Tuesday, May 13, 2014

Chuyện kinh dị: Chiếc hòm gỗ bí ẩn

Chuyện kinh dị: Chiếc hòm gỗ bí ẩn

 


Chuyện Cấm Cười sưu tầm

Mấy năm trước, tôi đi tàu biển trong chuyến hành trình từ S.C. đến thành phố Nữu Ước. Con tàu chở thư đó có tên "Độc Lập", do ông Henry làm thuyền trưởng. Trong điều kiện thời tiết thuận lợi, tầu dự định nhổ neo vào ngày mười lăm tháng sáu. Tôi xuống tầu vào ngày 14, trước một ngày, để có thời gian sắp xếp phòng riêng đã mua vé.

Nhìn qua danh sách hành khách, tôi được biết tầu đã kín chỗ và có nhiều phụ nữ, trong đó có một số phu nhân gia đình quyền quý. Tôi nhận ra tên một số người quen biết và lấy làm vui khi thấy có tên vợ và người nhà của C. một họa sĩ trẻ, vốn là người bạn cũ khá thân thời sinh viên của tôi. 

Thời ấy, chúng tôi cùng học với nhau ở Trường đại học A. Anh là một sinh viên có tài năng, đa sầu, đa cảm, tuy nhiên tính khí  đồng bóng, có lúc như người yếm thế, muốn xa lánh mọi người, nhưng có lúc lại tỏ ra rất nhiệt tình với bất kỳ ai mà anh tiếp xúc. Với những tính cách đó, anh là một người có trái tim nồng hậu và chân thật hiếm có ở trên đời.

Anh đăng ký ghi tên bốn người trong gia đình anh, vợ anh, một người em gái và một đầy tớ gái. Các ngăn riêng trên tầu khá rộng rãi, mỗi ngăng có hai giường, giường dưới, giường trên. Các giường trong ngăn không được rộng rãi, mỗi giường chỉ đủ cho một người nằm chẳng thể chung đôi. Chính vì vậy mà khi thấy gia đình anh chỉ nhận có ba giường làm tôi cứ thắc mắc mãi.

Thú thật, tôi cũng đã sớm nhận ra sự thắc mắc của tôi là vô lý, thậm chí còn là điều đáng xấu hổ nữa là đằng khác, vì chẳng phải là chuyện của mình mà tự nhiên lại rỗi hơi dí mũi vào. Nhưng khổ nỗi là tôi đã chẳng làm sao mà bỏ qua nổi cái tính tò mò đáng ghét đó.

Ba cái giường chật hẹp cho 4 người? Và thế là tôi cứ ương ngạnh lẳng lặng tìm lời giải đáp cho cái câu đố khó giải đó. Cuối cùng tôi đi tới một kết luận, mà tôi cho là xác đáng, đồng thời tự trách mình là ngốc nghếch, đáng lẽ phải tìm ra ngay lời giải đó sớm hơn mới phải. Câu giải tôi tìm ra là bà chủ có đầy tớ gái đi kèm, nên cô đầy tớ gái có thể ngủ dưới sàn tàu sát cạnh giường phu nhân. 

Đáp án tìm ra chưa thỏa mãn được tính hiếu kỳ của tôi bao lâu, thì chợt lại tan biến vì chỉ vài hôm sau tôi phát hiện ra rằng, hai cô tiểu thư đi cùng đều là hai người em gái anh ta chứ không có đầy tớ gái nào cả. Tiếp theo, tôi lại tìm ra lời giải đáp khác có thể do cái hòm hành lý to khổ kia - cái hòm đóng bằng gỗ thông hình chữ nhật đầy bí ẩn đó, đựng gì bên trong thì tôi không rõ, nhưng chắc là đựng đồ quí giá - cần phải có chủ nhân nó đich thân nằm sát ngay bên cạnh để bảo quãn.

Tôi đoán rằng có thể là một bức tranh lớn do họa sĩ vẽ được tháo rời, cuộn lại rồi xếp ở bên trong. Và tất nhiên bức tranh có thể bán được với giá cao cho một lái buôn tầm cỡ như Tom Mineman, một con buôn sành sỏi người Do Thái định cư ở Itali chẳng hạn? Sự phỏng đoán này lại một lần nữa làm tắt đi cái tính tò mò, hiếu kỳ chẳng sao sửa chữa nổi của tôi.

C có hai người em gái rất đáng yêu và thông minh, tôi đã quen biết họ từ trước, nhưng còn người vợ mới cưới của anh thì tôi chưa từng gặp bao giờ. Đã vài lần anh kể với tôi về người vợ trăm năm của anh với một tình cảm tha thiết và sâu đậm. Anh ta thường khen cô ta xinh đẹp, giỏi giang, thành đạt trong học tập, làm cho tôi cảm thấy hồi hộp và lo lắng chờ dịp được làm quen với cô ta.

Vào ngày 14 - như tôi đã kể lúc đầu, tôi lên tàu thì cũng là ngày C và những ngưòi cùng đi đến thăm tầu - điều này thuyền trưởng nói cho tôi biết - và do đó tôi đợi thêm một tiếng nữa so với dự định, với hy vọng là sẽ được gặp vợ người bạn. Nhưng đáng tiếc là sau đó thuyền trưởng đưa cho tôi xem mảnh giấy với những lời tạ lỗi của hoạ sĩ gửi tới: "Phu nhân C không được khỏe nên có lời tạ lỗi và sẽ lên tầu trước giờ nhổ neo ngày mai".

Hôm sau, tôi rời khách sạn đến bến cảng và gặp thuyền trưởng Henry. Ông nói với tôi là ngày nhổ neo còn phải "tùy thuộc thời tiết". (tôi có cảm giác là câu nói của thuyền trưởng chỉ là đưa ra một cái cớ giả tạo để trì hoãn ngày nhổ neo).

Tôi nghĩ: "Thà ông cứ nói thẳng là còn kẹt điều gì đó chưa chuẩn bị xong nên hoãn ngày khởi hành lại một hoặc hai ngày nữa khi nào sẵn sàng sẽ báo cho biết", thì tôi còn thấy dễ chịu hơn là nghe ông nói đến "thời tiết xấu", trong khi mà gió Nam vẫn đang thổi nhẹ nhàng và không có dấu hiệu gì là biển động cả. Tôi chưng hửng trước tin này và cảm thấy xót ruột, nhưng chẳng thể làm gì khác là quay lại khách sạn và chờ đợi.

Gần hết một tuần lễ nữa qua đi, tôi vẫn chẳng nhận được tin báo của thuyền trưởng. Nhưng rồi sau đó tin báo về ngày nhổ neo cũng tới. Tôi lập tức đến ngay bến cảng.

Hành khách chen chúc lên tầu và dường như mọi người, mọi việc lúc này đều tập trung vội vã cho con tầu rời bến.

Gia đình họa sĩ C đến bến sau tôi khoảng 10 phút, gồm hai người em gái, họa sĩ cùng vợ. Vốn quen nhau đã lâu, tôi biết rõ tính cách của anh khi giao tiếp, thường có thái độ lạnh nhạt với mọi người, nên tôi chủ động tìm cách gần gũi. Anh đã giới thiệu tôi với vợ anh; mọi việc giao tiếp dường như ủy quyền cho em gái là tiểu thư Marian, một cô gái thông minh và dịu dàng. Chỉ qua vài lời trao đổi tôi đã làm quen với cô gái.

Phu nhân C che mạng kín mặt, và khi nhận ra cử chỉ cúi chào lịch sự của tôi, cô liền vén mạng che mặt lên để đáp lễ. Thoáng nhìn dung nhan của cô ta, tôi rất đỗi ngạc nhiên. Cô ta  nhan sắc tầm thường, chẳng hề có những nét xinh đẹp và quý phái như trước đây họa sĩ C thường mô tả với bạn bè, bằng những lời lẽ và thái độ đầy nhiệt tình và say đắm. Phải chăng vì đã quá đam mê cô gái này, mà bạn tôi đã trở nên dễ tính và có sự châm chước khi nhận xét về nhan sắc cô ta? 
Xem tiếp (kỳ 2) tại đây 




Post a Comment

 
Copyright © 2013 Chuyện Cấm Cười (Pmanth) | Powered by Blogger