Điểm mặt 10 hacker khét tiếng nhất thế giới
Dù là để thử thách bản thân và thỏa chí tò mò, những hacker này cũng đã phải ngồi tù ít nhất vài tháng cho hành động của mình.
Trong quá trình sử dụng máy tính cá nhân, chắc hẳn
đã có lúc bạn gặp phải tình trạng máy bị nhiễm virus và có thể gây mất
ổn định hệ thống. Dẫu vậy, đây rất có thể chỉ là một loại virus “lành
tính”. Trong lịch sử ngành công nghệ, đã xuất hiện vô số những con virus
có thể gây tê liệt toàn bộ hệ thống của một loạt các tập đoàn lớn trên
thế giới và gây ra thiệt hại khó lòng đong đếm. Chúng chính là kết quả
quá trình “dày công” nghiên cứu của các hacker tài năng.
10. Loyd Blankenship
Loyd
Blankenship là một hacker chưa từng thực hiện một sự vụ đáng chú ý nào
trên danh nghĩa cá nhân bởi ông là thành viên của nhóm Legion of Doom
(đối thủ của nhóm hacker nổi tiếng Masters of Deception) vào những năm
80 của thế kỉ trước. Có biệt hiệu là The Mentor, Loyd bắt đầu được người
ta biết đến sau khi xuất bản cuốn sách bán chạy The Hacker Manifesto
(tạm dịch: Tuyên ngôn Hacker) được ông bắt đầu viết sau khi bị bắt vào
năm 1986. Cuốn sách này có nội dung chính để bảo vệ hacker và một phần
khẳng định họ thực hiện những vụ hack chỉ để thỏa chí tò mò chứ không hề
có ý xấu.
9. Stephen Wozniak (Steve Wozniak)
Có
thể bạn chưa biết người đồng sáng lập ra Apple đã từng là một hacker.
Khi còn là một sinh viên tại trường Đại học California, Hoa Kỳ, ông đã
từng tạo ra một thiết bị cho phép người dùng thực hiện các cuộc gọi điện
thoại đường dài hoàn toàn miễn phí. Không lâu sau khoảng thời gian này,
Stephen bắt đầu làm việc cùng Steve Jobs và tạo ra thương hiệu Apple
Computer.
8. The Masters of Deception
Vào
những năm 1980, một nhóm các hacker đã tụ tập với nhau để tạo ra một tổ
chức có tên gọi Legion of Doom. Theo đó, tổ chức này ra đời với “sứ
mệnh” đột nhập vào mạng lưới của các tập đoàn lớn để phá hoại. Không lâu
sau đó, một vài thành viên của tổ chức đã quyết định tách nhóm để lập
ra một tổ chức đối thủ mới cho riêng mình với tên gọi Masters of
Deception (MoD). Trong suốt quá trình hoạt động, nạn nhân đáng chú ý
nhất của MoD là nhà mạng AT&T khi băng nhóm hacker này đột nhập
thành công và phá hoại được hệ thống mạng lưới trên diện rộng của họ.
Năm 1992, MoD bị phát hiện, một vài thành viên của nhóm phải vào tù, số
còn lại được hưởng án treo.
7. Adrian Lamo
Adrino
là một hacker khét tiếng, người có thể thực hiện việc phá hủy các kết
nối an ninh từ bất kì đâu như quán cà phê, thư viện... Theo Adrian tâm
sự, anh làm việc này chỉ đơn thuần mang tính giải trí và như một cách để
thách thức bản thân. Vì vậy, khi đột nhập được vào hệ thống, đích thân
Adrian thường thông báo cho chủ website về các lỗ hổng bảo
mật. Trong quá trình hoạt động, anh đã từng thêm được tên mình vào danh
sách các chuyên gia của tờ New York Times, một việc được cho là cực kì
khó lúc bấy giờ. Adrian bị bắt năm 2003. Anh cũng chính là người đã tố
cáo Bradley Manning, người đã cung cấp các tài liệu mật liên quan đến
chính phủ Hoa Kỳ cho Wikileaks.
6. Sven Jaschan
Năm
2004, thế giới Internet đã hoảng loạn vì một loạt các virus có tốc độ
lây lan cực kì nhanh mang tên gọi Netsky và Sasser. Hai loại mã độc này
lan nhanh tới mức chỉ trong một thời gian ngắn nó đã tạo ra đến 70%
lượng malware đang phát tán trên Internet lúc bấy giờ. Thật đáng ngạc
nhiên khi đứng đằng sau tất cả sự vụ này chỉ là một cậu thiếu niên có
tên Sven Jaschan. Cậu chàng sau đó đã bị bắt và phải ra hầu tòa, tuy
nhiên, do cậu vẫn đang ở tuổi vị thành niên nên chỉ phải chịu án treo.
Mặc dù lý lịch không còn trong sáng do tội... nghịch phá, tài năng của
Sven vẫn được săn đón cực kì ráo riết. Anh nhanh chóng được nhận vào làm
việc cho một công ty an ninh mạng để giúp họ phát triển các giải pháp
chống lại virus.
5. David L. Smith
David
chính là tác giả của virus nổi tiếng mang tên Melissa. Theo đó, dạng
nguyên bản của virus này được phát tán qua email và nó chính là loại
virus đầu tiên được chuyển đến các nạn nhân thành công thông qua hình
thức này. Các chuyên gia ước tính thiệt hại mà virus Melissa gây ra đã
lên tới con số 80 triệu USD. David nhanh chóng bị bắt sau đó và bị kết
án 5 năm tù.
4. Michael Calce
Mới chỉ 15 tuổi, Michael Calce
đã có khả năng đánh sập tạm thời hệ thống của các dịch vụ nổi tiếng như
Yahoo, Amazon hay eBay. Sử dụng mật danh MafiaBoy, Calce thường đánh
sập các website bằng cách sử dụng phương pháp tấn công từ chối dịch vụ
(DoS). Đáng lẽ ra, Michael đã có thể tận hưởng “chiến thắng” của mình
một cách trọn vẹn mà không bị các nhà chức trách sờ gáy nếu như anh
chàng không mạnh miệng khoe khoang về thành tích của mình trên một phòng
chat online. Hậu quả là Michael đã phải chịu án giam lỏng 8 tháng cộng
một khoản tiền phạt. Cậu cũng bị bắt buộc hạn chế sử dụng Internet.
3. Robert Tappan Morris
Năm
1988, một người sở hữu đến hai tấm bằng cử nhân của hai trường Đại học
Cornell và Đại học Harvard có tên Robert Tappan Morris đã quyết định thử
kiểm tra độ lớn của Internet. Anh đã thực hiện việc này bằng cách tạo
ra virus mang tên Morris. Virus này cuối cùng đã lây nhiễm đến 6.000
thiết bị máy tính Unix quan trọng, gây tê liệt hoàn toàn và gây ra thiệt
hại đến hàng triệu USD. Hiện nay, chiếc đĩa mà Morris từng dùng để ghi
virus lên đang được trưng bày tại Bảo tàng Khoa học Boston còn Morris
thì đang là một giáo sư tại Học viện Công nghệ Massachusetts.
2. Kevin Poulsen
Kenvin
bắt đầu sự nghiệp hacker của mình bằng cách đột nhập vào hệ thống điện
thoại của một đài radio và trở thành người gọi điện thứ 102. Kết quả là
anh đã trúng thưởng một chiếc xe Porsche. Anh cũng đã từng đột nhập vào
các hệ thống nhà mạng điện thoại để kích hoạt các số máy cũ hay thậm chí
là phá hoại cơ sở dữ liệu của cục điều tra liên bang.
Hiện nay, Kenvin đang là một cây viết cho tờ Wired News.
1. Kevin Mitnick
Kevin
Mitnick không hề muốn người khác gọi mình là một hacker mặc dù đã tự
tay đột nhập vào hệ thống của hàng loạt công ty và tập đoàn lớn như
Nokia, Fujitsu hay Motorola. Kevin bị bắt vào năm 1995 và đã phải ở
trong tù trong suốt 7 năm. Hiện nay anh đang là người điều hành của một
công ty tư vấn các giải pháp an ninh cho hệ thống máy tính do chính anh
thành lập. (Theo Đất Việt)
Post a Comment