Pages

Sunday, June 9, 2013

"MAFIA ĂN MÀY" Ở PAKISTAN

 Hai người hành khất tại Pakistan. Ảnh: wordpress.com.

Theo vnExpress.net - Hàng nghìn trẻ em tại Pakistan mất tích mỗi năm và trở thành kẻ ăn mày ở các đền thờ bởi sự nhẫn tâm, táo tợn của những băng nhóm tội phạm.

Đối với nhiều người theo đạo Hồi ở Pakistan, viếng thăm một ngôi đền và bố thí tiền cho người hành khất là hai hành động song song. Nhưng sự rộng lượng của họ đã thúc đẩy sự hình thành của nhiều tổ chức “mafia ăn mày”, những kẻ đẩy trẻ em vào cuộc sống của nô lệ để kiếm tiền, BBC đưa tin.

Đền thờ, nơi người ta tưởng nhớ những giáo sĩ lừng danh, nằm rải rác ở phần lớn thành phố và thị trấn ở Pakistan. Trong truyền thuyết của đạo Hồi trong vùng, họ được coi là các vị thánh. Rất nhiều tín đồ tới các ngôi đền để cầu nguyện. Chúng giống như thỏi nam châm đối với những người hành khất, đặc biệt là trẻ em, bởi nhiều tín đồ tin rằng bố thí tiền cho người ăn mày sẽ làm tăng khả năng thượng đế nghe được lời cầu nguyện của họ.

“Kết quả là bọn tội phạm bắt cóc và buôn bán hàng nghìn trẻ em. Riêng tại thành phố Karachi, khoảng 3.000 trẻ em đã mất tích trong năm 2010. Bọn tội phạm sẽ đưa nhiều em trong số đó tới các đền thờ. Chúng sẽ cạo trọc đầu rồi vẽ hình xăm lên cơ thể các em để cha, mẹ bọn trẻ không nhận ra con của họ nữa”, Mohammed Ali, người sáng lập tổ chức từ thiện Roshni Helpline, nói.
"Phong trào ăn mày" ở các ngôi đèn phổ biến đến nỗi cảnh sát hiếm khi hỏi tại sao những hành khất nhí xuất hiện ở các đền.

Chỉ quan sát ở một ngôi đền bất kỳ trong vài giờ, người ta sẽ nhận thấy những người hành khất có khiếm khuyết cơ thể nổi bật nhất thu hút sự chú ý của nhiều tín đồ nhất. Vì thế họ thường kiếm được nhiều tiền nhất.

“Trong một số trường hợp, nếu trẻ em không tàn tật, bọn tội phạm sẽ biến chúng thành phế nhân. Chúng tôi từng gặp những trường hợp bọn tội phạm chặt tay, nhổ tóc, móc mắt của trẻ. Mục đích của chúng là khuấy động lòng trắc ẩn, cũng như tiền, của các tín đồ", Ali kể.

Hai người hành khất tại Pakistan. Ảnh: wordpress.com.
Hai người hành khất tại Pakistan. Ảnh: wordpress.com.

Đương nhiên, những trẻ em tàn tật cũng là đối tượng mà bọn bắt cóc thèm muốn.
Mir Mohammed, một tài xế taxi sống trong thị trấn Hyderabad ở ngoại ô thành phố Karachi, sống cùng vợ và ba con. Gần đây Mumtaz, cậu con trai cả của anh, đã mất tích.

“Nó là người tàn tật. Chúng tôi luôn phải làm mọi việc cho cháu. Hôm ấy con tôi ngồi trên xe lăn trên đường và sau đó chúng tôi không thấy nó nữa. Một số người nói họ thấy một số kẻ ép nó lên một chiếc xe xích lô. Chúng tôi đã tới nhiều đền thờ để tìm con, nhưng không thấy cháu. Chúng tôi cảm thấy rất tuyệt vọng”, anh kể.

Nhân viên của tổ chức Roshni Helpline đã phát ảnh của Mumtaz tại các ngôi đền và yêu cầu cảnh sát tìm em. Nhưng số lượng khổng lồ của những ngôi đền tại Pakistan, cùng với việc quá nhiều trẻ em mất tích khiến khả năng tìm thấy em gần như bằng không.

Tiến sĩ Qasim Mehdi, một nhà di truyền học, nói rằng tỷ lệ người Pakistan tàn tật do mắc bệnh di truyền khá cao. Đây là hậu quả của truyền thống kết hôn giữa những người có quan hệ họ hàng.
“Trước đây việc cha, mẹ bỏ con tàn tật ở đền thờ là hiện tượng phổ biến”, Mehdi nói.
Ngày nay việc bỏ con ở đền thờ trở nên hiếm bởi chính phủ đã cấm hành vi đó.

“Song số lượng trẻ ăn mày không hề giảm. Ngược lại, bọn tội phạm dùng trẻ mà chúng bắt cóc để thay thế những trẻ bị cha, mẹ bỏ rơi. Pakistan cần một sự thay đổi về văn hóa để bọn tội phạm không nhận được lợi ích tài chính từ việc lạm dụng trẻ em”, ông lập luận.
Mohammed Ali nói tổ chức Roshni Helpline của ông sẵn sàng phát động sự thay đổi về văn hóa bằng cách thúc đẩy hoạt động thảo luận trong công chúng.

“Cảnh sát phải trấn áp các tổ chức tội phạm, song vấn đề lớn nhất là sự mê tín. Chúng ta phải tuyên truyền để mọi người hiểu rằng đạo Hồi không dạy người ta bỏ con ở một ngôi đền hay bố thí tiền cho một đứa trẻ bị buộc phải ngồi trước đền. Mọi người phải tự đặt câu hỏi: Những đứa trẻ ấy tới từ đâu. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể giải quyết vấn đề”, ông nói.
Chí Linh

No comments:

Post a Comment