Pages

Sunday, June 9, 2013

ĐỨC QUỐC XÃ - NHỮNG THÍ NGHIỆM KINH HOÀNG TRÊN CƠ THỂ CON NGƯỜI




Khâu dính các cặp song sinh.


 Theo datviet.com - Trong Thế chiến thứ 2, quân Đức đã tiến hành hàng loạt thí nghiệm vô nhân tính nhất trên cơ thể con người trong các trại tập trung. Đối tượng của các thí nghiệm này phần lớn là người Do Thái.

Các tù nhân trong tại tập trung bị ép buộc phải tham gia vào những thí nghiệm ghê rợn thường gây ra cái chết, biến dạng cơ thể hoặc tàn tật suốt đời. Trong phiên tòa Nuremberg xét xử những tội nhân chiến tranh Đức quốc xã, người ta đã ghi lại được những tội ác ghê rợn quân Đức đã từng thực hiện trên cơ thể tù nhân.

Dưới đây là 12 thí nghiệm kinh hoàng trên cơ thể con người dưới thời Đức quốc xã:

Thí nghiệm trên các cặp sinh đôi

Các thí nghiệm trên các cặp sinh đôi chủ yếu được thực hiện bởi Joseph Mengele, bác sĩ tử thần của trại tập trung Auschwitz, với mong muốn tìm ra những điểm tương đồng và khác biệt trong gen của các cặp song sinh.

Từ năm 1943 đến năm 1944, có khoảng 1.500 cặp song sinh đã bị đưa đến để phục vụ cho các thí nghiệm và chỉ có khoảng 200 cặp sống sót. Các cặp song sinh này được phân loại theo giới tính và bị nhốt trong các doanh trại suốt quá trình tiến hành thí nghiệm. Các bác sĩ đã tiêm thuốc nhuộm vào mắt các cặp song sinh để theo dõi sự đổi màu của mắt có diễn ra không, truyền máu giữa 2 anh em của một cặp song sinh để kiểm tra tương thích máu và ghê rợn hơn, khâu người các cặp song sinh lại với nhau để tạo ra các cặp song sinh dính liền.

Các thí nghiệm về cơ, xương, hệ thần kinh và các thí nghiệm cấy ghép

Chân tay bị cắt rời để làm thí nghiệm.



Từ khoảng tháng 9/1942 đến tháng 12/1943, các thí nghiệm về sự tái tạo xương, cơ và các dây thần kinh bằng cách lấy các phần xương, cơ và dây thần kinh ra khỏi cơ thể trong khi không sử dụng thuốc mê đã được các bác sĩ thực hiện tại trại tập trung Ravensbruck để phục vụ cho lợi ích của quân đội Đức. Những nạn nhân của các thí nghiệm này thường phải chịu đau đớn dữ dội, các phần cơ thể bị cắt xén và tàn tật suốt đời.

Các thí nghiệm về những chấn thương vùng đầu


Một trong những thí nghiệm vùng đầu của Đức quốc xã.

Vào khoảng giữa năm 1942 tại Baranowicze (Ba Lan), quân Đức đã tiến hành một thí nghiệm kinh hoàng tại nhà riêng của một sĩ quan SS. Chúng trói chặt cậu bé khoảng 11-12 tuổi vào một chiếc ghế khiến cậu bé không thể cử động được. Phía trên cậu bé là một chiếc búa được điều khiển tự động sao cho cứ sau vài giây, chiếc búa lại đập thẳng vào đỉnh đầu cậu bé. Sau màn tra tấn ấy, cậu bé đã phát điên.

Các thí nghiệm về sự đông cứng

Năm 1941, không quân Đức tiến hành thí nghiệm với mục đích tìm ra các phương thức chống lại chứng hạ thân nhiệt ở con người. Một trong số những nghiên cứu đó buộc đối tượng phải chịu đựng cái lạnh trong một bể nước đá suốt 5 giờ liền. Trong một nghiên cứu khác, chúng bắt tù nhân ở trần ngoài trời trong vài giờ với nhiệt độ thấp -6 ° C. Bên cạnh các thí nghiệm về khả năng chịu lạnh, các bác sĩ còn nghiên cứu khả năng hồi phục của các nạn nhân sau khi cơ thể được làm ấm trở lại.
Dìm tù nhân trong bể nước lạnh

Các thí nghiệm đóng băng/hạ thân nhiệt được tiến hành để mô phỏng các điều kiện quân đội Đức phải đối mặt trên mặt trận phía Đông. Nhiều thí nghiệm đã được tiến hành trên những binh sĩ Nga bị bắt vì Đức quốc xã cho rằng người Nga có gen chịu lạnh tốt hơn. Trong báo cáo có tựa đề "Các vấn đề y tế phát sinh từ biển và mùa đông" năm 1942, các sĩ quan Đức tổng kết đã có khoảng 100 người chết trong các thí nghiệm này với thời gian tử vong sau quá trình chịu lạnh khoảng 55-60 phút.

Thí nghiệm về bệnh sốt rét

Tại trại Dachau từ 2/1942 đến 4/1945, Đức quốc xã đã tiến hành các thí nghiệm để kiểm tra hệ miễn dịch của tù nhân với bệnh sốt rét. Các tù nhân khỏe mạnh bị nhiễm bệnh bằng cách cho muỗi đốt, cấy virus vào trong cơ thể hoặc tiêm chất nhày mang virus của muỗi cái. Sau khi đã nhiễm bệnh, các tù nhân được điều trị bởi các loại thuốc khác nhau để theo dõi hiệu quả. Có khoảng 1.000 người đã phải tham gia vào các thí nghiệm này, và một nửa trong số họ đã thiệt mạng.

Thí nghiệm sử dụng khí Mustard

Từ tháng 9/1939 đến tháng 4/1945, các thí nghiệm về khí mustard - một loại khí độc gây bỏng nặng thường được dùng làm vũ khí hóa học trong chiến tranh thế giới thứ nhất - được tiến hành để tìm ra cách điều trị vết bỏng hiệu quả nhất. Các nạn nhân của thí nghiệm bị phun khí mustard cũng như các loại chất gây bỏng khác lên cơ thể gây bỏng hóa học rất nghiêm trọng. Sau đó, họ được đưa đi chữa trị để tìm ra cách hiệu quả nhất.

Thí nghiệm sulfonamide

Trong năm 1942 và 1943, các thí nghiệm để xem xét hiệu quả của sulfonamide, một tác nhân kháng khuẩn tổng hợp, được thực hiện tại trại Ravensbruck. Các bác sĩ gây ra các vết thương bị nhiễm các loại vi khuẩn như Streptococcus, Clostridium perfringens (tác nhân gây bệnh hoại tử) và Clostridium tetani (tác nhân gây bệnh uốn ván) trên người tù nhân.

Quá trình lưu thông máu bị gián đoạn bằng cách thắt mạch máu ở hai đầu vết thương để tạo ra một điều kiện tương tự như một vết thương chiến trường. Sự nhiễm trùng còn tệ hơn khi các bác sĩ buộc dăm gỗ và thủy tinh vào vết thương. Các vết nhiễm trùng đã được điều trị bằng sulfonamide và các loại thuốc khác để xác định hiệu quả của chúng.

Các thí nghiệm về nước biển

Tại trại Dachau, Đức quốc xã thí nghiệm trên 90 tù binh Roma để nghiên cứu về các phương thức biến nước biển thành nước uống. Các nạn nhân bị bỏ đói và chỉ cho uống duy nhất nước biển. Họ đã bị tổn thương và mất nước nghiêm trọng đến nỗi phải liếm nước lau nhà trên sàn để có được nguồn nước uống.

Thí nghiệm triệt sản

Vào ngày 14/7/1933, Luật Phòng chống gen khiếm khuyết Progeny đã được thông qua nhằm tránh các nguồn gen xấu bị di truyền lại qua các thế hệ sau bao gồm các gen gây yếu thần kinh, tâm thần phân liệt, nghiện rượu, mù, điếc và các dị tật khác. Có khoảng 1% dân số trong độ tuổi 17 đến 24 đã bị triệt sản trong vòng 2 năm.


Những người đàn ông được chọn để triệt sản.

Trong vòng 4 năm sau, có 300.000 tù nhân bị triệt sản trong các trại tập trung tại Auschwitz và Ravensbruck dưới sự chỉ huy của bác sĩ Carl Clauberg. Người ta hy vọng sẽ tìm ra cách triệt sản hàng triệu người trong 1 khoảng thời gian ngắn nhất và hiệu quả nhất.

Các phương thức triệt sản bao gồm phẫu thuật X-quang, sử dụng thuốc hoặc tiêm i-ốt và nitrat bạc vào cơ thể nhưng chúng để lại các tác dụng phụ nghiêm trọng như chảy máu âm đạo, đau bụng dữ dội hay ung thư cổ tử cung. Do đó, Đức quốc xã ưu tiên sử dụng các phương thức triệt sản phóng xạ. Các tù nhân được đưa vào phòng và phải điền một mẫu đơn đăng ký với mục đích đánh lừa họ.

Các bác sĩ đã làm cho căn phòng này bị nhiễm phóng xạ làm họ bị triệt sản hoàn toàn. Một số tù nhân bị bỏng phóng xạ rất nặng.

Thí nghiệm độc dược

Tại trại Buchenwald từ cuối năm 1943 đến cuối năm 1944, Đức quốc xã đã thử nghiệm hiệu quả của các chất độc khác nhau trên các tù nhân. Chúng bỏ thuốc độc vào thức ăn của tù nhân, làm họ tử vong ngay lập tức và sau đó tiến hành giải phẫu cơ thể họ. Vào tháng 9/1944, các tù nhân bị bắn bằng đạn tẩm độc, bị tra tấn dã man và rất nhiều người trong số họ đã chết bởi các thí nghiệm vô nhân này.

Thí nghiệm bom lửa

Cũng tại Buchenwald, các tù nhân bị gây bỏng do phốt-pho chiết ra từ các loại bom lửa để thử nghiệm các phương pháp điều trị hiệu quả do bỏng phốt-pho.
Thí nghiệm về độ cao

Vào đầu năm 1942, các tù nhân ở trại Dachau bị bác sĩ Sgmund Rascher đem ra làm thí nghiệm để phục vụ cho các thử nghiệm bay của không quân Đức. Hắn nhốt các tù nhân vào một buồng áp suất thấp để tái hiện áp suất của các phi công khi bay ở trên độ cao 20.000m. Rascher đã mổ sống não của các tù nhân để kiểm tra tác động lên thần kinh của họ. Trong số 200 người tham gia thí nghiệm, 80 người đã chết ngay lập tức và số người còn lại bị hành quyết sau đó.

Những thí nghiệm trên đây đã để lại những hậu quả vô cùng khủng khiếp cho các tù nhân sống trong các trại tập trung dưới thời Đức quốc xã. Họ không những phải chịu những đau đớn về thể chất mà tâm lý theo đó cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Ngày nay, thí nghiệm trên cơ thể con người đã bị cấm tại tất cả các quốc gia trên thế giới, tuy nhiên, những tội ác Đức quốc xã đã gây ra qua các thí nghiệm này vẫn còn mãi như một phần ký ức đau thương của nhân loại.

No comments:

Post a Comment