Doanh nghiệp 'dẹp tiệm' tiếp tục tăng ở Việt Nam
HÀ NỘI - Theo thống kê của Bộ Kế hoạch – Đầu tư CSVN vừa công bố, trong 9 tháng đầu năm nay, 90% doanh nghiệp vừa được thành lập xin giải thể hoặc ngưng hoạt động.
Báo cáo vừa kể cung cấp các số liệu khá chi tiết. Theo đó, trong 9 tháng đầu năm 2014, tại Việt Nam có 53,192 doanh nghiệp được thành lập mới, nhưng lại có 48,330 doanh nghiệp phải giải thể, ngưng hoạt động. Còn nếu tính riêng tháng này thì có 5,742 doanh nghiệp được thành lập nhưng có tới 4,549 doanh nghiệp ngưng hoạt động.
Ông Bùi Hà, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân của Bộ Kế hoạch – Đầu tư Việt Nam, khái quát, số doanh nghiệp phải giải thể, ngưng hoạt động trong chín tháng vừa qua đã tăng khoảng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng lưu ý là số doanh nghiệp được thành lập và tổng vốn đăng ký kinh doanh tiếp tục giảm.
Đầu tư ngoại quốc vào Việt Nam cũng đang giảm. Theo Cục Đầu tư nước ngoài của Bộ Kế hoạch - Đầu tư CSVN, tổng vốn đầu tư ngoại quốc vào Việt Nam trong chín tháng vừa qua vào khoảng hơn 11 tỉ Mỹ kim, giảm hơn 25% so với cùng kỳ năm 2013.
Ông Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế của Việt Nam nhận định, từ đầu năm đến nay, kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã ổn định song vẫn đang đối diện với những rủi ro lớn.
Theo ông Thành, sự ổn định thể hiện qua những yếu tố như: lạm phát giảm mạnh, tỷ giá VND/USD không biến động nhiều, cán cân vãng lai cân bằng, cán cân thanh toán quốc tế thặng dư, dự trữ ngoại hối tăng, thanh khoản ngân hàng cải thiện rõ rệt và mức xếp hạng tín nhiệm của Moody và S&P tăng.
Tuy nhiên, theo ông Thành, tăng trưởng của cả năm sẽ chỉ trong khoảng từ 5.5% đến 5.7%, không đạt mục tiêu mà Quốc hội Việt Nam đề ra (5.8%).
Dẫu kinh tế vĩ mô đã ổn định, song ông Thành cảnh báo, sự ổn định đó rất mong manh vì cải cách cơ cấu, đặc biệt là đối với hệ thống doanh nghiệp quốc doanh vẫn hết sức chậm chạp và điều đó khiến thị trường sút giảm niềm tin.
Sự ổn định của kinh tế Việt Nam mong manh còn vì thâm hụt ngân sách đã lên tới gần 5%. Trong chín tháng qua, ngân sách Việt Nam chỉ thu vào chưa tới 598,000 tỉ đồng, trong khi đã phải chi 722,000 tỉ đồng. Nợ công dù chưa tới ngưỡng 60% GDP nhưng đang tăng rất nhanh.
Chưa kể nguy cơ bất ổn tài chính vẫn tiềm ẩn vì nợ xấu tăng, sở hữu chéo ngân hàng và tính minh bạch thấp. Ông Thành giải thích, tuy lãi giảm, doanh nghiệp vẫn khó vay tiền vì nợ xấu lớn và đang tăng.
(G.Đ)/Người Việt
Post a Comment