Tuesday, May 19, 2015

Nhân duyên quy y và thành quả học Phật của Lưu Đức Hoa

Nhân duyên quy y và thành quả học Phật của Lưu Đức Hoa



Theo Chùa hoằng pháp.com

Lưu Đức Hoa là một trong Tứ Đại Thiên Vương của ngành giải trí Hồng Kông, là minh tinh ở cả ba lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh lẫn truyền hình, và là thần tượng của rất nhiều thanh thiếu niên.
 
Nhưng ít ai biết được rằng, anh còn là một Phật tử thuần thành, đệ tử quy y của lão hòa thượng Diệu Liên ở chùa Linh Nham Sơn, Đài Loan.
Theo lời Lưu Đức Hoa, cha của anh là người tin Phật, từ nhỏ anh đã tiếp xúc với Phật giáo, nhưng chỉ là đi chùa lễ Phật, thăm quan, vãn cảnh, còn với giáo lý nhà Phật thì chẳng hiểu biết được bao nhiêu. Đến vài năm gần đây, anh mới thực sự nhận thức và quy y Phật giáo, lấy Phật giáo làm tín ngưỡng của mình.

Trước khi quy y, Lưu Đức Hoa đã từng tiếp xúc, quen biết với nhiều cao tăng, đại đức ở Hồng Kông và Đài Loan. Sau đó, qua sự giới thiệu của bạn bè, anh biết đến lão hòa thượng Diệu Liên ở chùa Linh Nham Sơn, Đài Loan. Có thể nói đó là “duyên phận”. 

Khi Lưu Đức Hoa nhìn thấy pháp tướng hiền từ mà trang nghiêm của lão hòa thượng Diệu Liên và được nghe những lời khai thị của Ngài, bao phiền não của anh liền tiêu tan; trong lòng tĩnh lặng, thanh thản; thân tâm mát mẻ, tự tại, như đóa hoa sen trong sạch giữa chốn bụi trần. Lưu Đức Hoa đột nhiên sinh khởi ý muốn quy y, và rồi, dưới sự tiếp dẫn của lão hòa thượng, cuối cùng anh đã trở thành một đệ tử Phật với pháp danh là Huệ Quả.

“Các pháp do duyên sanh, cũng do duyên mà diệt.” Đây là nội dung của pháp nhân duyên mà Phật giáo thường dạy. Vào ngày quy y, Lưu Đức Hoa hỏi sư phụ Diệu Liên: “Con có thể xuất gia không ạ?” Lão hòa thượng nói:

- Chúng ta tin Phật học Phật, phải hiểu lẽ duyên sinh duyên diệt, vạn sự đều tùy nhân duyên mà biến đổi, tất cả phải xem “duyên phận” của con thế nào.


 

Từ khi Lưu Đức Hoa quy y Tam Bảo, thực sự tiếp xúc với Phật pháp, nhận được lời chỉ dạy của lão hòa thượng Diệu Liên, lối sống của anh đã đổi khác, không còn nhiều tham, sân, si như trước đây nữa. Anh chia sẻ:

- Học Phật rồi sẽ dễ dàng chấp nhận những chuyện không như ý, sư phụ tôi thường nói: “Đối với tất cả mọi việc, hãy nghĩ đến mặt tích cực của chúng, nhẫn một chút là sẽ vượt qua hết. Những việc đã nhất định phải làm, hà cớ gì chúng ta không làm chúng với tâm hoan hỷ? 

Mọi người đều vui vẻ chẳng phải là tốt hay sao? Hãy cố gắng hết sức để chấp nhận, nhẫn nhịn và bao dung. Nếu làm tất cả mọi việc với tâm hoan hỷ, con sẽ có thể làm tốt hơn, mà thân tâm cũng được an lạc.” Bản thân tôi thấy mình đối nhân xử thế khoan dung, độ lượng hơn so với trước đây, nhân sinh quan cũng đã trở nên rộng rãi, phóng khoáng. 

Do bản thân hiểu biết về nghĩa lý Phật giáo còn cạn cợt, tôi không thể đi thuyết giảng Phật pháp, chỉ có tự mình nỗ lực thực hành, năng làm sự nghiệp từ thiện. Sư phụ thường khai thị cho tôi rằng: “Chưa thành Phật đạo, hãy kết nhân duyên trước. 

Chỉ cần dùng tâm từ bi của con nói ra những lời tốt lành, giúp người khác hướng thiện; nhìn thấy người khác làm việc tốt, khởi lòng tùy hỷ, tán thán, giúp cho người khác thành tựu; đó chính là tu phước. Con nên dùng tiền hoặc sức lực của mình giúp đỡ những người nghèo khổ, đói rách, để có thể rộng kết thiện duyên. Là một nghệ nhân, con hãy dùng thân phận của mình đi hoằng dương điều lành, khuyên nhiều người hơn nữa mở lòng yêu thương, tham gia vào các hoạt động từ thiện.”

Lưu Đức Hoa đến Đài Loan quay phim rất nhiều lần nhưng đều không có thời gian lên chùa Linh Nham Sơn thăm sư phụ Diệu Liên, anh chỉ có thể gọi điện thoại để hỏi thăm đôi ba câu, cơ hội gặp mặt sư phụ không nhiều, sư phụ cũng không thể thường xuyên chỉ dạy cho anh, nhưng những lần nói chuyện với sư phụ đã giúp anh khai tâm mở trí rất nhiều. 

Lời dạy của sư phụ mộc mạc, không hoa mỹ, rất đơn giản và dễ hiểu, nhưng anh cảm thấy được rằng, những pháp ngữ đó lưu xuất ra từ trí tuệ Bát-nhã của một bậc cao tăng. Ví dụ, Lưu Đức Hoa nhận thấy rất nhiều nghệ nhân trong ngành giải trí vì tranh giành nhau ngôi vị “đệ nhất” mà sinh ra phiền não. Anh đem vấn đề này hỏi sư phụ thì được Ngài khai thị cho như sau:

- Tất cả những ai cần con giúp đỡ, con đều có thể đem đến cho họ cái họ cần, như thế, con chính là “đệ nhất”. Bất kỳ việc gì cũng có thứ tự của nó. Thời gian chưa đến, con muốn cũng chẳng được; thời gian đến rồi, con không muốn cũng tự có. Người học Phật phải chí công vô tư, phải giống như đức Phật “không cầu an lạc cho mình, chỉ nguyện chúng sanh lìa khổ”, không nên làm việc với tâm ích kỷ, chỉ biết lo cho mình, tổn hại đến người khác.

Khi được hỏi sau khi quy y có nhận thức gì mới về Phật pháp, Lưu Đức Hoa thẳng thắn trả lời rằng:
- Trước khi quy y, tôi rất hay oán trách, việc gì cũng phải làm cho ra lẽ. Sau khi quy y, tôi đã biết bằng lòng với hiện thực, tuy chưa đạt đến mức vô cầu, nhưng cũng không còn bị ảnh hưởng bởi những chuyện bất như ý nữa. 

Tâm tôi bình lặng hơn trước rất nhiều. Lúc chưa học Phật, tôi toàn đứng trên lập trường của bản thân để nhìn nhận vấn đề, việc gì không tốt đều trách người, trách mình, không buông xả được. Giờ thì đã đỡ hơn, tôi biết bao dung, biết độ lượng, nhờ đó thấy lòng nhẹ nhàng hơn, không còn nặng nề như xưa nữa.

Post a Comment

 
Copyright © 2013 Chuyện Cấm Cười (Pmanth) | Powered by Blogger