Sunday, October 12, 2014

Lòng tham và sự thiếu hiểu biết đang hủy diệt Hội An

Lòng tham và sự thiếu hiểu biết đang hủy diệt Hội An

                                         Khu resort Fusion Alya ở Hội An đang từ từ bị kéo xuống biển. (Hình: Một Thế Giới)



HỘI AN (NV) - Tình trạng sạt lở ở thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam càng ngày càng nghiêm trọng. Một phó chủ tịch của thành phố này thú nhận đó là hậu quả của lòng tham và thiếu hiểu biết. 


* Các hãng dầu khí quốc tế ngại bất ổn trên biển Đông 
* Lãnh đạo biểu tình Hồng Kông gửi thư ngỏ cho Tập Cận Bình 
* Trung Quốc qua mặt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới 
* Tham vọng và âm mưu chiến lược của Trung Quốc ở biển Đông 


Trong vài ngày qua, mỗi ngày, biển lại ngoạm sâu vào bờ đến vài mét, khiến dải đất từ Cửa Ðại của Hội An đến sát huyện Ðiện Bàn của tỉnh Quảng Nam bị biến dạng. 

Ông Nguyễn Văn Dũng, phó chủ tịch thành phố Hội An, thừa nhận, tình trạng xói lở ở Hội An càng ngày càng nghiêm trọng. Riêng khu vực bãi tắm sát Cửa Ðại, trong bảy năm qua, biển đã lấn vào bờ 150 mét. Sóng biển hiện vẫn đang cuồn cuộn đánh vào bờ biển Hội An. 

Tại khu vực Cửa Ðại, bất kể chủ đầu tư đã dùng đủ cách, hai khu resort có tên là Fusion Alya và Vinpearl Hội An vẫn đang từ từ sụp xuống biển. Khu resort mang tên Fusion Alya có 50 biệt thự, mỗi biệt thự có giá khoảng 2.5 tỉ đồng. Chủ đầu tư đã bỏ ra vài trăm tỉ để xây dựng khu resort này nhưng vì sự xâm thực diễn ra càng ngày càng dữ dội nên dự án xây dựng phải bỏ dở.

Theo ông Dũng, thực trạng vừa kể là hậu quả của việc chống lại thiên nhiên. Khi thi công các khách sạn, khu resort dọc bờ biển, chủ đầu tư của những công trình này đã phá sạch các cánh rừng chắn sóng. 

Nay, muốn ngăn chặn tình trạng xói lở bờ biển ở Hội An phải xây dựng hệ thống kè biển dài khoảng 7 cây số nhưng nhà cầm quyền không có tiền. Xói lở đang làm nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch ngại đầu tư vào Hội An. Lượng du khách cũng đang bắt đầu giảm.

Chẳng riêng Hội An, tham lam và thiếu hiểu biết trong khai thác bờ biển, cát sông, rừng đã và đang hủy diệt nhiều khu dân cư ở Việt Nam. Hồi tháng 8 vừa qua, sau sự kiện 7 căn nhà nằm trên bờ kênh Nàng Mau, thuộc xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, đổ ụp xuống sông, báo chí Việt Nam đồng loạt cảnh báo về hiện tượng sạt lở đang lan rộng khắp đồng bằng sông Cửu Long. 

Lúc đó, viên chủ tịch xã Tân Long cho biết, hiện tượng vừa kể chưa từng xảy ra ở khu vực kênh Nàng Mau và theo viên chủ tịch này, nguyên nhân sạt lở là do tàu và sà lan chở cát thường xuyên qua lại, gây ra sóng mạnh đánh vào bờ. 

Hậu Giang hiện có hơn 100 điểm có thể sạt lở bất kỳ lúc nào. Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra trên nhiều đoạn sông Tiền, đặc biệt là đoạn chạy ngang phường 11, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Ðồng Tháp, hồi tháng 8, đoạn này sạt một khúc dài hơn 100 mét, ăn sâu vào đất liền khoảng 25 mét. Do khu vực sạt lở nằm sát một tổng kho xăng dầu nên các bồn chứa xăng, dầu đang có nguy cơ đổ ụp xuống sông. 

Tại tỉnh Tiền Giang, hiện có 150 điểm sạt lở dọc bờ sông, kênh rạch, đê bao ở các huyện: Cái Bè, Tân Phước, Cai Lậy, Châu Thành. 

Các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau cũng có vài trăm điểm đang trong tình trạng có thể sạt lở bất kỳ lúc nào. Hàng ngàn tỉ đồng đã được chi để chống sạt lở ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nhưng không hiệu quả.

Cũng trong tháng 8, chế độ Hà Nội loan báo, tình trạng lũ, lũ quét và sạt lở ở Việt Nam đang tăng theo thời gian. Từ năm 2000 đến nay, có 250 đợt lũ quét và sạt lở, khiến 646 người chết và mất tích, 351 người bị thương. 

Ngoài thiệt hại nhân mạng, lũ, lũ quét và sạt lở còn phá hủy 10,000 căn nhà, gây ngập và làm hư hại khoảng 100,000 căn nhà khác, vùi lấp hàng trăm héc ta đất canh tác, chưa kể những thiệt hại đối với các công trình giao thông, công trình thủy lợi, công trình dân sinh. 

Tổng thiệt hại do lũ, lũ quét và sạt lở gây ra trong 14 năm vừa qua được ước đoán khoảng 3,300 tỷ đồng. Theo nhà cầm quyền Hà Nội thì Tây Bắc, Tây Nguyên và miền Trung là những khu vực thường xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở. Nguyên nhân khiến lũ, lũ quét và sạt lở gia tăng là vì khai thác rừng bừa bãi trong một thời gian dài.

Chỉ trong đợt bão lũ xảy ra hồi tháng 7 vừa qua, lũ, lũ quét và sạt lở đất ở khu vực Tây Bắc của Việt Nam đã làm 24 người chết và mất tích. 

Do lũ, lũ quét và sạt lở gia tăng, từ năm 2006 đến năm 2013, nhà cầm quyền các địa phương đã phải di tản khoảng 172,000 gia đình ra khỏi các khu vực có thể xảy ra lũ quét và sạt lở. Tuy nhiên, theo kết quả một cuộc khảo sát thực hiện gần đây, vẫn còn khoảng 10,000 điểm dân cư có nguy cơ bị lũ quét, hay bị sạt lở, trong đó có 2,100 điểm dân cư được xem là có nguy cơ cao và rất cao. 

Giới hữu trách tại Việt Nam cho biết, trong vài năm qua lũ, lũ quét và sạt lở là loại thiên tai gây thiệt hại lớn nhất, đặc biệt là thiệt hại nhân mạng.  
G.Ð./Người Việt

Post a Comment

 
Copyright © 2013 Chuyện Cấm Cười (Pmanth) | Powered by Blogger