Sunday, December 22, 2013

Bản nhạc "cầu hồn", Mozart viết cho ai?

Bản nhạc "cầu hồn", Mozart viết cho ai?

 Nhung gio phut cuoi cua Mozart

 Theo Thời Trang Trẻ

www.chuyencamcuoi.blogspot.com -Có biết bao câu chuyện thêu dệt chung quanh cái chết của Mozart - nhà soạn nhạc vĩ đại ra đi lúc tuổi đời mới 35, không một nấm mộ để lại.

Ta hãy sống lại những giờ phút cuối cùng của thiên tài âm nhạc thế giới Mozart nhân dịp kỷ niệm 250 năm ngày sinh của ông (1756- 2006) qua bản dịch của tác giả Phan Thanh Quang từ Nouvel Observateur số 12/2005.

Mùa thu năm đó, thời tiết ở Vienne trở chứng bất thường. Từ đêm 27 cho đến 28/10/1791 trời mưa như trút nước xuống thành phố. Rồi sau đó là tuyết rơi, bão tuyết mù mịt bao trùm Vienne ngày 1/11. Cuối tháng, thời tiết dịu lại nhưng lại xuất hiện một trận gió nóng mạnh, thỉnh thoảng có sương mù lạnh. Mozart cảm thấy buồn thấm thía.

Trong một ngày đẹp trời hiếm thấy, từ 20 đến 21/10, Mozart đã tâm sự với vợ là Constance rằng ông đã nghĩ đến cái chết. 

Mắt đẫm lệ ông nói: "Không, không, anh thấy rất rõ điều đó, anh không còn sống bao lâu nữa, chắc chắn rằng họ đã đầu độc anh. Anh không thể thoát khỏi ý nghĩ đó được".

Lòng đầy lo lắng, Constance mời thầy thuốc đến. Ông tha thiết yêu cầu Mozart hãy ngừng ngay việc hoàn thành bản Requiem- một bản nhạc cầu hồn do một người vô danh đặt cho ông làm gấp- vì công việc này đã làm cho ông kiệt quệ cả về thể xác và tinh thần, khiến ông suốt ngày bị ám ảnh bởi ý nghĩ bi quan tột cùng về cuộc sống.

Sau đó tình trạng của ông được cải thiện, ông lại lao vào sáng tác bản cantate do một Hội sở ở Vienne đặt cho lễ khánh thành những trụ sở mới của họ. Mozart có vài ngày tỏ ra vui vẻ thoải mái trở lại, ai cũng mừng. 

Nhưng sau đó ông quay về với nỗi buồn cố hữu, "trở nên xanh xao và yếu đến nỗi phải nằm liệt giường" (theo Nissen, một người viết tiểu sử Mozart).

Sự thật thì tình trạng của Mozart rất đáng lo ngại, toàn những "bệnh hiểm" của thời bấy giờ: Nhiễm khuẩn cầu chuối (1762), sốt rét có kèm theo mê sảng (1765), sốt và thấp khớp (1767), nhiễm trùng hô hấp (1771, 1780); thêm cào đó là ép xe rằng và nhiều loại nhiễm trùng khác. 

Người ta biết điều đó qua bức thư mà Mozart gửi cho cha vào tháng tư năm 1787 khi ông đang nằm trên giường bệnh và gần như sức tàn lực cạn.

"Con không bao giờ đi ngủ mà lại không nghĩ rằng có thể con không còn thấy ngày mai nữa (con còn trẻ quá!)". Và ông lại viết: 

"Vì cái chết (đã nhìn thấy rất rõ) là cái đích thực dự của cuộc đời chúng ta, từ vài năm con đã quen với người bạn tuyệt vời ấy của con người, người bạn mà hình ảnh không những không làm con sợ, mà trái lại con thấy hiền lành, cởi mở...".

Vào cuối tháng 11/1791, Mozart nằm liệt giường. Cả nhà hết lòng chăm sóc ông. Constance và em là Sophie may cho ông một cái áo ngủ có lót bông "để cho ông thật ấm khi ngủ dậy" và cũng may cho ông một áo ngắn mặc ban đêm, có thể xỏ tay từ phía trước. 

Bệnh ông nặng thêm từng ngày tuy ông vẫn tỉnh, chỉ có chân và tay bị sưng cả lên. Ngày 4/12, thời tiết dịu. Vào chập tối, bệnh ông trở nặng.

Người ta đi mời thầy thuốc lâu nay vẫn chữa bệnh cho ông nhưng ông ta lại đi xem một vở opéra, chỉ có thể trở về sau buổi diễn. Sophie như có một linh cảm báo trước, vội vã chạy đến chỗ chị và anh rể. Khi thấy người phụ nữ trẻ này ông nói: 

"À, Sophie thân mến, em đến như vậy là rất tốt. Đêm nay em phải ở đây với anh, để chứng kiến cái chết của anh...".

Cuối cùng thì thầy thuốc cũng đến, ông nói Sophie xoa dấm và nước vào thái dương của người hấp hối. Mozart run lên. "Cử chỉ cuối cùng của anh- Sophie viết lại- muốn mô phỏng bằng miệng những cú cymbale (chũm chọe) của bản Requiem (nhạc cầu hồn), tôi như còn nghe...".

Constance quỳ bên cạnh giường. Lúc đó là 0 giờ 55 phút ngày 5/12/1791, Mozart trút hơi thở cuối cùng. Như vậy là trái với điều ông sợ, ông đã sống được thêm một ngày. Cái chết của ông đã tạo ra không biết bao nhiêu truyền thuyết, mà đa số là sai lạc. Nhiều người cho rằng ông bị đối thủ là Salieri đầu độc. 

Năm 1832 một người học trò của Beethoven đến thăm ông già Salieri, ông lấy danh dự mà thề rằng không bao giờ ông làm cái điều phi đạo đức như vậy, vả lại cũng không có cơ sở nào để tin điều đó.

Nhiều người nói rằng Mozart đã được chôn cất một cách nghèo khổ trong một ngày rất lạnh, đến nỗi phải đập vỡ đất đóng băng để đào huyệt. Có lẽ họ không biết rằng sau khi tiến hành lễ thánh tại nhà thờ Saint- Etienne, quan tài được di chuyển đến nghĩa địa Saint- Marx trong một ngày thời tiết dịu. 

Còn về sự đơn giản của lễ tang là do ý muốn của Constance. Khả năng tài chính của gia đình Mozart không lấy gì làm dư dả, Constance không muốn bày vẽ cho lễ tang thêm tốn kém, với hy vọng tranh thủ được một khoản trợ cấp của Vua Léopold đệ II.

Theo bác sĩ Davies viết trong "Thời báo âm nhạc" năm 1987, nguyên nhân thực sự của cái chết của Mozart có thể kể đến: nhiễm khuẩn cầu chuối, hội chứng Scholein- Henoch, suy thận, xuất huyết não, viêm phổi.

Có một điều khác thường là vợ của Mozart (về sau tái hôn) và cả những người thân trong gia đình, không ai làm mộ cho Mozart. Ngày nay không ai biết mộ Mozart ở đâu, trong khi hình ảnh của Mozart, những bản nhạc bất hủ của Mozart vẫn vang lên ở bất cứ nơi nào trên trái đất có tình yêu, cuộc sống và niềm hy vọng.
Theo Thời trang trẻ

Post a Comment

 
Copyright © 2013 Chuyện Cấm Cười (Pmanth) | Powered by Blogger