Monday, July 8, 2013

NĂM BỆNH THƯỜNG GẶP Ở NGƯỜI CAO TUỔI

NĂM BỆNH THƯỜNG GẶP Ở NGƯỜI CAO TUỔI


(chuyencamcuoi.blogspot.com) - Theo Mới Magazine

1/ Bệnh cao áp huyết


Theo tài liệu của tổ chức Y tế Thế giới WHO, có tới 74% các cụ từ 65 tuổi trở lên bị bệnh huyết áp cao. Một người được coi là bị bệnh huyết áp cao, khi huyết áp tối đa vượt mức 140 mmHg và huyết áp tối thiểu lớn hơn 90 mmHg. Người có huyết áp khoảng 120/80 hoặc 110/70 được coi là huyết áp bình thường.

Có rất nhiều nguyên nhân gây rabệnh huyết áp cao, trong đó có nguyên nhân tuổi tác - tuổi càng cao thì nguy cơ bị bệnh huyết áp càng tăng. Bệnh này được coi như "tên sát thủ thầm lặng", là nguyên nhân chủ yếu gây đột tử ở người cao tuổi (tại nhiều nước tỷ lệ gây đột tử do huyết áp cao trên 80%), gây nhồi máu cơ tim, thiểu năng tuần hoàn não, chảy máu não...

Để  biết bản thân có bị bệnh hay không, cần thường xuyên đo huyết áp tại các cơ sở y tế hoặc tại nhà. Tuy nhiên, để biết chính xác cần tiến hành đo trong nhiều ngày liên tục, cùng thời điểm nhất định trong ngày và trước khi đo cần nghỉ ngơi tối thiểu 15 phút.

Khi bị huyết áp cao, cần tiến hành điều trị bằng thuốc. Hiện nay trên thị trường có nhiều loại thuốc  tân dược giúp duy trì ổn định huyết áp và cần uống liên tục, đều đặn theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ

Một trong những biện pháp hữu hiệu điều trị hoặc phòng ngừa huyết áp cao đối với các cụ cao tuổi là thường xuyên tập thể dục, đi bộ nhanh, tham gia các hoặt động thể lực khác như bơi lội, thiền, du lịch dã ngoại...và xây dựng cho mình chế độ ăn uống thích hợp như tăng cường tỷ lệ rau, trái cây trong bữa ăn hằng ngày; hạn chế uống rượu, hút thuốc lá, làm việc điều độ, vừa sức, tránh căng thẳng.

Gần đây, nhiều nghiên cứu cho thấy, một số rau, củ có tác dụng tốt trong việc kiểm soát mức huyết áp như cần tây, tỏi, hành tây, cà chua (trong cà chua có chứa chất gamma butyric acid giúp giảm huyết áp), bông cải xanh (giàu hợp chất sulforaphane glucosinolate có khả năng hạn chế nguy cơ huyết áp cao), cà rốt và nghệ tây cũng rất tốt.

2/- Bệnh tiểu đường

Không phải là một bệnh, tiểu đường là sự rối loạn trao đổi chất của cơ thể. Trong y học, có sự phân tách bệnh tiểu đường loại I và loại II. Đa số người cao tuổi mắc bệnh tiểu đường loại II. nhiều người lầm tưởng tiểu đường loại II xuất hiện đột xuất. Thực tế, đây là căn bệnh phát triển âm ỉ, từng bước trong nhiều năm.

Biến chứng của tiểu đường rất nguy hiểm, đe dọa tính của người bệnh như gây huyết áp cao, xơ vữa động mạch, tai biến não, nhồi máu cơ tim, suy thận, mù mắt, nhiễm trùng da, đường tiết niệu, phổi...Cho đến nay, y học vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, các chuyên gia y học cho biết, cách ăn uống, lối sống, béo phì, yếu tố di truyền và tuổi tác có thể là nguyên nhân gây rối loạn quá trình trao đổi chất, làm gia tăng hàm lượng đường trong máu.

Theo các chuyên gia Viện Sức khỏe Cộng đồng Ba Lan, tỷ lệ xuất hiện bệnh tiểu đường ở người cao tuổi ngày càng gia tăng trong những năm gần đây. Do vậy, từ 50 tuổi trở lên, cần khám định kỳ 1 năm/lần làm xét nghiệm hàm lượng đường trong máu. Nếu hàm lượng đường không quá cao - chỉ cần thay đổi lối sống, nhất là cách ăn uống và tăng cường hoạt động thể lực. Trong trường hợp hàm lượng đường cao - cần có sự can thiệp của insulin.

3/- Rối loạn giấc ngủ

Kết quả thăm dò gần đây do Viện Sức khỏe Cộng đồng Ba Lan tiến hành cho thấy, có tới 70% các cụ trên 60 tuổi mắc chứng rối loạn giấc ngủ. Bệnh thường ở loại thức giấc về đêm và không thể ngủ tiếp, hoặc khó ngủ, trằn trọc hoặc giấc ngủ bị đảo ngược: đêm thức, ngày ngủ....Chứng rối loạn giấc ngủ tác động tiêu cực đến cuộc sống hằng ngày, gây mệt mỏi, tâm lý chán nản, buồn bực....

Tỷ lệ rối loạn giấc ngủ ở các cụ bà cao hơn các cụ ông. Đây là hội chứng tuổi già, không có thuốc đặc trị. Nhìn chung, các cụ cần kiên trì tạo cho mình thói quen ngủ sớm, đúng giờ. Không nhất thiết có giấc ngủ dài 5 - 6 tiếng/đêm mà cần giấc ngủ sâu. Nhu cầu về ngủ ở mỗi người một khác, không ai giống ai. Các cụ không nên lo lắng khi khó ngủ hay mất ngủ một vài đêm.

Để cải thiện tình trạng rối loạn giấc ngủ, các cụ nên lập cho mình một biểu đồ thời gian và kiên trì thực hiện. Hằng ngày nên tham gia hoặt động thể lực thích hợp, trường hợp thức giấc về đêm có thể làm việc gì đó, và lại ngủ tiếp nếu có thể được, không nên nằm trằn trọc trên giường. Điều cơ bản là tránh ăn no, uống nhiều rượu bia hoặc nước chè đặc, không hút thuốc lá trước khi đi ngủ. Không để tâm nhiều đến giấc ngủ; lạc quan, không lo lắng cũng là yếu tố tích cực giúp có giấc ngủ sâu.

4/- Bệnh liệt rung và mất trí nhớ

Hai bệnh Parkinson và Alzheimer luôn rình rập các cụ trên 60 tuổi. Trong thế giới đang lão hóa nhanh chóng, số bệnh nhân mắc hai căn bệnh nan y này ngày càng gia tăng và đang trở thành gánh nặng không chỉ cho các gia đình mà cả xã hội.

Cho đến nay, y học chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh - chỉ biết rằng tỷ lệ người cao tuổi là nạn nhân đông đảo nhất. Đối với bệnh liệt rung (run chân tay) - khoa học chỉ thấy hiện tượng thoái hoá tế bào não ở vùng chất đen thuộc trung não - những tế bào này rất cần thiết để duy trì sản xuất một trong những chất truyền dẫn thần kinh quan trọng nhất: dopamine. Sự thiếu hụt chất truyền dẫn này gây ra rối loạn và mất thanh bằng trong cử động và kiểm soát các cơ.

Còn đối với bệnh Alzheimer - biểu hiện bộc phát là trạng thái mất trí nhớ tiến triển, không phục hồi - nhất là rối loạn trí nhớ, ngôn ngữ....Ở những cụ bị mất trí nhớ có hiện tượng đột biến protein tạo các mảnh trong não hoặc các chuỗi protein bị biến đổi xoắn lại gây hoại tử tế bào thần kinh.

 Trên thị trường có loại thuốc Segan, Selerin có tác dụng ngăn chặn hiện tượng tiêu hủy dropamin trong não, phát huy tác dụng kiềm hãm tình trạng rối loạn các cơ cử động.

Một số nghiên cứu gần đây cho thấy biện pháp tốt nhất để đề phòng chống bệnh mất trí nhớ là:

Đi bộ hằng ngày. Các khảo cứu được tiến hành tại Mỹ cho thấy, mỗi ngày đi bộ 30 phút trong vòng 6 tháng giúp cải thiện 48% trí nhớ của các cụ bị Alzheimer nhẹ.

Ngoài ra, việc các cụ thường xuyên đọc sách báo, chơi cờ ô chữ cũng giúp cải thiện trí nhớ.

5/- Bệnh són tiểu

Bệnh được hiểu, khi nước tiểu thoát ra khỏi cơ thể tự nhiên, không theo ý muốn. Đây là căn bệnh tế nhị và kín đáo, nhiều người bệnh bị mặc cảm và xấu hổ không dám nói ra. Bệnh phổ biến ở các cụ bà (tại nhiều nước chiếm tới 80% các cụ bị bệnh) và gia tăng ở tuổi mãn kinh.

Bệnh ảnh hưởng nhiều tới tâm lý và cuộc sống gia đình - xã hội của người bệnh. Phụ nữ từ tuổi 55 trở lên, do đặc điểm riêng biệt về cấu trúc cơ thể học vùng tầng sinh môn phụ nữ, ảnh hưởng trong quá trình mang thai hay ảnh hưởng về nội tiết tố trong thời kỳ mãn kinh làm mềm nhão mô tế bào vùng cơ quan niệu đạo - và sinh dục.

Hiện nay đã có nhiều loại thuốc uống có tác dụng tới hệ thần kinh nhằm gia tăng kiểm soát bàng quang như duloksetyna...hay tác động tới hệ cơ tiết niệu như solifenacyna... Ngoài ra, phẫu thuật đặt miếng nâng đỡ niệu đạo (TVT - TOT) chỗ cơ thắt kiểm soát đi tiểu. Đây là phẫu thuật qua đường tự nhiên, nhanh chóng hiệu quả, không đau và chỉ nằm viện 24 giờ. 90% phụ nữ đã khỏi bệnh sau khi được phẫu thuật.

Gần đây, tại nhiều nước tân tiến trên thế giới đã áp dụng tiêm thuốc vào bàng quang qua nội soi (Toxin botulique). Bệnh nhân sau khi được gây mê toàn thân sẽ được tiêm thuốc  dysport vào cơ bàng quang bằng kỹ thuật tiêm nội soi. Thủ thuật điều trị này không mất nhiều thời gian (khoảng 30 phút) và tiện lợi, người bệnh có thể xuất viện ngay trong ngày, không đau với tỷ lệ thành công cao.









  






Post a Comment

 
Copyright © 2013 Chuyện Cấm Cười (Pmanth) | Powered by Blogger