VIKHUẨN, BẠN ĐƯỜNG THÂN THIỆN VÀ HỮU ÍCH CỦA CON NGƯỜI
Trong cơ thể con người có khoảng 100.000.000.000.000 (một trăm ngàn tỷ tế bào). Trong đó chỉ có 1/10 là tế bào của người, số còn lại là các tế bào vi khuẩn.Vi khuẩn trú ngụ trên da, dưới các nếp móng tay, móng chân và đặc biệt trong đường ruột. Chúng có kích thước nhỏ hơn tế bào từ 10 - 100 lần và có ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, tuổi thọ, niềm vui và nỗi bất hạnh của con người. Theo kết quả nghiên cứu mới nhất đây nhất của y - sinh học, cộng đồng người - vi khuẩn là một cộng đồng thân thiện, đôi bên đều có lợi. Con người tạo ra môi trường sống ký sinh cho vi khuẩn và ngược lại vi khuẩn có tác dụng không nhỏ, đôi khi rất quan trọng đối với sức khỏe con người.
Các công trình thí nghiệm trên chuột, chứng tỏ những con chuột sơ sinh được nuôi trong điều kiện vô khuẩn có đường ruột dài hơn rất nhiều chuột bình thường, để kéo dài thời gian luân chuyển và tiêu hóa thức ăn. Trong thành ruột của chúng không có các nốt sần để cho vi khuẩn trú ngụ, không có tế bào kháng thể và giải độc để chống đỡ với các thức ăn bị nhiễm độc. Còn ruột của các con chuột sinh ra và sống trong điều kiện hoang dã thường ngắn hơn nhiều, trong ruột có nhiều khúc lồi lõm, nốt sần để làm nơi sinh sống cho vi khuẩn.
Chuột vô khuẩn rất dễ nhiễm bệnh. Chỉ cần vài con vi khuẩn gây bệnh cũng đủ làm cho chúng mắc bệnh. Còn để gây bệnh cho chuột hoang dã, phải cần đến hàng triệu vi khuẩn độc hại. Các vi khuẩn sống trong ruột của chuột hoang dã có tác dụng khống chế và hủy hoại các tác nhân lạ xâm nhập vào, thậm chí còn tiết ra các chất kháng sinh mạnh để bảo vệ ruột khỏi các vi khuẩn độc hại xâm nhập vào cơ thể chuột.
Trong một số sinh vật biển còn có các vi khuẩn tác dụng phát sáng để làm tín hiệu săn mồi hoặc tìm kiếm bạn tình.
Vi khuẩn sống trong ruột người, ngoài tác dụng rất quan trọng là giúp tiêu hóa thức ăn, còn có một tác dụng kỳ diệu là tạo ra chất vitamin K rất cần thiết cho cơ thể, để cầm máu khi bị thương tổn. Loại vitamin K này cơ thể người không thể tạo ra được. Ngoài ra, các vi khuẩn còn tạo ra nhiều loại vitamin khác và các chất hóa học, đặc biệt giúp cho việc tiêu hóa chất xơ thành đường glucoza thấm trực tiếp vào máu. Gần đây, nhà sinh học Thụy Điển Stephanie phát hiện ra loại vi khuẩn gây ra bệnh viêm loét dạ dầy, chúng thường kích thích dạ dầy tiết ra quá nhiều acid clohyric (HCL). Dạ dầy buộc phải tiêu hoá lượng HCL đó và tạo ra thức ăn cho chính vi khuẩn đó. Tuy nhiên, vi khuẩn gây bệnh cũng có trong dạ dầy những người khỏe mạnh, vô bệnh. Chúng có một tác dụng hữu ích là tiết ra các chất kháng sinh mạnh, có tác dụng tiêu diệt các vi khuẩn độc gây bệnh đột nhập vào dạ dày cùng với thức ăn. Ngoài ra, chúng còn tiết ra các chất làm trung hòa một số độc tố trong thức ăn. Vi khuẩn gây bệnh viêm loét dạ dày chỉ gây bệnh ở những người có khả năng miễn dịch kém, những người thường xuyên phải qua trạng thái căng thẳng, lo âu thái quá.
Một khi sự cân bằng môi trường sinh thái con người - vi khuẩn bị tổn thương, con người sẽ bị rối loạn tiêu hóa, khả năng hấp thụ dinh dưỡng và kháng thể bị suy giảm, dẫn đến việc mang nhiều bệnh tật khác nhau, trong đó có hiện tượng chóng già trước tuổi. Hiện tượng này thường xảy ra ở những người hay lạm dụng quá nhiều loại thuốc kháng sinh, dùng thức ăn ít chất xơ và thường xuyên bị căng thẳng. (Theo Tuần Báo Mới)
Post a Comment