Thursday, April 24, 2014

Truy tìm bằng chứng của những vụ giết người

Truy tìm bằng chứng của những vụ giết người

 


Chuyện Cấm Cười - Theo Tuần Báo Mới


Cô gái 19 tuổi Lori Ann Auker cãi vã với Robert, người chồng đã ly dị về việc chăm sóc đứa con. Một ngày sau, cô gái đi làm ở một trung tâm thương mại tại Pennsylvania rồi mất tích.

Gần 3 tuần sau người ta tìm thấy xác của cô ở dưới chân một con đê. Cô đã bị đâm nhiều nhát đến chết. Ngay lập tức cảnh sát nghi ngờ Robert Auker. Anh này trước đó đã rút lại hợp đồng bảo hiểm nhân mạng của vợ mình chỉ trước ngày cô bị giết có mấy tuần và tìm cách sửa lùi ngày về trước. Nhưng anh khai với cảnh sát rằng anh đang ở nơi khác khi cô bị bắt cóc. Trong hơn một năm, họ không thể khép anh ta vào tội giết người được.

Cuối cùng họ phải nhờ đến một nhân chứng không biết nói, đó là chiếc máy quay video trong một máy rút tiền tự động ở trung tâm thương mại này. Bãi đậu xe có thể thấy được ở phần nền của hình ảnh trên băng video. Nhưng băng video này được dùng đi dùng lại nhiều lần đến nỗi nó gần như trong suốt - phần lớn oxide đã mất. Tuy nhiên, một nhân viên điều tra đã mang cuốn băng đến Cục điều tra liên bang (FBI) ở Washington D.C.

Một khung hình trên cuốn băng cho thấy hình ảnh lờ mờ của một người, có thể là phụ nữ, từ đằng xa đang đi về phía chiếc máy video. Mười giây sau, khung hình thứ hai cho thấy có một chiếc xe chạy đến đằng sau cô ta với cánh cửa để mở.

Trong khung hình tiếp sau đó, lẽ ra người phụ nữ đó phải đến gần chiếc máy quay video hơn, nhưng cả cô lẫn chiếc xe đều biến mất. Có thể giải thích như thế này: cô đã vào trong chiếc xe đó.

Tuy chiếc xe chỉ xuất hiện trong một khung hình, qua cấu tạo của đèn sau xe, người ta xác định đó là chiếc Chevrolet Celebrity được sản xuất từ 1982 - 1985. Cha của Robert có chiếc Chevrolet Celebrity 1984, và ông ta công nhận rằng con trai ông ta đã xử dụng chiếc xe này vào hôm Lori Auker mất tích.

Chiếc xe được bán đi ba ngày sau vụ giết người.

Cảnh sát đã xác định được chiếc xe, nhưng liệu đó có phải là chiếc xe trong cuốn băng video? Phòng thí nghiệm của FBI bèn nhờ đến các chuyên gia phục hồi băng video. Dùng kỷ thuật điện toán, họ làm cho cuốn băng bớt mờ và tăng độ tương phản, khiến cho hình người và xe nổi bật trên nền khung hình.

Sau khi cuốn băng được xử dụng, chiếc xe trông rất giống xe của Auker, cuốn băng video được phục hồi trở thành một bằng chứng quan trọng. Tòa đã khép anh ta vào tội bắt cóc và giết vợ và kết án tủ hình.

Trong lĩnh vực mà trước kia các nhân viên điều tra muốn có các bằng chứng "mắt thấy, tay sờ", trong vòng hai mươi năm qua kỹ thuật đã thay đổi hoàn toàn, thế giới điều tra về tội ác.

Theo như nhận xét của Dale Moreau, nhân viên đặc biệt của FBI, "ngày nay chúng tôi muốn có những bằng chứng mà chúng tôi không thể thấy được". Trong số hơn 300 phòng thí nghiệm điều tra tội ác ở Mỹ, phòng thí nghiệm của FBI được xem là nơi có những phương tiện thích hợp nhất để phân tích những bằng chứng như thế. Ở đó có hơn 600 kỹ thuật viên và nhân viên điều tra kết hợp những gì thu lượm được từ hiện trường với các kỹ thuật tinh xảo như video điện toán, laser và phân tích DNA để trả lời câu hỏi: ai là thủ phạm?

Ví dụ: phương pháp vi hình học trên máy điện toán giúp tạo nên lược đồ ghi số ba chiều của bề mặt một viên đạn.

Vào một ngày của năm 1992, các kỹ thuật viên ở đó trình bày cho các nhân viên cảnh sát Metro Washington xem hoạt động của máy hệ thống này. Các nhân viên FBI nạp vào máy lời mô tả đặc điểm của vỏ hộp đạn lấy từ súng của một tên sát nhân hồi tháng ba trước đó.

Điều kỳ lạ là máy điện toán đã cho biết hộp đạn này giống với hộp đạn lấy từ một khẩu súng theo lối giả định là nằm trong kho quản lý của cảnh sát.

Dường như máy điện toán đã chạy sai. Nhưng thực tế không phải như vậy. Khi cảnh sát Metro Washington kiểm soát lại kho súng, họ mỡ vỡ lẽ khẩu súng đã mất tích.

Chẳng bao lâu sau, một cuộc điều tra nội bộ cho biết một số nhân viên trong sở đã ăn cắp các vũ khí bị tịch thu rồi bán cho bọn tội phạm trên đường phố.

Trong thời điểm có quá nhiều băng đảng tội phạm, dấu tay trở thành chứng cớ quan trọng nhất của FBI trong việc tìm chứng cứ của tội phạm.

Hiện nay, phòng thí nghiệm của FBI có hơn 200 triệu thẻ mang dấu tay của hơn 70 triệu người. Dấu tay có thể được tìm thấy ở mọi nơi. Một băng cướp ngân hàng vứt đi những đôi găng tay cao su mà chúng đã dùng để tránh để lại dấu tay, và cảnh sát lại tìm thấy dấu tay của chúng ở ... bên trong đôi găng tay.

Một kẻ sát nhân bị bắt sau khi dấu tay của y bị phát hiện trên một tấm bản đồ được tìm thấy cùng với nạn nhân trong một chiếc xe đã bị đẩy xuống sông Ohio.

Kỹ thuật mới này tỏ ra rất hiệu quả trong vụ Valencia Trifa, nguyên Tổng giám mục của giáo hội chính thống ở Mỹ. Từ năm 1975, Bộ Tư Pháp Mỹ đã tìm cách trục xuất hắn. Họ buộc tội hắn đã tham gia tổ chức Vệ Binh Sắt ở Romania có tính chất bài Do Thái dữ dội và rất thân với Đức Quốc xã. Trifa đã bác bỏ những lời buộc tội này. Sau đó vào năm 1982, khi chính phủ Tây Đức đưa ra một tấm bưu thiếp do Trifa viết năm 1941 thề trung thành với lãnh tụ quốc xã Heinrich Himmler, Trifa đã chối là mình không viết bưu thiếp đó. Nhưng các nhân viên điều tra ở phòng thí nghiệm của FBI đã đặt tấm bưu thiếp dưới tia laser cực mạnh, và thế là người ta thấy hiện ra một dấu ngón tay cái cách đây 40 năm.

Dấu tay này giống với dấu tay của Trifa vào năm 1957 khi hắn nhập quốc tịch Mỹ. Thế là hắn bị trục xuất.

Chưa có ai thoát khỏi lưới luật pháp bằng cách giải phẩu để thay đổi dấu tay, nhưng bọn tội phạm vẫn tiếp tục thử nghiệm điều này.

Năm 1990, cảnh sát Miami bắt một kẻ tình nghi buôn ma túy; hắn đã cắt những miếng da trên các ngón tay của hắn rồi ghép vào những ngón khác. Theo hắn nghĩ, như vậy cảnh sát không thể ghép hắn vào những tội trước đây.

Một chuyên viên FBI đã cắt ảnh chụp những dấu tay này và thử ghép những mảnh vụn đó lại với nhau như người ta chơi trò xếp hình. Làm việc cả vào ban đêm và ngày nghỉ cuối tuần, anh ta đã phục hồi được nhiều mẫu dấu tay nguyên thủy. Họ so sánh và thấy chúng giống với dấu tay của một kẻ đào tẩu đang bị truy nã trong một vụ án ma túy quan trọng.

DNA, sơ đồ di truyền của con người, rất có giá trị đối với các chuyên viên điều tra vì nó có thể liên hệ một chất dịch của cơ thể với một người nào đó. Nó chính là một yếu tố sinh hóa tương đương với dấu tay. Trong một vụ án ở Maryland, một phụ nữ bị một kẻ xâm nhập vào phòng ngủ hãm hiếp và đánh đập. Cô không nhìn thấy rõ kẻ tấn công mình, nhưng cô xác định đó là kẻ mà cô vừa mới bị tấn công cô. Người đàn ông đó bị bắt và dường như vụ án đã chấm dứt.

Trong khi đang ngồi tù đợi ngày ra tòa, bị cáo tình cờ gặp một người bạn trai cũ của người ở chung phòng với nạn nhân. Anh chàng này đã từng sống trong cùng một khu vực và trông giống hệt anh ta.

Do vậy, anh ta nài nỉ các nhân viên điều tra thêm nữa. Phòng thí nghiệm của FBI tiến hành các cuộc thử nghiệm DNA chứng minh rằng người bị tình nghi không phải là thủ phạm, nghĩa là nạn nhân đã có nhận định sai lầm.

Các công tố viên sau đó xin được lệnh của tòa cho phép lấy mẫu máu của người thứ hai. Lần này, các chi tiết thử nghiệm DNA ăn khớp với nhau, và người thứ hai này bị kết tội.

Khi một người nào đó phạm tội, có thể anh ta để lại tóc hoặc sợi lông trên hiện trường, điều này rất quan trọng.

Trong một ví dụ được xem là điển hình, một tên cướp ngân hàng ở North Carolina vứt chiếc vớ nylon đã được dùng làm mặt nạ. Sau khi một người đàn bà bị bắt vì tình nghi, phòng thí nghiệm của FBI phát hiện sự trùng hợp giữa tóc của ả và tóc tìm thấy trong chiếc vớ.

Chỉ cần hai sợi tóc cũng dủ để cảnh sát phá vụ án Patricia Giesick. Trong tuần trăng mật ở New Orleans, cô bị một tên tài xế tông chết rồi bỏ chạy. Chồng cô ta còn sống và lãnh 350.000 đô la tiền bảo hiểm nhân mạng. Các nhân viên điều tra đa nghi đã phát hiện rằng chú rể đã thuê hai chiếc xe vào hôm trước tai nạn. Họ xác định được chiếc xe thứ hai và tìm thấy mấy sợi tóc dính vào một cái kẹp cà vạt ở dưới chiếc xe. Khi soi kính hiển vi, các nhân viên FBI phát hiện ra rằng những sợi tóc này có đặc điểm giống với tóc của Patricia Giesick; chồng cô thú nhận đã đẩy cô ra trước mũi xe. Sau đó hắn ta khai luôn tên tòng phạm là tên tài xế.

Bọn tội phạm thường hủy những giấy tờ có mang dấu vết tội ác, nhưng oái oăm thay chính những tờ giấy này lại quay lại hại chúng.

Năm 1986, một người đàn ông ở Massachusetts bị giết vào ngày sinh nhật của mình và bên cạnh thi thể là một tấm thiệp chúc mừng sinh nhật viết "Happy Birthday, Friend". Nạn nhân có một cô bạn gái và vì thế bạn trai cũ của cô ta trở thành kẻ tình nghi. Cảnh sát tìm thấy trong xe của kẻ tình nghi một phong bì có ghi tên và địa chỉ của cô bạn gái đó. Họ gửi nó đến phòng thí nghiệm để so sánh chữ viết. Hoá ra vụ này được khám phá bằng cách chẳng có gì cao siêu.

Nhân viên FBI mang phong bì vào phòng ở một góc rất thấp; nhân viên FBI này để ý thấy những cái bóng mờ trên phong bì đang nằm trên bàn. Nhìn kỹ hơn, anh ta thấy có một dòng chữ rập nổi trên phong bì: "Happy Birthday Friend".

Kẻ tình nghi đã quên mất rằng bút chì để lại dấu ấn trên tờ giấy lót phía dưới.

Một trong những vụ án nổi tiếng nhất được phòng thí nghiệm của FBI khám phá là vụ Michele Sindoma, một chuyên viên tài chính từng quản lý tiền bạc cho Vatican. Nhà chức trách đã buộc hắn tội lừa đảo có liên quan đến sự sụp đổ của ngân hàng Franklin National Bank ở Mỹ và định đưa hắn ra xét xử ở thành phố New York. Sau đó hắn biến mất và được xem là bị bắt cóc. Nhưng nhà chức trách tỏ ra nghi ngờ.

Hai tháng sau, Sindona lại xuất hiện trong thành phố và khai rằng hắn đã trốn thoát khỏi tay bọn bắt cóc. Theo lời khai, hắn biết mình bị giam giữ ở miền Bắc nước Mỹ vì hắn luôn được chuyển đi bằng ô tô.

Các công tố viên biết khó mà làm cho hội đồng xét xử hiểu được những trò gian lận tài chính rất rắc rối của Sindona. Tuy nhiên, họ có thể chứng minh rằng Sindona không hề bị bắt cóc mà chỉ trốn đi để tránh bị truy tố. Các nhân viên điều tra cho rằng trong khoảng thời gian bị cho là mất tích, hắn đã ở Sicily. Bằng chứng ngoại phạm của hắn sẽ trở nên vô giá trị nếu họ chứng minh được rằng hắn đã đi máy bay.

Họ yêu cầu Cục hải quan Mỹ cung cấp những tờ khai báo của khách đi lại giữa châu Âu và New York trong giai đoạn đó. Họ chỉ có một đầu mối duy nhất Sindona có thói quen viết sót lại một chấm nhỏ bên trong phần bụng của số 9. Một nhân viên FBI ngồi trong phòng làm việc của hải quan ở Manhatan trong nhiều ngày để kiểm tra hàng đống giấy tờ. Một hôm, anh nhặt ra một tấm thiếp có địa chỉ và có số 9 với dấu chấm nhỏ bên trong; đó chính là chấm nhỏ của Sindona. Phòng thí nghiệm của FBI lấy được dấu tay của Sindona. Thế là hắn hết đường chối cãi, đành phải gỡ lịch đến mãn đời. (Theo Reader's Digest)

Post a Comment

 
Copyright © 2013 Chuyện Cấm Cười (Pmanth) | Powered by Blogger