Monday, May 20, 2013

CŨNG CẦN PHẢI BỊ CĂNG THẲNG

CŨNG CẦN PHẢI BỊ CĂNG THẲNG


 Bị stress cũng tốt!
 
(danong.com) Mọi thứ đều tồn tại với cả hai mặt lợi và hại và căng thẳng cũng không nằm ngoài quy luật này. Dưới đây là một số mặt tích cực của sự căng thẳng nên được biết đến.

  Căng thẳng là một cảm giác khó chịu, mệt mỏi, nó có thể gây ra trạng thái quá tải giống như thế giới đang đổ dồn lên đầu và chúng ta không thể nào thoát ra được “cái mớ bòng bong” ấy. Căng thẳng cũng được biết đến như một nguyên nhân làm suy giảm hệ thống miễn dịch, làm cho con người dễ bị mắc bệnh hơn.

Nhưng ngoài ra, nó cũng rất tuyệt đấy!

  Căng thẳng là động lực

Đầu tiên và quan trọng nhất, căng thẳng có lợi bởi nó có thể trở thành một động lực lớn. Thực tế, chúng ta có thể nhận thấy rất rõ tác dụng này của căng thẳng bằng cách để ý một số sự việc chung quanh.

Lấy ví dụ như trường hợp một học sinh ôn thi. Học sinh này ôn luyện rất chăm chỉ và bắt đầu từ rất sớm. Tuy nhiên, một số học sinh khác lại để đến khi kỳ thi kề cận mới bắt đầu “nhồi nhét”, thường thì vào cả đêm cuối trước khi thi, hoặc thậm chí họ còn không ôn luyện mà chỉ hy vọng kiến thức ở lớp sẽ đủ để vượt qua kỳ thi. 
 
Tất nhiên, những học sinh ôn luyện chăm chỉ hơn và có thời gian ôn lâu hơn sẽ đạt kết quả cao hơn trong kỳ thi, và một điều đáng ngạc nhiên là họ thuộc vào nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi căng thẳng. Họ nhận biết được tầm quan trọng của kỳ thi, lúc nào họ cũng lo lắng, bởi vậy họ đã chuẩn bị lên kế hoạch ôn luyện rất kỹ càng.

  Căng thẳng giúp nâng cao nhận thức


Nhà tâm lý học Hans Seley, người được mệnh danh là “Cha đẻ của căng thẳng” nhờ có những nghiên cứu chuyên sâu về chủ đề này. Ông gọi loại căng thẳng có lợi này với cái tên “eustress”.

Những người bị eustress có thể gặt hái nhiều thành công hơn trong kỳ thi bởi căng thẳng thực sự đã cải thiện phần nào trí thông minh của họ. Có vẻ khó tin nhưng căng thẳng thực sự sẽ giúp nâng cao nhận thức điều mà sau đó có thể thúc đẩy năng lực của bộ não và giúp chúng ta có được khả năng đáp ứng.

Bị stress cũng tốt!

Đầu tiên, căng thẳng giúp trí não tập trung. Căng thẳng được tạo ra để giúp chúng ta phản ứng với những tình huống nguy hiểm - có thể liên tưởng đến tình huống bạn đang cố gắng trốn thoát khỏi một con dã thú nguy hiểm. Sẽ không tốt một chút nào nếu bạn mất nhiều thời gian suy nghĩ, đắn đo xem phải làm gì trong lúc nguy hiểm đó. Lúc này, căng thẳng có thể giúp bạn “thu nhỏ” phạm vi suy nghĩ và tập trung tìm ra đáp án hay nhất.

Một vài nghiên cứu đã cho thấy căng thẳng giúp tăng trí nhớ và khả năng hồi tưởng lại - bởi vậy, một chút căng thẳng trong khi ôn thi hoặc trước khi thuyết trình có thể giúp tăng trí nhớ về những bài học mà bạn đã đọc lúc trước.

  Căng thẳng cải thiện thể trạng

Cũng có tác dụng tương tự như với bộ não, căng thẳng có thể cải thiện sức khỏe, sự dẻo dai và thể trạng. Có được tác dụng thần kỳ này là do căng thẳng có thể giải phóng chất adrenaline, một chất giúp tăng tuần hoàn và trao đổi chất, cũng đồng nghĩa với tăng phản ứng và phản xạ. Thêm vào đó, căng thẳng cũng hoạt động như một thuốc giảm đau, mang lại cho bạn sự dẻo dai cần thiết. Bởi vậy, nó rất có ích cho các hoạt động thể thao. Một chút căng thẳng có thể làm cho vận động viên tạo nên “kỳ tích” trong những cuộc đua.

Theo Dân trí
 
 
 

Post a Comment

 
Copyright © 2013 Chuyện Cấm Cười (Pmanth) | Powered by Blogger