Việt Nam phá giá tiền đồng, kinh tế chưa chắc khởi sắc
Khả năng kềm giữ tỷ giá đồng/Mỹ kim của Ngân Hàng Quốc Gia tại Việt Nam càng ngày càng thấp. (Hình: TBKTSG)HÀ NỘI (NV) - Tại Việt Nam, một Mỹ kim có thể sẽ đổi được 21,673 đồng. Ðó là kết quả của việc Ngân Hàng Quốc Gia hạ giá tiền đồng xuống 1%, nhằm kềm chế lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng.
Ngân Hàng Quốc Gia giải thích, do giá trị của Mỹ kim đang tăng, việc phá giá tiền đồng của Việt Nam sẽ giúp giá bán hàng hóa xuất cảng giảm xuống, giúp chúng có thể cạnh tranh tốt hơn và điều đó “phù hợp với kế hoạch phát triển của năm 2015.”
Năm nay, Việt Nam muốn đạt mức tăng trưởng GDP là 6.2% và giữ lạm phát ở mức 5%. Năm ngoái, mức tăng trưởng GDP của Việt Nam là 5.98% - cao nhất trong vòng ba năm từ 2011 và lạm phát được giữ ở mức 4.09%.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, Ngân Hàng Quốc Gia không chủ động phá giá tiền đồng nhằm “thực thi chính sách tiền tệ linh hoạt, hỗ trợ xuất cảng” mà là buộc phải phá giá tiền đồng vì không chịu nổi áp lực của thị trường tài chính quốc tế khi giá trị của nhiều đơn vị tiền tệ đang giảm nhanh.
Vì những yếu tố tác động đến tỷ giá Mỹ kim/đồng đang thay đổi rất nhanh theo hướng bất lợi, chẳng hạn như giá dầu. Do giá dầu thô đã rớt xuống mức dưới 50 Mỹ kim/thùng, Việt Nam đang dự tính cắt giảm 30% sản lượng dầu vì khai thác sẽ bị lỗ. Nếu giá dầu tiếp tục như hiện nay, nguồn thu ngoại tệ của Việt Nam từ xuất cảng dầu thô sẽ giảm rất nhiều.
Chưa kể giá bán các loại nông sản xuất cảng như cao su - vốn giúp Việt Nam thu về 1.8 tỉ Mỹ kim hồi năm ngoái - nay đang ngang với giá thành, các công ty xuất cảng cao su đứng trước nguy cơ hoạt động không lãi...
Trong bối cảnh tiền đồng không có cơ hội tăng giá, Ngân Hàng Quốc Gia của Việt Nam công bố quyết định phá giá tiền đồng 1% chỉ nhằm chứng tỏ sự “chủ động trong điều hành chính sách tiền tệ,” trước khi thực tế buộc họ buông bỏ việc kềm giữ tỷ giá Mỹ kim/đồng.
Năm ngoái, Việt Nam nhận được 20 tỉ Mỹ kim từ đầu tư của ngoại quốc, thu được hơn 10 tỉ Mỹ kim từ kiều hối, xuất siêu 2 tỉ Mỹ kim nhưng năm nay, với nhiều tác động bất lợi, các chuyên gia kinh tế dự đoán, cán cân thương mại sẽ thâm hụt nghiêm trọng. Bộ Công Thương Việt Nam dự báo, năm nay, nhập siêu sẽ lên tới 6 tỉ Mỹ kim.
Ngân Hàng Quốc Gia của Việt Nam tuyên bố, trong năm 2015, tỷ giá đồng/Mỹ kim sẽ được điều chỉnh trong phạm vi 2%song người ta tin việc giữ cho tỷ giá này ổn định sẽ không dễ dàng vì quỹ dự trữ ngoại hối - nền tảng của việc giữ cho tỷ giá đồng/Mỹ kim ổn định thiếu nguồn để bồi đắp.
Chưa rõ việc hạ giá tiền đồng xuống 1% sẽ kiềm chế lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng như thế nào nhưng trước mắt, sau quyết định này, tài sản của các quỹ đầu tư nước ngoài đã mất 1% tổng giá trị tài sản. Giới đầu tư cổ phiếu trung hạn và dài hạn khựng lại vì thanh khoản thấp.
(G.Ð)/Người Việt
Post a Comment