Tại sao một vài bệnh nhân ở
phương Tây sống sót, trong khi một số khác thiệt mạng, còn loại thuốc
đặc trị Ebola vẫn chưa được tìm ra?
Theo
CNN, bác sĩ Mỹ Kent Brantly, Nancy Writebol, Rick Sacra đều bị nhiễm
virus Ebola ở Liberia và bình phục sau khi được chữa trị ở Mỹ. Nữ y tá
Tây Ban Nha Teresa Romero nhiễm bệnh sau khi chăm sóc hai bệnh nhân
Ebola nhưng cũng đã khỏi.
Ngược lại,
bệnh nhân người Liberia Thomas Eric Duncan và nhà truyền đạo người Tây
Ban Nha Miguel Pajares đều được chữa trị ở phương Tây nhưng đã qua đời.
Các chuyên gia y tế cho biết có nhiều nguyên nhân giải thích sự sống sót hay tử vong của bệnh nhân Ebola ở phương Tây.
Chữa trị sớm, chất lượng cao
Đây
có lẽ là yếu tố quan trọng nhất để chống chọi virus Ebola. Những người
sống sót ở Mỹ đều có một điểm chung là họ được đưa tới hai trong số bốn
bệnh viện chuyên chữa bệnh truyền nhiễm hàng đầu. Bác sĩ Brantly và
Writebol được điều trị tại Bệnh viện Đại học Emory ở Atlanta, Sacra bình
phục tại Trung tâm Y tế Nebraska ở Omaha.
Bệnh
nhân Duncan không được điều trị ở bốn bệnh viện này mà đến Bệnh viện
Texas Health Presbyterian tại Dallas, bang Texas. Dù ông bị sốt và cho
biết mình mới đến từ Liberia nhưng các bác sĩ chỉ cho ông uống kháng
sinh rồi trả về nhà.
Sau đó ông suy
yếu trầm trọng và được đưa trở lại bệnh viện này. Điều tra sau đó cho
thấy Bệnh viện Texas Health Presbyterian không có kinh nghiệm và sự
chuẩn bị cần thiết để đối phó với Ebola. Hai nữ y tá nhiễm bệnh hiện đã
được đưa đến Emory và Viện Y tế quốc gia (NIH) ở Maryland.
Nhưng điều đó không có nghĩa là các bệnh nhân có thể chắc chắn sống sót khi đến Emory hay Trung tâm Y tế Nebraska.
'Đừng
quên rằng đây là căn bệnh nguy hiểm chết người. Ở Tây Phi, tỷ lệ tử
vong lên đến hơn 60%. Tỷ lệ này ở Mỹ sẽ thấp hơn nhưng sẽ không bằng
0', CNN dẫn lời chuyên gia y tế Sanjay Gupta.
Tiếp nước nhanh
Những
người sống sót dù nhiễm virus Ebola thường được tiếp nước nhanh
chóng. 'Điều quan trọng nhất khi chăm sóc cho bệnh nhân Ebola là đảm bảo
cơ thể họ không bị mất nước.
Điều đó đòi hỏi sự tập trung đặc
biệt', bác sĩ Tom Frieden, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng chống
dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết.
Nếu bệnh
nhân có sẵn hệ miễn dịch khỏe mạnh thì khả năng sống sót sẽ cao hơn.
Nhưng những cơ sở y tế tưởng như vốn là cơ bản ở Mỹ lại hoàn toàn không
tồn tại ở Tây Phi, nơi virus Ebola đã sát hại hơn 4.500 người.
Trong
khi đó, Nigeria đã tiêu diệt thành công Ebola, theo sự đánh giá của Tổ
chức Y tế thế giới (WHO). Khác với Guinea, Liberia và Sierra Leone, nhà
chức trách Nigeria đã nhanh chóng phát hiện và giám sát các trường hợp
tiếp xúc với bệnh nhân Ebola.
Truyền máu
Ba
bệnh nhân Ebola ở Mỹ là Sacra, nữ y tá gốc Việt Nina Phạm và phóng viên
NBC Ashoka Mukpo đều được truyền máu của bác sĩ Brantly, người đánh bại
virus Ebola. Và cả ba đều hồi phục. Các chuyên gia cho biết trong máu
người sống sót có chứa kháng thể chống Ebola.
'Thật
may mắn là tôi có thể hiến máu cho ba bệnh nhân có cùng nhóm máu với
tôi. Tôi sẽ tiếp tục làm như vậy khi cần thiết', bác sĩ Brantly cho
biết. Trước đó, vụ bác sĩ Brantly không hiến máu cho bệnh nhân Duncan đã
gây tranh cãi, nhưng trên thực tế hai người không có cùng nhóm máu.
Thuốc thử nghiệm
Các
loại thuốc chưa được kiểm chứng có thể gây rủi ro lớn. Nhưng với tỷ lệ
tử vong quá cao vì Ebola, WHO xác định việc sử dụng thuốc thử nghiệm
chống bệnh là phù hợp với y đức kể cả khi y học chưa xác định được tác
dụng phụ của chúng.
Hiện các loại
thuốc thử nghiệm đang được sử dụng là ZMapp, Favipiravir, Brincidofovir
và TKM-Ebola. Bác sĩ Brantly và Writebol cùng dùng ZMapp và sống sót,
nhưng nhà truyền đạo Tây Ban Nha Pajares dù cũng được điều trị bằng loại
thuốc này đã qua đời.
Bác sĩ Bruce
Ribner, giám đốc Khoa bệnh truyền nhiễm của Bệnh viện Đại học Emory cảnh
báo không nên tin tưởng hoàn toàn rằng ZMapp là loại thuốc hiệu quả
100%. Nữ y tá Tây Ban Nha Teresa Romero dùng thuốc kháng virus
Favipiravir và cũng được truyền máu từ một bệnh nhân Ebola đã phục hồi.
Sacra
được điều trị bằng thuốc TKM-Ebola. Cơ quan Thực phẩm và dược phẩm Mỹ
(FDA) đã thông qua việc sử dụng rộng rãi thuốc này. Ông Duncan được điều
trị bằng thuốc Brincidofovir nhưng chỉ nhận được thuốc sáu ngày sau khi
nhập viện. Nếu được điều trị sớm hơn có thể ông đã sống sót.
Nguồn Tuoitre.vn
No comments:
Post a Comment