Pages
▼
Thursday, January 16, 2014
Hải Thượng Lãng Ông và thuật dinh dưỡng
Theo Tôn Thất Thọ/Tuần Báo Mới Xuân
www.chuyencamcuoi.blogspot.com - Trong sách Hải Thượng y tông tâm lĩnh gồm 27 tập, 66 quyển nói về các ngành y học đương đại, nhiều người đã thừa nhận và khâm phục sự đánh giá nổi tiếng của Hải Thượng Lãng Ông, khi ông đề cập đến vấn đề ăn uống, thuốc men trong việc trị bệnh.
Theo ông thì: "người bệnh có thuốc mà không có ăn uống thì cũng đi đến chỗ chết". Ông rất chú ý đến việc chế biến các món ăn từ những thức ăn không cầu kỳ, không đắt tiền để bổ dưỡng cho người bệnh.
Trong tập Nữ Công thắng lãm, ông đã sưu tầm cách chế biến 28 loại mức, 16 loại sôi, 61 loại bánh, 21 loại cơm, cháo, bún, cốm, 9 loại ăn chay từ đậu phụ, 9 loại tương từ Nhật Bản đến tương làm theo kiểu dân tộc của nhiều địa phương khác nhau ở trong nước.
Hải Thượng Lãng Ông đặc biệt chú ý đến vấn đề vệ sinh thực phẩm. Nhiều lời khuyên của ông cho đến nay vẫn còn được lưu truyền như các khẩu hiệu:
Chú ý đậy điệm thức ăn, phòng chống ruồi nhặng,
Không uống nước lã,
Không ăn quả xanh,
Không ăn các thực phẩm ôi thiu, thịt súc vật chết....
Hải Thượng Lãng Ông là một danh y chữa bệnh, đã sưu tầm được rất nhiều món ăn dân dã, rất chú ý đến vệ sinh ăn uống. Nhưng ít người biết ông còn là một nhà dinh dưỡng học, cùng với một danh y khác tên là Tuệ Tĩnh, cả hai được xem là tổ của ngành dinh dưỡng Việt Nam.
Xuất phát từ sự nhận thức con người và môi trường là một thể hòa hợp, coi thực phẩm là yếu tố môi trường hàng ngày tác động đến con người, nên con người cần quan tâm sử dụng thực phẩm thành những chất bổ dưỡng cho cơ thể, chứ không được để nó là nguồn gốc gây bệnh.
Về mặt dinh dưỡng Hải Thượng Lãng Ông đã xác định rất rõ tầm quan trọng của vấn đề ăn so với thuốc. Ông viết:
Nên dùng các thức ăn, thay vào thuốc bổ có phần lợi hơn
Đậu đen trồng được trong vườn, hà tất phải đợi địa hoàng từ xa...
Ông đặc biệt lưu ý đến sự điều độ trong ăn uống, trước hết là tránh ăn quá no:
Có câu:
"tham thực, cực thân.
Bệnh tùng khẩu nhập ta cần phải kiêng,
Muốn cho ngũ tạng được yên
Bát ăn mấy miếng, nhịn thèm hơn đau...
Hay:
Chết vì bội thực cũng nhiều, ngờ đâu lại có người nghèo chết no!
Đọc những lời khuyên của ông về cách sử dụng các loại thực phẩm, chúng ta có cảm tưởng như đang nghe những lời khuyên về ăn uống thời hiện đại:
Rau tương thanh đạm, đói lòng cũng no. Ăn nhiều ngũ cốc tốt hơn, chớ ham ăn thịt các loài cầm thú.
Hoặc:
Buổi tối không nên ăn no.
Ông còn khuyên không nên ăn mặn, vì sẽ ảnh hưởng đến hoặt động của tim, làm cho "tim lạnh". Ăn ngọt nhiều cũng chẳng ích gì làm cho "thận yếu".
Theo ông chủ yếu cần dựa vào nguồn thức ăn thực vật vì dễ tiêu, ít độc giá rẻ; ăn nhiều ngũ cốc, rau quả, đậu, lạc, mè...đặc biệt là đậu tương. Ăn thịt có có mức độ, hạn chế ăn muối, ăn ít đường. Đó chính là những lời khuyên cơ bản về dinh dưỡng, mà y học ngày nay cũng đã công nhận.
Cũng theo ông thì:
"Uống trước khi khát, nhưng không nên uống quá nhiều
Ăn trước khi đói, không nên ăn quá no".
Những lời khuyên của ông cũng phụ hợp với những kinh nghiệm của mọi người về việc tạo thành một chuẩn mực trong cách ăn - mặc để cuộc sống trở nên thanh thản, cân bằng điều độ:
Cơm ba bát, áo ba manh
Rét chẳng chết, đói chẳng xanh
Nhà giàu ăn ngày 3 bữa
Nhà khó, bếp phải đỏ lửa 3 lần.
Và: "Rượu ngon không được uống quá 3 chén.
Ăn uống cần theo nhu cầu của cơ thể, chế biến cho bữa ăn gia đình ngon, bổ, làm sạch, tiết kiệm, không ăn uống thoải mái theo túi tiền, để đề phòng, hậu quả là các bệnh béo phì, tim mạch, tiểu đường, ung thư....mà hiện nay đang có nguy cơ lan rộng hơn lúc nào hết, chúng ta cần nhớ lại và thực hành theo những lời khuyên của Hải Thượng Lãng Ông, thực hiện điều độ trong ăn uống để có được một thân thể khỏe mạnh, sống vui và sống thọ. (Tôn Thất Thọ)
No comments:
Post a Comment