Pages

Friday, September 26, 2014

“Đệ nhất vũ nữ” Sài thành bị tạt axit và thảm họa cuồng ghen


 

Chẳng có cuộc phẫu thuật hay liều thuốc nào có thể xóa hết những vết sẹo gớm ghiếc như quỷ quái trên những gương mặt bị hủy hoại bởi axit.

Kết cục của những vụ đánh ghen bằng axit, đã đẩy những nạn nhân vào cảnh bi thảm khốn cùng...

Từ vụ tạt axit “đệ nhất vũ nữ” Sài thành…

Nói đến chuyện tạt axit đánh ghen, người ta không thể không rùng mình khi nhắc đến chuyện một cô vũ nữ nức tiếng Sài Gòn thời bấy giờ, bị vợ của nhân tình tạt axit khiến cho cuộc đời trở nên bi thảm hơn bất cứ một cuốn tiểu thuyết kết thúc không có hậu nào.

Ấy là chuyện của Cẩm Nhung – “nữ hoàng vũ trường” Sài Gòn, những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước.

Cẩm Nhung sinh năm 1940 tại Hà Nội, đến khi 15 tuổi, cô theo gia đình di cư vào Nam. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, cô phải xin đi làm tiếp viên nhà hàng. Với ngoại hình xinh đẹp, làn da trắng hồng mịn màng của con gái gốc Hà Thành, khuôn mặt ấn tượng, đường nét quyến rũ và gợi cảm, Cẩm Nhung mau chóng trở thành bông hoa đẹp nhất, rực rỡ nhất của các quán bar, vũ trường Sài Gòn khi mới 19 tuổi.

Cẩm Nhung mau chóng lọt vào “mắt xanh” của trung tá công binh Trần Ngọc Thức (biệt danh Thức “công binh”) – một tay chơi khét tiếng Sài Gòn. Cô gái đương ở độ tuổi đẹp nhất cuộc đời, có thừa sắc đẹp và tự tin, lại sẵn sàng ngã vào vòng tay một người đàn ông hơn mình cả chục tuổi, đã có vợ, tiêu tiền như nước.

Năm Ra-đô (tên thật là Lâm Thị Nguyệt) - vợ Thức công binh, không ít lần đón đường Cẩm Nhung dằn mặt cô gái trẻ, song bấy nhiêu đó không đủ làm cô thức tỉnh cơn say với người tình giàu có và từng trải của mình.

Bài viết về vụ tạt axit “để đời” này có đoạn : “Khoảng 22 giờ đêm ngày 17/7/1963, vũ nữ Cẩm Nhung rời khỏi nhà để đến vũ trường Kim Sơn.

Hàng ngày, cô đều rời khỏi nhà vào giờ này, hoặc đi taxi, hoặc có xe của đại gia đón rước, để cô đến vũ trường trước 23 giờ, nhảy nhót quay cuồng cho đến 3 - 4 giờ sáng.

Khi Cẩm Nhung còn cách chiếc taxi khoảng 10 mét, bất ngờ từ bên kia đường, một gã đàn ông băng nhanh qua đường, tiến về phía cô. Cẩm Nhung chưa kịp phản ứng, gã đàn ông đã tạt mạnh ca axít vào mặt cô. Cẩm Nhung chỉ kịp kêu lên: “Chết tôi rồi, cứu tôi với” rồi ngã gục trên đường. Người đàn ông sau khi tạt axít đã băng qua bên kia đường, leo lên xe taxi mở cửa chờ sẵn, trên ấy có bà Năm Ra-đô.”…

Vụ đánh ghen được xem là chấn động dư luận Sài Gòn thời bấy giờ, bởi trước đó chưa từng có tiền lệ. Không những thế, rất lâu sau, người ta vẫn kể về phận đời bi thảm của cô vũ nữ Cẩm Nhung. Sau khi nhan sắc bị hủy hoại, cô phải bán hết số gia sản, tư trang của mình để sống qua ngày, cuộc đời bỗng chốc tàn lụi không thể cứu vớt… Cho đến một ngày, vũ nữ Cẩm Nhung xinh đẹp nức tiếng Sài Gòn ngày nào trở thành một bà lão mù lòa xấu xí với khuôn mặt biến dạng khủng khiếp (do hậu quả của vụ tạt axit rùng rợn) phải đi ăn xin, sống những ngày cuối đời trong đói khổ, cô đơn và kết thúc cuộc đời trong một chiếc quan tài rẻ tiền được bố thí, người ta vẫn không khỏi cám cảnh cho một phận đời hồng nhan.

Đến những cơn cuồng ghen ngày nay…

Năm 1997, tại Hà Nội xôn xao vụ án bà chủ một cửa hàng rèm lớn ở Cầu Giấy, Hà Nội, bị chồng cũ ghen tuông đã thuê người tạt axit hủy hoại dung nhan. Ít ai biết rằng, người phụ nữ ấy từng là một diễn viên nổi tiếng xinh đẹp của đoàn kịch Bộ Nội Vụ (nay là đoàn kịch Công an nhân dân).

Người phụ nữ được nhắc đến là Lê Thị Kim Tiến, sinh năm 1963. Tờ Công an nhân dân viết về chị như sau: “Chị bảo, hồi trẻ chẳng tin tử vi tướng số, nhưng cái câu “Trai Đinh - Nhâm - Quý thì tài, gái Đinh - Nhâm - Quý đi hai lần đò” hình như vận đúng vào người chị. Tình duyên lận đận và đau đớn thay, người gây họa cho chị lại chính là người chồng chung lưng đấu cật một thời”.

Nguồn trên thuật lại, một ngày gần cuối tháng 8 âm lịch năm 1997, chị Tiến đi bộ qua đường từ cửa hàng rèm, thoáng thấy một thanh niên lúi húi trên vỉa hè với một chiếc hộp. Mải miết về nhà sau giờ làm vì công việc làm ăn chẳng mấy khi rảnh rang, chị không mấy chú ý đến cậu thanh niên. Chỉ đến khi đi tới trước Trung tâm thương mại Cầu Giấy, thấy mặt bỏng rát như có cả khối bê tông ập vào mặt, chị Tiến biết mình đã bị tạt axit.

Theo phản xạ, chị Tiến lấy được tay che đôi mắt, bàn tay đẹp đẽ đảm đang vì thế mà hỏng hết cả, chỉ còn lại 2 ngón duỗi được. Khỏi phải nói những ngày sau đó, chị Tiến sống trong đau đớn như thế nào. Chị liên tiếp mê man trong những cuộc phẫu thuật. Cuộc này chưa xong, cuộc khác lại liền kề, với y đức của các bác sĩ lành nghề mong muốn vớt vát lại phần nào trên gương mặt từng một thời xinh đẹp…

Chị nghẹn ngào kể, mỗi lần đưa chị vào phòng phẫu thuật, anh trai chị lại bỏ ra sân khóc. Mắt chị không nhìn thấy, nhưng chị linh cảm thấy tiếng nấc nghẹn của người anh trai ngoài sân. Và chị cũng khóc. Khóc vì thương anh. Khóc cho số phận quá nghiệt ngã của mình.

Mọi người giấu bố mẹ việc chị bị nạn. Nhưng mẹ chị đọc báo biết, vội vã lên thăm con. Mẹ chị đã ngất lịm khi nhìn thấy bộ mặt kinh hoàng của chị. Sau này, kể cả khi phẫu thuật lại mặt, nhiều lúc nhớ bố mẹ lắm nhưng chị vẫn không dám về quê, vì sợ bố mẹ nhìn thấy gương mặt chị sẽ thêm buồn.

Còn nhớ, những ngày đầu năm 2009, trong không khí đoàn tụ dịp Tết cổ truyền dân tộc, Viện Bỏng Quốc gia ở Thanh Trì, Hà Nội đã tiếp nhận bệnh nhân Hà Văn Bình trong tình trạng cực kỳ nguy kịch vì bị bỏng axit nặng. Hà Văn Bình 40 tuổi, trú tại xã Minh Châu, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa, bị chính vợ anh tạt axit vào người trong lúc đang nằm ngủ, dẫn đến bị bỏng 20% diện tích da ở các vùng: mặt, ngực, tay, trong mũi, và giác mạc mắt.

Khi được đưa vào bệnh viện, Hà Văn Bình trong tình trạng vô cùng nguy hiểm do axit chảy vào mũi, miệng không thể ăn được, có nguy cơ bị nhiễm trùng nặng. Mắt của anh cũng bị bỏng nặng. Nguyên do không gì khác ngoài ghen tuông, nghi ngờ lẫn nhau giữa vợ chồng.

Tất cả những người chứng kiến gương mặt cháy đen của anh Hà Văn Bình trong những ngày nguy kịch ở Viện Bỏng Quốc gia đều không thể nén được sự rùng mình, sợ hãi về nỗi đau mà anh Hà Văn Bình đang phải chịu đựng.

Cuối cùng, do vết thương quá nặng, dù được gia đình và các bác sĩ hết lòng điều trị, 2 tháng sau, anh Hà Văn Bình vẫn qua đời, để lại hai đứa con mồ côi cha và một người vợ đang phải đối mặt với vòng lao lý. Trên đây chỉ là một trong vô vàn những câu chuyện thương tâm về ghen tuông mù quáng được dẫn trên tờ Cảnh sát toàn cầu.

Lại nói về các bị cáo trong các vụ tạt axit liên quan đến ghen tuông, khi ra hầu tòa, hầu hết họ đều tỉnh ngộ sau những phút cuồng ghen. Đồng thời, những con người này đều phải trả giá đích đáng cho hành động man rợ của mình với chính những người họ từng yêu thương.

Tù tội vì axit rồi cũng đến ngày mãn hạn, thế nhưng, chẳng có khoảng thời gian, cuộc phẫu thuật hay liều thuốc nào có thể xóa hết những vết sẹo gớm ghiếc chẳng khác gì quỷ quái trên những gương mặt, thân thể của nạn nhân. Đó là chưa kể, những người thân của họ như cha mẹ già, con thơ dại đều phải sống trong ám ảnh suốt đời về nỗi đau và tội ác không thể gọi tên.

Theo Soha

No comments:

Post a Comment