Monday, December 15, 2014

Thượng nghị sĩ Janet Nguyễn họp báo vận động sĩ quan TPB VNCH dược sang Mỹ

Thượng nghị sĩ Janet Nguyễn họp báo vận động sĩ quan TPB VNCH dược sang Mỹ

 uật Sư Andrew Đỗ (trái) lắng nghe ông Hoàng Nguyễn ngồi trên xe lăn tại buổi họp báo. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

WESTMINSTER, California (NV)Thượng Nghị Sĩ Tiểu Bang Janet Nguyễn cùng cựu Nghị Viên Garden Grove Andrew Đỗ họp báo lúc 1 giờ 30 chiều Chủ Nhật, 14 Tháng Mười Hai, tại hội trường nhật báo Việt Báo, Westminster, để trình bày dự án bảo trợ các sĩ quan thương phế binh QLVNCH sớm được định cư tại Hoa Kỳ, và để lắng nghe ý kiến của cộng đồng.
 
Là con, cháu, tiếp nối thế hệ cha ông, những người trẻ chúng tôi luôn biết ơn các chiến sĩ QLVNCH, những anh hùng đã hy sinh một phần thân thể của chính mình, cho sự an toàn và tự do của chúng ta hôm nay. Chúng tôi muốn đem lại những kết quả tốt cho cộng đồng và đây là dự án chúng tôi muốn làm, khi lần đầu tiên chúng ta có một thượng nghị sĩ gốc Việt,” ông Andrew Đỗ, cựu Nghị Viên Garden Grove, nói, trước khi giới thiệu ThượngNghị Sĩ Janet Nguyễn, giữa tiếng vỗ tay chào mừng vị dân cử cao cấp nhất của cộng đồng người Việt tại California.
“Đây là lần đầu tôi xuất hiện trước mặt quý đồng hương trong vai trò một thượng nghị sĩ tiểu bang. Kết quả có được là nhờ chúng ta đoàn kết và bảo vệ để cộng đồng chúng ta có được một người đại diện,” vị thượng nghị sĩ Địa Hạt 34 tươi cười nói.


Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn (trái) bắt tay đồng hương. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)


“Chúng ta làm việc này vào lúc này vì trong vài tuần tới Quốc Hội Hoa Kỳ sẽ bắt đầu nhóm họp lại. 

Tuần tới chúng tôi sẽ ra nghị quyết đầu tiên để xin Thượng Viện California ủng hộ dự án bảo trợ các thương phế binh QLVNCH và sau đó yêu cầu Quốc Hội Hoa Kỳ xem lại chương trình H.O, để trước hết, xin bảo trợ 500 sĩ quan có tên trong danh sách vận động với Dân Biểu Ed Royce, chủ tịch Ủy Ban Ngoại Giao Hạ Viện Hoa Kỳ,” bà nói giữa tiếng vỗ tay của mọi người.

Luật Sư Andrew Đỗ sau đó giải thích: “Để việc vận động ban đầu có cơ hội thành công cao, chúng tôi dùng danh sách 500 sĩ quan, do sự hợp tác của nhạc sĩ Trúc Hồ, tổng giám đốc đài truyền hình SBTN, và Hội HO Cứu Trợ Thương Phế Binh và Cô Nhi Quả Phụ VNCH cung cấp.” 

Cựu Đại Tá Lê Khắc Lý, cố vấn Cộng Đồng Việt Nam Nam California, yêu cầu ban tổ chức minh định chương trình vận động có phải chỉ dành cho sĩ quan hay không.

Luật Sư Andrew Đỗ giải thích: “Dù ý định của chúng ta là vận động cho tất cả thương phế binh VNCH, nhưng chúng ta không nên nói ra trong lúc khởi đầu này, để các vị dân cử không cảm thấy sự vận động gây áp lực tài chánh quá lớn. 

Nếu chúng ta bao gồm tất cả các thương phế binh ở Việt Nam, số người đông quá, có thể chúng ta bị từ chối ngay. 

Chính vì thế, chúng tôi dựa vào chương trình định cư H.O được áp dụng từ trước, xin mở rộng cho một số trường hợp liên quan. Sau đó, được thể sẽ làm với số thương phế binh còn lại không kể cấp bậc hay có ở tù Cộng Sản hay không.”


Ông Tống Văn Thái (phải) cung cấp tài liệu của các bạn đồng ngũ. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)


Cựu Đại Tá Lê Bá Khiếu phát biểu đồng ý với phương cách làm việc do Luật Sư Andrew Đỗ trình bày.

“Dự luật do Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn đệ trình để vận động, bên cạnh lá thư do bà và tôi gởi Dân Biểu Ed Royce vận động Quốc Hội, kèm danh sách 500 sĩ quan VNCH, sẽ được các dân biểu đưa ra bàn thảo, mời các cộng đồng người Việt khắp nơi ra điều trần. 

Thủ tục sẽ kéo dài có khi cả 10 năm trước khi được ban hành. Chúng ta giới thiệu trước rồi sẽ tiến xa hơn,” Luật Sư Andrew Đỗ giải thích thêm về thủ tục.

Ông cho biết: “Chương trình H O dựa vào các cựu quân nhân từng ở trong ngục tù Cộng Sản ít nhất ba năm mới đủ điều kiện để xin định cư. 

Những quân nhân bị tàn phế, nếu không đủ thời gian ở tù, lại không được cứu xét là H O. Chúng ta sẽ xin mở rộng cho những trường hợp này.”

Trong phần giải đáp thắc mắc, ông Tống Văn Thái, một cựu quân nhân QLVNCH, kể lại những khó khăn khi tìm giấy tờ chứng minh hợp lệ cho thương trình HO của một số chiến hữu của ông trong Sở Khai Thác Địa Hình Tổng Thống Phủ “MAG SOG.”

“Một đồng đội của tôi sau năm 75 phải đi ăn mày ở Thừa Thiên, về đến Đồng Nai, lập gia đình với một phụ nữ cũng ăn mày. Không đủ điều kiện để chứng minh vì hai người ăn mày không có hôn thú,” ông Thái kể.


Lá thư và danh sách 500 sĩ quan gởi Dân Biểu Ed Royce, để vận động cho thương phế binh. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Một phụ nữ đem hồ sơ của người em trai là một thương phế binh cụt hai tay đưa cho ban tổ chức và xin giúp đỡ.

Ông Hoàng Nguyễn, 61 tuổi, một cựu quân nhân Tiểu Đoàn 9 Thủy Quân Lục Chiến, mất cả hai chân, ngồi trên chiếc xe lăn ngay lối vào hội trường, tâm sự: 

“Tôi qua Mỹ năm 90, qua đây sống một mình với một đứa cháu. Nó đang bệnh nặng không biết sống chết thế nào. Giúp anh em thương binh là điều phải làm.”

“Chúng tôi vẫn thường quyên góp riêng để giúp đỡ bạn bè. Chúng ta nên tìm hiểu tổ quốc cần gì và chúng ta cần phải đồng hành với những nhà tranh đấu trong nước,” ông Tiến Nguyễn, 62 tuổi, đứng bên cạnh chiếc xe lăn, chia sẻ.

Ông Nguyễn Thế Ngọc, một nhân sĩ trong cộng đồng, đề nghị theo phương cách của người Việt bên Úc, vận động với quân đội Úc để giúp các thương phế binh Việt Nam.

Ông Nguyễn Quang Tùng, 73 tuổi, cư dân Westminster, đề nghị nên liên lạc với các thương phế binh ở Việt Nam xem ai muốn đi thì bỏ vào danh sách xin đi, nhưng theo “sự thăm dò riêng thì các thương phế binh chỉ muốn thực tế nhất là được giúp tiền.”

Cựu Đại Tá Lê Khắc Lý đề nghị “văn phòng phát mẫu đơn và ra thông báo cho những ai có thân nhân là thương phế binh điền đơn vì như thế chúng ta sẽ có danh sách chính thức.”

“Hiện nay chúng tôi chưa có văn phòng. Xin cho chúng tôi một, hai tháng để tìm địa điểm, và sẽ thông báo chi tiết sau,” Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn nói.

Cuộc họp báo bị gián đoạn nhiều lần bởi những tràng pháo tay mỗi khi có người bày tỏ lòng biết ơn với các chiến sĩ QLVNCH thân thể không vẹn toàn, hay đã anh dũng hy sinh mà mọi người hiện diện mong có dịp đền đáp.
Theo Người Việt

Post a Comment

 
Copyright © 2013 Chuyện Cấm Cười (Pmanth) | Powered by Blogger