỏi phải đến các clinnic. Tuy nhiên, nên nhớ rằng, thử nghiệm làm theo kiểu này thường có mức dương tính sai ( false positive ) khá cao, có nghĩa là test nói bạn bị bệnh, trong khi thực tế là bạn không có bệnh. Nếu bạn dùng cách thử nghiệm này và có kết quả dương tính, bạn cần gặp bác sĩ để thử lại cho chắc chắn.
Kết quả thử nghiệm dương tính
Nếu bạn có kết quả thử nghiệm dương tính, bạn có thể cần phải được thử thêm về các bệnh khác và cần được chữa trị ngay bởi bác sĩ của bạn. Bạn cũng cần báo cho bạn tình của bạn biết vì người này cũng cần được khám và thử nghiệm tìm bệnh. Nếu không, họ sẽ lây lại một lần nữa cho bạn, sau khi bạn đã chữa hết bệnh STD .
Khi nhận kết quả dương tính, đa số các bệnh nhân đều rất bức xúc. Họ có thể cảm thấy xấu hổ, giận dữ hay sợ hãi....Nhưng nên nhớ, chính bạn đã làm đúng, khi biết đi thử nghiệm tìm bệnh và chữa bệnh, để bệnh khỏi lây qua, lây lại.
Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuận