Tuesday, October 14, 2014

Nữ y tá "tận tụy" bị nhiễm Ebola ở Dallas, Texas

Nữ y tá "tận tụy" bị nhiễm Ebola ở Dallas, Texas



Nữ y tá Nina Phạm, hình chụp năm 2010, do tcu360.com cung cấp. (Hình: AP Photo/Courtesy of tcu360.com) 

 

 -Trưởng Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh: Tình trạng của Nina Phạm là “ổn định”
-Chó bị cách ly, "bảo đảm an toàn"

Thiên An/Người Việt

DALLAS, Texas (NV) -
Trường hợp bị lây nhiễm Ebola đầu tiên trong nội địa Hoa Kỳ vừa được xác định là một nữ y tá gốc Việt, Nina Phạm, 26 tuổi. Trả lời phóng viên Nhật Báo Người Việt, các giáo dân Giáo xứ Đức Mẹ Fatima, ở Fort Worth, Texas,  nơi gia đình Nina sinh hoạt vào mỗi Chủ Nhật, cho biết hiện "sửng sốt," và kêu gọi “hãy cầu nguyện cho Nina.” 



* Dương tính với Ebola

Nữ nhân viên y tế Texas có kết quả xét nghiệm dương tính với Ebola mặc dù cô mặc đồ bảo hộ toàn thân khi săn sóc cho một bệnh nhân có tên Thomas Eric Duncan gốc Tây Phi.

Nina Phạm tốt nghiệp y tá bốn năm trước, tại trường Texas Christian University ở Fort Worth vào năm 2010. Cô hiện làm việc tại bệnh viện Texas Health Presbyterian Hospital ở Dallas, cũng là nơi cô và khoảng 50 nhân viên y tế khác tiếp xúc với bệnh nhân Ebola .

Sau khi bệnh nhân Duncan mất vào Thứ Tư tuần trước, cô Nina Phạm bị cách ly vào Thứ Sáu để xét nghiệm. Kết quả dương tính được công bố vào Chủ Nhật.

Một người thân của Nina Phạm, danh tánh chưa công bố, cũng đang được cách ly để chờ xét nghiệm.
Hiện tại, trưởng Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh (CDC), Bác Sĩ Thomas Frieden, cho biết tình trạng của Nina Phạm là “ổn định.”

Riêng về chú chó nhỏ loại Cavalier King Charles Spaniel của Nina Phạm, ông Mike Rawlings, thị trưởng Dallas, nói chú chó hiện bị cô lập và theo dõi "tại một địa điểm bí mật," nhưng giới hữu trách không có kế hoạch để giết nó. "Chú chó rất quan trọng với nhân vật và chúng tôi muốn bảo đảm an toàn cho nó."

Ở Tây Ban Nha, khi một y tá phát hiện nhiễm Ebola, giới hữu trách đã quyết định giết chú chó của người này vì theo một số nghiên cứu, chó là một trong các loài động vật có thể lan truyền khuẩn Ebola. Tuy vậy, hiện chưa có trường hợp nào xác minh điều này trên thực tế.

Khu nhà chung cư "apartment" nơi Nina được khử trùng và kiểm tra nhiều lần trong suốt cuối tuần qua, theo thông tấn xã AP.


Bệnh viện Texas Health Presbyterian Hospital ở Dallas, nơi Nina Phạm và khoảng 50 nhân viên y tế khác tiếp xúc với bệnh nhân Ebola. (Hình: Getty Images)

* Giáo xứ xôn xao
“Khi giáo xứ vừa nhận được tin tức, mọi người vừa cảm thông cho hoàn cảnh của gia đình, nhưng nhiều người cũng sợ vì trong những ngày cuối tuần qua có tiếp xúc trực tiếp với mẹ của Nina,” Thầy Sáu Michael Hoàng Quý, phó tế giáo xứ Đức Mẹ Fatima ở Fort Worth, chia sẻ với phóng viên Nhật Báo Người Việt.

Ông cho biết gia đình Nina là một trong những gia đình Công Giáo thường xuyên sinh hoạt và đóng góp cho giáo xứ.

“Khi bà Ngọc, mẹ của Nina, nói chưa gặp con gái từ hồi Tháng Tám đến giờ, nên mọi người cũng bớt lo lắng...”

Theo lời ông Hoàng Quý, Nina và người em gái từng là học viên của lớp giáo lý Việt Ngữ cho đến khi lên đại học.

“Khi thấy hình của Nina lên báo là tôi nhận ra ngay. Hồi đó cô học với chúng tôi mỗi Chủ Nhật. Nina hiền và dễ thương lắm, năng động, hòa đồng, mọi người ai cũng thương mến.”

Hôm Thứ Hai, Giáo phận Fort Worth cũng ra thông cáo kêu gọi: “các giáo hữu cầu nguyện cho y tá bị nhiễm Ebola và cho gia đình và người thân của cô.”


Lễ cầu nguyện tại Giáo Xứ Đức Mẹ Fatima, Fort Worth, Texas, tối 13 tháng 10, 2014. (Hình: AP Photo/The Fort Worth Star-Telegram, Mark Rogers)

Ông Thomas Hà, một người cũng sinh hoạt tại giáo xứ Đức Mẹ Fatima, kể lại phút “sửng sốt” khi biết tin về Nina Phạm: “Người Việt Nam tuy hay theo ngành y tế, nhưng số người Việt Nam ở đây cũng chỉ là số ít. Nước Mỹ văn minh vậy mà cũng không ngăn ngừa được Ebola, Nina thật không may khi là người đầu tiên mắc căn bệnh quái ác này.”

Ông Thomas nói mẹ Nina chính là người gọi cho hội đoàn của bà trong giáo xứ để báo tin. “Bà vừa kể, vừa khóc,” ông Thomas kể rằng gia đình rất đau buồn và không muốn tiếp chuyện báo giới.
Ông Thomas gọi Nina là “nữ anh hùng” khi là một trong những y tá giúp chữa trị cho bệnh nhân Ebola, ông Duncan. “Tôi đoán, với trái tim của cô, cô đã vượt qua những gì phải làm để giúp đỡ người đang cần.”

“Xin mọi người hãy cầu nguyện cho em Nina và gia đình,” những giáo dân tại Đức Mẹ Fatima trả lời phỏng vấn Nhật Báo Người Việt, như bà Đỗ Lựu, ông Thomas Hà và Thầy Sáu Hoàng Quý, kêu gọi.
Hiện gia đình của Nina Phạm vẫn từ chối trả lời báo giới. Từ hôm Chủ Nhật, trang Facebook của Nina không còn trên mạng.



Một số cảnh sát ở Dallas đang đứng trước nhà một người bị tình nghi nhiễm Ebola. (Hình: Getty Images)

* Chưa rõ lý do nhiễm khuẩn

Bác Sĩ Thomas Frieden, trưởng CDC, trước đó có nói rằng “rõ ràng có sự vi phạm về thủ tục an toàn”, và rằng tất cả những ai săn sóc cho ông Duncan nay được xem đã có nguy cơ tiếp cận với dịch bệnh.

Tuy vậy, ông Frieden hôm thứ Hai vừa nói lời xin lỗi với nhân viên bệnh viện, và nói “sự vi phạm về thủ tục an toàn” không chứng tỏ sự thiếu cố gắng của các nhân viên và bệnh viện.

“Tôi xin lỗi đã làm mọi người nghĩ rằng tôi chỉ trích bệnh viện,” ông Frieden nói hôm Thứ Hai, “Tôi rất lấy làm tiếc là một nhân viên y tế đã bị nhiễm bệnh khi giúp bệnh nhân Ebola.”

Ông Friden nói hiện phía điều tra chưa rõ vì sao cô Nina Phạm bị nhiễm khuẩn. Ông khẳng định là các thủ tục về an toàn, như quần áo bảo hộ và mặt nạ, là hoàn toàn bảo vệ được các nhân viên y tế trong hàng thập niên qua.



Giới hữu trách đưa chú chó của Nina Phạm từ khu nhà apartment đến "một địa điểm bí mật" để cách ly. (Hình: Mike Stone/Getty Images)


Toàn bộ sự việc bắt đầu khi bệnh nhân Duncan từ Liberia đến Hoa Kỳ để thăm gia đình vào hôm 20 tháng 9, và năm ngày sau thì đến bệnh viện xin được khám vì lên sốt và đau ở vùng bụng. Tuy ông có nói với y tá rằng ông đến từ Phi Châu nhưng vẫn được cho về nhà.

Ông Duncan trở lại khám vào ngày 28 tháng 9 và bị giữ ở phòng cách ly vì tình nghi bị nhiễm Ebola. Ông qua đời vào hôm Thứ Tư.

Khi mới đặt chân đến Dallas, tuy không tỏ dấu hiệu bị bệnh nào nhưng ông Duncan đã từng tiếp cận với Ebola. 
Láng giềng ông ở Liberia tin rằng ông bị lây nhiễm khi giúp đỡ một phụ nữ mang thai cạnh nhà, người sau đó qua đời vì Ebola.
Về việc y tá Nina Phạm bị nhiễm bệnh khi chăm sóc bệnh nhân Ebola, Bác sĩ Thomas Frieden nói: “Việc xảy ra trường hợp nhiễm Ebola đầu tiên tại Mỹ đã thay đổi một số điều và không thay đổi một số điều khác. Nó không thể đổi sự thật về cách thức khuẩn Ebola lây nhiễm. Nó không thể đổi việc khuẩn Ebola có thể được chữa trị một cách an toàn. Nhưng nó rõ ràng thay đổi cách chúng ta tiếp cận nó.”

Đồng thời, hiện có tin cho biết tại một bệnh viện khác có tên Baptist Medical Center, một bệnh nhân cũng đang được giữ trong lúc xác định xem có bị Ebola hay không.
--

Post a Comment

 
Copyright © 2013 Chuyện Cấm Cười (Pmanth) | Powered by Blogger