Sunday, May 10, 2015

Đông lạnh cơ thể để hồi sinh trong tương lai - liệu có thành sự thật?

Đông lạnh cơ thể để hồi sinh trong tương lai - liệu có thành sự thật?

Theo Dân Trí

Các thành viên của tổ chức Alcor Life Extension Foundation luôn mang theo một chiếc vòng tay hoặc vòng cổ, trên đó có ghi “không ướp xác” và “không mổ tử thi", chỉ rõ cho nhân viên y tế biết rằng họ đã có những kế hoạch khác cho mình sau khi chết.

Kế hoạch bao gồm đông lạnh cơ thể - một cách bảo quản người sau khi chết với hy vọng sẽ được hồi sinh trong tương lai. Quá trình này gần đây lại trở thành đề tài nóng trong các bản tin thời sự, sau khi Matheryn Noavaratpong, một bé gái 2 tuổi ở Thái Lan qua đời do ung thư não, đã trở thành người trẻ nhất thế giới được bảo quản lạnh và lưu giữ ở cơ sở của tổ chức phi lợi nhuận Alcor của Mỹ.

Những cơ sở này (2 ở Mỹ và 1 ở Nga) đã có được một số lượng thành viên nhất định trên khắp thế giới. Một số tên tuổi đình đám như phát thanh viên nổi tiếng Larry King và ông trùm âm nhạc Simon Cowell cho biết họ dự định sẽ đông lạnh mình sau khi chết. Nhưng nhiều nhà khoa học thì gọi việc làm này là hoang đường, vạch ra những hạn chế và dán cho nó cái nhãn “ngụy khoa học”.

Ở Mỹ, chi phí khởi đầu của việc bảo quản lạnh toàn cơ thể là khoảng 60.000 đô la. Một phần trong số tiền này được dành để đầu tư và lợi nhuận thu được sẽ dùng cho việc chăm sóc tiếp theo và chi phí để hồi sinh trong tương lai. 

Những người dự định thực hiện cũng được khuyên nên thành lập những doanh nghiệp cho chính mình để có thu nhập trong tương lai. Thường thì mọi người sẽ trả chi phí bảo quản lạnh thông qua bảo hiểm nhân thọ và với một khoản phụ phí nhất định, Alcor thậm chí còn cho họ lựa chọn lưu giữ một số vật dụng cá nhân như các bức ảnh hoặc báo chí trong một chiếc hộp sẽ được giữ tại một mỏ muối.

Viện Cryonics, có trụ sở ở Clinton Township, Michigan, đang bảo quản 132 “bệnh nhân”, trong khi Alcor, ở Scottsdale, Arizona, có 134 “bệnh nhân” - với em bé Thái Lan là “bệnh nhân” mới nhất.
Nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng. Đã có hơn 2.000 người đăng ký bảo quản lạnh với hai công ty chính của Mỹ, bao gồm khoảng một chục người châu Á từ các nước như Singapore, Trung Quốc và Thái Lan. 

Bà Marji Klima, một nhân viên hành chính tại Alcor cho biết số thành viên là “khá ổn định” trong hơn 20 qua "nhưng gần đây sự quan tâm đã tăng mạnh do truyền thông và những tiến bộ nhanh chóng trong y học và công nghệ nano. "Nhiều người biết về việc này do các tiến bộ khoa học đang được báo cáo".

Quá trình bao gồm rút hết máu ra khỏi cơ thể và đưa vào đó một dung dịch ngăn đông lạnh. Sau đó các “bệnh nhân” Alcor được bảo quản trong dung dịch nitơ lỏng ở nhiệt độ âm 196 độ C.

Toàn bộ ý tưởng về việc bảo quản lạnh cơ thể bắt nguồn từ một giáo viên vật lý tên là Robert Ettinger. Năm 1964 ông đã xuất bản cuốn sách với nhan đề Viễn cảnh của sự bất tử. Sau đó ông đã sáng lập Viện Cryonics năm 1976, nơi thúc đẩy khải niệm và cung cơ cơ sở vật chất cho việc bảo quản. Cuốn sách cũng khuyến khích bà Linda Chamberlain cùng chồng là Fred Chamberlain thành lập Alcor năm 1972.

Fred Chamberlain là một bệnh nhân thần kinh – nghĩa là sẽ chỉ có đầu và bộ não của ông được bảo quản – và Linda Chamberlain cho biết bà cũng sẽ được bảo quản như vậy khi qua đời.

Theo Linda Chamberlain, cơ hội hồi sinh là khá cao: “Dựa trên tiến bộ của khoa học và công nghệ hiện nay, tôi cảm thấy chắc chắn rằng cơ hội để chúng tôi được hồi sinh trong vòng 50 năm tới là rất cao. Nếu không được như vậy thì chắc chắn vấn đề không phải là công nghệ, mà là do xã hội hoặc chính trị, ví dụ như chiến tranh”. 

Nhưng nhiều nhà khoa học không chia sẻ sự lạc quan này. "Hiện tại, khả năng hồi sinh là gần như bằng không," Michael Shermer, một phóng viên và đã có bằng tiến sĩ lịch sử nói". Tuy những người ủng hộ bảo quản lạnh cơ thể lý luận rằng phôi người cũng đang được đông lạnh để sử dụng sau này, song theo TS. Shermer: "Đông lạnh một tế bào hoặc một quả trứng là một chuyện, còn đông lạnh một con chó hay một người phức tạp hơn nhiều. Việc rã đông người cũng sẽ giống như rã đông một quả dâu tây, nó sẽ chỉ tan chảy ra mà thôi”.

Còn về các “người máy nano” sẽ sửa chữa mô tế bào, điều mà những người ủng hộ việc bảo quan lạnh tin rằng sẽ khả thi trong tương lai, thì TS Shermer cho rằng: “Về nguyên tắc, nó có thể có tác dụng, nhưng chúng ta còn chưa tiến xa như vậy trong lĩnh vực công nghệ nano”.

TS James Hughes, pháo giám đốc Viện Đạo đức và các công nghệ mới nổi phát biểu: “Nếu bạn cho rằng công nghệ trong tương lai sẽ có thể làm được nhiều hơn công nghệ hiện nay, thì đăng ký bảo quản lạnh cơ thể là một sự đánh cược về sự hồi sinh”. TS. Shermer nói thêm: “Một lý lẽ nữa là nếu hỏa táng thì việc giữ lại ADN và ký ức của bạn chắc chắn 100% là thất bại, nhưng với bảo quản lạnh thì xác suất không hoàn toàn là 100%. Nhưng tôi hoài nghi vì vẫn chưa có bằng chứng”.
Cẩm Tú - Theo Asiaone

Post a Comment

 
Copyright © 2013 Chuyện Cấm Cười (Pmanth) | Powered by Blogger