Friday, December 27, 2013

Thanh Lan ngôi sao xinh đẹp và đa tài

Thanh Lan ngôi sao xinh đẹp và đa tài

 

 Theo Linh Lan/Lao Động
 
 Vào thập niên 70 của thế kỷ trước, Thanh Lan được xem là một hiện tượng hiếm hoi, bởi cô không chỉ gặt hái được thành công trên sân khấu ca nhạc, mà còn được khán giả nồng nhiệt đón nhận với những vai diễn nặng ký trên cả sân khấu kịch lẫn điện ảnh… Và sau 1975, sự nghiệp của Thanh Lan càng tỏa sáng hơn bao giờ hết.
 
Với hai luồng ý kiến hoàn toàn trái ngược về Thanh Lan. Một phía thì ghi nhận những đóng góp của cô; phía còn lại vì nguyên nhân nào đấy, không tiếc lời miệt thị cô. Đã là con người, không ai có thể tránh được vấp váp, sai lầm. Tôi không biết và không dám phán xét về Thanh Lan, Đối với tôi, Thanh Lan là một nghệ sĩ tài năng và những cống hiến của cô cần được trân trọng.
 
Tiếng ca học đường
 
Thanh Lan chào đời ở thành phố Vinh, Nghệ An vào năm 1948, với tên đầy đủ là Phạm Thái Thanh Lan, trong một gia đình nổi tiếng giàu có. Cậu của cô chính là ông Thái Thúc Nha - chủ hãng phim Alpha đình đám một thời.

Cô theo gia đình vào Sài Gòn từ nhỏ. Thời tiểu học, Thanh Lan theo học trường Saint Paul - một trường dòng nội trú nổi tiếng dành cho con gái những gia đình quý tộc Sài Gòn nằm trên đường Cường Để, Q.1 (Tôn Đức Thắng bây giờ).

Chính tại đây, cô đã được các sơ dạy hát và học đàn piano. Sau đó, cô được vợ nhạc sĩ Thẩm Oánh và nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi hướng dẫn thêm.

Năm 12 tuổi, Thanh Lan đã nuôi mộng làm ca sĩ nên khi nghe chương trình văn nghệ của ban Việt Nhi do nhạc sĩ Nguyễn Đức phụ trách phát trên Đài Phát thanh Sài Gòn, Thanh Lan nằng nặc đòi mẹ dẫn đi thử giọng. Một tuần lễ sau, Thanh Lan toại nguyện ước mơ khi được thu âm bài Vui đời nghệ sĩ (Văn Phụng).

Giọng hát vui tươi, tràn đầy sức sống của cô đã gây được sự chú ý của thính giả và tất nhiên, ông bầu Nguyễn Đức rất hài lòng về cô học trò mới này. Tiếng hát Thanh Lan khi ấy xuất hiện thường xuyên trong các chương trình văn nghệ của trường Marie Curie, trên đài phát thanh.

Cái chất giọng nhỏ nhẹ, tròn rõ, trong trẻo ấy cuốn hút đến nỗi ban biên tập ở đài đã mời cô phụ trách mục trả lời thư và các bài sưu tầm giới thiệu danh nhân.

Năm lớp 11, Thanh Lan gia nhập ban nhạc Hải Âu của nhạc sĩ Lê Hựu Hà - ban nhạc mở đường cho việc Việt hoá nhạc trẻ ở Sài Gòn.

Sau khi không còn sinh hoạt trong ban văn nghệ Việt Nhi, Thanh Lan gia nhập đoàn văn nghệ học sinh - sinh viên Nguồn Sống, cô thường hát dân ca và nhạc tiền chiến cùng các bạn sinh viên, học sinh.

Vốn là học sinh “trường tây”, với tên riêng bằng tiếng Pháp ở trường là Catherine, đi học mặc áo đầm, nhưng với Thanh Lan, hạnh phúc và sung sướng nhất là khi cô được mặc áo dài và hát những bài đậm đà tình quê hương.

Dù danh tiếng sớm đến với cô như vậy, nhưng Thanh Lan chưa bao giờ sao nhãng việc học. Có cảm giác như, lúc ấy, cô chỉ biết ăn, học và đi hát mà thôi.

Ngay khi vào năm thứ nhất của Đại học Văn khoa Sài Gòn, cô đã cùng với nhạc sĩ Vũ Thành An và Từ Công Phụng tạo thành một “cặp” đẹp đôi trong phong trào du ca tại quán càphê Văn nổi tiếng một thời.

Sau đó, Thanh Lan chuyển qua hát chung với nam ca sĩ Nhật Trường, trở thành cặp bài trùng để các tụ điểm ca nhạc hút khách.

Khi Sài Gòn có truyền hình vào những năm 1967-1968 thì Thanh Lan như cá gặp nước, ngoài tiết mục dân ca ba miền trong chương trình văn nghệ học đường trên truyền hình, các chương trình văn nghệ khác cũng đua nhau mời Thanh Lan biểu diễn. Cô còn thu âm cho các trung tâm băng nhạc.

Tất nhiên, những hoạt động nghệ thuật trong giai đoạn này của Thanh Lan chỉ là việc của một “ca sĩ ngoài cửa lớp”, bởi trên giảng đường, cô vẫn say mê học tập và ra trường với tấm bằng loại ưu, có thể sử dụng thông thạo cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp.

Trở thành hiện tượng

Vốn là giọng ca được đào tạo bài bản nên dù hát những bản đã được ''đóng đinh'' với nhiều tên tuổi, Thanh Lan vẫn tạo được một ấn tượng riêng. Cô quan niệm:

“Dù chỉ trình bày một ca khúc trong vòng 4 phút thì người ca sĩ cũng phải lột tả hết tâm trạng của nhân vật trong bài hát đó. Và, mỗi nét mặt, mỗi cử động, người ca sĩ phải tự nghiên cứu để khán giả khi xem có cảm tưởng những lời ca đó là từ chính trong lòng người ca sĩ thoát ra, chứ không phải là một bài hát mà họ đã thuộc lòng”.

Bài Gặp nhau của Hoàng Thi Thơ trước đó có Thái Thanh, Tuyết Mai, Thúy Nga, Thu Hương, Lệ Thanh hát rất thành công, vậy mà qua tiếng hát nhỏ nhẹ, ma mị, sự luyến láy của Thanh Lan, đã tạo nên một phong cách riêng biệt.

Cũng nhờ cô mà bản Trăm nhớ ngàn thương của nhạc sĩ Lam Phương trở nên nổi tiếng và bán chạy như tôm tươi.

Tiếng hát mượt mà, tràn đầy sức sống của Thanh Lan khi ấy được ví là tiếng hát của những người vẫn tìm thấy ở cuộc đời những hy vọng tràn đầy, của những kẻ đương sống ngỡ ngàng nhưng cuồng nhiệt trước ngưỡng cửa của tình yêu.

Năm 1970, Thanh Lan trở thành hiện tượng của giới ca nhạc Sài Gòn. Cô sinh viên Đại học Văn khoa với nụ cười thật tươi đã để lại những tình cảm sâu đậm trong lòng người nghe với nhiều ca khúc tiếng Pháp, trong đó được yêu thích nhất là nhạc phẩm Mon amie la Rose do chính Thanh Lan soạn lời Việt dưới tựa đề Nụ hồng mong manh theo nội dung bài thơ của thi hào Ronsard mà cô rất mến mộ.

Cô được đánh giá là ca sĩ hát nhạc Pháp hay nhất khu vực Đông Nam Á và được báo chí săn đón, đua nhau viết bài. Hình ảnh Thanh Lan tràn ngập trên bìa băng, đĩa, bìa các bản nhạc bày bán khắp nơi.

Sài Gòn lúc ấy có hai trung tâm băng nhạc lớn là Phạm Mạnh Cương và Shotgun, thế mà trong băng nhạc Tứ Quý của hai trung tâm này đều có sự hiện diện của Thanh Lan.

Sau khi tốt nghiệp cử nhân văn chương vào năm 1973, Thanh Lan chính thức đi vào con đường ca hát chuyên nghiệp. Cô cùng với nhạc sĩ Phạm Duy và Ngọc Chánh sang Nhật tham dự Đại hội Âm nhạc quốc tế Yamaha với sự góp mặt của hơn 100 quốc gia.

Tại Nhật, Thanh Lan hát Tuổi biết buồn của Phạm Duy và lọt vào vòng chung kết với hai ca sĩ nổi tiếng thế giới lúc bấy giờ là Anne Marie David (nữ ca sĩ người Pháp) và Demi Roussos (nam ca sĩ người Hy Lạp). Cô được hãng đĩa uy tín của Nhật là Victor mời ở lại Tokyo để thu âm Ai no hio Kesanairde (Đừng phá vỡ ân tình)và Yume o Miruno (Tuổi mộng mơ).

Sau 1975, Thanh Lan vẫn ở lại Việt Nam và nhanh chóng hòa nhập với phong trào văn nghệ cách mạng. Cô ghi dấu tên tuổi của mình với những ca khúc: Cô nuôi dạy trẻ, Phượng hồng, Em đi chùa Hương, Triệu đóa hồng, Đi qua vùng cỏ non, Trưng Vương khung cửa mùa thu và những ca khúc tiếng Pháp từng tạo dấu ấn cho tên tuổi Thanh Lan như: Bang bang (Khi xưa ta bé), Come back to Suriento (Trở về mái nhà xưa), Samba Mambo…


 


Bén duyên sân khấu kịch

Trong thời gian còn theo học trường Marie Cuirie, Thanh Lan có tham gia một khóa học của Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn về dân ca và đàn tranh. Cũng chính trong khóa học này, cô gia nhập ban kịch truyền hình Vũ Đức Duy.

18 tuổi, Thanh Lan bén duyên kịch truyền hình với vai diễn đầu tiên trong vở Những người không chịu chết của Vũ Khắc Khoan - một kịch gia lớn của miền Nam thời đó.

Vai diễn cô gái tâm thần của Thanh Lan khiến nhiều diễn viên kỳ cựu thời ấy khen ngợi tài năng diễn xuất của cô gái trẻ.

Vở kịch này diễn trên sân khấu của rạp Thống Nhất, đường Thống Nhất, Q.1 (nay là Lê Duẩn) và sân khấu của Viện Đại học Đà Lạt trước khi quay hình phát trên sóng màn ảnh nhỏ.

Sau thành công đó, Thanh Lan chuyển sang thử sức với những vai bi, đáng chú ý nhất là vai nữ chính trong vở Mắc lưới của đoàn Linh Sơn, Chuyến tàu mang tên Dục vọng diễn tại Hội Việt Mỹ Sài Gòn.

Sau 1975, Thanh Lan vào vai Mỹ trong vở kịch ngắn của đoàn ca nhạc điện ảnh TP.Hồ Chí Minh, vở hài kịch Đội lốt Việt kiều thu băng cassette với Tú Trinh, Nguyên Hạnh, Túy Hoa, Duy Phương do Vafaco sản xuất.

Khi định cư ở nước ngoài, Thanh Lan cũng thủ nhiều vai chính trong các vở kịch quen thuộc: Lôi vũ, Lồng đèn đỏ, Sân khấu về khuya… Không chỉ đóng kịch, cô còn tham gia viết 3 vở kịch vui: Công tử Bạc Liêu, Chuyện vui ngày xuân và Look Alike.

Với tài năng kịch nghệ của mình, Thanh Lan đã được các khán giả ở Cali dành tặng danh hiệu nữ kịch sĩ xuất sắc nhất.

Thế nhưng, để lại dấu ấn sâu đậm nhất trong lòng khán giả, phải kể đến những vai diễn điện ảnh của Thanh Lan.

Yêu điện ảnh đến say mê

Nhắc đến dấu ấn của Thanh Lan trong phim ảnh, khán giả hẳn sẽ nghĩ ngay đến vai Thùy Dung do Thanh Lan đảm nhận từ tập 4 phim Ván bài lật ngửa của cố đạo diễn Lê Hoàng Hoa (khởi quay 1984).

Thật ra, trước 1975, Thanh Lan cũng đã gặt hái không ít thành công trong sự nghiệp diễn xuất.

Bộ phim đầu tay đánh dấu tên tuổi Thanh Lan là Tiếng hát học trò do cậu ruột Thái Thúc Nha đạo diễn và sản xuất năm 1970. Đây là một vai diễn quan trọng, tạo tiền đề cho sự thành công của Thanh Lan. Nhờ vai diễn này, cô đã đoạt giải Nữ diễn viên triển vọng nhất của Giải thưởng Văn học Nghệ thuật 1971.

Sau Tiếng hát học trò, Thanh Lan còn tham gia nhiều bộ phim khác như: Lệ đá, Ngọc Lan, Gánh hàng hoa, Trên đỉnh mùa đông, Xóm tôi, Trường tôi, Mộng Thường…

Cuối năm 1974, vinh quang lại đến với Thanh Lan khi cô nhận giải Nữ diễn viên duyên dáng nhất cho bộ phim truyền hình Xóm tôi của đạo diễn Lê Dân.

Thanh Lan đến với Ván bài lật ngửa từ một sự tình cờ. Bởi vai Thùy Dung lúc đầu do diễn viên Thúy An (vai chính phim Cánh đồng hoang - 1979) đảm nhận, nhưng đến tập Cơn hồng thủy và bản tango số 3 (1984) thì Thúy An cấn thai, không thể tiếp tục với nhiều cảnh hành động.

Để không ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất phim trong năm 1984 của Xí nghiệp phim Tổng hợp TPHCM đã quy định, đạo diễn Lê Hoàng Hoa đành tìm chọn diễn viên khác thay thế.

Ông đã mời nữ diễn viên Phạm Thúy Lan - năm 1982 từng đóng vai chính trong phim Pho tượng (đạo diễn Lê Dân). Thế nhưng, lúc ấy Thúy Lan lại bận đóng phim Vụ án hồ Con rùa của đạo diễn Trần Phương nên không thể tham gia. Cuối cùng, đạo diễn Lê Hoàng Hoa tìm gặp Thanh Lan và hỏi cô có muốn đóng phim trở lại không.

Thanh Lan khi ấy đang là ca sĩ có danh tiếng, việc đóng phim khi ấy không nhiều tiền bằng đi hát, nhưng cô vẫn vui vẻ nhận lời. Quay xong tập 4, đạo diễn Lê Hoàng Hoa và êkíp nhận thấy Thanh Lan có lối diễn xuất phù hợp nên đã quyết định mời cô đóng nốt những tập còn lại.

Sau thành công của Ván bài lật ngửa, Thanh Lan chính thức quay trở lại với sự nghiệp điện ảnh và tham gia nhiều bộ phim khác: Cao nguyên F.101, Đằng sau một số phận, Tình không biên giới…

So với việc đi hát thì đóng phim cực mà tiền cátsê lại chẳng nhiều nhặn gì, nhưng Thanh Lan vẫn vui vẻ. Bởi ở đó, Thanh Lan bắt gặp những vai diễn mang hương vị của số phận, của cuộc đời mình. Có lẽ vì vậy mà Thanh Lan nhập vai rất ngọt, diễn mà như không diễn.

Thanh Lan là diễn viên hiếm hoi khi ấy nói được giọng cả ba miền Bắc -Trung - Nam không hề pha trộn. Cô chính là người đã lồng tiếng giọng Huế cho vai Nguyệt trong phim Cô gái trên sông của đạo diễn Đặng Nhật Minh sau khi ông đã thử giọng nhiều cô xướng ngôn viên gốc Huế mà không chọn được ai.

Ngược lại, cũng có những vai diễn Thanh Lan thẳng thừng từ chối vì cô cảm thấy không thích thú. Có lẽ, vì sự thẳng tính này mà danh vọng Thanh Lan đã vấp phải không ít gió mưa?

Một ngôi sao giản dị

Là một “ngôi sao”, nhưng Thanh Lan có lối sống giản dị, biết hòa nhập cùng mọi người trong hoàn cảnh khó khăn.

Trong lần theo đoàn làm phim Ngoại ơi của đạo diễn Lê Văn Duy từ TPHCM ra Hội An, do chiếc xe chở đoàn làm phim cũ kỹ, đường sá lại xa xôi nên phải nhiều lần dừng lại dọc đường để sửa chữa, diễn viên và cả đoàn phim nhọc nhằn trên từng cây số.

Thanh Lan, khi ấy là ngôi sao, vẫn nằm ngủ trên chiếc ghế bố như bao anh chị em trong đoàn mà không hề bộc lộ sự bực bội, phiền hà nào.

Thập niên 1990, Thanh Lan có khá nhiều bài viết giá trị ở các lĩnh vực ca nhạc, điện ảnh, tự sự, tâm tình cho nhiều tờ báo, tạp chí có uy tín như: Sóng nhạc, Điện ảnh, Điểm phim, Phụ nữ, Thanh niên…

Với khả năng đài từ tốt, giọng nói truyền cảm, cô được mời đọc lời dẫn cho các chương trình ca nhạc. Cô cũng được bình chọn là một trong những nghệ sĩ được giới sinh viên - học sinh yêu thích nhất liên tục trong ba năm liền (1988, 1989, 1990), do báo Tuổi Trẻ thực hiện.

Đối với hoạt động điện ảnh, Thanh Lan không chỉ đóng phim mà còn nuôi ước mơ sản xuất phim do chính mình viết kịch bản và đạo diễn.

Cuối năm 1993, Thanh Lan chuẩn bị làm phim Đan Thanh do cô viết kịch bản và đạo diễn, đồng thời đóng vai nữ chính với các diễn viên gạo cội như Nguyễn Chánh Tín, Lê Cung Bắc…

Nhưng bộ phim này đã không bao giờ thực hiện được bởi cuối năm 1993, cô sang Mỹ định cư. Có thể nói, Thanh Lan là một nghệ sĩ nghiêm túc trong công việc và hết lòng đam mê nghệ thuật. Ở bất cứ lĩnh vực nào tham gia, cô đều gặt hái được những thành tựu nhất định.

Như vốn dĩ, giai nhân đi đến đâu vẫn cứ là giai nhân, tài hoa có bị che giấu, lẩn khuất thì đi đến đâu chăng nữa vẫn cứ phát lộ, dẫu có lúc tưởng chừng như, gió mưa đã cuốn trôi, dông tố đã nhấn chìm tất cả.

Post a Comment

 
Copyright © 2013 Chuyện Cấm Cười (Pmanth) | Powered by Blogger