Pages

Saturday, September 27, 2014

Trung Quốc xây hàng loạt đảo nhân tạo ở Trường Sa



LONDON -  Những hình ảnh mới nhất mà tổ chức thông tin an ninh quốc phòng quốc tế IHS Jane's Defense có được xác nhận Trung Quốc đang xây dựng một loạt nhiều đảo nhân tạo ở Trường Sa.


Theo một bản tin của IHS Jane's Defense hôm Thứ Năm 25/9/2014, các không ảnh do tổ chức Airbus Defense and Space chụp được vào các dịp khác nhau từ Tháng Ba đến Tháng Tám 2014 xác nhận, ngoài Gạc Ma, những bãi đá ngầm khác, trong đó có Đá Ga Ven, Đá Lạc cũng đã biến từ bãi đá ngầm thành các đảo nhân tạo.
Việt Nam gọi là Đá Ga Ven, gần nó là Đá Lạc, có tên quốc tế là Gaven Reef, còn Trung Quốc gọi là Nanxun Jiao và Xinan Jiao (Nam Huân Tiêu và Tây Nam Tiêu).

Theo IHS Jane's mấy năm trước, Trung Quốc chỉ mới xây dựng một pháo đài nhỏ trấn giữ ở phía tây của bãi này, trên bố trí súng phòng không, đại bác, hệ thống truyền tin. Nhưng bây giờ, người ta thấy những đống cát, đá chất đống nổi trên mặt biển hình thành một cái đảo hình chữ nhật một chiều khoảng 300 mét, một chiều khoảng 250 mét.

* Gấp rút xây dựng

Ngày 22/9/2014 vừa qua, IHS Jane's Defense cũng đã đưa ra bản tin kèm theo các không ảnh về các hoạt động xây dựng gấp rút của Trung Quốc tại bãi đá ngầm nay trở thành đảo nhân tạo Gạc Ma mà Trung Quốc gọi là Chigua Jiao (Xích Qua Tiêu), tên quốc tế là Johnson South Reef.

So với tầm vóc diện tích và những gì diễn ra ra tại Gạc Ma, đảo nhân tạo Nanxun Jiao và Xinan Jiao có tầm vóc nhỏ hơn, bằng khoảng ba phần tư của Gạc Ma.

Hồi Tháng Bảy và Tháng sáu 2014, nguồn tin trên cũng đã đưa các không ảnh đối chiếu các thời điểm khác nhau để chứng minh các hoạt động làm đảo nhân tạo tại đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) và Đá Châu Viên (Cuarteron Reef) mà Trung Quốc gọi là Yongshu Jiao (Vĩnh Thử Tiêu) và Huayang Jiao (Hoa Dương Tiêu).


Các mẫu doanh trại, cơ sở dự trù được Trung Quốc xây dựng trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa. (Hình: IHS)

Ngày 24/9/2014 lên tiếng bên lề các cuộc họp Liên Hiệp Quốc ở New York, Tổng thống Philippines Aquino III đã đưa ra nhiều hình ảnh tố cáo các hành động biến các bãi đá ngầm thành đảo nhân tạo của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa.

Dịp này ông Aquino còn tố cáo Trung Quốc đã đưa 2 tàu khảo sát đến bãi Cỏ Rong hồi tháng 6. Ông nói Phi Luật Tân không biết rõ mục đích của 2 tàu này nhưng nghi ngờ chúng đã tiến hành đo đạc, khảo sát để Trung Quốc chuẩn bị đưa giàn khoan dầu ra khu vực nói trên, tương tự hành động cắm giàn khoan HD981 trong vùng biển Việt Nam hồi Tháng 5 vừa qua.

Hãng thông tấn AP thuật lời lời ông Aquino III kêu gọi các

Các không ảnh được tổ chức IHS Jane's Defense cũng như chính phủ Philippines công bố cho thấy Bắc Kinh hút cát đá dưới lòng biển, biến 6 bãi đá ngầm thành 6 đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa. Các bãi đá ngầm này Bắc Kinh cướp của Việt Nam hồi năm 1988.

Một số nhà phân tích lo ngại khi đã có những đảo nổi và các cơ sở quân sự to lớn gồm cả phi trường ở Trường Sa, Bắc Kinh có thể tiến đến việc tuyên bố vùng cấm bay trên Biển Đông nếu tình hình tranh chấp biển đảo trở nên căng thẳng hơn.

Mô hình đảo nhân tạo Gạc Ma với phi trường, cảng biển. (Hình: IHS)

Trong cuộc họp báo ngày 25/9/2014 tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Geng Yansheng (Cảnh Nhạn Sinh) trả lời một câu hỏi cò mồi của báo chí nói rằng “Trung Quốc có chủ quyền tại quần đảo Nam sa (tức Trường Sa) và vùng biển chung quanh. Xây dựng và bảo trì các cơ sở trên các đảo làm doanh trại là nhằm bảo vệ tốt hơn chủ quyền lãnh thổ...”

Ông này còn nói thêm rằng “Có lập vùng nhận diện phòng không (cấm bay) hay không (ở Trường Sa) và khi nào là quyền hợp pháp của Trung Quốc.”

Tại Hà Nội, khi được báo chí hỏi về phản ứng về các hành động ngang ngược của Trung Quốc ở Trường Sa, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSVN  hôm Thứ Năm 25/9/2014 chỉ nói bâng quơ trong cuộc họp báo rằng “Chúng tôi cho rằng trong tình hình hiện nay tất cả các bên đều phải có trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình và sự ổn định ở Biển Đông." 

 (TN)/Người Việt

No comments:

Post a Comment