Một cuộc di tản liều lĩnh năm 1975
Chuyện Cấm Cười - Theo Diễm Quyên/Sống Magazine
Ông John Riordon, một người Mỹ đã không ngại nguy hiểm để giải cứu105 ngươì Việt vào tháng tư 1975 .
Ông được lệnh di tản cùng với những người Mỹ khác khi lực lượng quân đội cộng sản Bắc Việt tấn công vào miền Nam Việt Nam . Riordan ban đầu tuân theo lệnh sơ tán và ông được đưa tới Hồng Kông.
Ở Hồng Kông, Riordan đã bắt đầu tìm cách để giải cứu các đồng nghiệp của mình tại miền Nam Việt Nam, những người không đủ điều kiện để di tản vì không là công dân Mỹ. Ông đề nghị nhiều kế hoạch nhưng Citibank và chính phủ Mỹ đã nhiều lần từ chối.
Cuối cùng, Citibank đã nói với ông ta là nên ngừng các nỗ lực cứu trợ của mình hoặc là bị đuổi việc.
Ngày 19 tháng Tư năm 1975, Riordan đã bay trở lại Sài Gòn một mình. Ông đã cố gắng tụ họp các đồng nghiệp người Việt và gia đình họ và đã đưa được tất cả bọn họ di tản . Riordan đã rời Việt Nam cuối cùng một vài ngày trước khi Sài Gòn thất thủ vào tay cộng sản .
John Riordan, một người Mỹ trẻ tuổi, độc thân vui tính đang là phụ tá Quản lý một chi nhánh của ngân hàng First National City Bank (ngày nay là Citybank) tại địa chỉ số 28-30 Nguyễn Văn Thịnh, Sài Gòn.
Trong thời gian làm việc ông đã tạo nên mối tình cảm thân thiết với thuộc cấp gồm 34 nhân viên Việt, từ nhân viên thu ngân, thư ký, đến kế toán.....và thường mời các đồng nghiệp đến ăn barbecue tại biệt thự của ông.
Đầu tháng 4. Riordan nhận được lệnh từ trụ sở New York là phải rời khỏi Việt Nam cùng tất cả nhân viên người Mỹ của ngân hàng vì quân Cộng sản đang tiến vào thủ đô miền Nam. Cấp trên còn dặn phải đốt hết giấy tờ văn kiện quan trọng của ngân hàng trước khi ra đi.
Citibank đã thuê một chiếc máy bay Pan Nam 747 để chở tất cả nhân viên Mỹ rời khỏi VN nhưng không nói gì đến nhân viên Việt Nam.
Cuộc chia tay với các đồng nghiệp xảy ra trong nước mắt và John cố an ủi "Đừng lo, mọi việc còn có tôi đây". John Riordan đành ra đi trong sự nghẹn ngào và được di tản đến Hồng Kông.
Đến Hồng Kông, ông bắt đầu lo cho 34 nhân viên Việt còn kẹt lại Sài Gòn vì JR nghe được tin đồn là Việt Cộng sẽ trả thù tất cả những ai đã làm việc với người Mỹ. Cùng với nhóm người Mỹ và cấp trên của ông đã từng làm việc ở Việt Nam, JR bắt đầu lập kế hoạch di tản những nhân viên của mình, bao gồm việc thuê trực thăng và tàu chở dầu, nhưng đều bất khả thi. Ông gọi về năn nỉ trụ sở và thậm chí cả chính phủ Hoa Kỳ.
Trong suốt hai tuần lễ tìm đủ mọi cách, cuối cùng trụ sở Citibank ra tối hậu thư là bất cứ ai cố thi hành nhiệm vụ di tản nhân viên Việt Nam sẽ bị đuổi việc.
Trong lúc nhóm người Mỹ buồn rầu và thất vọng thì Mike McTighe, thượng cấp trực tiếp của JR, và một cựu chiến binh Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ bàn với JR là một trong hai người phải trở về Việt Nam để giúp nhân viên kẹt lại. Đối diện với hai lựa chọn: Bị đuổi việc hoặc cứu giúp đồng nghiệp. John Riordan đã không ngần ngại tình nguyện trở về ngày 19 tháng 4 trong chuyến bay dân sự cuối cùng vào Việt Nam.
Trở về Sài Gòn, JR bước vào ngân hàng dưới sự ngạc nhiên của tất cả nhân viên, họ lập tức vây quanh và hỏi dồn dập, "Chúng tôi phải làm gì đây" John tụ họp tất cả nhân viên cùng gia đình họ, tổng cộng 105 người tại biệt thự của ông và một căn nhà gần đó. Mặc dù người Mỹ được di tản trước, nhưng ngân hàng vẫn mở cửa làm việc với nhân viên Việt cho đến ngày 25 tháng 4, mới chính thức đóng cửa.
Đến lúc đó John vẫn chưa biết cách nào để đưa những người này ra khỏi nước và còn chạy bôn ba khắp nơi để dò hỏi. Bốn ngày sau một đặc vụ CIA báo cho biết cách duy nhất để rời Việt Nam là bằng máy bay chở hàng hóa của quân đội Hoa Kỳ vào lúc đó đang di tản người Mỹ và gia đình họ còn sót lại và nhắc JR mang gia đình đến phi trường để ghi danh. Khi JR thành thật trả lời "Tôi không có gia đình" thì đặc vụ CIA mách nước "Anh cứ bịa đặt tên ai cũng được, cứ ra đó mà ký giấy tờ".
Nhất quyết cứu giúp đồng nghiệp, JR đánh liều lái xe van ngân hàng đến phi trường và điền đơn xác nhận rằng ông có vợ và 14 người đứa con Việt Nam. Trên thực tế trong số những đứa con này, có người còn lớn tuổi hơn John Riordan nữa. Ông sững sờ khi người sĩ quan Mỹ đóng dấu vào giấy và đưa cho ông những tấm thẻ xuất cảnh mà không hỏi thêm câu nào.
Sau đó JR lập tức trở về đón "vợ con" và đưa họ ra phi trường để di tản. Liên tục trong 4 ngày kế tiếp, JR đã liều lĩnh lập lại điều này 10 lần. Có một lần khi một sĩ quan Mỹ hỏi, "Có phải tôi đã gặp anh ở đây rồi không? thì John chối ngay là không có.
Trong một lần khác khi đọc qua đơn khai, một sĩ quan thắc mắc sao anh lại có gia đình đông con vậy, thì John trả lời là do anh sống ở Việt Nam lâu năm.
Việc di tản phụ nữ và trẻ em còn tương đối dễ, nhưng di tản bọn đàn ông như các ông chồng thì khó hơn vì có người còn đang tại ngũ trong QLVNCH hoặc đang làm việc cho chính phủ. John đã chạy giấy tờ giả khai nhận những người này là con nuôi. Một toán người cùng John ngồi trên chuyến xe buýt cuối cùng của Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ đưa người Mỹ và gia đình đến phi trường. Trên đường đi xe buýt bị chặn lại tại một trại kiểm soát quân đội để tìm kẻ đào ngũ. Khi anh lính bước lên xe để kiểm soát thì một phụ nữ nhanh chóng đứng lên và đút vào tay anh một gói tiền, nhờ thế chuyến xe được an toàn đến phi trường.
Tuy nhiên, vẫn còn sót một nhóm đàn ông nhưng họ không dám đi bằng xe buýt nữa vì sợ bị chặn lại giữa đường. Cuối cùng một người nghĩ ra ý kiến hay là dùng xe van ngân hàng để giả vờ chở tiền đến phi trường. Để qua mắt mọi người và được an toàn họ còn nhờ cảnh sát hộ tống. Vì thế cảnh sát vũ trang không ngờ đã hộ tống xe van chở nhóm người di tản đến tận phi trường.
Đó là nhóm cuối cùng được rời khỏi Việt Nam bằng máy bay, các cuộc di tản trong những ngày sau đó hoàn toàn là nhờ vào trực thăng của quân đội Hoa Kỳ.
Tất cả những nhân viên Việt Nam của First National City Bank và gia đình tổng cộng 105 người được di tản đến đảo Guam hoặc Phi Luật Tân và sau đó chuyển đến trại Camp Pendleton ở tiểu bang California, Hoa Kỳ. Mặc dù đã cải lệnh công ty, John Riordan đã không bị đuổi việc, mà còn được tuyên dương như một anh hùng và còn được tưởng thưởng.
Citibank đã tốn một triệu USD để giúp cho nhân viên Việt Nam định cư và thuê họ làm việc ở Mỹ. Năm ngoái John Riordan và đại gia đình Việt của ông đã trùng phùng tại Long Island, New York và những "đứa con" mà ông từng cứu giúp vẫn thân mật gọi ông là "Papa".
Câu hỏi được đặt ra cho John trong cuộc phỏng vấn là tại sao ông dám liều mình cứu đám người không bà con thân thuộc gì với ông? Ông trả lời là vì họ đã trông cậy vào ông. Trước khi ra đi họ đã nhắn nhủ nhiều lần, "Xin ông hãy làm tất cả những gì có thể để giúp chúng tôi."
Câu chuyện trên đây là một trong trăm ngàn câu chuyện di tản của người miền Nam Việt Nam trong những ngày cuối tháng tư, 1975. Những ngày đen tối đó đối với dân Sài Gòn đã xảy ra trong hoang mang, lo sợ, và hổn loạn.
Trong câu chuyện này chúng ta thấy rằng vào lúc đó mọi người đều có thể làm những điều không thể ngờ được để tìm đường trốn thoát, bao gồm nói dối hoặc hối lộ. Những người may mắn này đã di tản được bởi vì trong thời loạn có người đã mắt nhắm, mắt mở đối với luật lệ xuất cảnh của Hoa Kỳ và Việt Nam. Tuy nhiên, ngoài những chuyện kết thúc tốt lành như vậy, thì còn rất nhiều câu chuyện bi thương hơn nữa mà chúng ta không bao giờ được biết. (Diễm Quyên)
Post a Comment