Dự báo về tương lai kinh tế thế giới
Chuyện Cấm Cười - Theo Tuần Báo Mới
Những tiến bộ của khoa học, sự suy giảm tài nguyên thiên nhiên, và sự chuyển hướng trong công nghiệp, có thể gây ra những xáo trộn lớn lao trong xã hội chúng ta.
Dưới đây là những dự báo, nếu thành hiện thực, sẽ khiến bộ mặt thế giới thay đổi hoàn toàn.
Than lại có vị trí quan trọng
Ngược với dầu, nguồn năng lượng này vẫn dồi dào: trữ lượng than đủ đáp ứng nhu cầu của loài người trong vòng 120 năm nữa, nếu tính theo nhịp độ khai thác như hiện nay. Hơn nữa, than được phân phối "hợp lý" hơn về mặt địa lý trên thế giới. Đây cũng là năng lượng rẻ tiền, xếp sau hạt nhân. Theo cơ quan năng lượng quốc tế, mức tiêu thụ than sẽ tăng hơn 50% ở Trung Quốc và Ấn Độ từ nay cho đến năm 2050. Đây là một tin không vui cho hành tinh của chúng ta vì nhiên liệu than thải khí carbonic gấp 1,3 lần so với dầu và gấp 1,7 lần so với gaz.
Tin học sẽ giữ vai trò điều hành kinh tế thế giới
75% những vụ giao dịch chứng khoán ở Mỹ hiện nay được thực hiện hoàn toàn qua máy tính (theo Phòng nghiên cứu Tabb Group). Với sự trợ gìúp của thuật toán phức tạp, máy tính có thể phân tích khuynh hướng của thị trường và phản ứng tương ứng. Đa số công việc do các giám đốc tài chính, các tổng giám đốc thực hiện hiện nay sẽ được máy tính hoàn tất một cách hiệu quả trong tương lai, tức là máy tính góp phần lớn lao trong công việc đưa ra các quyết định.
Nhiều nghiên cứu cho thấy con người hiếm khi dựa vào lý trí khi phải chọn lựa. Hiện tượng này sẽ diễn ra trong tất cả các ngành ít nhất là hầu hết những ngành có liên quan. Công ty Epagogix (Anh) cho biết sẽ triển khai một thuật toán giúp dự báo sự thành công (hay không) của một bộ phim và người ta hy vọng các studio ở Hollywood sẽ quan tâm đến sản phẩm này.
Thiếu nước sẽ tác động tới nhiều quốc gia
Nếu mối đe dọa cạn kiệt dầu làm rung chuyển toàn bộ thế giới thì vấn đề nước dường như không được giới lãnh đạo các nước và các xí nghiệp quan tâm đúng mức.
Thế mà theo Liên Hiệp Quốc, mức tiêu thụ nước ngọt đã tăng nhanh gấp hai so với dân số trong thế kỷ vừa qua. Thiếu nước sẽ gây ra những hậu quả kinh tế nặng nề. Chẳng hạn chính phủ Trung Quốc ước lượng sản xuất ngũ cốc có thể giảm từ 5% đến 20 % từ nay đến năm 2050 do khô hạn. Trong bối cảnh ấy, những dụ án lớn lao ra đời:
Một sông ngầm dài 3,500km ở Libya, những nhà máy khử mặn nước biển ở Trung Đông, đập khổng lồ trên sông Nil ở Ethiopia.... nông nghiệp hiện khai thác 70% tài nguyên sẽ chuyển sang cách hạn chế sử dụng nước, nhất là chọn lọc theo di truyền.
Biển là nguồn tài nguyên kinh tế quan trọng
Mỏ vàng tương lai sẽ nằm dưới đáy biển ở độ sâu 1.600m. Công ty Nautilus Minerals (Canada) lập dự án đầu tiên khai thác mỏ vàng và mỏ đồng dưới biển ở ngoài khơi Papouasie Nouvelle-Guinée từ năm 2013. Tại một số địa điểm, hàm lượng vàng đạt 20 gram mỗi tấn và hàm lượng đồng là 7% (cao gấp 10 lần mức bình quân của các mỏ trên mặt đất). Biển cũng chứa 70% sinh quyển thế giới nhưng chúng ta vẫn chưa biết đa số các loài. Nguồn tài nguyên chưa được khai thác ấy có thể là những quặng chính yếu cung cấp những phân tử mới cho những thập niên sắp tới.
Môi trường đại dương đã cung cấp hơn 5.000 phân tử được sử dụng trong ngành dược. Cũng có nhiều dự án về năng lượng trong việc khai thác sóng, hải lưu, sự khác biệt về nhiệt độ của các lớp nước biển...
Bắc cực trở thành ngoại vi kinh tế (épicentre économique)
Thời kỳ vỏ băng tan ở ngoài khơi Greenland đã tăng thêm 25 - 30 ngày mỗi năm trong vòng 10 năm qua do khí hậu nóng lên (theo báo cáo của Trung tâm nghiên cứu khí hậu Greenland). Nếu hiện tượng trên tiếp tục, một hải trình giao thương mới đến Bắc cực sẽ được mở ra.
Một cơ hội tuyệt vời cho lĩnh vực này vì khoảng cách giữa London (Anh) và Yokohama (Nhật) sẽ rút ngắn 9.200km so với quãng đường hiện nay phải đi qua kênh đào Panama. Hiện nay, các đơn đặt mua tàu chở hàng vỏ được làm để thích nghi với hải trình ở vùng Bắc cực đã gia tăng đáng kể tại các hãng đóng tàu của Phần Lan. Chỉ còn chờ đợi sự điều chỉnh luật thông thương của Canada, Đan Mạch và Nga. Hơn nữa, Bắc cực chứa trữ lượng lớn hydrocarbure và quặng (kim cương, vàng, bạc, chì, đồng, kẽm...) khiến lối đi mới này càng thêm hấp dẫn.
Điều trị từ xa giúp hệ thống y tế
Phẫu thuật từ xa không phải là khoa học giã tưởng. Vào năm 2011, một bác sĩ phẫu thuật ở Newyork đã mổ cho một nữ bệnh nhân ở Strasbourg (Pháp) cách xa ông 7.000km. Giáo sư Marescaux đã thao tác tay của một robot để cắt bỏ túi mật của bệnh nhân. Trong tương lai, điều trị từ xa sẽ tạo ra những biến đổi quan trọng trong y học.
Ngoài phẫu thuật, phương cách này bảo đảm tính liên tục trong việc điều trị tại nhà; chẳng hạn những dữ liệu chi tiết được gửi qua máy tính cho các bác sĩ tại địa phương sẽ giúp bác sĩ phán đoán tình trạng của người bệnh. Những hệ thống thông minh nhân tạo cũng được triển khai để đưa ra những chuẩn đoán đơn giản từ một bảng câu hỏi dành cho bệnh nhân. Cách điều trị từ xa này giúp tiết kiệm đáng kể, vì người ta chỉ đặt những phòng mổ tại các bệnh viện lớn và tránh được những sự di chuyển vô ích.
Sự liên kết hạt nhân (nucclear fusion) sẽ cung cấp năng lượng như ý muốn
Sau thảm họa hạt nhân ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima (Nhật), Cơ quan Nguyên tử năng quốc tế (IAEA) khẩn cấp xem xét giảm bớt những dự án gia tăng sản xuất điện hạt nhân trên thế giới. Nhưng về lâu về dài, hạt nhân có thể trở thành nguồn năng lượng hầu như vô hạn, an toàn, không có chất thải phóng xạ tồn tại lâu trong môi trường. Mọi nhiễu loạn sẽ gây ra hiện tượng làm lạnh hầu như tức thời của plasma, khiến lò phản ứng ngưng hoạt động.
Đó là mục tiêu của lò phản ứng Iter hiện đang được sản xuất từ sự liên kết hạt nhân sẽ được bán ra thị trường từ năm 2040. Năm 2008, Cơ quan Năng Lượng nguyên tử Nhật công bố một nghiên cứu dự đoán 67% sản lượng điện có nguồn gốc hạt nhân từ nay đến năm 2010, trong đó 14% đến từ những lò phản ứng liên kết hạt nhân.
Thành phố được xây dựng theo chiều thẳng đứng
Los Angeles là hình ảnh điển hình của thành phố hiện nay: 4 triệu cư dân sống trải rộng trên diện tích 1.300km2. Một kiểu đô thị "bày tràn" ngốn thời gian và năng lượng. Theo Viện Vận chuyển Texas, 1 tỷ lít dầu bị lãng phí vì những vụ kẹt xe tại Los Angeles trong năm 2010. Đối với toàn nước Mỹ, con số ấy phải tăng 65%, tức hơn 12 tỷ lít trong cùng năm. Hơn nữa, kiểu xây dựng ấy thường đưa đến những hệ quả là người dân rời bỏ các trung tâm thành phố và làm cho các vùng ngoại ô bị bần cùng hóa. Nhiều kiến trúc sư giới thiệu mô hình đô thị "phát triển theo chiều thẳng đứng" chẳng hạn kiến trúc sư Roland Castro với dự án "Sống trên trời" ở Paris, giới thiệu những "ngôi nhà vườn" và những "biệt thự chồng chất lên nhau".
Văn phòng ảo
Thứ hai, ngồi thoải mái trong vườn ngôi nhà ở Helsinki (Phần Lan), Nicolas M. gửi báo cáo đến văn phòng ở Thượng Hải. Thứ ba, khi ghé qua Paris (Pháp), ông gia nhập một không gian "cùng làm việc", nơi đó một máy tính kết nối với văn phòng ảo đặt dưới quyền sử dụng của ông. Thứ năm, hội thảo qua điện thoại với các thương nhân ở Budapest (Hungary). Đó có thể là tuần làm việc của một viên chức trong tương lai.
Khi giá trụ sở văn phòng không ngừng leo thang và nhân viên văn phòng ngày càng đảm nhận những công việc đa dạng, cách làm việc "du mục" càng trở nên phổ biến. Tại Phần Lan, 1/3 số nhân viên áp dụng kiểu làm việc từ xa hơn 8 giờ mỗi tháng vào năm 2010. Con số ấy sẽ tăng gấp đôi trong 10 năm tới, theo một nghiên cứu của văn phòng Gartner. Theo phân tích của Trung tâm Phân tích chiến lược, việc làm từ xa có thể liên quan đến 50%, dân số hoạt động của Pháp vào năm 2015.
Châu âu phân cực
Dù có nhiều nổ lực của chính phủ các quốc gia châu Âu trong hội nhập, sự bất đồng trong lòng Liên minh châu Âu (EU) không ngừng lớn lên. Thật vậy, Anh đã rời bàn họp khi bàn thảo về một hiệp ước tương lai về sự ổn định trong khi sự chênh lệch về tỷ lệ thất nghiệp ngày càng gia tăng giữa Tây Ban Nha (23,3%) vào tháng 1. 2012, với Đức (6,8%) và viển cảnh Hy Lạp rời khu vực đồng euro (eurozone) là điều có thể trở thành hiện thực.
Theo Rafik Smati, tác giả khảo luận chính trị Revolution Y (Cuộc cách mạng Y) chính trị châu Âu trong tương lai sẽ được tổ chức quanh 2 hạt nhân: một châu Âu La tinh gồm Pháp, Ý, Tây Ban Nha và một châu Âu - Đức hướng về phía Đông nhiều hơn. Trong một bài đăng trên The Wall Street Juornal, nhà sử học người Anh Niels Perguson dự đoán một liên minh châu Âu thống nhất, nhưng do Đức thống trị, trong đó các quốc gia thuộc bán đảo Scandinavia (Bắc Âu) sẽ thành "Tuyến phương Bắc", còn Ireland sẽ ly khai với Anh.
Nga trở thành cường quốc nông nghiệp
Hiện nay, quốc gia này này nằm trong số những nước nhập cảng khàng đầu thế giới, với cán cân thương mại thâm hụt 23,5 tỷ USD trong năm 2008 đối với nông sản. Nhưng khí hậu nóng lên có thể làm thay đổi tình huống. Các chuyên viên dự báo sự gia tăng nhiệt độ tạo thuận lợi cho nông nghiệp trên vùng lãnh thổ mênh mông của nước Nga (16 tỷ km2).
Theo một nghiên cứu của Trung tâm Phát triển thế giới được công bố vào năm 2007, sản lượng trên mỗi mẫu thuộc bình nguyên Ural và Siberia sẽ tăng gấp 6 từ nay đến cuối thế kỷ. Đó là chưa tính đến những vùng đất mới được đưa vào canh tác. Một quốc gia khác cũng thăng tiến về nông nghiệp là Canada, với sản lượng tăng gấp đôi trên mỗi mẫu. Nông nghiệp của các quốc gia châu Phi lâm vào cảnh thất bát do tác động của hạn hán.
Một thế giới dành cho người cao tuổi
Từ nay năm 2050, số người trên 60 tuổi sẽ là 2 tỷ, tức tăng gấp 3 lần trong vòng 50 năm (theo tài liệu của Liên Hiệp Quốc). Hiện tượng lão hóa dân số này không phải không đặt ra những thách đố gay gắt. Tuổi thọ tăng, số người cao tuổi tăng, trong khi hệ thống hưu trí và y tế có nguy cơ không đáp ứng được nhu cầu. Bên cạnh đó, cũng có một số ngành mở rộng hoạt động: trang thiết bị dành cho nhà ở, thực phẩm, du lịch.
Nền kinh tế được giám sát gắt gao
Những người ủng hộ chủ nghĩa tự do hẳn sẽ phải thất vọng, do mỗi ngành kinh tế phải tuân thủ những gò bó ngày càng siết chặt. Chỉ thị châu Âu Reach buộc các nhà công nghiệp phải ghi rõ các thành phần hóa chất của một sản phẩm và các nguy cơ tiềm ẩn. Danh sách này sẽ còn dài ra trong những năm tới.
Việc tung ra thị trường những dược phẩm mới ngày càng khó khăn hơn và các xét nghiệm thực tế ngày càng đắt hơn. Các chính phủ sẽ cũng cố những chuẩn mực ngân hàng và hạn định chặt chẽ thị trường hoặt động của ngân hàng, nhằm tránh một sự sụp đổ kinh tế mới. Russell Davies, giám đốc kế hoạch thuộc công ty quảng cáo Ogilvy, còn dự báo quãng cáo hầu như sẽ biến mất trong vòng 25 năm tới do tác động của những cấm đoán.
Một đồng tiền ảo, phổ thông sẽ thay thế tiền quốc gia
Vào năm 2002, đồng euro đã thay đồng tiền của các quốc gia châu Âu. Liệu mai đây một đồng tiền thế giới duy nhất sẽ khiến những đồng dollar, euro, yen hay nhân dân tệ đi vào quên lãng? Một dự đoán không quá vô lý: nhà kinh tế học John M. Keynes từng nghĩ đến điều này ngay từ những năm 1940 và Robert Mundell một người đoạt giải Nobel kinh tế, cũng ủng hộ ý kiến trên. Một số quốc gia Ả Rập dự định thống nhất tiền tệ vì một đồng tiền duy nhất sẽ giúp tránh đầu cơ chống lại một quốc gia, sự biến động đột ngột hay sự phá giá mang tính cạnh tranh. Trong khi chờ đợi giấy bạc và tiền đồng có thể biến mất do bị thay thế bằng cách thanh toán với thẻ ngân hàng hay qua điện thoại di động.
Post a Comment