Snowden, vết rạn trong quan hệ Mỹ - Nga
Đất Việt
Với việc Nga trao quy chế tị nạn
cho Edward Snowden, triển vọng cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai tổng thống
Obama và Putin càng xấu đi. Nhưng cho dù không có Snowden, đôi bên cũng
có vô vàn lý do khác để không nhìn mặt nhau.
Mâu thuẫn giữa hai chính phủ quanh cách
giải quyết đối với Snowden, cựu nhân viên nhà thầu của Cơ quan An ninh
Quốc gia Mỹ, người đã tiết lộ với toàn thế giới về chương trình nghe lén
của Mỹ khiến chính quyền Obama bẽ mặt, chỉ là một trong hàng loạt bất
đồng giữa hai cường quốc. Các nhà phân tích cũng như các quan chức nhận
xét rằng nếu hai vị gặp thượng đỉnh, không biết ông Obama và ông Putin
sẽ nói chuyện gì, chứ chưa nói đến là thống nhất được với nhau chuyện
gì.
Từ cuộc nội chiến ở Syria đến tân tổng
thống Iran hay chương trình cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược, quan
điểm của Mỹ và Nga đều đang cách xa nhau đến cả đại dương.
Các quan chức Nhà Trắng từ tháng trước
đã ám chỉ khả năng hủy kế hoạch gặp giữa hai tổng thống, nhưng ông Obama
vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng. "Hiển nhiên đây không phải diễn
biến tích cực", phát ngôn viên phủ tổng thống Mỹ nói sau khi được mời
nhận xét về việc Snowden được cấp tị nạn. "Chúng tôi đang đánh giá hiệu
quả của một cuộc gặp thượng đỉnh".
"Đúng là có một loạt vấn đề, chưa kể đến
sự bất đồng về Snowden, mà chúng tôi có quan điểm khác với phía Nga",
phát ngôn viên nói thêm.
|
Tình trạng xấu đi trong quan hệ Nga -Mỹ
diễn biến rất nhanh chóng kể từ khi Putin trở lại làm tổng thống năm
ngoái. Và gần đây đôi bên đã áp dụng cách ăn miếng trả miếng như thời
Chiến tranh Lạnh. Nga không cho người Mỹ nhận con nuôi nữa, trong khi Mỹ
đưa 18 người Nga vào danh sách đen về vi phạm nhân quyền.
Chính phủ Nga không báo trước cho Nhà
Trắng về quyết định liên quan đến Snowden, ông Carney cho biết. Điều
này cho thấy công tác ngoại giao suốt nhiều tuần qua của Mỹ, kể cả công
khai hay bí mật, đều đã không có kết quả.
Mặc dù Kremlin tuyên bố vấn đề Snowden
không ảnh hưởng đến mối quan hệ song phương, các quan chức chính quyền
Obama và các nghị sĩ Mỹ cho rằng một khi Moscow đã cho phép anh ta tị
nạn, mọi chuyện giữa Nga và Mỹ sẽ không còn như xưa.
“Bầu không khí chính trị ở Washington về
Nga đang vô cùng căng thẳng”, Andrew Weiss, cựu cố vấn của tổng thống
Bill Clinton về Nga cho biết. “Sự giận dữ đối với Nga đã tồn tại âm ỉ từ
lâu, và Snowden là mồi lửa”.
Đối với Nhà Trắng, phía muốn có kết quả
cụ thể từ một cuộc gặp thượng đỉnh trực tiếp với Putin, thì tình trạng
bất đồng hiện nay trên một loạt vấn đề cũng là lý do khiến họ muốn từ bỏ
kế hoạch.
"Xét trên mọi chủ đề quan trọng - Syria,
vũ khí hạt nhân, hệ thống phòng thủ tên lửa - không lĩnh vực nào có thể
đi đến thống nhất để ký được cái gì", Giáo sư Angela E. Stent, cựu quan
chức tình báo quốc gia chuyên về Nga, hiện làm việc tại đại học
Georgetown, nói. "Câu hỏi đặt ra là: Họ sẽ làm gì với nhau?".
Theo bà Angela, tổng thống Putin dường
như không quan tâm đến việc đẩy nhanh đối thoại về cắt giảm kho vũ khí
hạt nhân, mà đây lại là vấn đề Obama coi là trọng tâm nên được thực
hiện. Ông Putin cũng vẫn nghi ngờ rằng hệ thống phòng thủ tên lửa mà Mỹ
đặt ở châu Âu là nhằm vào Nga, bất chấp việc Mỹ có điều chỉnh so với
trước.
Về Syria, Tổng thống Nga nhất quyết
không từ bỏ sự hỗ trợ dành cho tổng thống Bashar al-Assad. Giới phân
tích cho rằng các diễn biến mới đây trên chiến trường ở Syria đang củng
cố niềm tin của người Nga. Moscow cũng cởi mở hơn nhiều so với Mỹ trong
việc tiếp xúc với tân tổng thống Iran Hassan Rouhani.
Khi Snowden lần đầu xin tị nạn ở Nga,
Tổng thống Putin đã “đi trên dây”, cố không làm tổn hại đến quan hệ với
Mỹ. “Tôi nói rằng anh ta (Snowden) không được tiết lộ các thông tin gây
hại cho đối tác Mỹ của chúng ta”. Nhưng với việc cho Snowden tị nạn,
Putin đã bác bỏ quan điểm của Nhà Trắng, lặp đi lặp lại rằng Snowden
không chỉ là người tiết lộ bí mật, mà là một nhân viên đã phạm tội
nghiêm trọng đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ, và phải bị dẫn độ.
Mỹ đã điều các quan chức sang làm việc
với Nga về Snowden, và các quan chức Nga từng nói rằng việc để cho anh ở
lại lâu trong sân bay “bắt đầu trở nên gây cười”, nhưng Nga cũng không
có ý định dẫn độ anh ta.
Dmitri K. Simes, chuyên gia về Nga làm
việc cho Trung tâm nghiên cứu lợi ích quốc gia Mỹ cho rằng quyết định
của Nga phản ánh sự tính toán của Putin, không khoan nhượng với Obama.
Thời hạn tị nạn khá ngắn dành cho
Snowden có thể tạo cho Nga lợi thế về sau này, khi thương lượng về các
vấn đề như cắt giảm vũ khí, Syria hay Iran. Cho dù về hình thức có vẻ
bài Mỹ, nhưng thực tế ông Putin rất thực tế trong vấn đề này, giáo sư
Stent nhận xét.
Với bầu không khí căng thẳng như hiện
nay, ông Simes dự đoán rằng các quan chức Nga có lẽ cũng sẽ thở phào nếu
ông Obama không đến. Tổng thống Mỹ còn có kế hoạch dự hội nghị thượng
đỉnh các nước công nghiệp G20 tại St Petersburg vào tháng 9, và chưa có
dấu hiệu gì có thấy ông sẽ bỏ dịp này. Một số nghị sĩ Mỹ thậm chí còn đề
nghi tẩy chay đại hội thể thao mùa đông mà Nga làm chủ nhà tại thành
phố Sochi, nhưng giới phân tích cho rằng điều này sẽ là bước đi quá xa
đối với quan hệ giữa hai cường quốc.
Lần cuối hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ giáp
mặt nhau là tại Hội nghị của các nhà lãnh đạo G8 ở Bắc Ireland hồi
tháng 6. Ông Obama cố xua tan không khí căng thẳng bằng câu đùa, nói
rằng tuổi tác đang tàn phá các kỹ năng thể thao của họ. Ông Putin, với
nụ cười lạnh giá, đáp lại rằng “ngài tổng thống chỉ muốn tôi nghỉ ngơi
thôi”.
Post a Comment