Giá dầu thô còn sụt đến đâu?
Hùng Tâm/Người Việt
Tìm hiểu về những động lực làm giá
Sau khi lên tới đỉnh 18 ngàn điểm vào cuối năm 2014, từ đầu năm mới, chỉ số Dow Jones DJIA của 30 doanh nghiệp hàng đầu tại Hoa Kỳ đã liên tục rớt giá. Chỉ số Standard & Poor's 500 của 500 doanh nghiệp lớn nhỏ của Hoa Kỳ, một con số tiêu biểu hơn về doanh trường Mỹ, cũng vậy. Có nhiều yếu tố giải thích sự sa sút đột ngột này - có người nói đến chữ “hốt hoảng” để trấn an - nhưng có lẽ quan trọng nhất là kỳ vọng về khả năng sinh lời của doanh nghiệp trong viễn ảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Viễn ảnh đó không mấy sáng sủa.
Nhưng đằng sau dự báo về tăng trưởng kinh tế, người ta còn thấy một yếu tố chi phối khác, là giá dầu thô.
Khi giá dầu loại West Texas Intermediate (WTI) được giao dịch trên thị trường New York (NYMEX) từ gần 120 đồng vào Tháng Sáu lại sụt dưới mức 50 đô la một thùng vào mấy ngày qua là thiên hạ lo sợ.
Người ta nói đến hiện tượng “tụt đáy” - khi giá sụt dưới cái mức được coi như “cái sàn” thấp nhất, thì có khi còn giảm nữa.
Giảm tới đâu? Hồ sơ Người Việt tìm hiểu về chuyện đó.
Dầu thô là thương phẩm chiến lược
Trong sinh hoạt kinh tế quốc tế, có loại hàng thô được mua bán như nguyên nhiên vật liệu để trở thành sản phẩm hoàn tất sau tiến trình chế biến. Thế giới dùng chữ “commodities” để chỉ loại hàng này.
Chúng gồm có nguyên liệu cho sản xuất; vật liệu cho xây cất như xi măng, sắt; nhiên liệu (vật liệu cháy được để cho năng lượng như dầu thô, khí lỏng), nông phẩm (từ ngô bắp gạo tới đậu nành, dầu ăn, hay nước cam v.v...); nhiều kim loại cần cho kỹ nghệ và quý kim như vàng, bạc. Từ trước 1975, giới kinh tế của ta đã có chữ “thương phẩm” để phiên dịch từ “commodities.”
Sau này trong nước chập chững bước vào kinh tế thị trường thì dùng chữ thông dụng - mà sai - của kinh tế chính trị học Mác-xít là “hàng hóa.” Trên thị trường bán xe hơi thì cái xe hay bình điện cũng là hàng hóa, mà không là “commodities,” thiếu đặc tính riêng qua giao dịch mua bán như dưới dạng “để xá” (cồng kềnh), được trao đổi bằng các hợp đồng tiêu chuẩn hóa về phẩm và lượng. Chuyện này, sẽ có ngày nói sau.
Trong các thương phẩm, dầu thô là mặt hàng chiến lược, thiếu là không được cho tiến trình sản xuất, nên trở thành vũ khí ngoại giao và chính trị. Vì là một vũ khí, giá dầu lên hay xuống do quy luật cung và cầu và tính toán lời lỗ về kinh doanh còn được nhồi thêm tính toán chính trị.
Thí dụ như sau cuộc chiến giữa quốc gia Israel của dân Do Thái với các nước Hồi Giáo của dân Á Rập, một đại gia về dầu khí là Saudi Arabia phong toả việc bán dầu để gây sức ép với Hoa Kỳ và các nước Tây phương. Vì vậy, bất kể đến yếu tố lời lỗ về sản xuất vốn không thay đổi, giá dầu tăng hơn gấp đôi khiến các nước Tây phương bị suy trầm kinh tế (recession).
Kinh tế Việt Nam là nạn nhân gián tiếp của vụ đó mà báo chí chẳng biết nên duyên dáng chọc ghẹo giới chức kinh tế đương thời là “Đường Xăng Đại Huynh” theo tên một cuốn phim của Lý Tiểu Long!
Bây giờ đã mở mắt ra thì ta nên tự hỏi là giá dầu sẽ lên hay xuống, và lên xuống tới khoảng nào?
Thăng trầm của giá dầu
Khi cần dự đoán về chuyện thăng trầm, lên xuống, ta nên trở lại quá khứ, may ra hiểu được sân chơi.
Trong 45 năm qua, từ 1970 đến 2015, giá dầu loại WTI trên thị trường NYMEX tại Bắc Mỹ (trong đó có đại gia Hoa Kỳ) đã xê xích từ 15 tới 120 đô la một thùng, tính theo hiện giá của đô la Mỹ tức là sau khi giảm trừ hiệu ứng của lạm phát.
Để tiện việc đo đếm và dự báo, bài này dùng giá NYMEX của loại dầu “ngọt” và “nhẹ” theo tiêu chuẩn Mỹ, được mua bán tại Hoa Kỳ, dù biết là giá dầu trên các thị trường khác có thể sai biệt chút đỉnh.
Khi tìm về lịch sử và nhớ lại tình hình giá dầu trong quá khứ nhằm ước đoán tương lai, ta có thể thấy ra nhiều giai đoạn thăng trầm.
Lần đầu là trong 10 năm, từ 1974 đến 1985, giá dầu đã xê xích trong biên độ 50-120 đô la. Kế tiếp, từ 1986 đến 2004, trong 19 năm, giá dầu lên xuống giữa khoảng 20-50.
Lần đó có hai ngoại lệ ngắn ngủi mà giá dầu vượt trần 50 hay tuột sàn 20 đô là khi Iraq tấn công Kuwait năm 1990 và khi liên bang Nga phá giá đồng bạc vào năm 1998 do hiệu ứng của vụ khủng hoảng kinh tế từ Đông Á năm 1997. Sau đấy, từ 2005 đến Tháng Sáu năm ngoái, giá dầu trở lại biên độ thời 1974-1985, là xê dịch giữa 50 và 120 đồng.
Tóm tắt lại, giá dầu có hai biên độ giao dịch đáng chú ý là 20-50 và 50-120. “Điểm lật” là 50 đô la một thùng. Từ mấy ngày nay, dầu thô vừa ra khỏi điểm lật và sụt dưới “đáy” 50. Sau này sẽ bật lên hay là còn tuột nữa? Câu hỏi ly kỳ!
Ta có thể tìm ra giải đáp từ chuyện “làm giá.”
Quy luật “làm giá”
Sau biến cố 1972 và đòn phong toả năng lượng của Saudi Arabia cùng các nước Á Rập như Kuwait, Liên Hiệp Các Tiểu Vương Quốc Á Rập (UAE), các nước bán dầu thấy ra thế lợi hại của vũ khí dầu thô nên thành lập OPEC, Tổ Chức Các Quốc Gia Xuất Cảng Dầu.
Đấy là liên minh làm giá, một cartel, với mục tiêu điều phối sản lượng ít hay nhiều để giữ giá cho cao hay thấp. Sản lượng, từ đó có số xuất cảng, trực tiếp ảnh hưởng đến mức cung về năng lượng theo quy luật dễ hiểu là cung nhiều thì giá hạ và ngược lại giảm cung là nâng giá.
Thí dụ như khi năm xứ Đông Á bị khủng hoảng hối đoái năm 1997 làm kinh tế thế giới suy trầm năm 1998 (và Nga bị khủng hoảng rồi vỡ nợ), số cầu trên thế giới đã giảm làm giá dầu sụt mạnh.
Khi ấy, trưởng tràng OPEC vì có sản lượng cao nhất và khả năng “tắt mở” vòi dầu công hiệu nhất là Saudi Arabia đã tính như sau: Không nên giết con gà đẻ trứng vàng với giá quá cao mà nên nới giá cho Đông Á và thế giới ra khỏi suy trầm. OPEC bèn điều tiết sản lượng để giữ giá trong biên độ 22-28 đồng một thùng. Thấp quá thì ít lời mà cao quá thì mất khách.
Tổ chức OPEC làm được chuyện đó vì giữ thế độc quyền (monopoly), hay ít nhất là cái thế “quả đầu” (oligopoly) là khi một nhóm nhỏ giữ thế mạnh trên thị trường (”quả” là ít). Nhưng OPEC không là nhà sản xuất duy nhất mà nhiều nước mua dầu của họ cũng có khả năng sản xuất, là trường hợp Hoa Kỳ.
Doanh nghiệp và nói chung dân Mỹ khó chấp nhận trò làm giá theo thế độc quyền và chủ trương mở rộng cạnh tranh. Chính tư tưởng cạnh tranh trong xã hội và động lực kinh doanh trên thị trường mới khiến kỹ nghệ dầu khí Hoa Kỳ tìm dầu ở nơi diệu vợi khó khăn như Alaska hay đáy sâu của Vịnh Mễ Tây Cơ.
Khi dầu thô lên quá trăm đồng, doanh nghiệp Mỹ bèn khai triển kỹ thuật mới là “fracking,” đào sâu rồi đào ngang trong các tầng đá phiến để chắt dầu và khí đốt. Kỹ thuật này vốn có từ lâu, được các doanh nghiệp loại nhỏ và vừa liều lĩnh áp dụng rồi tiếp tục cải tiến khi dầu thô lên giá.
Một chút chuyên môn: Quy luật tính toán trên thị trường tự do là “giá biên tế,” marginal price: nếu đào thêm một thùng dầu nữa mà phí tổn vẫn thấp hơn giá bán trên thị trường thì ta còn đào. Nếu giá bán mà bằng hay thấp hơn giá biên tế thì ta ngừng. Khả năng sáng tạo và cải tiến của Mỹ, ùng một số quốc gia khác, trong kỹ thuật gạn đá ra dầu còn làm giảm cái giá biên tế ấy.
Nên tạo ra trận thế mới giữa phe “độc quyền” và phe “cạnh tranh,” nói gọn là giữa Saudi Arabia và các doanh nghiệp dầu khí của Hoa Kỳ. Đó là trận chiến ngày nay.
Thế sự đảo điên
Cho đến Tháng Sáu (chính xác là mùng 10!) thị trường dầu thô vẫn bị phe độc quyền hay khối OPEC và Saudi Arabia chi phối mạnh. Nhưng sự thành công của phe cạnh tranh là doanh nghiệp Mỹ đã lặng lẽ đảo lộn cuộc chơi.
Nhờ kỹ thuật fracking, sản lượng dầu tại Mỹ gần lên tới mức 10 triệu thùng một ngày. Số cung mới làm giảm số dầu Mỹ vẫn nhập cảng nên nâng số cung trên toàn cầu. Mà kinh tế toàn cầu đang bị nguy cơ suy trầm (đà tăng trưởng thấp hơn) của Âu Tàu Nhật. Khi kinh tế suy trầm thì thiên hạ cần ít dầu hơn, làm số cầu cũng giảm.
Ai cũng biết cung tăng mà cầu giảm thì giá dầu phải hạ. Giới đầu tư trên thị trường thương phẩm có hạn kỳ (commodity futures) còn tính thêm là giá sẽ hạ nữa cho nên giao dịch hay giao hẹn với giá thấp hơn và càng đẩy giá xuống thấp hơn.
Biến chuyển ấy tạo ra đà gia tốc, và gây ngạc nhiên khi giá sụt tới mức 70 rồi sụt nữa, sụt nữa. Người ta sở dĩ ngạc nhiên vì không thấy ra sự thể đảo điên trong giới sản xuất: Thủ lãnh phe “độc quyền” là Saudi Arabia nhảy rào qua bên kia, lý luận theo phe cạnh tranh.
Hoàng gia Saudi biết ngoài chợ có thêm kẻ bán mà ta lại cố bán ít hơn để giữ giá cho cao thì sẽ mất khách - và bị lỗ. Chi bằng nương theo quy luật thị trường khiến giá sụt thêm cho kẻ bán dầu kia hết lời mà rời chợ.
Là đại gia có vốn dằn lưng hơn 700 tỷ đô la dự trữ, được trời cho loại dầu ngọt và nhẹ hơn hẳn Nga, một đại gia khác trên thị trường mà không thuộc khối OPEC, Saudi Arabia có thể chịu được giá thấp hơn. Khi vẫn tồn tại sau trận thư hùng này để loại bỏ địch thủ thì ta lại tăng.
Đấy là ý nghĩa của quyết định trong kỳ họp Tháng Mười Một của OPEC tại Vienna là không giảm sản lượng mà còn giao hẹn giá thấp hơn với khách hàng Á Châu và Hoa Kỳ. Nhưng thấp đến cỡ nào thì vừa, và cao đến mức nào thì quá?
Quy luật kinh doanh chỉ ra là phí tổn biên tế của các doanh nghiệp dầu khí Hoa Kỳ có thể là giá bán cao nhất. Nếu cao hơn thì mất khách. Hiện nay, giá đó khoảng 50 đồng và còn có thể hạ. Ở dưới, phí tổn biên tế tệ nhất của các giếng dầu lạc hậu nhất của OPEC và Nga sẽ là giá sàn. Thấp hơn nữa là mất vốn! Giá đó được ước tính là 20 đồng. Của Saudi Arabia còn thấp hơn nên chịu đựng được lâu hơn cho đối thủ chính trị là Iran thêm chết ngộp.
Kết luận ở đây là gì?
Với cơ cấu sản xuất của hiện tại và kinh nghiệm giá cả của quá khứ, ta đang trở về thời 1986-2004. Là khi giá dầu xê xích trong biên độ 20-50! Chào mừng năm mới với chuyện nới giá dầu.
Post a Comment