Tuesday, August 13, 2013

MARGARET MICHELL - NHÀ VĂN NỮ NỔI TIẾNG THẾ GIỚI CHỈ VỚI MỘT TÁC PHẨM

MARGARET MICHELL - NHÀ VĂN NỮ NỔI TIẾNG THẾ GIỚI CHỈ VỚI MỘT TÁC PHẨM


(chuyencamcuoi.blogspot.com) - Nhiều nhà văn nữ nổi tiếng thế giới như Agtha Christie của Anh, Francoise Segan của Pháp, hoặc Quỳnh Dao của Trung Quốc....phải vượt qua một thời gian dài, xuất bản nhiều tác phẩm, mới được công chúng nhìn nhận. Thế nhưng có một nhà văn nữ trở thành tác giả lớn của thế giới chỉ nhờ một tác phẩm duy nhất, được dựng thành phim, được dịch ra mấy chục thứ tiếng. Đó là bà Margaret Michell của Mỹ với tác phẩm "Cuốn theo chiều gió" (Gone With The Wind), và mới đây đài CBS đã chiếu lại bộ phim về cuộc đời của bà rất cảm động.

* "Cuốn theo chiều gió", tác phẩm lớn của văn chương thế giới.

Tất cả các sách tuyển tập của thế giới về các kiệt tác văn chương đều có tuyển chọn tác phẩm "Cuốn theo chiều gió" của Margaret Michell. Đây là câu chuyện tình cảm động lấy bối cảnh miền quê Atlanta, tiểu bang Georgia (Đông Nam nước Mỹ).

Nhân vật chính của truyện là nàng Scarlet O'Hara - một thiếu nữ con nhà quyền quý, yêu đơn phương một chàng trai phong nhã tên là Ashley Wilkes, nhưng Ashley lại không yêu Scarlet O'Hara, mà yêu và lấy em gái của cô. Vì thế Scarlet rất buồn, đâm ra sống bất cần, rồi lấy một người chồng mà cô không hề yêu thương. Người chồng này một năm sau đã chết.

Trong cuộc nội chiến giữa Nam, Bắc của nước Mỹ, gia đình Scarlet O'Hara bị sa sút, khánh tận cô phải làm tất cả mọi việc để cứu vãn gia tài, điền trang của nhà mình khỏi phải lọt vào tay những kẻ mà cô cho là không xứng đáng. Vì vậy cô đã nhận lời làm vợ của Rhett Butler, một kẻ đầy tiếng xấu nhưng rất giàu. Scarlet O'Hara không yêu Rhett Butler, nhưng chàng thì rất yêu Scartet, giúp nàng tiền bạc, lại xây cho nàng một ngôi nhà rất đẹp. Hai người có một con gái. Rhett Butler rất yêu thương con gái của mình. Sau khi cô con gái này bị tai nạn chết, khiến cho Rhett Butler buồn vô hạn, và trở nên lạnh lùng với Scarlet O'Hara. Lúc này thì Scarlet O'Hara mới cảm thấy sự ê chề của cuộc sống. Cô ta chẳng còn ước mơ gì nữa, và mới hiểu được cô đã thực sự yêu chồng của mình. Rhett Butler đã chiếm hữu tâm hồn của nàng và nàng đã yêu Rhett Butler rất sâu đậm. Tuy nhiên, mọi việc dường như đã trở thành quá muộn. Ngày Rhett Butler yêu cô say đắm thì cô ta lại luôn mơ màng nhớ nhung người trong mộng của ngày xưa là Ashley Wikes, đến khi cô cảm nhận được tình yêu mà cô dành cho chồng của mình, thì tình yêu mà Rhett Butler dành cho cô đã nguội lạnh.

Cuối cùng Rhett Butler đã quyết định bỏ nàng và đi thật xa.....Vì cũng đã từ rất lâu chàng nghĩ cô vẫn còn ôm ấp mối tình đơn phương với Ashley. Nhìn bóng chồng dần khuất sau khung cửa cô đau đớn chạy theo và khi bước vội vàng xuống cầu thang và muốn nói với chàng lời yêu thương cũng như  báo cho chồng biết cô đã mang thai một lần nữa. Nhưng vì vội vã, Scarlet đã bướt hụt và té nhào từ trên cao xuống, nàng ngất xỉu khi định nói "Anh yêu, em yêu anh vô cùng, đừng bỏ em và con của chúng ta. Câu chuyện được kết thúc ở đây.

Một câu chuyện tình thật buồn, được tác giả diễn tả tỉ mỉ và đầy xúc động.

Tác phẩm được xuất bản năm 1936, ngay lập tức trở thành nổi tiếng khắp nơi. Năm 1937 tác giả nhận được giải thưởng văn học Pulitzer. Đến năm 1939 thì tác phẩm được đạo diễn Victor Fleming và Sam wood dựng thành phim trở thành kiệt tác thế giới. Đến nay, hơn 65 năm sau vẫn còn làm say mê hàng triệu khán giả trên thế giới!

* Đôi dòng tiểu sử

Bà Margaret Michell sinh ngày 8 - 11- 1900 ở Atlanta, tiểu bang Georgia ( miền Đông Nam nước Mỹ). Tên đầy đủ của bà là  Margaret Munnerlyn Michell. Cha bà là một luật sư khá nổi tiếng, thuộc Hội Nghiên cứu Lịch sử Atlanta (A.H.R.A) và có nguồn gốc người Scotland di cư. Mẹ bà cũng là một nhà nghiên cứu lịch sử và có gốc người Pháp di cư..

Margaret  Michell từng theo học y khoa ở Đại học Smith, nhưng nửa chừng thì bỏ dở vì mẹ bà qua đời, bà phải về quê chăm sóc cha và anh. Để đỡ buồn, bà tập tành viết báo, ký tên là Peggy Michell. Chính trong thời gian làm báo này mà bà gặp và kết hôn với nhà báo John March vào năm 1925 ông vừa giúp đỡ, vừa biên tập tất cả bài viết của bà Margaret Michell.

Năm 1926 bà bị tai nạn ở chân, không đi lại được nhanh nhẹn, nên đành bỏ nghề viết báo, ở nhà viết truyện gửi đến các nhà xuất bản.  Nhưng cũng chẳng được nhà xuất bản nào nhận in. Theo đề nghị của chồng, bà bắt tay vào viết tiểu thuyết dựa trên tư liệu lịch sử mà Hội Nghiên cứu Lịch sử Atlanta của  thân phụ bà cung cấp. Bà viết đến đâu thì đưa cho chồng đọc và sửa lại đến đó. Ròng rã suốt hơn 9 năm trời. Sách viết xong để dành trong ngăn kéo, và vẫn chưa có tựa đề.

Đến giữa năm 1935, Harold Latham, Phó giám đốc nhà xuất bản lớn ở Mỹ thời bấy giờ, nhân một chuyến đến Alanta, đọc được bản thảo tập truyện của Margaret Michell, bèn nhận lời in, và đặt tên là "Cuốn theo chiều gió" (Gone With The Wind).

Thật bất ngờ, tháng 6 -1936 khi sách in ra, được độc giả hâm mộ nồng nhiệt, chỉ trong 6 tháng đã bán gần 1 triệu bản! Tính tới năm 1962 đã bán được trên 10 triệu bản tiếng Anh, không kể các bản dịch của hơn 30 thứ tiếng khác.

Phút chốc Margaret Michell nổi tiếng như cồn. Độc giả tìm đến thăm bà quá đông đến nỗi bà phải đi trốn vì không muốn bị quấy rầy liên tục.

Năm 1939 "Cuốn theo chiều gió" được Hollywood dựng thành phim với hai diễn viên tài danh Clark Gable đóng vai Rhett Butler) và Vivien Leigh (đóng vai Scarlet). Bộ phim nhận được 10 giải OSCARS năm đó, một kỷ lục thời bấy giờ!

Margaret Michell trở nên vừa nổi tiếng, vừa giàu có, nhưng vẩn sống rất giãn dị. Bà thường nói: "Mọi người cho tôi là kẻ tài giỏi, thành công, nhưng thực ra tôi chẳng là gì cả."

Hình như bà có cố gắng viết thêm một vài tác phẩm nào đó, nhưng không cho in ra nên chẳng ai biết như thế nào.

Sau đó, người ta cố gắng viết một tác phẩm "Hậu cuốn theo chiều gió" theo phong cách Margaret Michell, nhưng không thành công. Mà cho dù bà Margaret sống lại cũng chưa chắc viết được. Văn chương là như thế, cảm xúc và hứng khởi chân thật chỉ đến một lần cho mỗi nhà văn....

Bà Margaret Michell qua đời tại Atlanta ngày 16-8-1949 vì một tai nạn xe cộ, ở tuổi 49. Ngôi nhà của bà ở Atlanta ngày nay là một di tích văn học, được du khách thế giới thăm viếng đông đảo hằng năm....(Theo Mới Magazine) 

Post a Comment

 
Copyright © 2013 Chuyện Cấm Cười (Pmanth) | Powered by Blogger