Chuột: Kẻ thù tinh khôn của loài người
Trong thế giới loài vật, chuột là bậc thầy về đấu tranh sinh tồn. Mỗi gia đình nhà chuột có khá đông "miệng ăn". Đứng đầu là một đại lão thủ.
Loài gậm nhấm này có những khả năng thật phi thường
Trước khi xuất quân, vị gia trưởng thường phái các chuột trinh sát đi thăm dò trước. Gặp thức ăn lạ mắt hoặc có mùi lạ mũi, vị lạ miệng, hay nhìn thấy những vật hao hao cỗ máy tử thần (bẫy chuột), các trinh sát viên phải điều nghiên kỹ càng - có khi mất hàng tuần - trước khi đụng tới và nếu chuột trinh sát tử nạn trước mắt đồng loại, thì thôi nhé, vĩnh biệt mồi bã hoặc bẫy!
Về thể lực chuột được coi là kiện tướng đường trường: có thể chạy marathon một mạch 15 km (nếu tính theo tỷ lệ bước chân, khoảng cách này tương đương cự ly 250 km đối với con người).
Gặp hiểm nguy, chuột còn có tài đu bám, ngửa bụng lên trời - dưới gầm giường chẳng hạn và bất động trong tư thế đó nhiều giờ liền, chờ cho mối nguy hiểm qua đi.
Trong trường hợp khẩn cấp, chuột có thể leo thoăn thoắt theo đường thẳng đứng, trên mặt tường nhẵn thín, trừ tường bằng kính, hoặc bò theo đường nằm ngang trên trần nhà.
Đang đứng tại chỗ, một con chuột cống lớn có thể nhảy vọt lên cao đến 1,5 m, gấp mấy chục lần chiều cao bản thân. Chưa kể đến tài bơi lội như rái cá của chuột.
Một cặp chuột sau 3 năm có thể sản sinh ra khoảng 1 triệu con, cháu, chít.... Tuy nhiên, vì những "thiên tai, dịch họa" do con người, rắn, mèo, cú, lụt, hạn... gây nên, chỉ còn khoảng 10 - 15 % sống sót.
Cái đuôi của chuột có một sức mạnh đáng nể. Khi giam một bầy chuột, bỏ đói mấy hôm, rồi đặt một chậu thức ăn giữa phòng, sao cho từ mặt đất, chuột không thể tiếp cận cái chậu.
Lũ chuột leo lên xà nhà, một con bám chặt xà, cắn đuôi con thứ hai cho con này buông mình xuống. Cứ thế, cho đến con cuối cùng chạm được đến chậu thức ăn.
Ăn no nó leo lên, bám vào xà, cắn đuôi con thứ nhất để "sợi thừng chuột" thòng xuống chạm xuống chậu thức ăn "sợi thừng" này gồm 15 con chuột. Như vậy, cái đuôi của con chuột thứ hai phải chịu đựng sức nặng của thân mình nó và của tất cả các con chuột bên dưới.
Họ hàng nhà chuột quả có những khả năng đặc biệt để sinh tồn: Chuột chịu được liều phóng xạ cao hơn tất cả các động vật khác.
Chuột phải luôn luôn gặm nhấm để mài mòn răng, nếu không răng sẽ mọc dài đến mức không thể ngậm miệng lại được.
Một con chuột cống cần lượng thức ăn khoảng 50 - 100 g mỗi ngày.
Một thành phố có 10 - 12 triệu con chuột, mỗi năm phải chịu mất trắng khoảng 20 tấn lương thực, vì chuột.
Tự sát tập thể và những cuộc hành quân vô định
Vào đầu tháng 5 - 1995, trên một vùng rộng chừng 10,000km2 ở khu Tân Cương (Trung Quốc) đã xảy ra hiện tượng chuột tự sát tập thể. Ở đây có loài chuột đồng mắt rất to, dân chúng gọi là "quỷ mắt lồi". Chúng kéo đến các ao, hồ, từng đôi một cắn đuôi nhau lao xuống nước tự vẫn.
Chỉ sau vài hôm, tại tất cả các ao hồ trong vùng, xác chuột nổi kín cả mặt nước.
Các nhà khoa học đã tiến hành một cuộc nghiên cứu và không phát hiện được bất cứ sự thay đổi nào trong não và nội tạng của những con chuột tự sát. Chỉ có một số biểu hiện bên ngoài được ghi nhận:
Trước khi có hành động tự sát, chứng tỏ ra chậm chạp, mệt mõi, phản xạ kém. Các nhà khoa học lo ngại về một sự biến động sinh thái sẽ diễn ra: Cáo, gầu, chó, sói, cú, mèo.... (những loài sống bằng chuột) sẽ khan hiếm cái ăn.
Kinh nghiệm dân gian thì lại cho biết hiện tượng chuột tự sát tập thể là dấu hiệu báo trước một trận động đất lớn. Có quan điểm khoa học cho rằng hiện tượng này là biểu hiện của quy luật tự nhiên về cân bằng sinh thái". Loại bỏ số khẩu dư thừa trong một cộng đồng. Nhưng nguyên nhân nào dẫn chuột đến hành động tự sát (mà không phải là ăn thịt lẫn nhau chẳng hạn) thì cho đến nay vẫn còn là một điều bí ẩn.
Không bị con người và các loài muông thú tiêu diệt nên lũ chuột ở vùng đài nguyên phương Bắc nước Nga sinh sôi nảy nở rất nhanh. Ăn thịt nhau không xuể, chúng bèn kéo đi tha phương, để mặc lũ chuột con ở lại. Không biết sẽ đi về đâu, nhưng hàng tỷ con chuột vẫn tự nguyện lên đường.
Càng đi, lũ chuột càng trở nên hung hăng, cuồng loạn. Gặp biển, những con đi đầu không ngần ngại lao đầu xuống nước. Phải hàng triệu con chết trong sóng biển, mới giúp đoàn quân còn lại tỉnh ngộ mà rẻ sang hướng khác. Gặp khe sâu chắn đường, những con đi đầu cứ điềm nhiên lao mình xuống vực.
Xác chúng lấp đầy khe vực cho đoàn quân tiên phong sẽ là cầu nối cho hậu quân sang bờ đối diện. Con người đã phải sử dụng mọi biện pháp mạnh nhưng vẫn không ngăn nổi bước chân vô định của đoàn quân chuột. Dùng máy bay phun thuốc trừ sâu ư? Chỉ là trò con trẻ.
Phun thuốc có độc tính cao thì trước hết có hại cho người và thú vật, hơn nữa có sẵn một lượng thuốc "nặng đô" lớn đến thế! Vũ khí hóa học coi như thúc thủ. Có nơi người ta dùng mìn. Nhưng đối với những tấm thân chuột bé tí teo, khả năng sát thương của mìn cực thấp, còn sức ép thì chỉ làm cho các chú chuột ngất đi trong giây lát mà thôi.
Dùng súng phun lửa, hiệu quả có cao hơn một chút, nhưng hậu quả cũng nặng - có thể gây ra nạn cháy rừng, cháy đồng cỏ. Cũng may là đi miết rồi chuột cũng kiệt sức, các chức năng sinh lý trong cơ thể bị xáo trộn do phải ăn những thức ăn không thích hợp, không có điều kiện để giao phối, sinh nở....
Thế rồi bầy đàn tan tác, mỗi con chết gục ở một xó xỉnh nào đó, kết thúc "hành trình qua lửa, nước, ống đồng". Trong khi đó, nơi cố hương, lũ chuột tí nhau lớn lên, sinh sôi, nảy nở ồ ạt đến mức một thời gian nào đó lại phải tiến hành cuộc hành quân vô định đi tìm cái chết.
Chuyện Cấm Cười/Pmanth - Theo Mới
Post a Comment