Saturday, October 25, 2014

Có nên tiếp tục cho tiền người ăn xin?

Có nên tiếp tục cho tiền người ăn xin?



Thương xót và chia xẻ cho người kém may mắn hơn chúng ta là điều nên làm. Tuy nhiên, cũng vì vậy mà nhiều người xấu đã lợi dụng, bức hiếp trẻ em, người già yếu, người tàn tật đi ăn xin để hưởng lợi trên sự đau khổ của họ.

Cha mẹ hoặc người giám hộ ép buộc trẻ đi lang thang kiếm sống, những người lợi dụng trẻ em đi lang thang để trục lợi nếu bị phát hiện sẽ bị xử phạt từ 5-10 triệu đồng và phải nộp lại khoản lợi nhuận kiếm được từ việc lợi dụng trẻ em trên.

Người nào có hành vi tổ chức, ép buộc trẻ đi ăn xin, cho thuê cho mượn trẻ, sử dụng trẻ đi ăn xin bị xử phạt từ 10-15 triệu đồng.

Trích từ bản tin Mẹ sinh con rồi bỏ: xử phạt đến 15 triệu đồng.

Nên cho hay không đây cô ơi? Có những em bé bị chăn như chăn vịt, chỉ khác một điều là vịt thì không bị đánh khi không bán được kẹo cao su.

Nhiều lần em suy nghĩ, em sẽ làm gì nếu như em trực tiếp thấy cảnh một em bé bị chăn (em mới chỉ đọc báo), em nên mua giúp bé hay không? Không mua thì có thể bé sẽ bị đánh, nhưng nếu mua thì em đã vô tình góp sức cho bọn chăn trẻ em, vì chúng đã thấy được lợi nhuận khi làm việc đó.

Hay là em đi báo cho ai đó? Nhưng ai đó là ai bây giờ hả cô? Ai đó sẽ chẳng quan tâm đâu…”

Một buổi sáng trước giờ lên lớp, tôi bỗng nhận được lời tâm sự này của một sinh viên.

Tôi lặng yên suy nghĩ về 3 cách ứng xử mà em nêu: cho, không cho, hay báo cho ai đó?

Em đang băn khoăn trước một vấn đề thuộc về đạo đức cá nhân khi em muốn cho.

Tôi nghĩ rằng em, và tôi, và nhiều người trong chúng ta, đã từng một lần hoặc nhiều lần đặt một cái gì đó vào những bàn tay chìa ra trước mặt mình, đặc biệt là những bàn tay nhem nhuốc của trẻ thơ hay những bàn tay run rẩy của người già.

Tại sao chúng ta làm vậy?

Lý do đầu tiên là lòng trắc ẩn. Nếu có lương tri, ta không thể thờ ơ trước nỗi đau đồng loại, bởi nhu cầu về “cơm ăn áo mặc” và “được học hành” là “ham muốn” chính đáng của tất cả chứ không riêng của một người.

Lý do thứ hai là lòng vị kỷ. Ta cho người đấy, nhưng ta cho là vì bản thân ta. Nếu không cho, lòng ta ray rứt khi biết đó là một điều phải nhưng ta đã không làm. May thay, lòng vị kỷ này thật đáng trân trọng, bởi khi vị kỷ đồng thời ta cũng đã vị tha.

Em cũng đang băn khoăn một vấn đề thuộc về đạo đức xã hội: không cho, hay báo cho ai đó.

Khi em không cho, em đã đúng về mặt duy lý. Chúng ta được giáo dục không được tiếp tay cho kẻ xấu. Nếu em cho, em đã góp phần làm cho cái xấu tồn tại.

Vậy theo quan điểm về đạo đức xã hội, tôi sẽ khuyên em không cho.

Nhưng rồi tôi lại bối rối. Nếu chúng ta không cho, cái xấu có vì thế mà giảm đi hay hết hẳn không? Chắc chắn là không.

Thế gian đã lưu truyền câu nói “Bần cùng sinh đạo tặc.”

Cái bọn chăn người ấy vốn bản chất đã là “đạo tặc” rồi, nay vì em không cho mà chúng thất thu nên cái sự “bần cùng” của chúng lại càng thêm trầm trọng, vậy thì cái tính “đạo tặc” của chúng lại vì thế mà nhân lên, và chắc chắn những nạn nhân của chúng lại vì thế mà thêm khổ sở.

Nếu chỉ cân đo đong đếm giữa hai cái lợi ích nếu em cho vì đạo đức cá nhân và một cái bất lợi nếu em không cho vì đạo đức xã hội, tôi sẽ khuyên em hãy cho.

Tuy nhiên, ngoài sự cân đo ấy, tôi còn một lý do khác nữa: tôi muốn em tin vào một sự trợ giúp từ bên ngoài.

Khi cá nhân em hay tôi không thể thay đổi được bọn xấu kia nếu chúng ta hành động đơn lẻ, liệu sẽ có một hành động khác quyết liệt hơn, hiệu quả hơn nhân danh đạo đức xã hội hay không?

Tôi đang nghĩ về đại từ phiếm chỉ mà em đã dùng: ai đó.

Em không muốn nói rõ, nhưng tôi hay ai đọc cũng hiểu ngụ ý của em. Người được “báo” chắc chắn phải là người có trách nhiệm và thẩm quyền giải quyết.

Vậy nhưng em đã băn khoăn ai đó bây giờ là ai, và em hồ nghi ai đó sẽ không quan tâm đến vấn đề em đang trăn trở nên phải hỏi ý kiến của tôi.

Tôi là cô giáo mà em tin tưởng, tôi muốn lắm, muốn nói với em nhiều điều tốt đẹp, bởi tôi có nhiệm vụ nuôi dưỡng tâm hồn của học trò tôi.

Tôi muốn em tin vào thực tế cuộc sống để phát triển đạo đức xã hội của em, nhưng tôi đã rất buồn vì tôi không làm được.

Tôi biết nói gì với em khi tôi kiểm chứng thực tế để giúp em củng cố lòng tin bằng cách tìm trên google các từ khóa “nạn chăn dắt trẻ em” nhưng tôi chỉ thấy toàn là vấn đề được báo chí, người dân nêu lên từ rất lâu rồi mà giải pháp còn nằm dưới dạng đề xuất của chính quyền thành phố?

Tôi biết nói gì với em khi hàng ngày khi đi qua nhiều ngã tư và những nơi công cộng khác, tôi đã nhìn thấy rất đông cảnh sát – những người có nhiệm vụ giữ gìn trật tự xã hội – nhưng họ chỉ nhìn thấy lỗi của những người vi phạm luật giao thông đang di chuyển rất nhanh để chặn lại xử phạt, trong khi đó họ không nhìn thấy những cụ già lập cập, những em nhỏ lê lết xin ăn ngay nơi họ đứng mỗi ngày?

Tôi biết nói gì với em khi cảnh sát giao thông không đảm nhận nổi nhiệm vụ thổi phạt nóng tại hiện trường thì có ngay giải pháp lắp camera ở nhiều nơi trong và ngoài thành phố để phạt nguội, nhưng mà các dàn camera hiện đại ấy vẫn không thể thu được vào màn hình những con người bé mọn khổ sở kia để lần tìm ra những hung thần giấu mặt đang sống trên nỗi đau của họ?

Chẳng lẽ tôi, cô giáo của em, lại nói với em rằng ai đó không thấy vì họ không muốn nhìn và không muốn tìm?

Và trong cái sự khó nói ấy, tôi đành khuyên em hãy cho để trau dồi đạo đức cá nhân của mình, còn hai cách ứng xử thuộc về đạo đức xã hội, tôi và em thôi hãy đành… chờ.
Theo Tuổi trẻ

Post a Comment

 
Copyright © 2013 Chuyện Cấm Cười (Pmanth) | Powered by Blogger