Tổng thống Putin công khai thách thức Tổng thống Obama
Trong lúc Tổng thống Mỹ Barack Obama đang cân nhắc hành động quân sự chống lại Syria, thì hôm qua (31.8), Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố cáo buộc chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học là "hoàn toàn vô lý". Và ông Putin nói Mỹ hãy "cho xem bằng chứng".
|
Ngày (31.8), phát biểu trước báo giới ở Vladivostok, ông Putin nói với các nhà báo quốc tế rằng, các thanh sát viên Liên Hợp Quốc và Hội đồng Bảo an cần phải biết rõ chứng cứ đó.
Ông Putin cũng nói thêm, việc cáo buộc chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học là “hoàn toàn vô lý.”
“Quân đội chính phủ Syria đang trên đà tấn công và bao vây phe đối lập ở một số khu vực. Trong những điều kiện này, tự dưng họ đưa ra một con át chủ bài cho những người luôn kêu gọi một cuộc can thiệp quân sự là hoàn toàn vô lý” - ông Putin nói.
Liên quan đến việc cung cấp bằng chứng của Mỹ, ông Putin nói: "Cứ bảo có bằng chứng nhưng lại nói đây là bí mật, không cho ai xem, thì làm sao mà không bị phê phán. Nếu có bằng chứng, hãy cho xem. Nếu không đưa được ra, thì tức là chẳng có bằng chứng nào".
"Vì thế, tôi tin rằng đây chẳng qua là sự khiêu khích của những kẻ muốn kéo các nước vào xung đột Syria. Những kẻ muốn có sự ủng hộ của các thế lực mà dĩ nhiên đầu tiên là Mỹ.
Về lập trường, các đồng minh, bè bạn của Mỹ bảo rằng chính phủ Syria dùng vũ khí giết người hàng loạt - ở đây là vũ khí hóa học – và nói họ có bằng chứng, vậy hãy đưa cho nhóm thanh sát Liên Hợp Quốc và Hội đồng Bảo an", ông Putin nói.
Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng Nga giữ lập trường nhất quán trước sau như một, kiên quyết chống lại việc sử dụng bất kỳ loại vũ khí hủy diệt hàng loạt. Điều đó cũng áp dụng cả cho vũ khí hóa học.
“Trước hết, tôi muốn nói với Tổng thống Obama không phải như là với người đồng nhiệm, cũng không phải là với Tổng thống Mỹ, mà là với người từng nhận giải Nobel Hòa bình” - nhà lãnh đạo Nga nói. Theo lời ông Putin, cần nhớ lại xem những trong thập kỷ qua, có bao nhiêu lần Mỹ đã khởi xướng những cuộc xung đột vũ trang tại các khu vực khác nhau trên thế giới. Và bằng cách như vậy, Mỹ đã giải quyết được một vấn đề nào chưa? Tổng thống Putin nêu các điển hình cụ thể là Afghanistan và Iraq.
"Cần phải xem xét kỹ lưỡng tất cả những điều này, trước khi thông qua quyết định giáng đòn tấn công, mà hiển nhiên sẽ gây ra thương vong bao gồm cả dân thường” - ông Putin khẳng định.
Mỹ xem xét "hành động có giới hạn" đối với Syria
Trong khi đó, phát biểu hôm 30.8, Tổng thống Barack Obama nói vụ tấn công ở khu ngoại ô Damascus ngày 21.8 là "một thách thức đối với thế giới" và là sự xâm phạm "lợi ích an ninh quốc phòng" của Mỹ.
"Chúng ta không thể chấp nhận một thế giới nơi mà phụ nữ, trẻ em và những thường dân vô tội có thể bị đầu độc ở một quy mô kinh khủng như vậy", ông Obama nói.
Ông Obama nhấn mạnh ông chưa có “quyết định chung cuộc” về khả năng tấn công, nhưng đang xem xét tới điều mà ông gọi là “một hành động có giới hạn, thu hẹp". Đây là dấu hiệu rõ nhất rằng cuộc tấn công sắp xảy ra.
Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: Reuters
|
Vài giờ sau khi ông Obama cho biết như trên, một nhóm thanh sát viên Liên Hợp Quốc đã rời khỏi Syria sau khi đến nước này để điều tra những vụ tấn công hồi tuần trước. Một phát ngôn viên Liên Hợp Quốc cho biết nhóm chuyên viên này sẽ cố gắng hoàn tất sớm việc phân tích các mẫu xét nghiệm mà họ thu thập tại địa điểm xảy ra những vụ tấn công.
Bình luận trên của ông Obama được đưa ra ngay sau khi Ngoại trưởng John Kerry phát biểu về điều mà Washington gọi là kết quả điều tra tình báo "với độ tin cậy cao" về cuộc tấn công ngày 21.8. Theo báo cáo, cuộc tấn công đã khiến 1.429 người thiệt mạng, trong đó có 426 trẻ em. Hơn 100 video về hiện trường vụ tấn công cho thấy nhiều người có dấu hiệu nhiễm chất độc gây rối loạn thần kinh. Những đoạn đối thoại bị nghe lén bao gồm một cuộc đàm thoại từ một quan chức cấp cao của Damascus "xác nhận vũ khí hóa học đã được sử dụng" và bày tỏ lo ngại về việc bị các thanh sát viên Liên Hợp Quốc phát hiện.
Ông John Kerry cũng gọi Tổng thống Bashar al-Assad là "tên côn đồ và kẻ sát nhân".
Đáp lại điều này, hãng thông tấn chính phủ Syria Sana nói ông Kerry đã "đưa chi tiết từ các tin cũ, do quân khủng bố đưa ra hơn một tuần trước".
Còn Tổng thống Pháp Francois Hollande nói rằng cuộc bỏ phiếu của Quốc hội Anh sẽ không ảnh hưởng đến ý chí của Pháp trong hành động ở Syria.
Ông Hollande ủng hộ hành động trừng phạt “mạnh mẽ” vì cuộc tấn công gây tổn hại "không thể khắc phục" cho người dân Syria.
Nga bị chỉ trích
Ba Lan vừa quy kết một phần trách nhiệm trong việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria cho Nga. “Tôi tin rằng nếu như Nga hứa bảo đảm việc giám sát các kho vũ khí hóa học của Syria, quyết định tương tự đã có thể có tác động đáng kể đến diễn biến tình hình”, - Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski tuyên bố.
Ngoại trưởng Sikorski nhấn mạnh rằng Nga như một quốc gia kế tục của Liên Xô cũ phải chịu trách nhiệm về sự hiện diện của vũ khí hóa học ở Syria. “Chúng tôi biết rằng kho vũ khí hóa học của Syria đã được hình thành từ thời Xô Viết. Đây là công nghệ của Liên Xô”- ông Sikorski nhấn mạnh.
Thủ tướng Đức Angela Merkel thì không chỉ chỉ trích Nga mà còn cả Trung Quốc vì lập trường với Syria.
“Rất tiếc là Nga và Trung Quốc thời gian qua từ chối có lập trường chung về xung đột Syria. Điều này làm suy yếu đáng kể vai trò Liên Hợp Quốc” - bà Merkel nói trong một cuộc phỏng vấn.
Nhưng bà Merkel loại trừ khả năng Đức tham gia hành động quân sự trừ phi cộng đồng quốc tế bật đèn xanh. “Đức không thể tham gia can thiệp quân sự mà không có sự cho phép của Liên Hợp Quốc, NATO hay EU” - bà Merkel nói. (Theo Tin Mới)
Post a Comment