Bắn vào quyền tự do báo chí
Hùng Tâm/Người Việt
Khoảng 11 rưỡi sáng Thứ Tư, giờ
Paris, ba tên khủng bố đeo mặt nạ đột nhập văn phòng của tờ báo châm
biếm Charlie Hebdo trên đường Nicolas Appert, thuộc quận 11 của Paris và
nã đạn vào ban biên tập đang họp ở lầu hai. Trên đường rút chạy, chúng tấn công các cảnh sát viên chạy tới bảo vệ tờ báo. Kết quả là 12 người tử vong, năm người bị trọng thương. Trong số tử nạn, có một nhân viên tiếp tân ở tầng trệt, một cảnh sát viên bảo vệ tòa báo, tám nhà báo, kể cả năm tay vẽ hý họa của tờ báo là Cabu, Charb, Honoré, Tignous và Wolinski, cùng kinh tế gia
Bernard Matis, giáo sư kinh tế và cổ đông của tờ báo. Ngoài ra, một cảnh sát viên cũng bị hạ sát ở ngoài đường.
Các hung thủ đào thoát bằng xe hơi lên quận 19 và cho đến nay vẫn biệt tăm, nhưng nhà chức trách Pháp đã tìm ra dấu vết là hai anh em Said Kouachi and Cherif Kouachi 32-34 tuổi, người Pháp gốc Algérie đang sống tại Paris cùng Haryd Mourad, một thanh niên 18 ở thành phố Reims.
Theo lời các chứng nhân được truyền thông Anh và Pháp tường thuật trước tiên thì khi mở cuộc tàn sát, quân khủng bố hô khẩu hiệu “Allahu Akbar” ngợi ca Thượng đế Hồi Giáo, “để trả thù cho đấng Tiên Tri Mohammed,” và “hãy bảo truyền thông biết rằng đây là al Qaeda tại Yemen”...
Hồ Sơ Người Việt cung cấp thêm một số chi tiết thuộc về bối cảnh của vụ tàn sát để ta thấy ra cái... cảm hứng khủng bố.
Charlie Hebdo
Nước Pháp đã có truyền thống làm báo châm biếm ngay từ thời Cách Mạng 1789.
Charlie Hebdo không là một tuần báo trào phúng mà là một tờ báo châm biếm, với nội dung diễu cợt nhiều thói rởm ở đời và phúng thích mọi loại lãnh tụ chính trị hay tôn giáo, từ phong trào cực hữu đến giới lãnh đạo Công Giáo, Do Thái Giáo, Hồi Giáo, v.v...
Nước Pháp hiện có hai tờ báo châm biếm khét tiếng nhất.
Có tinh thần khá độc lập thậm chí vô chính phủ mà chẳng từ nan việc đả kích các nhân vật lãnh đạo thuộc phe bảo thủ hay cấp tiến, tờ Canard Enchainé được xuất bản từ năm 1915 và nổi tiếng ở nhiều bài viết duyên dáng mà cay độc với nội dung thường là phóng sự điều tra. Ðấy là tờ báo duy nhất sống nhờ độc giả và không nhận quảng cáo!
Thiên về cánh tả, thậm chí cực tả, và có sở trường về hý họa nhiều hơn là bài điều tra và phanh phui như tờ Vịt Buộc nói trên, Charlie Hebdo là hậu thân của tờ báo châm biếm Hara-Kiri, và được xuất bản từ năm 1970 sau khi tờ Hara-Kiri bị Bộ Nội Vụ Pháp đóng cửa.
Về tên gọi thì năm 1969, những người sáng lập ban đầu đã xuất bản nguyện san hý họa Charlie, là ấn bản Pháp ngữ của tờ báo Ý có tên là Linus. Cả hai tên Linus và Charlie đều chung một gốc: hai nhân vật Linus van Pelt và Charlie Brown trong băng truyện hình “Peanuts” của cây bút trào phúng thời danh Hoa Kỳ là Charles Shulz (1922-2000). Sau đó tờ báo lấy thêm chữ “Hebdo” viết tắt từ “hebdomadaire,” nghĩa là tuần báo.
Một thí dụ về nét châm chọc của Charlie Hebdo. Tháng 11 năm 1970, bậc anh hùng dân tộc Pháp là Tướng Charles de Gaulle tạ thế ở tư thất trong làng Colombey-les-Deux-Eglises. Trước đó 10 ngày, có một vũ trường nghe nhạc bị cháy khiến 146 người chết. Tờ báo đưa tin về de Gaulle lên trang bìa, không hý họa mà chỉ có đề tựa: “Khiêu vũ bi thảm tại Colombey - một người chết.”
Charlie Hebdo và Mohammed
Chuyện hận thù giữa tờ Charlie Hebdo với đám Hồi giáo quá khích xuất phát từ 10 năm về trước.
Tháng 11 năm 2004, nhà làm phim nổi tiếng người Hòa Lan là Theo van Gogh bị một người Hòa Lan gốc Maroc theo Hồi Giáo là Mohammed Bouyeri hạ sát bằng tám phát đạn và nhiều lát dao đến gần bay đầu vì cái tội là đã có những phát biểu xúc phạm đạo Hồi. Vụ ám sát gây chấn động trong dư luận Âu Châu.
Cuối năm 2005, tờ Jyllands-Posten tại Ðan Mạch đăng 12 tấm hý họa của 12 tác giả về chân dung của đấng Tiên Tri Mohammed, dù hệ phái Sunni của đạo Hồi cấm không được vẽ hình đấng Tiên Tri. Lý do đăng hình là vì nhà báo Ðan Mạch Kare Bluitgen than phiền là sau khi Theo van Gogh bị giết ông không tìm được ai vẽ hình đấng Tiên Tri cho công trình biên khảo của ông về Mohammed.
Sau khi tờ Jyllands-Posten đăng hình và bị hăm dọa từ nhiều nơi thì đầu năm 2006, Charlie Hebdo nhảy vào bênh đồng nghiệp và đăng lại 12 tấm hình, kèm theo nhiều chân dung khác của tờ báo! Ngày 2 tháng 11 năm 2011, tòa báo tại đại lộ Davoud trong quận 20 bị đốt cháy rụi bằng bom xăng vì trước đó mấy ngày, ngay giữa cao trào của Mùa Xuân Á Rập. tờ báo ra một ấn bản đặc biệt có tên là “Charia Hebdo,” bên trong có nhiều hình và bài châm biếm Mohammed.
“Charia” có nghĩa là giáo luật của đạo Hồi!
Kể từ đó và sau nhiều vụ kiện tụng bất tận của các tổ chức Hồi Giáo tại Pháp, báo quán của Charlie Hebdo phải được cảnh sát bảo vệ. Ðấy là khi chủ biên kiêm họa sĩ châm biếm Charb, tên thật là Stephane Charbonier, bị hăm dọa và để lại một câu nổi tiếng vào năm 2012: “Nói ra thì có vẻ kênh kiệu chứ tôi thà chết đứng còn hơn là sống quỳ.”
Khi bước vào hạ sát nhà báo Charb cùng các đồng nghiệp, các hung thủ đã bắn tiếng rằng họ thuộc về tổ chức khủng bố al-Qaeda tại Yemen. Ðiều ấy có thể là đúng.
Charlie Hebdo và cảm hứng AQAP
Từ cơ sở nòng cốt ban đầu với thành tích là vụ khủng bố 9-11 tại Hoa Kỳ năm 2001, tổ chức al- Qaeda đã phần nào bị tê liệt nhưng lại phái sinh ra nhiều phong trào khủng bố địa phương cùng xưng danh là al-Qaeda (có nghĩa là căn cứ). Thí dụ như al-Qaeda tại Iraq AQI, al-Qaeda vùng Maghreb Hồi Giáo ở Bắc Phi AQIM, hay al-Qaeda tại Bán đảo Á Rập AQAP (al-Qaeda in the Arabian Peninsula) hoạt động rất tích cực tại Yemen và Saudi Arabia.
Ðầu tháng 3 năm 2013, tờ tạp chí trên mạng điện tử có tên là “Inspire” của tổ chức AQAP đã tung ấn bản thứ 10, với danh sách 12 người sẽ bị họ giết vì tội phỉ báng đấng Tiên Tri. Trong số này có họa sĩ kiêm chủ biên của tờ Charlie Hebdo là Charb, người vừa bị hạ sát.
Những hình ảnh ban đầu về vụ thảm sát cho thấy các hung thủ được huấn luyện về quân sự và biết sử dụng võ khí cá nhân. Ðây không là điều lạ vì các tay khủng bố xưng danh Thánh chiến đều đã được kết nạp và gửi đi học tập về quân sự tại nhiều nơi, như Iraq, Syria hay Yemen.
Việc họ ra tay ở Paris cũng chẳng là điều lạ vì nước Pháp và nhiều xứ Âu Châu khác từng bị khủng bố tấn công, với nhịp độ ngày càng nhiều kể từ năm 2010. Việc quân khủng bố hành động theo từng nhóm, cứ không là một cá nhân đơn lẻ, cũng không là sự lạ tại Âu Châu.
Có lẽ vì vậy mà theo tin giờ chót từ một giới chức về an ninh của Hoa Kỳ, nhà chức trách ở Paris đã sớm bắt được hai nghi can, còn tên thứ ba bị thiệt mạng.
Thật ra, những điều ấy có khác với Hoa Kỳ.
Sài lang cô đơn tại Hoa Kỳ
Ngoài sự kiện nước Mỹ bị khủng bố tấn công ác liệt nhất vào năm 2001, người ta thấy Hoa Kỳ bảo vệ an ninh chặt chẽ hơn. Nhưng vẫn bị nạn khủng bố.
Sự khác biệt là tại Hoa Kỳ, đấy là hành vi cá nhân, của nhiều người đôi khi mắc bệnh tâm thần và ra tay bất ngờ chứ không hẳn là đã được huấn luyện và hoạt động theo từng tổ. Người ta gọi đó là hành động của con sói cô đơn.
Một nguyên nhân chính là trong xã hội Mỹ, cộng đồng Hồi Giáo tương đối hội nhập hơn chứ không sống cô lập trong những vùng riêng biệt, những “ghetto.” Trong cộng đồng ấy, những gì có vẻ bất thường hay cực đoan đều được người khác chú ý - và thông báo cho cảnh sát. Nhờ vậy mà nhà chức trách dễ có thông tin về an ninh và trật tự.
Tại Âu Châu, cộng đồng Hồi Giáo thường là di dân từ các nước thuộc địa cũ tại Bắc Phi, Trung Ðông hay Phi Châu, họ sống lạc loài và khá biệt lập trong các “ghetto” riêng. Ðấy là nơi mà quân khủng bố có thể xâm nhập và tuyển người bất mãn để đưa đi huấn luyện làm đặc công.
Nhưng khi so sánh hai xã hội Âu-Mỹ thì ta nên chú ý đến chủ trương của tờ “Inspire.”
Ðấy là tờ báo “toàn cầu” vì được phổ biến trên không gian điện tử nên ai cũng có thể xem được.
Ða số chúng ta coi thường lập luận ngông cuồng và đôi khi lố bịch của tờ báo, nhưng những kẻ đơn côi, bất mãn hay bất đắc chí hoặc điên khùng tại nhiều nơi, từ Hoa Kỳ đến Âu Châu hay Úc, đều có thể tìm cảm hứng từ tờ Inspire này. Cả cảm hứng về tín ngưỡng cho đến kỹ thuật chế tạo võ khí hay chất nổ đều được tờ báo cung cấp miễn phí.
Qua tờ Inspire, tổ chức AQAP gieo mầm độc trên không gian ảo với hy vọng nẩy mầm ác trong những tâm hồn yếu đuối, cho nên dù Hoa Kỳ có kiểm soát an ninh chặt chẽ cũng không tránh được những tay khật khùng ra đòn khủng bố. Tại Âu Châu thì quân khủng bố được đoàn ngũ hóa.
Chúng ta sẽ có thể thấy nhiều nhóm khủng bố cùng nhận công trạng của vụ tàn sát nhưng cái công đầu của hành động sát nhân này vẫn thuộc về những kẻ gieo rắc cảm hứng giết người nhân danh một đấng thần linh nào đó.
Kết luận ở đây là gì?
Khi giết người vì tư tưởng của mình bị chế diễu thì nên xét lại giá trị của tư tưởng đó. Chúng ta nên hoài nghi những tư tưởng cao đẹp mà biện minh cho hành động sát nhân.
Post a Comment